(Vanchuongphuongnam.vn) – Mùa thu đã nhẹ gót ra đi, nhường chỗ cho mùa đông lạnh lùng quay lại. Mưa, gió, se se lạnh của những dư âm từng cơn gió mùa Đông Bắc quay về, đặc trưng của mùa đông là vậy.
Mùa đông của thời tuổi thơ, trừ những khi ra đường có công việc, học hành, về đến nhà chỉ thích được ngồi bên bếp lửa hồng, hai bàn tay xòe ra để cảm nhận hơi ấm từ ngọn lửa tỏa ra, rồi xít xoa: Lửa hồng ấm thật! Về đêm, chỉ thích chui vào tấm chăn (mền) bông cuộn tròn, mặc cho bên ngoài mưa, gió hàn huyên tâm sự. Chẳng tranh giành với ai, gió cứ thổi thông thốc bên liếp cửa, mưa cứ xạt xào ngoài mái hiên, tiếng con ếch, nhái, ễnh ương như dàn đồng ca cứ việc thỏa sức hòa tấu giai điệu ngọt ngào của ruộng đồng, tình quê và tình yêu lứa đôi của thế giới luôn động.
Những mùa đông tiếp theo, thời trong quân ngũ nơi đất khách quê người ở Đồng Nai, cảm nhận mùa đông là những tháng ngày hành quân, huấn luyện nơi thao trường, chẳng rung cảm được cái lạnh, cái rét, bởi do khí hậu miền Nam và hoạt động cao độ của người lính nên chỉ thích thú với mưa. Với người lính trẻ, mưa như những giọt châu sa rơi, nên mới có những câu thơ bộc phát: Với người lính trẻ/ Nước là châu sa/ Thấm tận lòng ta/ Ngân nga ta hát/ Nhớ nhà thương em… Em ơi có thấy/ Giọt ngọc tuôn rơi/ Mưa trên áo lính/ Xanh màu quê hương/ Đường dài hành quân… Mà cũng đúng thật, Sài Gòn và các tỉnh phía Nam sáu tháng mưa, sáu tháng nắng làm gì có mùa đông để cảm nhận. Rồi da diết nhớ, thương!
Chỉ khi rời miền Nam ra Bắc, được học tập tại đất Thủ đô, mới cảm nhận trọn vẹn mùa đông về với Thủ đô một cách khá tròn trịa, lãng mạn. Khi được nghe những giai điệu nồng màn của nhạc sỹ Trương Quý Hải được cất lên từ giọng hát, như: “Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa/ Cái rét đầu đông khăn em bay bay hiu hiu gió lạnh/ Hoa sữa thôi rơi, ta bên nhau một chiều tan lớp”…
Vâng. Chỉ những ai được sống hoặc có một thời gian nhất định ở Hà Nội mới cảm nhận hết mùa đông Hà Nội, mới thấy mùa đông mê hoặc không kém gì mùa thu lãng mạn, dù rằng lúc này “hoa sữa thôi rơi”.
Trong bốn mùa của năm, chắc rằng mùa thu là đẹp, lãng mạn nhất, nên các nhà thơ, nhà văn, họa sỹ nói tóm lại giới thi sỹ chọn để trải lòng, viết lên những vần thơ, áng văn chương, ca khúc để bộc bạch tình cảm nồng nàn, da diết, lắng sâu hoặc anh chàng họa sỹ vẽ lên bức chân dung thiếu nữ với những chiếc lá vàng gợi cảm, ma mỵ…
Còn chọn các mùa còn lại trong năm sẽ không biểu đạt, diễn cảm được hết chăng? Nói như người lính vẫn thường hay hát “Một đời người, một rừng cây” của Trần Long Ẩn: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”… Có nhiều người nói: Lính rất khô khan. Đúng thì có đúng phần nào, nhưng cũng chưa hẳn là vậy. Có lẽ, do hạn chế về thời gian, nên người lính ít có điều kiện để gần gũi “bóng hồng” – người mình yêu thương, để trải lòng và có những kỉ niệm đẹp khi yêu. Tuy nhiên, họ cũng có những phút giây lãng mạn đến “xao lòng” bên công viên, bờ hồ hay khu vườn hoa trái… Họ cũng khát khao, cũng mơ ước và nhẹ nhàng nắm tay người mình thương, rồi lấy mọi can đảm để nói tiếng yêu trong cảm xúc thăng hoa! Rồi say đắm trong nụ hôn đầu đời được đặt lên bàn tay, đôi má, hoặc tiến xa hơn là đôi môi của người thương mến! Khi có được chút ít thời gian nghỉ phép, nghỉ tranh thủ, họ chấp nhận bỏ qua mọi sự bộn bề của công việc, gần như tất cả dành cho mối tình mà họ hằng nhung nhớ, để rồi người con gái ấy cũng cảm nhận được hạnh phúc khi được nắm tay người lính…
Tôi từng có những mùa đông không kém phần lãng mạn, bên Hồ Tây, Hồ Gươm, công viên Thủ Lệ… Được sánh vai dạo bước cùng những “bóng hồng” xinh đẹp là những sinh viên sư phạm 18 đôi mươi. Tuy đó không phải là tình yêu, nhưng người lính như tôi có được cái na ná như tình yêu cũng cảm thấy hạnh phúc lắm rồi! Làm sao có thể quên được ánh mắt, nụ cười, những cái lúm đồng tiền đáng yêu đến vậy! Mùi tóc hương nồng nàn, hay mùi hương hoa sữa, “mùi cốm xanh rì” cứ trộn lẫn trong tâm hồn tôi như một bản nhạc hòa tấu không lời. Để rồi giờ đây đã hơn 20 năm xa Hà Nội, vẫn còn cảm nhận như mới hôm qua khi những phút giây chạnh lòng nhớ về Hà Nội!
Chiều đầu đông lại ùa về, khi đọc báo thấy đưa tin người Hà Nội đang thao thức canh thâu, quyên góp vật lực để gói những chiếc bánh chưng xanh gửi về miền Trung khúc ruột mềm yêu thương đang trong cơn bão, lũ. Cảm xúc trong tôi lại dâng tràn niềm tin yêu Hà Nội, dẫu tôi đã rời xa rồi Hà Nội “vắng những cơn mưa”, cũng không còn cơ may để ngắm những cây “hoa sữa thôi rơi” bên đường phố Nguyễn Du… Có lẽ, khi con người xa đi kỉ niệm mới cảm nhận hết sự nhớ nhung, luyến tiếc! Chợt nhớ câu thơ của Nhà thơ Chế Lan Viên: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”… Chỉ có nỗi nhớ len lỏi trong tôi khi mùa đông lại về!…
Đêm 21/10/2020
V.V.T