Trương Vĩnh Tuấn
(Vanchuongphuongnam.vn) – Với Nguyễn Vũ Quỳnh, thơ như thứ men say ủ nồng thêm bao xúc cảm về tình người, tình quê hương trong suốt quãng đời cầm bút của mình. Nguyễn Vũ Quỳnh đã lượng hóa điều đó bằng những bài thơ ròng tươi chân chất.
Tập thơ Đối thoại với thời gian của nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh
Để lưu gữ giá trị uyên nguyên của một bản thể trong chủ lưu bất tận, hối hả của vũ trụ, anh đã dụng công Đối thoại với thời gian bằng cách riêng của mình. Thơ Nguyễn Vũ Quỳnh đã mã hóa thời gian, không gian nghệ thuật qua cấu trúc của từng bài thơ, câu thơ. Khi bắt gặp được sự liên tưởng này, người đọc có thể thấu thị được bóng thời gian và lời tri âm của tác giả, ký thác đằng sau mỗi thi tứ, thi ảnh để hòa điệu cùng nhịp luân hành của thời gian.
Phải nói ngay rằng, Đối thoại với thời gian là nỗi lòng của một người đằng đẳng xa quê, nhưng không lúc nào là không đau đáu ngóng về nơi ấy: Cánh cò mỏng mảnh trời xa/ Cáy cua không có vắng nhà vại dưa. Cái vùng quê nghèo ấy: Nghèo chi rách cả đường làng/ Cá lẹp rau má khoai lang bốn mùa (Qua miền ký ức). Thương đến cháy lòng, yêu đến đắm đuối: Gió vít ngọn tre bật cong nỗi nhớ/ Tia nắng vàng lọt qua khung cửa sổ/ Ôm bóng quê cuộn tròn vào giấc ngủ/ Dáng xưa về lục lọi cả tuổi thơ (Dáng Xưa). Và khi tuổi đã xế chiều: Lặng thầm trước bến hoàng hôn. Rung lên nhịp nhớ thương da diết, rồi: Để lại bóng quê sau lưng hoang vắng và Đi xa mất chỗ trở về. Vâng đó chính là nhân duyên để tập thơ Đối thoại với thời gian ra đời.
Với năm mươi lăm bài thơ, súc tích, trừ bài dài sẽ nói ở phần sau, còn lại mỗi bài đều tải một tứ thơ khi thì trong trẻo, lúc lại lắng đọng, có lúc lại dâng trào mãnh liệt, qua từng thời kỳ phát triển của xã hội và thời gian sắp đến. Đó là Dáng xưa khắc khoải: Giữa đen trắng nghe phập phồng hơi thở/ Mảnh trăng vàng sáng phía trời xa đến: Nắng chiều trộn với mưa sa/ Gió tung vạt áo đường tà lưng quen. Là tiếng gọi thảng thốt ngày xưa ơi: Đêm thao thức ngọn đèn khuya khổ sở/ Kỷ niệm xưa biền biệt mãi chưa về./ Và, cũng là lời hứa thiêng liêng với ngôi chùa quê cổ kính: Ta đi gom tiếng sáo diều/ Mang về khúc hát tặng chiều chùa quê (Tiếng chuông chùa chiều). Đi cuối đất cùng trời vẫn Tìm về lời ru: Nghe ru bướm đậu trước thềm/ Có vành trăng khuyết thành đêm trăng rằm. Càng không bao giờ quên: Tự nhiên thèm bát canh riêu/ Tập tàng mẹ nấu có nhiều rạm cua/ Thèm về trở lại buổi trưa/ Đọc Kiều trong mái nhà xưa cột kèo (Tự nhiên). Thèm cái dân dã đồng quê hơn cả cao lương mỹ vị, vì nó ngấm vào tiềm thức của người đi xa, cả khi về thăm lại cánh đồng: Đất làng bên đoạn sông cong/ Lúa tương tư giữa cánh đồng tháng năm/ Mười tư chưa phải là rằm/ Câu ca dao cũ nhắc thầm trời quê (Quê nhà ơi). Và: Bây giờ con cháu đi xa/ Vẫn nhớ tiếng trống đình làng thuở trước/ Thong thả rơi trong miền ký ức/ Ngẩn ngơ trước bến đợi chờ (Mất dấu chân quê). Hay: Chiếc nón pha màu cát nóng/ Cái áo nâu quần đen vải mộc/ Bắp chân vẫn trắng nõn nà (Quay quắt cánh đồng). Nguyễn Vũ Quỳnh trở lại tuổi thơ với những kỷ niệm đẹp, chân chất, hồn hậu và cũng rất phiêu lãng…
Cũng như bao người khác cùng thế hệ, nước có giặc thì lên đường đánh giặc, để rồi khi trở lại đời thường vẫn nhớ da diết những tên đất, tên làng ở khắp miền đất nước: Trước gió ngàn man mát cánh Pơ Lang/ Ta dừng bước thẫn thờ bên bến hẹn/ Sê San ơi dội vào cửa sóng/ Hương cà phê về thơm ngát Tây Nguyên (Ngan ngát Tây Nguyên). Vẫn canh cánh bên lòng những ngày ra trận hào hùng và mất mát bi thương. Đồng đội ơi!/ Chúng ta chẳng đứa nào mà không có tên/ Khi điểm danh đứa nào cũng có/ Lúc ngã xuống trong mưa bom bão đạn/ Trên mộ phần tên người có người không (Đồng đội ơi).
Xót xa đến nao lòng ở nghĩa trang liệt sỹ, nơi biết bao nhiêu đồng đội anh ở lại. Từ Trường Sơn tới Trường Sa, nơi bão tố phong ba của hôm nay. Bài thơ Mai em về Trường Sa, một bản tình ca âm vang, vượt lên phong ba bão táp và hình như bóng dáng của một ca khúc đẹp cất lên khi ai đó đọc bài thơ:
Nhớ hôm em về với đảo Sơn ca/ Sóng táp mạn xuồng làm áo em ướt hết/ Anh tặng áo mình che ấm tình em/ Ở đảo Sinh Tồn khi bình minh lên/ Là nỗi nhớ hòa vào với biển / Nghe hương thầm tiếng hát giữa trùng khơi.
Hay: Búp sen xanh dấu hương thơm vào nhụy/ Em nhuộm màu thời gian trong anh (Em – thời gian và anh).
Hình tượng và ngôn ngữ trong thơ Nguyễn Vũ Quỳnh đó là chất men thơm tạo nên sự tinh khiết, khiến người đọc thơ anh cảm nhận được tình quê, tình người, tình đời, giản dị trong sáng mà đẹp. Giọng thơ đằm thắm và gần gũi, chân chất mà xúc cảm với hình ảnh, bay bổng là thế mạnh của tập thơ. Không cầu kì nhưng không vì thế mà cẩu thả, buông tuồng, có những bài thơ, câu lục bát thật đáng yêu: Chốn xa xăm mộng mơ tôi/ Câu thơ lục bát đánh rơi anh và… Hoặc: Anh đi mang tiếng sáo diều/ Lấp vào khoảng lặng những chiều chênh vênh. Và: Một mình em chỉ riêng em/ Câu thơ lục bát bắt đền lời ru/ Thôi đành gói trọn riêng tư/ Anh xin nhận lại lời ru nợ nần… nhiều lắm những câu như thế trong tập thơ.
Với lối viết quen thuộc nhưng lời thơ mang phong cách mới, làm cho thơ Nguyễn Vũ Quỳnh phong phú về thể loại và có giọng thơ riêng, giàu ngôn từ thi ảnh, đa cảm. Đó là: Tiếng ru ngon giấc ngủ nằm mơ trăng – … Ngậm ngùi mưa thủng trời quê – … Mùa đông khói rạ cay xè – … Nằm mơ gốc rạ cọng rơm – … Ôm bóng quê cuộn tròn vào giấc ngủ – … Mắt chiều nhuộm tím thời gian… Chính vì lẽ ấy mà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh đã chiếm được cảm xúc của người đọc. Và cuối cùng, không thể không nói đến một bài thơ thế sự dài đầy trăn trở. Đó là bài Đối thoại với thời gian cũng là tựa đề của tập thơ, là quãng thời gian dài được Nguyễn Vũ Quỳnh chắt lọc lại từ thuở thiếu thời đến bây giờ để tâm sự, với nỗi lòng của người xa quê song âu cũng là đối thoại với hiện thực. Bằng sự từng trải, bằng sự chiêm nghiệm và cả vốn tích lũy của một nhà báo, nhà thơ, từng qua trận mạc, xông xáo trên mọi nẻo hành trình, tâm huyết với nghề nghiệp.
Nguyễn Vũ Quỳnh là nhà thơ nghĩ về đất nước của mình qua quãng thời gian đã sống với sự hàm ơn, với trách nhiệm cùng sự lo âu khắc khoải. Một trăm mười chín câu thơ, với lối viết trường ca bài thơ đã khẳng định những bước đi thăng trầm của đất nước, lí tưởng và hoài bão, vinh quang và mất mát, lo âu và hi vọng, có cả sự bất lực trước những điều ngang trái. Bài thơ đã thể hiện đầy đủ lòng yêu nước của một con người yêu nước. Nhiều câu hỏi không phải để chờ đợi câu trả lời mà đặt ra một thách thức cho chính mình, chính những người đang sống: Đất nước hòa bình/ Nhưng chưa có thái bình đúng nghĩa. Hay: Khi các vị bước lên thềm cơ chế/ Chất vấn nhiều lời hứa cũng dày lên.
Đối thoại với thời gian là bản lĩnh tinh tế của Nguyễn Vũ Quỳnh, bởi thời gian là đối tượng siêu việt để trân trọng đối thoại. Khi đối thoại với thời gian, con người thấy mình bé nhỏ, hữu hạn trong chiều tích hợp và Nguyễn Vũ Quỳnh đã đặt mình vào vị trí đối thoại, không thương thảo. Đó là điều đáng quý của nhà thơ.