Nói láo mà chơi nghe láo – Phiếm của Lê Văn Nghĩa

522

(Vanchuongphuongnam.vn) – Khi cái lưỡi phát ra những lời nói láo trơ trẽn thì chắc cũng do bộ não khi được sinh ra thì “tính bản láo”.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa

Trong những đám nhậu nhẹt trong thời đại ngày xưa, cũng như thời đại ngày nay thường có những tay khoe khoang thấy thương. Nào là “Chiều hôm qua tao mới ngồi nhậu với sếp A, bà Chủ tịch B…”. Rồi nào là “Tao là cháu bà con với Chủ tịch X… cần gì nói tao…”. Khi điều tra lại thì thấy nó bà con mấy đời thụt đại bác tầm xa cũng hổng tới. Còn kinh khủng hơn khi gặp những tay vung mạng “Mầy biết tao là cháu ai không?” Hoặc khi bị CSGT túm lại thì hỏi “Mầy biết ông B. không? Không biết hả, ổng chẳng có bà con gì với tao hết”.

Cuộc đời ta, gẫm lại gặp không ít những thằng nói phét. Cụm từ thân yêu dành riêng để dành cho những thằng nói những điều quá xa sự thật hoặc không thể có trong thực tế để khoe khoang hoặc để đùa vui “Nhà anh lợp những mo nang, Nói láo với nàng nhà ngói năm căn” (Ca dao) là “Nó nổ thấy thương”. “Hồi xưa nhà nó gần kho đạn mà, bởi vậy nổ là banh xác”. Những thằng nầy nói chuyện một tấc tới trời, nói vung xích chó mà không sợ hậu quả gì vì nó chẳng làm hại một ai. Chỉ là lấy le thôi mà, nhất là khi có các em chân dài tới… háng ngồi nghe say sưa, ngưỡng một một tay đại gia hay quyền thế.

Như một truyện trong sách Mạnh Tử kể rằng ngày xưa ở nước Tề có một người sống với hai vợ. Ngày nào anh chàng đi về cũng say, khoe ỏm tỏi cả lên “Hôm nay anh đi nhậu với toàn người sang trọng cả”.  Người vợ lớn thắc mắc là “Ngày nào chồng cũng đi ăn cơm khách với các ông lớn mà sao không bao giờ thấy cái ông lớn nào tới nhà chơi”,  bèn rủ vợ nhỏ đi theo dõi. Đi hoài chẳng thấy ai nói chuyện với chồng mình cả cuối cùng thấy anh chàng đến chỗ có người đang cải mã, xin những đồ người ta cúng lễ xong mà ăn. Ăn rồi lại nghểnh cổ lên xem có đám nào, mò đến xin ăn nữa. À thì ra thế! Vợ lớn nói với vợ nhỏ: “Chồng là người ta trông cậy suốt đời mà bê bối thế”. Nói rồi ôm nhau mà khóc. Anh chồng về không biết, tưởng bở, cứ ba hoa chích chòe, nói phét như thường lệ. Nói phét như anh chàng nầy, cũng như những tay nổ văng miểng thì cũng để tự tôn bản thân thấp kém của mình. Mà trong xã hội, nhất là một xã hội sống với những giá trị ảo thì nói phét là một căn bệnh kinh niên, thâm nhập cốt tử.

Thường thì chữ phét cũng rất gần nghĩa với chữ láo. Nhưng người nghe thì thấy thằng nói phét ít đáng sợ hơn thằng nói láo. Vì nói láo thì nó có thể biến trắng thành đen, biến đen thành ngà ngà và chối tất tần tật những gì đã nói, đã làm, đã hứa hẹn trước đó. Nhất là lời hứa láo. Mà khổ, người nghe rất khoái nghe lời hứa láo nên bao lần bị gạt bởi kiểu Alibaba, Condontel khi mua nhà, chung cư, bất động sản. Ấy là còn có giấy tờ ghi lại biên bản hẳn hoi. Chỗ nào cũng ghi rõ chữ và nghĩa bằng một giọng văn rất rành mạch. Nhưng giấy tờ ghi những lời hứa không bao giờ bay và nhờ sự không bay đó người ta mới khám phá được chân tướng của nghững người đi hứa… lèo.

Bên Tàu ngày xưa, ông Vương Sĩ Trinh nào đó đã mần mấy câu thơ mà thi sĩ Tản Đà đã dịch “Nói láo mà chơi nghe láo chơi/ Giàn dưa lún phún hạt mưa rơi/ Chuyện đời hẳn chán không buồn nhắc/ Thơ thẩn nghe ma đọc mấy lời“. Xếnh xáng Vương Sĩ Trinh đã coi mấy thằng nói láo như những thằng ma, có lẽ cho đỡ tức anh ách khi bị nó lừa bằng những lời hoa mỹ. Nhưng những thằng ma nầy chắc cũng phải có tầm cỡ, không phải dạng vừa mới lừa được nhà thơ. Mà nói chung, ở đời nói láo mà được người khác tin thì cũng không phải dạng ầu ơ phất phơ, con rơi con rớt đâu. Chỉ trừ thằng Cuội mà thằng Cuội chỉ là phịa chuyện cho đỡ quên sầu thôi với ý muốn tống tiễn những thằng vua nói láo lên cung trăng mà ở cho đỡ hại nhân quần cõi trầm luân. Nhà thơ Tản Đà, sống đưới thời Pháp thuộc nghe mấy thằng nhà quan nói láo hoài, buồn quá bèn viết “Ngồi rỗi ăn không, nói láo chơi/ Ai nghe, nghe gẫu một đôi lời/ Văn chương lớp trước còn đâu nữa/ Chữ nghĩa bây giờ có thế thôi”

Nhắc đếnTản Đà thì phải nhắc đến đại lão sư phụ của thơ trào phúng. Đó là nhà thơ Nguyễn Khuyến. Ông có bài thơ về một cái làng nói dối. Vốn nguyên là cái làng Ngang có một vũng nước khá sâu-do xe trâu, xe bò, xe ngựa gì đó đi qua hàng ngày nhưng sở lục lộ chưa đến dặm vá. Bên cạnh có đền thờ ông Cuội (có lẽ Sở lục lộ hứa hoài không xuống sửa đường). Cho nên ông buồn và ông buồn ông không gãi háng như cụ Trần Văn Hương ông bèn mần thơ trào phúng:

Đầu làng Ngang có chỗ lội/ Có đền ông Cuội cao vòi vọi/ Đàn bà đến đấy vén quần lên/ Chỗ thì đến bẹn chỗ đến gối/ Ông Cuội ngồi trên mỉm mép cười/ Cái gì trăng trắng như con cúi/Đàn bà khép nép đứng liền thưa/ Con trót hớ hên ông xá tội/ Không, không con có tội chi mà/ Lại đây ông cho giống ông Cuội/ Từ đây làng Ngang đẻ ra người/ Đẻ rặt những thằng ăn nói dối”

Ông bà ta thường dạy con nít không được “Nói láo ông táo bẻ răng”. Có lẽ nên sữa lại là cho thụt lưỡi đúng hơn vì cái sự nói láo thường phát ra từ đầu lưỡi. Cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo mà lỵ. Theo Esope – một tên nô lệ thông minh Hy Lạp – thì cái lưỡi có hai thái cực đối lập: hay và dở. Một hôm ông chủ thông thái Xanthos bảo Esope ra chợ để mua cái gì ngon hơn cả. Esope bèn mua ngay cái lưỡi. Hôm sau Xanthos lại bảo ra chợ để mua cái gì không ngon hơn cả. Esope cũng lại mua ngay cái lưỡi. Ngạc nhiên Xanthos mới hỏi rằng “Tại sao cả hai hôm anh đều mua cái lưỡi? Esope nhẹ nhàng kính đáp: “Thưa thầy cái lưỡi là vật ngon hơn cả vì nó là mối dây liên lạc trong cuộc xử thế là chìa khóa mở cách khoa học là cơ quan của chân lý và giới tính và cái lưỡi cũng là một vật không ngon hơn cả vì nói là mẹ của các cuộc cãi lộn là nguồn mạch của sự chia sẻ và chiến loạn, là cơ quan của sự lầm lỗi và vu khống”.

Nhưng cái lưỡi xét cho cùng – dưới cặp mắt khoa học – chỉ là một giác quan bị chỉ huy bởi bộ não. Và khi cái lưỡi phát ra những lời nói láo trơ trẽn thì chắc cũng do bộ não khi được sinh ra thì “tính bản láo”.

Và cái não nầy, thời bây giờ đâu thuộc con ông Cuội ở làng ngang!

L.V.N