(Vanchuongphuongnam.vn) – Hạnh chẳng biết đi đâu, hết chỗ rồi. Hai chị em bạn đồng cảnh gặp nhau ở đầu hẻm, đã giao hẹn với nhau nếu đứa này có biến thì tới nhà đứa kia, trùng gì không trùng, trùng ngay cái lúc bị chồng quậy, đành hồn ai nấy giữ. Quế tả tơi cái áo khoác cũ mèm còn rách toạc miệng túi, cười buồn với Hạnh “Thôi để tui tới nhà bà con xa lánh đỡ vậy”.
Ảnh minh họa – Nguồn internet
Còn lại một mình, tự nhủ cứ đi khỏi nơi nguy hiểm đã, hắn mà tìm được lúc này gặp đâu đánh đấy, chẳng ai dám vào can ngăn, hàng xóm thì đã quá quen cảnh này. Ba đứa con cô trứng gà trứng vịt chạy dạt sang nhà bà ngoại gần đó.
Trước kia, khi mới có hai đứa nhỏ, cô còn hai tay cắp nách chạy trốn vào lô cao-su. Rồi đợi cho hắn ngủ say yên ắng mới lẻn về nhà mẹ. Các con cô bây giờ cũng lớn hơn một chút nên tự trốn được. Hạnh không dám về mẹ ruột, ở nhà mẹ cũng chết hắn sẽ kiếm cớ quậy phá tưng bừng mẹ cô.
Rượu vào mà hắn không chửi rủa hay đập phá được gì hắn như có tội với quỷ với ma. Có lần nửa đêm hắn dựng cô dậy bắt xúc cơm cho hắn ăn. Cơm chan canh, cô ngái ngủ xúc từng thìa mà mắt cứ díp lại. Thìa trúng miệng, thìa trúng mũi. Hắn hất đổ chén cơm rồi đấm đá túi bụi. Hắn bảo cô muốn giết hắn nên đổ cơm vào mũi hắn.
Lần thì lúc 2 giờ đêm hắn bắt cô đi kiếm bằng được ớt tươi, phải vặt ở hàng xóm chứ hắn không ăn ớt ngâm dấm ở nhà.
Rồi có lần anh nhà bên cạnh thấy thương cho cô, lên tiếng can ngăn, hắn đổ riệt là phải lòng vợ hắn, chõ sang chửi người ta tới ba ngày. Từ đó không ai dám nói gì nữa.
Lần này hắn theo một lão bạn đồng hương về tận quê vợ dự đám giỗ. Mẹ con cô được yên ổn ba ngày. Trở về hắn đòi tiền mua rượu, mua tiết heo đánh tiết canh. Mấy đứa con cô đến bữa ngồi dưới bếp ăn cơm, hắn đưa đĩa tiết canh dọa “máu này, máu này…” rồi phá lên cười. Các cháu thấy cha là đứa nào đứa ấy câm nín sợ sệt.
Rượu vào, hắn khóc, cười, chửi, rồi đập nốt vài chiếc chén đĩa còn sót lại. Hạnh đã sắm toàn đồ nhựa, nhưng cũng chẳng gì chịu nổi.
Thỉnh thoảng lại một lần chạy trốn như thế, vậy là mất mấy buổi chợ. Cuộc sống của mẹ con cô trông chờ vào những mưa nắng thất thường trong tâm trí hắn, trong những cơn hỉ nộ tửu trường.
Mỗi buổi bán bánh bột lọc cũng kiếm được tiền rau mắm, tiền trả góp đóng học cho con, nghỉ thế này cô lại phải vay thêm tiền góp mới đủ trang trải. Nợ mới chồng nợ cũ, cô mơ ước ngày các con học xong đi làm, lúc đó cô tin sẽ hết được các món nợ. Công nợ trả dần, cô lại ước, những mơ ước ít khi dừng lại, từ điều này ước qua điều khác. Những ước mơ lan như sao trời về khuya soi sáng đêm đen, có lẽ nhờ vậy mà cô mạnh mẽ được để tìm những lối thoát cho mình. Hạnh thở dài bước tiếp.
Có những đêm hắn trở về gọi cổng, con gái cô thương mẹ đang dở giấc chạy ra mở cổng cho cha. Hắn gào lên “Con mẹ mi đâu? Gọi con mẹ mi ra mở cổng tau mới vô”. Con bé sợ xanh mặt chạy vào gọi mẹ. Mắt nhắm mắt mở cô ra mở cổng, hắn chân nam đá chân chiêu, nồng nặc hơi rượu vẫn gào không ngớt. Những lúc như vậy cô lại nghĩ đến những người phụ nữ vô gia cư, những người phụ nữ nuôi chồng điên dại để được nhẹ lòng. Đó cũng là một cách tự an ủi khi bị rơi vào bóng đêm tuyệt vọng. Dù sao, cô cũng có các con, chúng còn nhỏ nhưng đã biết thương mẹ, cô đủ tỉnh táo, khỏe mạnh để nuôi con và chờ các con khôn lớn, chờ cơ hội được giải phóng.
Ra đến lộ, Hạnh mải miết đi theo bản năng, không để ý sương lạnh đã phủ đầy. Ở miền đất đỏ trung du trời mau khuya lắm, những chuyến xe tải, xe khách lầm lũi chạy, cô ước hóa thân thành những chiếc xe kia, hay chí ít cũng là người khách đường dài mê mệt trong chuyến hành trình nhưng tin chắc mốc cuối có một mái nhà đón đợi.
Bỗng đằng trước có một đám đông, vài chiếc xe đậu lại và năm sáu người vây quanh một người đàn ông bị thương nằm vệ đường đã bất tỉnh, chiếc xe gắn máy của anh đổ nghiêng giữa lộ. “Một vụ tai nạn”- tâm thức trở về với Hạnh. Cô vội vã cùng mấy người khiêng nạn nhân lên chiếc xe ba-gác của một bác đi làm khuya, rồi ngồi kèm giữ nạn nhân khỏi ngả nghiêng khi xe chạy. Vốn mau mắn và hay giúp người, vả lại lúc này cô cũng rảnh tay.
Tới bệnh viện, Hạnh cùng các y bác sĩ khênh nạn nhân lên băng ca đẩy vào phòng cấp cứu, giấy tờ trong người nạn nhân được lấy ra để xác định danh tính, áo blu trắng khắp nơi chạy qua chạy lại hối hả, rồi ai đó đưa cho cô những tờ giấy yêu cầu các chiếu chụp xét nghiệm để cô đẩy bệnh nhân đến các phòng. Họ nghĩ Hạnh là người nhà của nạn nhân, Hạnh cũng không có cơ hội giải thích.
Đang từ trạng thái trôi dạt buông xuôi, rất nhanh cô trở nên bận rộn lo lắng cho một người không quen biết, chợt thấy mình may mắn hơn người nằm kia, hơn cả mình trước đó một lúc. Cô ý thức đang được sống, đang làm việc có mục đích rõ ràng, đang vào một guồng quay cứu giúp người lâm nạn, Hạnh cảm nhận một thân phận khác nhập vào cô, mà không, cô lạc vào một cuộc đời khác thì đúng hơn.
“Chúng tôi đã hết sức cố gắng, xin chia buồn với gia đình”
Hạnh giật mình, cô cầm chiếc điện thoại của nạn nhân run run dò danh bạ… Khoảng hai mươi phút sau có mấy người tới, bần thần nhận diện, òa khóc, lại ký, thủ tục xin về. Có một người trong số họ cảm ơn cô, họ mời cô về nhà để được tri ân và mong cô giúp đỡ như một người làm chứng.
Hạnh lưỡng lự một chút rồi quyết định nhanh. Đằng nào cô cũng chưa biết đi đâu, nhận lời giúp họ mà cũng có nơi trú tạm vài ngày. Ở nhà chỉ còn hắn với bốn bức tường gạch trống huơ trống hoác chẳng còn gì mà đập phá, mấy đứa con tá túc bên ngoại cũng tạm yên thân. Cô lặng lẽ đứng lên khỏi chiếc ghế đá trong khuôn viên bệnh viện mà cô định ngả lưng qua đêm, theo gia đình nạn nhân lên chiếc xe Lambro về nhà họ cách chừng ba chục cây số.
Hạnh lăn lộn phụ giúp nhà đám như một thành viên trong gia đình, chẳng ai để ý đến cô. Người bên nội tưởng cô là bà con họ ngoại và ngược lại, mà cũng có khi họ nghĩ cô là bạn bè của vợ con chủ nhà, hay người giúp việc gia đình mới thuê. Tự sâu thẳm cô ước mình là ai cũng được miễn đừng phải là cô. Khi người ta bị rơi vào hoàn cảnh như một sự trêu đùa của số phận thì những ước mơ của họ cũng kỳ lạ lắm.
Ba ngày trôi qua, người xấu số đã mồ yên mả đẹp, nhà có người mất thường lạnh lẽo, vắng càng thêm vắng. Hạnh tự thấy mình thừa ra giữa khung cảnh ảm đạm này. Ông trời thương tình sắp đặt cho cô tạm trú vào một trang sách, thành nhân vật phụ trong một chương ngắn diễn biến cuộc sống của gia đình xa lạ kia, đúng lúc định mệnh của họ vào hồi chuyển cảnh.
Cô tạm biệt họ, hiểu thêm về lẽ đời, mỗi người đều phải gánh món nợ từ kiếp trước, chẳng có gì là vô tình và cũng chẳng có ai sung sướng trọn vẹn cả. Cô thở phào tự tin hơn.
Hạnh ghé qua mẹ đón các con về nhà, ba đứa trẻ mừng lắm ôm lấy cô, khổ thân các con, cô mong sao nuôi chúng thật mau lớn đủ lông cánh để tự chúng bay lên được vùng trời tự do, thoát khỏi cảnh khổ này, nợ đời với cha chúng để mình cô trả là đủ.
Mấy mẹ con dắt díu về tới nhà cũng gần trưa, cổng cửa mở toang, vỏ chai lăn lóc, tô đĩa và chén ăn cơm giữa chiếu khô khốc, mấy chiếc đũa bẩn xiên xẹo. Cô thu gom lau dọn lại nhà cửa, hắn không ở nhà ban ngày bao giờ, có thể chập tối nếu dẫn bạn về nhậu, có thể nửa đêm nếu đã say xỉn.
Hạnh chưa biết phải làm sao để chịu đựng những trận quậy phá tiếp theo của hắn, nhưng lần sau đi trốn cô không lúng túng nữa, cô có nơi để sơ tán rồi. Hạnh mong gặp được Quế cô bạn cùng cảnh sẽ kể cho Quế biết để bạn mừng, bệnh viện là nơi trú ngụ tuyệt vời nhất, những chiếc ghế đá trong khuôn viên bệnh viện muôn năm..
T.T.B.T
Hội viên VHNT Đồng Nai