Nhạc sĩ Phú Quang vừa trở về đất mẹ trong tình yêu thương và nỗi buồn chia xa của bạn bè đồng nghiệp cũng như khán giả. Bài viết của nhà nghiên cứu, phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cũng là một lời tri ân của anh với vị nhạc sĩ của những giai điệu trữ tình tự sự mang đặc trưng riêng…
Nhạc sĩ Phú Quang.
Dẫu quá quen thuộc với ca khúc của Phú Quang nhưng vẫn có không ít lần nhạc sĩ “tung” bài hát mới và nó mang lại cho tôi cảm giác thật ngạc nhiên xen lẫn sự thú vị.
Phú Quang trong âm nhạc
Ai cũng biết Phú Quang yêu Hà Nội đến nhường nào (ông được trao Giải thưởng Lớn của Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội năm 2020). Với nhiều người Việt Nam, nhất là người Hà Nội, nhắc đến Hồ Gươm là nhắc đến những gì tình cảm gần gũi nhất song cũng thiêng liêng nhất. Ấy thế mà Phú Quang có hẳn một bài hát với cái tên đầy… táo bạo mà nhiều người nghe hẳn sẽ giật mình thon thót: Tôi muốn mang Hồ Gươm đi (thơ Trần Mạnh Hảo). Và rằng lý do: “Tôi muốn mang Hồ Gươm đi trú Đông/ Nhưng làm sao mang nổi được sông Hồng/ Làm sao gói nổi heo may rét/ Thôi đành để hồ cho gió bấc trông”.
Hóa ra, nói thế để thỏa nỗi nhớ Hà Nội.
Phú Quang là nhạc sĩ có nhiều “duyên nợ” với Hà Nội. Những ca khúc của ông là nỗi niềm, là sự day dứt, là tình yêu khôn nguôi với mảnh đất nghìn năm văn hiến.
Còn nữa, trong khi không ít người lúc sáng tác ca khúc tâm niệm, cái tên bài vừa ngắn gọn súc tích cũng là một trong những tiêu chí. Bản thân trong các ca khúc của nhạc sĩ Phú Quang dù đa số có tên bài không hẳn là ngắn nhưng luôn “đắt” vì sự súc tích. Nhưng việc nhạc sĩ giới thiệu với cái tên dài lắc lơ cũng khiến nhiều người bất ngờ, như bài Có một vài điều anh muốn nói với em lên tới 9 chữ, hay Hà Nội và em khi Thu chớm Đông sang cũng 9 chữ. Cách dùng tên bài dài “sêm sêm” một câu văn không phổ biến trong sáng tác ca khúc nhưng đôi khi tôi cũng thấy xuất hiện, như trong một vài ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Cường.
Phổ thơ là một trong những điểm nổi bật nữa mỗi khi nhắc đến sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ Phú Quang. Nhìn thoáng qua, phổ thơ có vẻ đơn giản và điều này cũng đang rất phổ biến. Chỉ cần có một bài thơ giàu nhạc tính là vài phút cũng có thể xong một ca khúc. Không thể phủ nhận đó là một lợi thế của một dân tộc vừa có truyền thống yêu ca hát, lại vừa có một ngôn ngữ đa thanh điệu. Song, chính lợi thế cũng lại tồn tại hạn chế. Hạn chế khiến nhiều người sa lầy vào sự nhầm lẫn giữa hát theo thanh điệu của lời thơ một cách tự nhiên như những gì nội tại bài thơ đã có với việc chắp cánh cho những lời thơ, ý thơ những giai điệu âm nhạc để nó đủ sức quyến rũ, bay vào tâm hồn người nghe và trú ngụ thật lâu ở trong đó.
Phú Quang sáng tác ca khúc có mối liên hệ mật thiết với thơ ca, cách phổ thơ của Phú Quang nhìn chung theo tôi thì không nệ vào lời thơ mà phụ thuộc vào cảm xúc của ông khi tiếp cận nó. Cho nên, có bài tỷ lệ câu thơ vào lời ca khá cao, cũng có bài chỉ một vài câu, có bài thì chỉ một ý thơ… nhưng dù chỉ là một ý thơ được đọc và những giai điệu nhảy múa trong tâm hồn thì khi hoàn thành tác phẩm, ông vẫn không quên tác giả của ý thơ đã giúp mình có thêm một ca khúc mới. Và cũng vì cách phổ này mà Phú Quang vẫn giữ được cái chất riêng trong âm nhạc – hễ vang lên người ta sẽ biết ngay đó là Phú Quang.
Trong trái tim mọi người
Từ nước Mỹ, nhạc sĩ Vũ Thành An chia sẻ trên trang cá nhân: “Khi nghe bài Em ơi Hà Nội phố, An đã cảm nhận được tài năng của Phú Quang. Nhiều năm trước An đã gặp Phú Quang tại Nam Cali, ông là một người dễ mến”. Vị nhạc sĩ của những tuyệt phẩm tình ca không đặt tên này còn chia sẻ thêm: “Dù phương trời và hoàn cảnh có khác nhau nhưng An cảm thấy dòng âm thanh đã nối kết gần gũi giữa 2 tâm hồn đồng điệu” và khẳng định: “Ông đã có những giai điệu của riêng ông. Chính vì thế những ca khúc của ông sẽ tồn tại mãi trong ngọn gió Thu Đông”.
Nhạc sĩ Vũ Thành An.
Cũng từ Mỹ, ca sĩ Thu Phương đăng trên trang cá nhân của mình ca khúc Nỗi buồn mà chị đã thể hiện trong một chương trình biểu diễn và nội dung status cũng không gì nhiều, chỉ mấy có mấy từ: “Ôi…! Nỗi buồn”, ngay dưới đó là “…” và cuối cùng là: “Tạm biệt nhạc sĩ Phú Quang”. Chỉ vẻn vẹn có thế thôi, nhưng mà đủ thấy nữ ca sĩ nặng lòng với Hà Nội này đau lòng lắm!
Nhạc sĩ Nhật Trung, tác giả của Nửa vầng trăng, Trăng rơi bên hồ, Mãi còn yêu chia sẻ thêm lý do anh nặng tình nặng nghĩa với vị nhạc sĩ tiền bối: “Đơn giản thôi, một người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho tôi khi tôi mới chập chững bước vào Sài Gòn. Những đồng tiền đầu tiên kiếm được trên mảnh đất Sài Gòn, những mối quan hệ bạn bè đều có bàn tay chú đỡ đần. Biết ơn cuộc đời đã cho chú cháu mình gặp nhau và xin được tri ân chú -nhạc sĩ của Hà Nội Phố và cả nỗi nhớ mùa Đông” – Nhật Trung chia sẻ.
Trong mắt tôi
Phú Quang mà tôi biết, là một người không chỉ tài ba về âm nhạc mà còn rất giỏi khai thác chính âm nhạc của mình. Ông có lẽ là nhạc sĩ duy nhất ở Việt Nam tự tổ chức được cho chính bản thân mình rất nhiều liveshow lớn, không chỉ mỗi năm 1 lần mà có thể có rất nhiều lần trong 1 năm. Trong mỗi liveshow đó, sự sang trọng của thương hiệu âm nhạc Phú Quang còn được tăng thêm bởi mỗi khách mua những tấm vé ấy sẽ được tặng kèm theo những album được thiết kế sang trọng, đẹp mắt vàmới nhất ở thời điểm đó.
Trong lát cắt nhỏ xíu về cuộc đời hoạt động âm nhạc của nhạc sĩ Phú Quang cũng có sự tham gia của tôi. Thường thì tôi đảm nhiệm khâu thực hiện các thủ tục cấp phép cho những album của nhạc sĩ sao cho kịp tiến độ đề ra. Trong khoảng hơn 10 năm kể từ những năm đầu thế kỷ 21, không thể nhớ hết nổi đã bao nhiêu lần thực hiện công việc này nhưng chắc chắn nó vượt qua con số 10.
Còn một chi tiết nữa về Phú Quang khiến tôi chú ý ông hơn và quý trọng ông hơn. Trong giai đoạn những năm thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, chắc sẽ nhiều người ngại khi đụng chạm đến vấn đề bản quyền với các ca khúc của nhạc sĩ Phú Quang. Thực tế thì hoàn toàn khác, Phú Quang là một người thẳng thắn, có bất cập gì thì nói thẳng, nhưng ông cũng chẳng để bụng lâu.
Có một lần, một người bạn tôi là Tuấn Hiệp muốn ra album với các ca khúc của nhạc sĩ Phú Quang, khi liên lạc với nhạc sĩ, thật bất ngờ, ông sẵn sàng miễn phí toàn bộ phần tác quyền để ca sĩ đỡ bớt một gánh nặng. Nhưng lần ấy, Tuấn Hiệp không nhận ân tình này mà vẫn xin gửi ông một khoản thấp hơn một chút so với mặt bằng chung lúc đó để ông vui.
Và trong ký ức của riêng tôi
Tôi không phải một ca sĩ, chỉ có lũ bạn thời cấp 3 là thích giọng hát của tôi. Giờ nhiều đứa vẫn còn nhớ tiếng hát tôi trong những lần sinh hoạt văn nghệ, những buổi chào cờ đầu tuần ở Trường THPT Ngô Sĩ Liên, rồi những đợt liên hoan văn nghệ quần chúng… Nhiều đứa bây giờ gặp vẫn nhắc tới những Điều giản dị, Biển nỗi nhớ và em, Đâu phải bởi mùa Thu, Tình khúc 24… Chẳng thể nào nói khác được, những giai điệu ấy, lời ca ấy là một phần thanh xuân của chúng tôi.
Mùa Hè năm tôi học lớp 11, bố dẫn tôi từ thành phố Bắc Giang ra Hà Nội, đến Nhạc viện gặp thầy Trần Hiếu để bắt đầu thực hiện ước mơ âm nhạc chuyên nghiệp. Bữa ấy tôi cầm cây đàn guitar vừa gảy và vừa hát. 2 trong số 3 bài tôi hát hôm đó để thầy Trần Hiếu thẩm định là của nhạc sĩ Phú Quang, đó là Biển nỗi nhớ và em, Đâu phải bởi mùa Thu.
Có một buổi chiều sẩm cũng đã trôi qua lâu rồi nhưng tôi không bao giờ quên. Hôm ấy, tôi về Bắc Ninh mừng cho một người con gái chuẩn bị lên xe hoa về nhà chồng. Mọi người đề nghị hát tặng đám cưới một bài, dù chẳng hề sẵn sàng nhưng tôi cuối cùng vẫn hát. “Người yêu ơi! Dù mai ngày cách xa/ Mãi mãi diệu kỳ là tình yêu chúng ta/ Và ta biết một điều thật giản dị/ Càng xa em ta càng thấy yêu em!” (ca khúc Điều giản dị).
Giật mình, không hiểu tại sao tôi lại hát những ca từ ấy, lẽ ra trong đám cưới thường sẽ hát lặp lại đoạn ca từ “Người yêu ơi đừng bao giờ cách xa…”. Có thể trong sự ngổn ngang những suy nghĩ vu vơ hôm đó, tôi đã làm một người con gái buồn. Một thứ tình cảm trên tình bạn dưới tình yêu thật khó lý giải.
Tất cả những dòng cảm xúc này tôi đã nghĩ chỉ giữ cho riêng mình nếu không có ngày này. Thực sự tôi muốn giãi bày rằng những ca khúc của ông đã và vẫn gắn liền với tôi. Tôi muốn tri ân ông vì điều đó.
Theo Nguyễn Quang Long/Vanvn