Nồng nàn hương Tết

668

Phạm Thị Mỹ Liên

(Vanchuongphuongnam.vn) – Một năm mới nữa lại cận kề, các thành viên trong gia đình có dịp cùng nhau tụ họp, sum vầy, gắn kết đoàn viên. Dù ai đang bôn ba nơi đất khách cũng cố gắng thu xếp về quê hương xứ sở để quây quần cùng với gia đình bên mâm cơm ấm cúng, để được thưởng thức những món ăn ngon từ bàn tay khóe léo của má.

Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, trên mâm cơm luôn đầy ắp những món ăn truyền thống mang hương vị đặc trưng của ngày Tết cổ truyền, trong đó có dưa kiệu. Dù cuộc sống bận rộn, hai năm qua có khó khăn ai cũng giản tiện đi một ít, nhưng dĩa kiệu trắng thơm giòn ngọt vẫn luôn hiện hữu như một hương vị nồng nàn làm đậm thêm hương Tết quê nhà.

Cứ mỗi độ tiết trời vào xuân là biết bao kí ức tuổi thơ lại tìm về nơi chốn làng quê của những người con xa xứ. Nơi thị thành tưng bừng tràn ngập không khí Tết nhưng chưa trọn vẹn sự ấm nồng của gia đình mà nhớ mà thương. Ai cũng ao ước được trở lại với cố hương để cùng với bà với má làm ra món kiệu. Món dưa kiệu nồng nàn hương vị Tết.

Nhớ những ngày đầu tháng chạp, khi không khí Tết đã tràn ngập ở chốn quê nhà thì má lại xách giỏ đi chợ huyện tìm mua vài ba kí kiệu để về ăn trong những ngày trước và trong Tết. Má nói rằng luôn là món khoái khẩu nên năm nào má cũng lo lựa những củ tròn mẩy. Chỉ cần nhìn thấy rổ kiệu của má lòng lại thấy nao nao hớn hở. Chắc hương của loại củ này đã mang đến mùi của không khí Tết, không khí mà đứa trẻ nào cũng trông ngóng từ lâu và chờ đợi.

Nhớ những ngày cùng các em phụ má cắt kiệu, má chỉ bảo tỉ mỉ bởi để món kiệu thành phẩm ngon thì công đoạn cắt rất quan trọng phải thật kĩ. Nếu cắt lạm vào củ thì khi ngâm nước sẽ ngấm vào làm mất đi độ giòn của kiệu. Cắt xong là ngâm vào nước muối hột để lớp vỏ lụa bên ngoài trốc ra làm cho kiệu trắng tinh nõn nà trông đẹp mắt. Kiệu được rửa sạch trải ra nong phơi dưới nắng làm cho kiệu ráo nước nhưng không héo khô.

Ôi nhớ quá đi cái cảnh ngồi xếp kiệu vô thảo thủy tinh, má nói công đoạn này thách thức sự khéo léo, ngăn nắp bởi qua đây cũng là bài học má dạy chị em chúng tôi sự ngăn nắp kĩ lưỡng chi li trong công việc thì kết quả mới được vẹn tròn giống như ngồi xếp kiệu. Một lớp kiệu là một lớp đường mỏng cho đến khi nào đầy hủ mới thôi. Rồi phải đem đi để nơi thoáng mát cho đến khi đường tan hết thì kiệu sẽ giảm đi vị cay nồng mà có vị chua ngọt, nhìn là thèm.

Những ngày tháng chạp trôi qua lẹ làng, không khí xuân đang hiển hiện ở mọi ngõ ngách con phố của đất Việt thân yêu. Những ngày Tết má luôn chọn những món ăn mà mọi thành viên đều yêu thích. Trên bàn ăn có bánh tét, thịt muối mà không có dĩa kiệu chua ngọt thì xem như Tết chưa vào nhà. Cái vị chua ngọt xen lẫn cay nồng không hiểu vì sao kết hợp với món ăn nào thì món đó đậm vị và ngon hơn. Chắc là ngoài hương vị thơm nồng của kiệu, còn chứa cảm tâm tình của má đã đặt trọn vào đây cho mâm cơm đầm ấm đủ đầy cho hương kiệu hòa cùng không khí Tết.

Giờ đây nơi chốn thị thành, kiệu vẫn được trưng bày đủ đầy nhưng sao lòng lại cảm thấy khó diễn tả khi không cảm nhận hết không khí Tết của quê hương, và lòng chỉ mong ngóng cất bước quay về tìm lại chốn bình yên năm cũ, để sum họp với gia đình đông đủ để cảm nhận hương vị nồng nàn của hủ kiệu Tết quê hương.

P.T.M.L