‘Nỗi oan’ của vua Gia Long quanh cái chết của trung quân Nguyễn Văn Thành

694

Xung quanh cái chết trung quân Nguyễn Văn Thành, nhiều người ác ý gán đã ghép cho vua Gia Long để lên án ông trong vụ án Nguyễn Văn Thuyên, trở thành nỗi oan khiên, bất công kéo dài cho đến thời Trương Vĩnh Ký cũng còn hiểu lầm.

Như ở bài trước, câu chuyện về bài thơ của Nguyễn Văn Thuyên hoàn toàn gây bất ngờ đối với vua Gia Long, song khi được tả quân Lê Văn Duyệt báo lên, ông vẫn giữ thái độ bình tĩnh. Trong tác phẩm mới Xã hội Việt Nam thời Lê – Nguyễn của tác giả Lê Nguyễn, (do Dtbooks và NXB Hồng Đức) vừa ấn hành kể lại: “Vua cho rằng sự trạng chưa được rõ rệt, hãy để đấy mà trả bài thơ ấy về. Nếu muốn nhân chuyện bài thơ để trừ khử Nguyễn Văn Thành, sao nhà vua không chụp ngay cơ hội mà còn trù trừ? Tháng 6 ÂL nhuận 1816, tiếp tục vụ án Nguyễn Văn Thuyên, đình thần đề nghị xử Nguyễn Văn Thành tội chết, vua Gia Long thấy chưa thỏa đáng vẫn yêu cầu bàn lại”.


Tranh vẽ chân dung vua Gia Long.

Sách đã dẫn phân tích thêm: “Luật lệ và luân lý trong xã hội quân chủ xưa khắc nghiệt đến mức tàn nhẫn. Tiêu biểu cho nhận định này là vụ án Lệ Chi viên: chỉ vì cái chết bất ngờ của vua Lê Thái Tông sau khi thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ (mà ngày nay, về mặt khoa học, chúng ta dễ tin rằng do trúng gió hay thượng mã phong) mà triều đình nhà Lê chẳng những đã giết Thị Lộ một cách oan ức, lại còn lôi cả dòng họ ba đời của Nguyễn Trãi ra giết sạch. Thấm thía cái phi lý của vụ án Lệ chi viên, ta mới thấy rằng những gì gán ghép cho vua Gia Long và lên án ông trong vụ án Nguyễn Văn Thuyên và cái chết của Nguyễn Văn Thành là thật bất công, nếu không muốn nói là đầy ác ý”.

Học giả Trương Vĩnh Ký cũng bị nhầm lẫn

Xung quanh những sự kiện liên quan đến trung quân Nguyễn Văn Thành sau đó, trong tác phẩm Souvenirs de Hué (Hồi ức về Huế) xuất bản tại Pháp năm 1867, Michel Đức Chaigneau, con trai trưởng của J.B. Chaigneau (làm quan triều Gia Long – Minh Mạng với tên Việt Nguyễn Văn Thắng) và bà Benoite Hồ Thị Huề cho biết, ông từng ghé lại nhà Nguyễn Văn Thành để thăm vị trung quân bị thất sủng. Lúc đó Michel Đức chỉ khoảng 13-14 tuổi (ông sinh năm 1803), theo cha tháp tùng vua Gia Long cùng các bà phi đi thăm viếng lăng tẩm các chúa Nguyễn, khi đoàn thuyền đi ngang phường Thợ Đúc, Đức đã xin cha cho lên bờ, tìm đến nhà Nguyễn Văn Thành để thăm ông. Cảnh sống đạm bạc của một vị trung quân nhất phẩm triều đình bị thất sủng do Đức kể lại, khiến ai đọc tới, trong lòng đều không khỏi bùi ngùi, thương cảm.


Mộ vua Gia Long và Thừa Thiên Cao hoàng hậu tại Thiên Thọ Lăng ở Huế.

Trong một diễn biến khác, trong tác phẩm Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs (Ký ức lịch sử về Sài Gòn và vùng phụ cận), vốn là một bài diễn văn đọc tại trường Thông ngôn Sài Gòn (Collège des interprètes) vào thập niên 1870, nhà nghiên cứu Lê Nguyễn cho rằng, học giả Petrus Trương Vĩnh Ký đã có một nhầm lẫn nghiêm trọng khi viết rằng vua Minh Mạng âm mưu dựng ra chuyện bài thơ của Nguyễn Văn Thuyên để giết Nguyễn Văn Thành, lúc đó (theo Trương Vĩnh Ký) đang làm Tổng trấn Bắc thành (!!) .

Cũng theo tác giả Lê Nguyễn: “Những người am hiểu đôi chút về thời kỳ này sẽ không khỏi ngạc nhiên: một sự kiện xảy ra năm 1817, trong thời vua Gia Long, trước khi nhà vua qua đời đến ba năm, sao theo Trương Vĩnh Ký lại lọt đến thời vua Minh Mạng (1820-1841)? Ngày nay, dựa vào nhiều nguồn sử liệu khác nhau, ta thấy rõ chi tiết về cái chết của Nguyễn Văn Thành vào năm 1817 là một sự kiện không hề có sự nhầm lẫn hay dị nghị nào, nên điều có thể xác định là nhà bác học Trương Vĩnh Ký đã hoàn toàn sai khi viết về những điều liên quan đến Nguyễn Văn Thành trong bài diễn văn kể trên”.

Sở dĩ để xảy ra chuyện này, nhà nghiên cứu Lê Nguyễn phân tích: “Nếu nhìn kỹ lại sinh hoạt học thuật của nửa sau thế kỷ 19, vào thời điểm cách nay trên dưới 150 năm, chúng ta thấy điều này không có gì khó hiểu: Sách ‘Đại Nam thực lục’ (chính sử) có bộ đã xong, có bộ đang soạn thảo, song dù đã xong, chúng cũng chỉ nằm trong văn khố triều đình, đâu có chuyện in ấn phát hành rộng rãi như chúng ta ngày nay, việc Trương Vĩnh Ký không thể tiếp cận được chính sử là điều dễ hiểu”.


Học giả Trương Vĩnh Ký

Như vậy, rõ ràng học giả Trương Vĩnh Ký là một người Tây học, lại theo Công giáo, nên việc ông đọc nhiều sách của các giáo sĩ phương Tây và chịu ảnh hưởng là điều tất nhiên. Từ nhiều nguồn tư liệu có được, tác giả Lê Nguyễn khẳng định “các ông giáo sĩ thời kỳ này xem vua Minh Mạng là một ‘bạo chúa’ (tyran) phần vì oán giận nhà vua, phần vì không nắm hết sự thật lịch sử trước họ nên đã viết một câu chuyện ‘giả tưởng’ như trên với mục đích ‘vạch trần tội ác’ của nhà vua”, cũng là điều khá dễ hiểu.

Để rồi từ đó nỗi oan của vua Gia Long cứ kéo dài. “Cuối cùng Trương Vĩnh Ký trở thành nạn nhân của những ông giáo sĩ này khi đọc họ và diễn tả lại theo nội dung họ đã viết. Vì vậy khi đọc lại sách vở của những bậc tiền bối, kể cả một người như Trương Vĩnh Ký, sự thận trọng trong việc nhận định, đối chiếu với những nguồn sử liệu khác, vẫn không phải là chuyện thừa”, sách Xã hội Việt Nam thời Lê Nguyễn viết.

Theo Lê Công Sơn/Thanh Niên