Nối vòng tay lớn cho đất nở hoa

671

07.4.2018-09:20

Nhà văn trẻ Trần Huy Minh Phương

 

Nối vòng tay lớn cho đất nở hoa

 

TRẦN HUY MINH PHƯƠNG

 

NVTPHCM- Gần ngàn bản tình ca thân phận con người và tình yêu cuộc đời đã rạng danh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Chính Trịnh đã tạo nên một dòng nhạc riêng, một hồn cốt không mấy ai có được. Nó đi sâu vào chúng ta bằng sự giản dị, nhẹ nhàng mà lắng đến nỗi một khi đã quen, thích rồi thân thì không thể nào xa lìa được. Âm nhạc đó như một dược liệu xoa dịu hồn ta qua mỗi bước thăng trầm giữa biển đời lô nhô ngàn vạn con sóng khác nhau.

 

Đã có rất nhiều bài viết về Trịnh và ca khúc của nhạc sĩ. Đã có rất nhiều điều tựa hồ không thể cho mình cất lên niềm riêng giữa bóng đời quá chật, huống nữa là rừng âm nhạc, chất thi ca trong ca từ ấy được nhạc sĩ tài hoa thổi nỗi niềm vào. Ngọn gió ấy bay không cùng tận với thời gian và không gian.

 

Từ thuở còn đi học đến khi tham gia công tác Đoàn – Hội – Đội rồi mỗi lúc đi xa qua ghềnh thác cuộc đời, tôi lại nhớ và ngẫm về ca từ trong ca khúc “Nối vòng tay lớn”. Điệp khúc ‘nối’ làm cho lòng ta gần và thương yêu tựa như ruột thịt, tựa như hơi thở, tựa như chưa từng xa lìa…

 

Một dự cảm trước thời khắc đất nước sẽ được hòa bình, niềm hạnh phúc được ‘nối liền’ trên vạn triệu môi tươi ở dải đất hình cong chữ S này và khắp hành tinh một ngày gần sẽ cùng đồng ca khúc hát hòa bình và tự do, bác ái và nghiêng lòng rót xuống đời nhau những nụ cười hiền như Bụt.

Nội dung ca từ có ba đoạn, chúng ta hãy cùng Trịnh nối lòng mình với bao la.

 

Nuôi lớn niềm vui

“Rừng núi dang tay nối lại biển xa

Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà

Mặt đất bao la, anh em ta về 

Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng

Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam.”

 

Hình ảnh rộng lớn, bao trùm, sức mạnh của rừng, núi, biển, mặt đất, trời rộng làm cho ta có cảm giác an toàn, dễ chịu, là nơi nương tựa vững chắc, nhịp sinh sôi không ngừng. Sự mát lành, dễ gần ấy đã tạo thành sơn hà. Giữa nơi đó chỉ có tình anh em, tình huynh đệ, tình người, nụ cười và tỏa sáng. Giữa nơi đó không có chút nào là lấm láp, tị hiềm, tranh đấu. Bình yên và hoa nở dường như an nhiên đang gieo và bay khắp nơi này.

 

Không gian rộng lớn, thời gian hiện tại là phút giây tuyệt vời cho ‘anh em ta về’, phút giây trùng phùng ấy mừng vui như ‘bão cát quay cuồng trời rộng’. Những hạt cát nhỏ nhoi nhưng làm nên sa mạc, làm nên trận cuồng phong ‘bão cát’ giữa trời đất bao la vô tận, mở lớn thêm mãi.

 

Cát có thể làm ta xốn mắt hoặc dẫn đến mù lòa. Cát nhỏ đó nhưng nếu lọt vào thân con ‘trai’ thì đúng thời, đủ duyên nó sẽ tạo thành viên ngọc quý giá.

 

Cát không thể bay, không thể chuyển động mãnh liệt nếu không nhờ có gió, những ngọn gió khích lệ, những trận gió mạnh mẽ, hào hứng tạo cho cát được thăng hoa, được chuyển mình trong cuộc viễn du, làm mới chính mình.

 

Cát cũng không thể bay mãi, nếu chúng chẳng biết nối kết với nhau tạo thành một khối rắn chắc. Anh em ta về, nếu như ai cũng là ngọn núi chính mình, là hạt cát riêng tư thì không thể tạo thành một vòng tròn đẹp đẽ, viên mãn. Do đó, bàn tay phải chìa ra và cùng nhau nắm chắc thật để ‘nối tròn một vòng’.

Như vậy, sau khi ‘quay cuồng’ giữa niềm vui bao la trong ‘trời rộng’ quang đãng ấy thì mỗi hạt cát lại nằm xuống, lắng nghe cuộc sống, nghe nhịp đập của những hạt cát quanh mình để cùng nhịp mà vui reo trong sinh tồn.

 

Ôi! Bàn tay ấy nếu vung thành nấm đấm thì sẽ đau thương, nước mắt, căm hờn. Nhưng cũng bàn tay mà biết nâng niu thì hoa nở, chìa ra thì cứu vớt biết bao người trong cảnh khốn cùng, hoạn nạn. Bàn tay mở ra như tấm lòng được sẵn sàng đón nhận, dù đó là ai, là gì, làm gì thì bàn tay vẫn cứ mở, cát vẫn sinh sôi, để còn được dịp gặp nhau và mừng như hôm nào.

 

Mỗi cá nhân có chịu là đồng bào, có hướng mắt thương với nhau thì bàn tay vươn dài rộng lớn nối khắp sơn hà cho một Việt Nam vững chắc, xanh như rừng, cao như núi, rộng như biển, bao la như sa mạc. Gần gũi và thương yêu, cao xa mà luôn biết cúi xuống thật gần để thêm hiểu, rộn ràng mà sâu lắng. Và lúc này mỗi bàn tay đã và đang gieo hạt mới, rồi một ngày những hạt giống từ bàn tay biết vì nhau kia lại thành cây, thành rừng, thành núi đồi, thành làng xóm, thành quê hương, thành đất nước và giống nòi lại không ngừng nối tiếp những mạch sống của kết đoàn, vì nhau, cho nhau trong phút giây hiện tại.

 

Dựng tình người

“Cờ nối gió đêm vui nối ngày

Giòng máu nối con tim đồng loại 

Dựng tình người trong ngày mới 

Thành phố nối thôn xa vời vợi

Người chết nối linh thiêng vào đời 

Và nụ cười nối trên môi.”

 

Cờ là hiệu lệnh, là biểu trưng cho một tổ chức, tập thể, cộng đồng, xã hội rộng ra cho đến Tổ quốc. Lá cờ là linh hồn, là niềm vui được reo lên trong gió hòa bình, dựng xây. Cờ được đặt nơi không gian thoáng đãng, nơi mà gió sẽ đến, gió sẽ cổ vũ, nuôi lớn khát vọng và gieo cho cờ những đợt sóng thăng hoa bay lên và lượn theo cánh gió. Do vậy, cờ và gió không thể xa nhau, cũng như hết đêm lại ngày, dòng tuần hoàn ấy là bất tận cho nhịp ‘vui’. Nhưng muốn vui trọn vẹn và thành bản đồng ca bất diệt thì nhựa sống, bầu nhiệt huyết tràn trề ở mỗi con tim được thắp sáng lên, cháy lên cùng với ‘con tim đồng loại’. ‘Giòng máu nối con tim đồng loại’, nhịp cầu ‘nối’ ấy được gắn kết, điểm tô và làm đẹp hơn cho sự sống. Máu đi khắp cơ thể để nuôi các tế bào làm cho nó sinh tồn và phát triển. Máu làm cho con tim đập không ngừng, tác động qua lại ấy không thể trật nhịp. Nếu sai một nhịp tức thì cơ thể không tồn tại. Mỗi cá nhân tạo nên vầng hào quang cho cộng đồng, mỗi cộng đồng tạo thành quầng sáng cho hành tinh xanh ngát.

 

Thời gian sẽ làm đổi thay của tất thảy sự sống, vật chất, hiện tượng. Mọi thứ đều trải qua sinh – trụ – dị – diệt, hoặc ở con người là sinh – già – bệnh – chết. Ai rồi cũng vậy! Cho nên, trong khoảnh khắc hiện hữu, lúc được sống với nhau điều cần lắm là làm đẹp cho nhau, nâng niu, bảo tồn, phát huy và hữu ích cho nhau, vì tất cả để rồi có được tất cả. Cơ thể này rồi sẽ già và tàn lụn, vật chất kia rồi sẽ bị hủy hoại của thời gian nhưng con người hữu dụng kia còn mãi danh thơm, tiếng tốt muôn đời. Vật có ích kia dược người đời ca tụng và tiếp nối cho nó trường tồn ở những phiên bản khác không thôi tiếp diễn.

 

‘Dựng tình người trong ngày mới’ là một thái độ nghiêm khắc, cảnh tỉnh, nhắc mình và gọi mọi người cùng nhau giữ gìn những truyền thống tốt đẹp cũng như phát huy những điều thiết thực có ý nghĩa phù hợp trong thời đang sống. Nó như chiếc lục lạc reo bừng lên ước mơ của trẻ nhỏ, như tiếng còi xung trận của thanh niên, như tiếng chuông báo thức cho những ai mê ngủ, chay lười, như hồi chuông ngân mãi lay người tỉnh thức, biết mở lòng và dựng lại những gì đã, đang đổ nát thành lại như xưa và mới hơn, đẹp hơn, rạng rỡ hơn trong hôm nay và mai sau.

 

Xây dựng con người là điều thiết yếu! Con người sẽ làm ra tất thảy và cũng từ tất thảy sẽ bị hủy diệt trong con người, điều đó tùy thuộc vào mỗi chúng ta, cách nghĩ và hành động trong thời ta sống. Âm ba nó vang vọng xa và sâu lắm, nó dội lại đau nhức con tim hoặc là ngân bên tai những âm thanh dễ nghe, làm mát lành cuộc đời như hoa mỗi sớm mai này. Tùy vào bạn và tôi và chúng ta!

 

Văn hóa người đã đẹp thì nơi văn minh, phát triển hay ở những nơi nghèo khó, chật hẹp vẫn giao hòa, cùng tương tác, gọi nhau, nhắc nhau, giúp nhau phát triển. Lúc này, ‘vời vợi’ trở thành ‘gần gụi’. Không giai cấp, chẳng màu da, xa lìa nghi kỵ, bỏ hết tật đố… mở ra cửa sổ, mọi ánh sáng cùng ùa vào phòng làm cho mát, thêm không khí, thêm sáng tạo và đầy cảm xúc ngọt ngào mới.

 

Người chết hôm qua, khi nãy, mới vừa đây đã nhắc ta điều gì? Nếu chịu hiểu, chấp nhận và soi lại thì mình rồi cũng như vậy. Hãy chọn cái chết được ‘linh thiêng’ để ‘vào đời’ bằng tinh thần nhập thế, vì nhau, sẵn sàng giúp nhau, đưa nhau qua tất cả ghềnh thác để đến bến bờ an vui, hạnh phúc thật sự là NGƯỜI.

 

Người chết, người già, người của quá khứ cũng chính là cầu nối cho người sống, người trẻ, người của hôm nay và mai sau. Sự nối tiếp ấy sẽ không cùng tận, không thể rạch ròi, cũng chẳng thể bóc tách, chia lìa. Vì như vậy chỉ đem lại sự hẫng hụt và nuối tiếc, không trọn vẹn trên nụ cười.

 

Sống cống hiến, sống vì mọi người thì cái chết sẽ được nhắc đến như một niềm kiêu hãnh của hiệu ứng đẹp, nó được lan truyền như một cái bánh ngọt ngon mãi, thơm mãi trên môi người.

 

Mỗi sớm mai thức dậy, soi gương và ta cười với chính mình. Rồi ta cười với người thân, bạn bè, làng xóm, đồng nghiệp, người quen hay lạ thì nụ cười ấy được thầm thì với nhau và mọc xanh giữa sa mạc khô cằn là những khóm hoa, rồi rừng cây cổ thụ của yêu thương được đâm chồi nảy lộc không thôi. Cười đi tôi, cười đi bạn. Công việc sẽ thành, bệnh tật sẽ xa, tình bạn thêm gắn kết sâu sắc, tình người thêm đẹp đẽ xiết bao!

 

Vòng tròn vô ngã

“Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay 

Ta đi từ đồng hoang vu vượt hết núi đồi 

Vượt thác cheo leo, tay ta vượt đèo

Từ quê nghèo lên phố lớn, nắm tay nối liền 

Biển xanh sông gấm nối liền một vòng tử sinh.”

 

Từ điểm xuất phát đến đích, từ nơi bắt đầu đến điểm kết thúc, từ vạch mốc giang sơn đến tâm hồn người ở đó luôn hiện hữu, đồng hành, chăm bón và khơi sáng. Không thể có một và chỉ một, tất cả là sự phối kết, hài hòa, vương vít bên nhau, xoắn kết thành vòng tròn viên mãn không dấu vết của khe hỡ.

Dù nghèo khó, bệnh tật, dù thôn quê còn nhiều chật vật, dù cạn cợt về kiến thức,.. Nhưng nếu chịu vượt lên, tự tin, không gục ngã, thì khi có một bàn tay, nhiều bàn tay chìa ra lúc này đó là những mắc sên liền kề tạo thành vòng quay đều chắc chắn cho chiếc xe lăn bánh. Ta là một nhưng cũng là tập thể, là cộng đồng. Đất nước bắt đầu từ một và từ một tạo thành đất nước. Trong bạn có tôi, trong tôi có bạn. Trong sự sống hôm nay có sự chết của hôm qua và mầm mới từ ta. Dòng luân lưu bất tận ấy cứ chảy tràn qua bao nhiêu đời, bao nhiêu thế hệ làm nên nụ cười, làm nên những rạng rỡ.

 

Lên ngọn núi cao rồi sẽ thấy ‘biển xanh sông gấm’ ấy đã được ‘nối liền một vòng tử sinh’. Nếu chưa hoặc không chịu thấy thì chân giá trị của nụ cười và hạnh phúc mãi mãi sẽ xa vời vợi.

 

Tinh thần nhập thế, vì cộng đồng, vì mọi người là một tinh thần luôn rất cần trong chúng ta. Sự vượt lên chính mình luôn được mọi người khích lệ, sẻ chia và sẵn lòng tiếp ứng. Đừng sợ cô đơn, đừng nghĩ mình đang làm gì, đừng nhọc lòng cho những tị hiềm. Hãy mở ra của cải, kho tàng quý giá nhất trong con tim này là dòng máu nóng của bình yên, mát lành, hạnh phúc, tưới tẩm cho nhau trong ngày mọc sáng những bình minh trổ hoa lành.

 

Nhắm mắt lại và tôi lại nhẩm hát lại ca khúc ấy từ những lời ca ấm tình người, mát như những ngọn gió chân thành. Và tôi thấy Trịnh đang cười ‘linh thiêng’ bên những nụ cười mới hôm nay!

 

17.3.2018

 

 

>> XEM TIẾP BÚT KÝ – TẠP VĂN TÁC GIẢ KHÁC…