Nỗi khắc khoải nhân sinh trong thơ Chử Văn Long

1376

                                                                   Trần Hoài Anh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Thơ Chử Văn Long là những khắc khoải của thi nhân về cõi nhân sinh với những vui, buồn, được, mất, những trăn trở, ưu lo về lẽ sống, về phận số con người với cuộc sống cơm áo đời thường, với những khát vọng, những hạnh phúc, khổ đau trong tình yêu. Nỗi khắc khoải nhân sinh trong thơ Chử Văn Long bắt nguồn từ những khổ đau phận người nên đã chạm đến trái tim của người tiếp nhận, vốn là những phận số lăn lộn trong giông bão cuộc đời…

Nhà thơ Chử Văn Long

 1.

Không phải ngẫu nhiên, khi làm Tuyển Thơ Văn chọn lọc (Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2012), trong phần lời tác giả, nhà thơ Chử Văn Long đã thành thật chia sẻ với một lời tự vấn: “Vì sao cùng lứa các nhà thơ chống Mỹ, thơ tôi lại nghiêng về những số phận nhỏ nhoi, khuất lấp, u buồn”[1]. Điều tự vấn ấy, mới nghe tưởng như một lời sẻ chia lạc điệu. Bởi, trong cái khí quyển văn chương đầy chất sử thi và hào hùng lúc bấy giờ, khi hầu hết các nhà thơ đều cất cao giọng hát ngợi ca đất nước với âm hưởng hùng ca, có khi vượt ngưỡng cần thiết, Chử Văn Long lại chọn cho mình một giọng trầm, lặng lẽ, đưa thơ mình đến với “những số phận nhỏ nhoi, khuất lấp, u buồn”. Bởi, là một nhà thơ, với tất cả sự linh cảm mang tính dự báo, anh đã nhận ra một điều mang tính tất yếu trong cõi nhân sinh “Thế giới như thể bàn cờ/ Bày ra, dập, xóa/ Những bàn tay đeo găng trắng muốt, chơi cờ trên số phận nhân dân…” (Thế giới). Và xuất phát từ ý thức trách nhiệm của người cầm bút, với tư cách là một hữu thể tồn sinh như một “nhân vị”, khi nhà thơ nhận thấy: “Còn gì buồn hơn đời cầm bút văn chương/ Không còn giọng của riêng mình để hát/ Mùa xuân ngoài kia gợi bao nuối tiếc/ Ơi tiếng sáo đồng quê trong trẻo đâu rồi!” (Quảng cáo thuốc trừ hen ở báo Văn nghệ) nên anh đã lựa chọn cho mình một thi giới riêng. Và với trái tim đầy nhạy cảm, chan chứa yêu thương của một thi nhân suốt đời gắn bó với thơ, Anh chỉ ước mơ: “Anh yêu em một tình yêu nhỏ bé/ Như bao điều nhỏ bé ở xung quanh/ Không mong ước lớn lao, không mơ gì vĩ đại/ Ngoài đơn sơ mái ấm nhà tranh” (Một tình yêu nhỏ bé).

Phải chăng, sự thành thật cùng giọng thủ thỉ, tâm tình, nhẹ nhàng, sâu lắng là một nét riêng trong phong cách thơ Anh, làm nên một “style” rất Chử Văn Long, không lẫn vào đâu được. Và phong cách đó trong thơ Anh, hoàn toàn xa lạ với những lời đại ngôn, ồn ào, lớn giọng của nhiều nhà thơ cùng thời mà đến nay không phải không còn hiện hữu trong đời sống thơ ca dân tộc. Vì vậy, khi nhìn lại hành trình sáng tạo văn chương của mình sau 30 năm đầy những biến động, làm đổi thay, không chỉ vận mệnh đất nước mà còn đổi thay bao phận số con người, Chử Văn Long lại chia sẻ cũng rất chân thành nhưng đầy ưu lo, khắc khoải, khi Anh tự thú: “Năm tháng qua đi, ngồi chọn lựa lại thơ và những trang tiểu luận văn chương của mình trong tập sách, tôi lại thấy được an ủi bởi những câu thơ đã viết 30 năm có lẻ lại có thể đem ru hát để an ủi sẻ chia khi tình đời, tình người, những yêu thương gắn bó đang rạng vỡ nhạt phai”[2]. Và hình như, trong cõi nhân sinh “khắc nghiệt” này, Anh luôn sống trong những trở trăn, khắc khoải: “Khi dừng lại, nửa phần đời đã hết/ Nửa phần còn chưa biết sẽ ra sao” (Một tình yêu nhỏ bé). Bởi, bằng linh cảm của một thi nhân, Chử Văn Long đã nhận ra sự hư hao của phận số con người trong cõi sống: “Lâu lắm lẫn vào cùng cát bụi/ Đêm nay nằm lại với trăng hồ/ Phút bỗng quên đi mình tồn tại/ Giữa cuộc đời đầy ắp âu lo” (Trăng hồ).

2.

Là thi sĩ vốn sống trong cõi mộng chỉ biết “Ru với gió/ mơ theo trăng và vơ vẫn cùng mấy” thế mà, đến lúc Xuân Diệu cũng thần thờ nhận ra: “Trái đất – ba phần tư nước mắt/ Đi như giọt lệ giữa không trung” (Lệ). Và càng xa xót hơn khi chính Xuân Diệu đã tự vấn: “Máu của linh hồn là nước mắt/ Còn rơi biết đến lúc nào thôi?” (Lệ). Với Nguyễn Công Trứ, một thi nhân không những thành danh mà cả thành nhân cũng đã xa xót thở than: “Thoát sinh ra thì đà khóc chóe/ Trần có vui sao chẳng cười khì?/ Khi hỷ lạc, khi ái ố, lúc sầu bi/ Chứa chi lắm một bầu nhân dục” (Chữ Nhàn). Còn Chế Lan Viên, thì xác quyết: “Với tôi tất cả như vô nghĩa/ Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau” (Xuân). Chính vì thế, Chế Lan Viên, mới khẩn cầu thê thiết: “Hãy cho tôi một tình cầu giá lạnh/ Một vì sao trơ trọi cuối trời xa!/ Để nơi ấy tháng ngày tôi lẫn tránh/ Những ưu phiền đau khổ với buồn lo” (Những sợi tơ lòng). Tuy nhiên lẫn tránh làm sao được, mặc dù có những lúc Chế Lan Viên tưởng mình đã thoát được khổ đau của kiếp nhân sinh nhưng cuối đời nhìn lại, thi nhân đã xa xót nhận ra, đó chỉ là những “ảo vọng” mù khơi mà Di cảo thơ của Chế Lan Viên là một xác chứng: “Nửa thế kỷ tôi loay hoay/ Kề miệng vực/ Leo lên các đỉnh tinh thần/ Chất ngất / (…)/ Mẹ hỏi tôi:/ – Con lên cao mà làm chi?/ Mẹ ở dưới này cơ cực/ Về đi!/ Ôi con đường không ra đường của kẻ tìm thơ/ Cái thơ không ra thơ của kẻ tìm đường/ Đã gần hết thời gian của tôi ở trên trái đất/ Mà tôi chưa có thể trả lời cho mẹ/ Mẹ đâu biết cho rằng:/ Hoa tôi hái trên trời/ Cũng chính là nước mắt/ Dưới xa kia (Tìm đường).

Thật vậy, đã là Con Người, ai cũng mang trong mình những nỗi đau đời. Với thi nhân, điều ấy là một phẩm tính không thể thiếu trong hành trình sáng tạo. Chử Văn Long không nằm ngoài qui luật ấy. Bởi lẽ, nói như Nguyễn Du không “trải qua những cuộc bể dâu” và chứng kiến “những điều trông thấy” khiến thi nhân phải “đau đớn lòng” thì không thể viết nên những câu thơ có giá trị nhân bản để chạm đến tâm cảm người đọc. Nỗi khắc khoải nhân sinh trong thơ Chử Văn Long, vì thế là những thực thể hiện hữu trong dòng chảy nhân văn của thơ ca dân tộc và nhân loại mà ở đó nỗi đau của thi nhân trước cuộc đời luôn là một phẩm tính, là nguồn mạch nuôi dưỡng sinh thể thơ: “Anh không khóc mà sao nước mắt/ Cứ trào ra thấm thía một kiếp người” (Trăng Hồ). Những giọt nước mắt xa xót ấy là chứng nhân cho nỗi khắc khoải về lý tưởng sống mà thi nhân đã từng “tôn thờ”, trân quí, trong cuộc đời: “Một thời người ta nói/ Trái đất hết buồn/ Con người không còn bi kịch nữa…/ Tôi đã thật lòng tin/ Niềm tin trắng trong như lụa/ Tôi đem may áo hạnh phúc cho mình”. Nhưng khi nhận ra “Qua tấm áo suốt một đời gìn giữ/ Mới hay rằng hạnh phúc quá mong manh!” (Không đề) thì thi nhân đã không còn điểm tựa trong cuộc sống, thấy mình chơi vơi trong giông bão cuộc đời. Và đây chính căn nguyên tạo nên nỗi khắc khoải nhân sinh trong thơ Chử Văn Long mà những bài thơ như “Khúc hát dồng quê”; “Ngây thơ”; “Mùa xuân huyền diệu”; “Đã mấy lúc ta ngồi nhìn ngắm”; “Tiếc nuối”; “Câu hát một thời xa”; “Thăm nước khổng lồ”; “Nhầm lẫn”… là một minh chứng.

Có thể nói, biểu hiện dễ nhận thấy của nỗi khắc khoải nhân sinh trong thơ Chử Văn Long đó là điều day dứt trước bao đổi thay của thế sự: “Ơi câu hát một thời tràn máu huyết/ Sao bây giờ nghe lại cứ nôn nao/ Ta đổi thay hay đời này thay đổi?/ Giấc mơ xưa tỉnh lại thấy đâu nào” (Câu hát một thời xa). Bởi, cuộc sống bây giờ trong cái nhìn của thi nhân vẫn còn những lọc lừa, dối gian với bao kiểu khóc cười nhân thế đang diễn ra trên sân khấu cuộc đời: “Khóc cũng được mà cười cũng được/ Mai lại lọc lừa, xô đẩy, cạnh tranh” (Mùa xuân huyền diệu). Và điều này đã dẫn đến bi kịch “vỡ mộng” trong tâm thức thi nhân, khi phải chứng kiến những trái ngang trong cuộc đời mà thi nhân tin rằng không thể hiện hữu trong cuộc sống hôm nay: “Hơn ba mươi năm những điều tưởng tượng/ Đã hiện ra sau lớp sương hồng:/ lý tưởng, ước mơ, bạc tiền, danh vọng/ Người chất ngất giàu sang, bao kẻ lại bần cùng” (Ngây thơ). Và chua chát hơn khi nhà thơ đã “ngộ” ra một thực tế phũ phàng: “Ngoài đường cướp giật trên tay/ Ai còn say đắm thơ này với anh” (Ngày dài…).

Một bình diện khác không thể không nói đến về nỗi khắc khoải nhân sinh trong thơ Chử Văn Long đó là những trăn trở, ưu lo của thi nhân về cuộc sống áo cơm, về thân phận con người, luôn ám ảnh thi nhân như một sự trêu ngươi của định mệnh mà những bài thơ như: “Vu vơ”; “Tôi sống với những người đi chân đất”, “Tiếc nuối”, “Làng em cơn bão đi qua”, “Cỏ”; “ Người gánh rơm vào thành phố”, “Xin gửi các nhà thơ xứ Huế”, “Về ăn tết với miền Trung”… Ở đó có những câu thơ, khi đọc lên lòng ta không khỏi đắng chát một nỗi niềm nhân thế trước phận số con người: “Mãi đi tìm những cách tân… tâm linh… hiện đại/ Thơ bỏ quên Hương Giang đang chảy âm thầm/ Bỏ quên bà mẹ già đắng cay tội nghiệp (…) Người còn lương tâm hẳn là phải khóc/ Cho số phận làm người/ Ở đâu câu ca Nam Bình – Nam Ai tình nghĩa/ Ở đây người ta quên công mẹ một đời/ Sắp chết rồi chưa thôi lăn lóc/ Nơi cửa công quyền/ Tìm công bằng nơi máu mình đã đổ/ Đã góp phần cho đất nước bình yên…” (Xin gửi các nhà thơ xứ Huế). Rõ ràng, sự vô cảm của con người trước số phận đồng loại là căn nguyên tạo nên những bi kịch trong cuộc đời mà người có lương tri không thể không xa xót. Đối với thi sĩ, những người luôn nhạy cảm trước nỗi đau nhân thế thì điều ấy lại càng day dứt hơn như lời tự vấn của nhà thơ Trần Tế Xương: “Trời không chớp bể chẳng mưa nguồn/ Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn/ Ngao ngán tình chung cơn gió thoảng/ Nhạt phèo quang cảnh bóng trăng suông” (Đêm buồn).

Làm sao thi nhân có thể không buồn được khi trên cõi nhân gian vẫn còn biết bao người chìm trong khổ nạn của kiếp nhân sinh. Và đó cũng là điều khắc khoải trong thơ Chử Văn Long khi thi nhân chứng kiến cơn bão đi qua nhiều làng quê mà dư chấn để lại là những phận người phải sống trong nghèo khổ của kiếp tha hương: “Làng em cơn bão đi qua/ Vườn xanh chết rụi, mái nhà ngói bay/ Có người ra đứng khóc cây/ Người vun mảnh vỡ trên tay lệ tràn/ Có người giờ sống lang thang/ Hai bàn tay trắng bỏ làng mà đi…” (Làng em cơn bão đi qua). Còn đây là những câu thơ với bao nhiêu câu hỏi đầy ẩn số mà câu trả lời không dễ lý giải: “Vu vơ gió thổi trên đồng/ Nỗi buồn ăm ắp trong lòng sẽ vơi/ Cỏ non lại biếc bên trời/ Trẻ con lại hát những lời bi bô / Nghênh ngang mấy chú xe thồ/ Chở bao nhiêu nỗi giày vò đi theo…” (Vu vơ). “Khúc hát đồng quê”, bài thơ như một tuyên ngôn sống đầy tính nhân văn đã cho thấy niềm đau và những trở trăn của thi nhân về sự mỏng manh, hư ảo của phận số những người dân quê đáng kính, đáng yêu, suốt đời gắn với đất đai đồng nội mà khi đọc lên ta không khỏi thấy xót lòng: “Anh hát em nghe về những con người/ Sống với đất, chết lẫn vào cùng đất/ Chỉ để lại nụ cười chân thật/ Như hoa đồng cỏ nội nở rồi quên” (Khúc hát đồng quê).

Hay cái chết bất ngờ đầy đau xót của một người dân cày sau những tháng năm mặc áo lính trong bài thơ “Ghi bên mộ một người không nổi tiếng” cũng gợi lên trong ta bao nỗi xót đau về sự hư ảo của kiếp người trong cõi nhân sinh: “Chẳng nổi tiếng gì, cũng không mê đắm cao xa/ Chỉ làm ruộng và yêu con sau cuộc đời làm lính/ Ai quen tìm bạn bè để thêm phần kiêu hãnh/ Thì điều này không tìm thấy ở đây (…) Anh đã chết sau một cơn gió cảm/ Ngã xuống luống cày giữa buổi cày trưa (…) Lại còn điều này nghĩ tới càng đau:/ Mai người sẽ quên anh, như cuộc đời từng quên để sống” (Ghi bên mộ một người không nổi tiếng). Nỗi vất vả trong cuộc sống cần lao của người nông dân, điều ta nghĩ chỉ có thể thấy ở phận số người nông dân trong ca dao ngày xưa “Cày đống đang buổi ban trưa/ mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày” thì nay vẫn còn hiện hữu, thậm chí sự hiện hữu của nỗi cần lao ấy còn khốc liệt hơn vì nó không chỉ là hiện thân của nỗi đau khổ trong đói nghèo mà còn là nguyên nhân cướp đi sự sống của con người. Còn đây là hình ảnh “Người gánh rơm đi vào thành phố” mà trong suy cảm của thi nhân “không phải chị gánh rơm đi mà chị gánh/ Bao tháng ngày trăn trở lo âu/ Từng sợi rơm trên vai chị nặng/ Biết mấy tình đồng cạn đồng sâu” (Người gánh rơm đi vào thành phố). Đọc những bài thơ này, lòng ta sao không khỏi quặn đau. Thơ Chử Văn Long, vì thế là thơ của những người cần lao trong một xã hội được mệnh danh là hiện đại hóa, công nghiệp hóa với các bước tiến công nghệ mang những dấu “Chấm Không” nhưng cũng còn đó biết bao “Dấu hỏi” trước phận số của những con người cần lao mà cái đói, cái nghèo chưa bao giờ buông tha họ. Vì vậy, dẫu cho con người có đi vào những kỹ nguyên văn minh nhất, hiện đại nhất với những công nghệ siêu việt nhất, thì đằng sau các nền văn minh đó vẫn còn những thứ dã man vây bủa những mảnh đời bất hạnh, khổ đau mà nhà thơ có lương tri không thể không quan tâm đến… Nỗi khắc khoải nhân sinh trong thơ Chử Văn Long, vì thế luôn có giá trị nhân văn sâu sắc mà những câu thơ sau đây là một xác chứng: “Sớm nay mây trắng một trời/ Cho ta cảm hết xa vời chờ mong/ Đời người có có không không/ Bổng như cơn gió qua lòng thoảng bay/ Còn đây ông lão ăn mày/ Ngửa vành nón đựng tháng ngày đi qua” (Sớm nay mây trắng); Hay “Hòn đá mồ côi/ nằm trên thảm cỏ/ Cạnh đấy một người/ Không nhà không cửa/ Đá từ đâu đến/ Người ở đâu về/ Ai mà để ý/ Làm gì quán quê” (Hòn đá mồ côi).

Thơ Chử Văn Long thường có những câu kết bất ngờ, ám gợi tâm thức người đọc với nhiều câu hỏi đắng lòng về phận số con người, khiến ta không thể không ray rứt: “Còn đây ông lão ăn mày/ Ngửa vành nón đựng tháng ngày đi qua” (Sớm nay mây trắng); “Nghênh ngang mấy chú xe thồ/ Chở bao nhiêu nỗi giày vò đi theo…” (Vu vơ). “Bao giờ con người không còn đau khổ/ Prô –mê – tê hết bị xiềng” (Prô –mê – tê); “Cả hai nằm đấy/ Như thể thi nhau/ Xem người hay đá/ Im lặng được lâu!” (Hòn đá mồ côi); “Cuộc đời ngắn quá và buồn quá/ Bâng khuâng thay một giấc mơ dài/ Hạnh phúc có không hay chẳng có/ Lặng lẽ đi qua một kiếp người” (Như giấc mơ dài); “Lên cùng chót đỉnh gió mây/ Không quên được nỗi buồn ngày dưới kia!” (Lên đỉnh gió mây)… Còn đây là nỗi buồn nhân thế gợi trong ta biết bao ngẫm ngợi về lẽ hưng phế giữa cuộc nhân sinh: “Muốn kêu lên nghìn tiếng/ Ôi cuộc sống con người/ Đây buồn chung nhân thế/ Hay buồn chỉ riêng tôi” (Có những ngày) ; “Tượng vua dừng ngắm phút giây/ Đế vương để lại thế này thôi ư?” (Qua thành Huế)

Nỗi khắc khoải nhân sinh trong thơ Chử Văn Long không chỉ là những trăn trở về lẽ sống, về áo cơm, về những được mất, những hư hao về phận số con người trong kiếp nhân sinh mà trong thơ anh, ta còn bắt gặp sự khắc khoải của tâm cảm thi nhân dành cho tình yêu trong nhiều bài thơ như: “Sao em bắt anh nhớ về em mãi”; “Mơ về thị xã than”; “Tôi nâng cánh cung thời gian”; “Thơ anh đây sợi vàng ròng”; “Đôi guốc võng”; “Khóc với hoa hồng”; Sông Hồng dâng lũ”; “Thuở ấy”; “Vườn mộng”… Song, qua nhũng bài thơ tình yêu, ta cũng thấy ẩn chứa trong đó những suy tư của thi nhân về cuộc đời, về thế sự nhân sinh. Thơ viết về tình yêu của Chử Văn Long, vì thế không chỉ là những yêu thương mơ mộng của tuổi trẻ như thơ tình của Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Nguyên Sa… mà đó là thơ tình của một thân phận đã chất đầy nỗi đau kiếp người. Đọc thơ tình Chử Văn Long, ta thấy mỗi câu thơ đều mặn chát chất muối của cuộc đời trước những dằn xé áo cơm mà dẫu tình yêu có “lên ngôi” đến đâu cũng không thể vượt qua những nhu cầu thiết yếu ấy của cuộc sống đời thường, khiến lòng ta không khỏi thấy xuyến xao. Ta hãy lắng lòng nghe thi nhân chia sẻ: “Em thương anh mong cùng chung mộng đẹp/ Làm cánh diều bay khao khát cao xanh/ Nhưng cơm áo đời buộc ràng quá nặng/ Gỡ mãi không sao thoát khỏi đời anh” (Cánh diều bay khao khát bầu trời). Vì vậy, dẫu thi nhân có muốn làm “Cánh diều bay khao khát bầu trời” thì cũng không thoát khỏi thực tế cuộc sống nên những mất mát, đớn đau trong tình yêu cũng là điều dễ hiểu: “Nghe tiếng sáo gợi buồn thương thổn thức/ Chỉ em hiểu vì sao giọng sáo không vui/ Không tới được ước mơ, không tìm ra hạnh phúc/ Anh xé họng mình ra nên nức nở đấy thôi!” (Cánh diều bay khao khát bầu trời).

Có thể nói, sự khắc khoải trong thơ viết về tình yêu của Chử Văn Long cũng là một phương diện biểu hiện của nỗi khắc khoải nhân sinh, làm phong phú những cung bậc trong thơ Chữ Văn Long mà nếu không tìm hiểu những cung bậc này sẽ là một khoảng trống đáng tiếc khi giải mã về nỗi khắc khoải nhân sinh trong diễn ngôn thơ Chử Văn Long. Vì với anh, yêu là một cách sống, một cách hiện hữu nên phải đốt cháy mình, phải “lao đến” với tất cả sự tận hiến thì may ra mới chạm đến được cõi yêu: “Em giờ đang ở nơi đâu/ Nhìn ra thăm thẳm một màu trời xanh/ Hồn anh như thác như ghềnh/ Đã lao, lao đến tan tành vẫn lao/ Con tim còn giọt máu nào/ Dành cho thơ với ngọt ngào cho em/ Thơ buồn thức mở từng đêm/ Lại vang vọng mãi nỗi niềm em xa…/ Tháng năm thì cứ phai nhòa/ Lòng anh thác đổ máu òa để xanh” (Em giờ đang ở nơi đâu).

3.

Thơ bao giờ cũng là tiếng gọi da diết với tâm cảm con người trong cõi nhân sinh. Thơ hay là thơ phải chạm đến nỗi đau trong phận số nhân quần. Đến với thơ là đến với những sẻ chia thành thật về những nỗi đau mang giá trị nhân bản chứ không phải đến với những lời tụng ca sáo rỗng về những hào quang xa lạ với những được mất trong phận số con người. Rất may, đọc thơ Chử Văn Long ta đã thấy được những điều nhân bản ấy. Đó là những khắc khoải của thi nhân về cõi nhân sinh với những vui, buồn, được, mất, những trăn trở, ưu lo về lẽ sống, về phận số con người với cuộc sống cơm áo đời thường, với những khát vọng, những hạnh phúc, khổ đau trong tình yêu. Nỗi khắc khoải nhân sinh trong thơ Chử Văn Long bắt nguồn từ những khổ đau phận người nên đã chạm đến trái tim của người tiếp nhận, vốn là những phận số lăn lộn trong giông bão cuộc đời, nhưng sẽ khó chạm đến trái tim của những người đứng trên đỉnh cao của quyền lực, của danh vọng, suốt ngày: “Ngồi trong phòng lạnh/ nắng mưa bỏ lại dọc đường lầm than” (Ngồi trong phòng lạnh). Với ý thức về sứ mệnh của nhà thơ, Chữ Văn Long luôn tự vấn: “Khi cầm bút làm thơ/ Lúc hát ầu ơ khúc hát ru con làm mẹ/ Có thoáng buồn chăng – sự trần trụi giữa con người!” (Ghi ở Đại hội Nhà văn).

Tuy nhiên, đằng sau những nỗi buồn và niềm khắc khoải nhân sinh ấy, thơ Chử Văn Long vẫn thắp lên cho người đọc ngọn lửa của niềm tin yêu và hy vọng vào những điều tốt đẹp không thể mất trong cuộc đời với “vẻ đẹp bình yên” và chính điều này làm cho hệ giá trị nhân văn trong thơ Chử Văn Long càng lấp lánh hơn trong tâm thức người đọc như lời thơ Anh viết: “Và chúng ta mỗi người đang sống/ Ai chẳng từng mang nỗi đau riêng/ Nhưng ai cấm tâm hồn ta vỗ cánh/ Cùng trời xanh góp vẻ đẹp bình yên” (cánh chim trên trời biết). Phải chăng, nỗi khắc khoải nhân sinh trong thơ Chử Văn Long chính là một “vẻ đẹp riêng” mà anh góp sức làm đẹp cho đời…

T.H.A

Xóm Đình An Nhơn, Gò Vấp, cuối mùa mưa, 18-11-2019

Thơ trích dẫn trong bài viết lấy trong Tuyển Thơ Văn chọn lọc (Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2012) và tập thơ Thơ anh đây sợi vàng ròng (Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2017) của Chử Văn Long

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

[1] Chữ Văn Long, Tuyển Thơ văn chọn lọc, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2012, tr.5

[2] Chữ Văn Long, Tuyển Thơ văn chọn lọc, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2012, tr.5