Nơi cửa rừng đầy gió – Truyện ngắn của Võ Văn Trường

552

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nắng chiều hoang hoải đậm, nhạt, đôi lúc vàng rộm cả mảnh sân đã cũ, nham nhở những vệt bong tróc, có chỗ thành rãnh nhỏ, bởi đường nứt của mặt nền xi măng tráng quá mỏng lại không đều để những bụi cỏ ở đâu đó bức bí dưới đất tìm đường ngoi lên, chứng minh về sự hiện diện của mình. Bắc chiếc ghế đẩu ngồi góc nhà, bà Năm nhìn về đâu đó xa xăm, chẳng tí tẹo để ý về một cơn giông tháng Hạ đì đoàng đang đến gần. Những hạt mưa lẫn trong nắng bay chéo trước mắt mỗi lúc một dày hơn.

Tác giả Võ Văn Trường 

Nhỏm dậy khỏi ghế, cứ thế bước ra sân, đó cũng lúc cơn mưa chiều vùng cao đã bủa vây trắng xóa. Có tiếng người đâu đó í ới.

– Thằng Tèo, thằng Tí đâu… nhanh đưa bà Năm vào nhà.

– Đã bảo trời gần mưa, canh chừng rồi mà cứ bỏ đi chơi đâu đấy…

Hai đứa trẻ trạc chừng trên mười tuổi con nhà hàng xóm cạnh nhà bà Năm ào ra, đứa tay dắt đứa canh me phía sau như sợ bà trượt ngã để dìu vào nhà.

– Lo gì, mưa mà sợ nỗi gì… Bà Năm lẩm bẩm.

*

Trong câu chuyện thím ba Cảnh kể tôi áng chừng cũng chục năm nay, bà Năm vẫn vậy. Cứ mưa là bỏ nhà ra đi, từ ngày chồng mất sau mấy hôm, tâm tính bà khang khác, chỉ có mấy hộ ở cái xóm nhỏ cửa rừng này là mang máng hiểu. Rồi cũng có lời tiếng đồn đoán, “Bà Năm giận bản thân, gây ra cảnh vợ chồng đầu ấp tai gối “cơm không lành canh không ngọt” để rồi người chồng tàn tật phiền muộn ra đi mà trong bụng không miếng cơm, thìa cháo. Bà hận bà già rồi mà ma quỷ nào xui đem lòng ghen bóng ghen gió với người phụ nữ hàng xóm dù ông hết lòng yêu thương bà”.

Ánh điện nê-ôn mắc trên kèo nhà được cột bằng những sợi dây vải tuy thít chặt gọn gàng (nhưng tự nó cho biết trong ngôi nhà từ lâu đã thiếu vắng bàn tay người đàn ông), bị khuất bởi tấm rèm vải vàng ỏng. Bầy mằn hăng theo ánh điện bay vòng vòng, cạnh đó là con thằn lằn đã tự tại từ lúc nào thi thoảng nhướn từ sau tấm vải ra lè lưỡi quơ vội mấy con mồi, rồi thậm tha thậm thụt rút đầu vào. Đôi mắt ngớ ra nhiều lúc như hiểu chuyện gì đó của con người. Lúc thì tách tách mấy tiếng không hẳn tặc lưỡi mà cũng chẳng biết có đồng tình hay không. Bên ngoài tiếng lạo xạo lá cây bởi những làn gió nơi cửa rừng cứ lạng lách đuổi nhau, rồi nhập vào màn đêm đen thin thít.

Ngôi nhà thím ba Cảnh vắng lặng, chỉ đôi lúc hai đứa trẻ trên sạp gỗ, coi như căn phòng riêng nơi chúng ngủ, bất chợt vang lên những tiếng cười dài dại vô hồn. Cả hai cùng chơi đùa với con mèo mướp xám ngoét, cùng hai con mèo con hình như mới sinh nở không lâu. Có lẽ hai đứa trẻ và lũ mèo quen thân nhau, khi chúng lấy tay chọc vào bụng chú mèo con, rồi một cái uốn mình, sau tiếng mèo cất lên là tiếng cười hai đứa trẻ. Cũng chẳng biết vui hay buồn.

Thím ba Cảnh lững thững vào góc nhà nơi có đặt áng thờ nhỏ đốt mấy que nhang, giũ giũ cái tay cho ngọn lửa que nhang tắt đi rồi mới cắm vào chiếc lộc bình le hoe mấy gốc nhang. Hình như cũng đã lâu mới có người đốt nhang. Mùi trầm hương, mùi ẩm mốc bay lên ngai ngái vị thuốc nào đó tôi từng bắt gặp chỗ mấy thầy thuốc nam, hình như là mùi ngải cứu, trần bì, cam thảo gì đấy được khử thổ.

Trước hồi vùng ni cả mấy chục gia đình chừ còn có ai đâu. Chiến tranh đã lấy đi hết cả rồi. Cửa rừng ni, hồi ấy là vùng giáp ranh, vô núi theo mấy ổng ai nuôi cha mẹ già. Ở lại cũng chẳng yên với lũ lính tráng, khát máu người như hổ như beo. Một buổi sáng thím ba Cảnh không thể quên trong cuộc đời, đó là sau đêm cộng sản về phục kích đánh đồn Thượng lượm gọn mấy tên ác ôn. Riêng tên Hiền đồn trưởng thì may thoát chết nhưng bị gãy mất một chân. Sáng hôm sau tức tối chúng xua lính lên trả hận tất cả những nhà dân xóm cửa rừng ông Bổn chúng kết tội là  “chỉ điểm” Việt cộng đánh đồn. Mặt trời mới ló dạng sau ngọn cây Chò Chim cổ thụ, tiếng giày đinh, tiếng súng R15 lên đạn lạch cạch, tiếng nói cười hố hố của đám lính do tên Hiền cầm đầu đã ở ngay trước nhà thím ba Cảnh. Không nói không rằng, chúng xộc ngay vào bộ phản ngựa ông Định là ba thím ba Cảnh đang nằm ngủ nắm lấy đầu tóc lôi ngay ra cửa, quật vào cột nhà vỡ toác, chết tươi, máu lênh loáng góc nhà. Mẹ của thím ba Cảnh hoảng sợ quá la khóc, chúng lấy rơm nhét miệng, trút canh dầu hỏa rồi châm lửa đốt nhà.

Lúc đó thím ba Cảnh vừa qua tuổi thiếu niên, bị đám lính lôi đi. Quá ngõ đến chỗ gốc chân Chò Chim cổ thụ bây giờ, thím mới với tay bám vào gốc cây rồi ngã vật xuống cố níu giữ để không bị kéo đi. Nhưng sức vóc người con gái làm sao cưỡng được mấy tay lính tráng nên sự bấu víu của người con gái ấy cũng chỉ đủ tạo những vết xước nhẹ vào gốc cây cổ thụ, trong khi đôi bàn tay con người thì đã rướm máu tươi… rồi bất tỉnh. Thím ba Cảnh kể, chỉ đến khi tỉnh dậy, thím mới nghe mùi tanh sực vào mũi, nước đâu ước sũng cả người. Thím quờ tay nắm chặt lấy một vật gì đấy đưa lên mắt xem thì là mớ lục bình trên con kênh bên đồn lính, trên người không mảnh vải.

*

Đau đớn đến tận cùng, còn hơn cả cái chết nhưng cái chết đã không đến với người con gái ấy. Không còn con đường nào nữa, nhà không còn, cha mẹ cũng không, cuộc sống đưa đẩy cô con gái đang tuổi của chú chim non chưa kịp ra ràng phải rời xa tổ ấm, lang thang ra phố dẫu biết những vết nhơ cuộc đời rồi sẽ thêm dày, những oán hận. Ngày đất nước thống nhất về lại nơi chôn nhau cắt rốn, người con gái tuổi mới lớn ngày nào bị cuộc chiến vùi dập, biết mình không thể có con, nên thím ba Cảnh lặng lẽ sống một mình, dù đôi lần có người để lòng yêu thương, đến tính câu chuyện góp gạo thổi cơm chung. Và hai đứa trẻ là cu Tí cu Tèo thím nuôi bây giờ là con của một người mẹ góa chẳng may qua đời ở một bãi vàng, cách đây mấy năm. Đáng thương chúng lại là những đứa trẻ không được lành lặn với căn bệnh động kinh. Lạ là chúng biết yêu thương và làm quen việc cứ chiều chiều trời chuẩn bị mưa, cả hai nhiệm vụ phải canh chừng bà Năm hàng xóm để đưa vào nhà. Và chúng làm rất tốt.

Bất giác tiếng hai đứa trẻ cười vang, tiếng con mèo mẹ gầm gừ, như đùa như thật. “Ác giả ác báo”. Thằng Hiền đồn trưởng ngày xưa cha mẹ đặt cho cái tên Hiền nhưng nó quá ác, còn ác hơn dã thú. Thế đời hắn sau này ra sao nữa – Tiếng một người nghe chuyện chen vào.

Thím ba Cảnh lặng lẽ không nói gì. Đôi mắt thất thần nhìn vào bóng tối đang vẽ những đường vằn vện trước mặt khi ánh đèn chỉ đủ soi ra khoảng không gian ngôi nhà vài mươi mét đang bị những tàn cây, che chắn… Tiếng gió và lá cây vẫn thì thào như trút xuống mỗi lúc dày hơn, đâu đó phía sau, rồi quanh cả căn nhà. Bởi xóm cửa rừng này mỗi nhà khá cách biệt nhau, dù không xa lắm.

Chú biết không, đời bà Năm cũng có sung sướng gì cho cam. Bà ấy không phải dân ở đây. Gái tứ chiếng tụ về Trại giáo dục nhân phẩm, ra trại không đường về, chung cảnh phận đàn bà thấy cũng thương.

– Đấy, mảnh đất chừ bà ấy ở là tui cho bả đấy.

– Nói xóm rừng nhưng không phải chỗ mô cũng có thể cắm cọc dựng nhà. Ngoài kia đất thuộc ban quản lý rừng của huyện, phía bọc quanh xóm nhà lại thuộc đất quản lý của Trại giáo dục nhân phẩm, xóm cũ xưa còn đủm nhỏ, nhà cửa hoang đồi, của ai nấy giữ… Ở đây cũng từng có khu vực dành cho những người trong Trại giáo dục nhân phẩm sau khi hết hạn, ra trại ở lại lập nghiệp. Đã có thời báo chí ca tụng trên mây, là vùng đất hồi sinh ấy chứ. Đúng thì cũng đúng mà cay thì cũng cay lắm. Nói gì thì nói làm sao bằng hòa nhập với cộng đồng…

Chuyện cũng đã lâu, bà Năm là tên quen gọi khi về với xóm cửa rừng ông Bổn và cũng là cách quên đi cái tên của một kiều nữ một thời sắc nước, hương trời mà cánh lái xe đường dài gọi theo biệt danh là “Hương dù Á hậu”. Sau Những lần truy quét của lực lượng chức năng với gái đứng đường chuyên nghiệp, kiều nữ tên Hương đã về trại, rồi ra trại, rồi lại vào… có người bảo, Hương không còn người thân thích, có người bảo không thể về làng quê cũ làm lại cuộc đời bởi tiếng chì tiếng bấc làng quê… Giấu mình nơi cửa rừng hoang vu, Hương gá tình với những tay anh chị, những đầu nậu bãi vàng, những kẻ tìm trầm… những mong về một cuộc đổi đời như ước mơ của bao kiều nữ một thời lầm lỗi.

Rồi cũng chẳng ai cắt nghĩa, vì sao Tết năm ấy, Hương gá tình với người đàn ông bị cụt một chân, họ cũng từ rừng đi ra, sau đợt truy quét bãi vàng của lực lượng chức năng. Cận Tết năm ấy Hương tổ chức bữa cơm thâm mật để mời mấy gia đình chòm xóm vừa để giới thiệu người đàn ông về sống chung và cũng để bày tỏ lòng biết ơn với xóm giềng, nhất là đối với thím ba Cảnh- người đã cho Hương cả thửa đất vườn để có chỗ dựng ngôi nhà họ đang ở bây giờ.

– Thôi thì cũng may cho nó. Có người hôm sớm. Người đàn ông khuyết tật đôi chân nhưng Hương thì có hơn gì đâu mà so sánh. Hì hụi nấu mấy đòn bánh tét rồi mang qua nhà Hương, ngay từ đầu ngõ, thím ba Cảnh bất chợt gặp ánh mắt người đàn ông bước ra từ căn nhà với tay cầm cây nạng gỗ. Họ sững sờ nhìn nhau như đã nhận ra điều gì.

– Chị hàng xóm đấy à.

– Vợ chồng tôi chịu ơn chị!

Đúng lúc đó, Hương cũng đã ra đón khách, kéo tay thím ba Cảnh vào nhà. Họ trò chuyện với nhau như người thân từ lâu.

*

– Ông ấy ngày xưa cũng nợ nần với mảnh đất này. Người đồn trưởng phía kia bờ suối Khan ngày giải phóng. Chiến tranh mà, từ mình gây oán hận rồi mình chuốt lấy.

– Thím ba Cảnh sững người.

– Ông ấy. Nó. Hắn… là tên ác ôn.

Cả hai người phụ nữ lặng im.

Tự nhiên lòng thím ba Cảnh nghe đau nhói, nước mắt chảy giàn giụa. Hay tay che mặt, trước mắt thím ba Cảnh hiện lên khung cảnh ngày nào, thím mới chỉ cô gái mới lớn. Chỉ thoáng chốt, gia đình đang đầm ấm yên vui lại trở nên tang tóc. Hình ảnh người cha bị tay đồn trưởng nắm tóc từ bộ phản kéo ra quật vào gốc cột… rồi mẹ, rồi mồi lửa cháy đỏ góc rừng… khi căn nhà của ba mẹ cũng chìm vào ngọn lửa…

Cố giữ lòng tĩnh tại, thím ba Cảnh cáo bệnh bất thường là do cơn đau xóc hông, không thể đợi đến bữa cơm mà Hương cùng người đàn ông tật nguyền gá tình kia tổ chức.

Nắng những ngày giáp Tết vàng rộm, khung cảnh làng quê xóm rừng xôn xao hơn thường ngày. Nhà nhà đọn dẹp nhà cửa, dẫy cỏ đường đi lối lại, rồi người đi chợ sắm sanh cho Tết. Riêng thím ba Cảnh mặt mũi trông đâu cũng thấy tối sầm. Thím cứ láng máng mường tượng về cái ánh mắt ấy. Ôi cái con người ấy tại sao có thể còn sống, tại sao run rủi đưa đến nơi này…

Bao nhiêu câu hỏi đặt ra trong đầu, chợt thím ba Cảnh lại nghĩ về chỗ am thờ dưới gốc Chò Chim phía trước lối đường vào nhà. Lạ là từ khi người đàn ông tàn tật kia về xóm gá nghĩa với Hương, không hiểu sao bên gốc cây đó lại xuất hiện chiếc am thờ nho nhỏ, tự tại chỉ miếng gỗ, lư hương, nải chuối, mấy tờ giấy bạc… những ngày mùng một, đêm rằm lại có tiếng người lạo xạo vào ra, rồi mùi nhang trầm phảng phất trong gió. Thím cứ nghĩ chắc mấy người làm vàng, trầm vào cửa rừng thành tâm nhang khói cầu nguyện. Phận đàn bà đơn chiếc thím không mấy quan tâm, nhưng rồi có một hôm có tiếng gì rơi rất to phía chỗ cây Chò Chim, rồi tiếng con vật gì kêu thất thanh thì thím mới để ý và phát hiện ra người đàn ông đang dập đầu trước am thờ đó không ai khác là gã đàn ông tàn tật gá tình với Hương. Cũng không để nhớ trong đầu. Chừ xâu chuổi sự việc, phải chăng đó sự ăn năn muộn màng của gã đồn trưởng ngày xưa…

Không nói ra nhưng đoán định họ đã nhận ra nhau, để rồi cuộc sống như vách ngăn vô hình, dù hàng xóm với nhau nhưng ít khi hai gia đình qua lại gặp gỡ. Còn cuộc tình vá víu, nổi trôi, sa xuống cửa rừng như cơn giông đen ngoàm đã rớt hạt mưa mát lạnh xuống vuông sân kho hạn bao ngày.

*

Ngày người đàn ông tật nguyền và Hương có con với nhau, ở đâu một cơn bão nổi. Đứa bé không mang hình thù con người, sinh ra được vài hôm thì mất. Lại đứa thứ hai, đứa thứ ba cũng vậy.

Không còn ai khác, Thím ba Cảnh lại là người chăm sóc những ngày vượt cạn ở cử của người phụ nữ hàng xóm duyên phận đã quá đỗi truân chuyên. Đó là lúc người phụ nữ hàng xóm ấy phải nằm một chỗ vì bệnh phụ nữ sau sinh và thổ huyết. Thương người, thím ba Cảnh lại vào rừng tìm vỏ lựu về sắc nước để vệ sinh vào mỗi buổi tối. Vỏ cây lựu chữa bệnh khí hư rất hay, còn trị thổ huyết cho phụ nữ mới sinh thím ba Cảnh bây giờ vẫn chưa quên toa thuốc gồm hoa lựu cùng cánh sen sắc nước để uống. Sinh nở lần thứ hai đuối sức, thím ba Cảnh đã áp dụng bài thuốc lấy củ từ tươi cắt lát nấu cháo cùng gạo tẻ… rất hiệu nghiệm. Bài thuốc này thím ba Cảnh học được từ một thầy lang trong vùng.

Sau mấy năm chung sống rồi người đàn ông tật nguyền ấy cũng bỏ Hương ra đi rất lặng lẽ. Hình như hai người họ có giận dỗi gì nhau, người đàn ông bỏ cơm nước, mắc võng nằm dưới gốc Chò chỉ bên miếu thờ hơn ngày đêm rồi mất. Ngày tiễn đưa người mất cũng chỉ mấy người xóm bìa rừng, đang hạ huyệt thì trời đổ cơm mưa nên ai nấy phải nhanh tay để hoàn thành công việc tiễn đưa người quá cố.

Đêm đó, không hiểu sao ông trời trở giông sét mưa gió suốt đêm. Người xóm rừng bảo từ xưa nay chưa có hiện tượng lạ đó. Giông sét hình như chỉ tập trung đánh xuống cửa xóm rừng ông Bổn. Những vệt lửa điện sáng chóe chui tọt vào nhà như những lưỡi dao xắc xả ngược xuôi. Người đàn bà mất chồng ra am thờ ngoài cây Chò Chim cổ thụ thắp hương đã bị sét đánh trượt nên may thay còn giữ được mạng sống.

Chồng mất, rồi bị sét đánh trượt, Hương tức bà Năm bây giờ đâm nghễnh ngãng, sống một thân một mình trong căn nhà vắng vẻ. Thi thoảng ai đó đi qua vùng này họ thường kể câu chuyện đã bắt gặp một người đàn bà ngồi chải tóc dưới trăng vào những đêm khuya và đâu đó là những tiếng cười thất thanh chốn cửa rừng đầy gió. Điều này có thể do thêu dệt, song có một sự thật là vào những ngày mưa xóm cửa rừng ông Bổn lại có một người đàn bà lẩn thẩn bỏ nhà ra đi, cứ như thể đang đi vào rừng để rồi có ai đó đưa về cũng là lúc người đàn bà ấy ngất lịm vì giá rét dưới mưa. May mắn còn có thím ba Cảnh, hai đứa trẻ đã thành quen, làm công việc của người hàng xóm. Bởi thím ba Cảnh nghĩ, đời ai có qua nỗi khổ mới thấu hiểu cho nhau. Buông bỏ cho người cũng là để cho chính mình thanh thản.

Tháng 7/2021

 V.V.T