Nỗi lòng người dạy Văn

551

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ngày trước thầy tôi dạy văn, trên bục giảng chỉ có bảng đen và phấn trắng. Khi thầy giảng về nắng, nắng toả rạng khắp bề lớp học, nắng hiển hiện nhảy múa trên từng trang sách, trong từng con chữ. Khi thầy giảng về những cơn mưa, tiếng mưa tí tách trên mái ngói ngôi trường, hạt mưa trong veo tinh nghịch hé mắt thức dậy trên từng nét phấn, tưới mát bảng đen.

Lời giảng của thầy mở ra trong tầm mắt những cánh cò trắng mướt sải cánh bay giữa mênh mông. Tâm hồn tôi sẽ hít no gió lành của cánh đồng lúa mới, sẽ nghe thanh âm vi vút sáo chiều hoà cùng cánh diều phồng căng no gió.

Tôi sẽ thấy những giọt nước mắt khô mặn nức nở sau bóng đèn dầu hiu hắt dưới mái liếp nhà tranh cũ. Nhìn thấy bờ vai gầy của người cha già nua ngồi lọt thỏm bên chú chó Vàng trong bóng tối u uẩn của những năm đói mỏi mòn trước cách mạng.

Lời thầy giảng sẽ đau đáu theo bàn chân trần tất tưởi của Chị Dậu chạy trên con đường mòn khô khốc và nắng rát, mồ hôi chị rơi cùng chiếc bụng đói lép kẹp, chạy cùng quẫn trong tiếng thúc sưu dồn dập của bọn hai tròng bóc lột, giữa bóng đêm nô lệ tối mù tối mịt.

Tôi sẽ thấy nước mắt người mẹ Việt, thấy ánh sáng nhân văn toả rạng trong sâu thẳm cõi cùng toát ra từ những mảnh áo chấp vá lầm than. Sẽ yêu vô cùng những vết chân tròn trên cát bởi thanh xuân tươi đẹp họ dâng hết giữa chiến trường. Trái tim tôi sẽ đập rộn ràng tràn dâng khúc ca yêu nước, yêu giống nòi. Bởi tình yêu được đắp xây từ những gì rất nhỏ, chạm vào huyết mạch để bền bỉ hiến dâng.

Giọng thầy giảng ấm áp, nhẹ nhàng, tạo hình, tạo ý. Chỉ nghe giảng cũng mường tượng được hình, não bộ sẽ chiếu ra muôn ngàn thước phim thật như là hiện thực. Đó là lúc tôi mở trọn giác quan, tận hưởng sự lặng im tuyệt đối để dẫn lối cho muôn vàn tưởng tượng, hiển hiện, lan toả và thấm nhuần.

Đó là tôi đã chủ động lắng nghe, nghĩ suy, tạo hình, hiểu ý, hiểu bài. Đó là một hành trình của hoạt động học tập đúng nghĩa, mà khi đó bản thân người học sinh sẽ tự chuyển hoá, tự nung chảy mình, ra hoa, ra ngọc.

Jean Baptiste Girard  đã từng viết: “Bằng lời nói, chúng ta học được suy nghĩ, và bằng ý nghĩ, chúng ta học được cuộc sống.” Lời giảng của thầy có thể kích động sự tức giận và căm ghét cái xấu, khơi gợi niềm đam mê với cái tốt, cái đẹp.  Lời giảng của thầy có thể tái hiện lại lịch sử, mô tả vũ trụ tự nhiên, và thậm chí để gợi ra những cái nhìn thực tế về những thứ chỉ tồn tại trong tưởng tượng. Nghèo nàn về ngôn từ sẽ dễ gây ra những chai sạn về cảm xúc, xơ cứng về tâm hồn. Quả thực trong cuộc sống đầy những bất trắc bon chen này, ai cũng cần có một tấm lòng yêu thương, quan tâm, lo lắng tận đáy lòng mình.. Nhưng một bộ phận không nhỏ trong xã hội hiện nay lại xuất hiện lối sống thờ ơ, vô cảm, một trái tim khô cằn, một thứ tình cảm bị di lệch … Gây ra những trở trăn không hề nhỏ cho những người  gánh vác sứ mệnh “trồng người” thiêng liêng.

Hôm nay tôi dạy văn, tôi có cả kênh hình và kênh tiếng, có cả những thiết bị nghe nhìn đồng hành cùng bài giảng. Chỉ cần một cái nhấp chuột tôi sẽ mở ra trước mắt học sinh những thước phim thật sự, các em được nhìn tận mắt, nghe tận tai, thậm chí đôi khi các em còn có thể sờ nắn được.

Các em sẽ nhìn thấy thực tế chiếc “gàu sòng” trông như thế nào, chứ không phải nặn óc suy nghĩ vì sao chiếc gàu lại có thể múc lên được một vị chồng của cô gái trẻ. Vì các em phải xem và tự cảm nhận trong một định hướng chung chung về thân phận những người phụ nữ thời kỳ phong kiến, nên chắc các em sẽ nhìn ngắm hình khối, màu sắc của chiếc gàu huyền thoại đó, sẽ mơ hồ hư thực về nỗi đau của số phận người. Các em sẽ không nghe được tiếng thở dài bất lực của cô gái trẻ trong đêm trường phong kiến, tiếng khóc nghẹn sau khuê phòng mỗi đêm bởi phải lấy chồng quá “bé bỏng” của hủ tục tảo hôn chôn vùi hạnh phúc của bao nhiêu cô gái trẻ.

Các em sẽ không hình dung được hết, vì thời gian trình chiếu đã thay thế cho thời gian giảng giải, phân tích, bình luận. Tôi không thể cà kê dài dòng giữa một tiết học hiện đại như thế. Người ta nói giảng văn nhiều làm học sinh không muốn nghe và học sinh không nhớ hết. Những thước phim ấy chỉ tác động trong giây lát. Còn lời giảng, thấm nhuần như nước chảy lâu ngày làm đá mòn thì bị kiệm đi. Cách dạy của thầy xưa là theo kiểu truyền thống, đem lại nhiều lời giảng tha thiết và cuốn hút. Còn dạy theo phương pháp mới bây giờ coi trong sự chủ động của trò, thầy không được đa ngôn, càng không được thuyết trình từ đầu đến cuối. Thầy phải hướng dẫn gợi mở để trò tự khám phá cái hay cái đẹp của tác phẩm. Đó là một hành trình gian khổ, không hiếm những trăn trở, lo âu.

Có một lần các giáo viên dạy văn truyền tay nhau một tiết học văn của người Mỹ về bài cô bé lọ lem. Và người ta thán tụng, ngưỡng mộ, ước gì những tiết dạy văn của nước ta cũng như thế. Cứ dạy đúng vào thực tiễn thôi. Lúc đó tôi đã bình luận thế này :”Mình không đồng tình lắm . Dạy văn phải có bình văn và giảng văn. Trong giảng văn phải có nghệ thuật ngôn từ lấp lánh, là xương sống của tác phẩm. Cái hay của mĩ từ làm nên cái đẹp của nhân văn. Trong bình văn phải có giá trị nội dung của tác phẩm và ý nghĩa thực tiễn của tác phẩm hướng đến cách đối nhân xử thế. Người này chỉ đang nói chuyện văn, đối thoại bóc tách tác phẩm theo đa hướng điểm nhìn của vị trí nhân vật trong thế giới nhân sinh quan. Chưa giảng văn và bình văn nên sự lấp lánh của ngôn từ chưa được khai thác”.

Thế là rất đông đảo người khác đã vào ném đá tôi, chỉ trích rằng vì tôi dạy như vậy nên học sinh mới chán văn, ghét văn, mặc dù họ chưa dự giờ tôi lần nào. Lần đó tôi thực sự đã hiểu thế nào là sức mạnh của dư luận ngược chiều. Và tính đa chiều khi người ta quên mất giá trị thực sự của tiết giảng văn, chính là chất giọng truyền cảm của người dạy, là lời giảng tạo ý, tạo hình, là cách giảng hoài thai được tâm ý trong lòng người nghe. Là sự nỗ lực của chiều sâu trí tuệ, kinh nghiệm, đạo đức và đam mê.

Tôi lặng nhìn những học sinh trong veo dưới lớp, trong đó có những em có những ý tưởng rất sáng tạo và tôi đã học hỏi được rất nhiều khi chấm bài của các em ấy. Có những em theo khối tự nhiên nên học văn chỉ là môn học đối phó trên ghế nhà trường. Cũng có những em theo năng khiếu và nó hầu như kém các môn khác. Và cũng có nhiều em nói rằng em thật sự không tiêu hoá nổi chữ nghĩa nữa rồi cô ơi.

Và lúc đó, tôi không nặng nề lắm về lý luận, về kiến thức trọng tâm. Lúc đó, tôi trở thành kỹ sư tâm hồn. Tôi quan sát từng đứa trẻ từng ngày, có đứa biểu hiện dậy thì rõ rệt, tôi sẽ bằng tinh tế mà đối đãi. Có khi một thời gian tôi thậm chí không ép nó nạp chữ vào, nhưng sau khi nó vượt qua cánh cửa dậy thì với sự nổi loạn của những cảm xúc tiêu cực ấy, nó trở lại và học tốt rất nhiều lần trước. Tôi luôn nói với nó, điều cô cần ở các em không phải là một kho tri thức sống rất giỏi lý luận, cô cần một cây xanh thực sự mát lành và tươi tốt. Cô chú trọng bồi dưỡng nội hàm để lâu ngày nó sẽ tự chuyển hoá cho các em một dạng khí chất đặc biệt mà các em có thể hạnh phúc. Hạnh phúc, ở một góc độ khác, đó là thành công.

Mỗi tiết giảng văn tôi sẽ chân thành và say mê. Sẽ nói cho các em biết vì sao nhà thơ lại có thể viết “ánh nắng chảy đầy vai” tinh tế đến vậy. Sẽ nói cho các em biết đọc lời hay để viết được chữ tốt. Sẽ thấy tiếng Việt của chúng ta giàu và đẹp biết bao, để khi sắp xếp chúng lại đúng vị trí, chúng sẽ trở thành khúc ca kì diệu của tiếng lòng. Và đằng sau câu chữ in dàn đều trên mỗi trang sách kia là những phút đau đáu trong lòng của những người viết nên chúng.  Của tất cả tình yêu, nỗi nhớ, buồn vui của tất cả những cảm xúc kì diệu nhất trên nhân thế.

Tôi nhớ thầy tôi đã trồng những bông hoa tâm hồn như thế nào. Và tôi thầm dặn lòng, sẽ trồng tiếp những bông hoa tâm hồn như thế!

Chỉ mong sau những xô bồ hỗn loạn, hãy trả phương pháp dạy văn trở về đúng nghĩa là kỹ sư tâm hồn!

Trần Hiền