NSND Can Trường: Dị thường với nhiều giai thoại

835

Ký ức của khán giả yêu sân khấu với NSND Can Trường (1930-1977) một thời là nghệ thuật tạo nên linh hồn trong từng câu chữ. Âm sắc của đài từ (giọng nói) kết hợp với động tác nhân vật của NSND Can Trường bao giờ cũng gây ấn tượng sắc nét.

Ông là một tài năng hết sức dị biệt nhưng ít ai biết trước khi trở thành nghệ sĩ sân khấu, Can Trường đã từng là một điệp viên, hoạt động cách mạng nằm vùng trong lòng giặc Pháp…

Số phận con nhà giàu lắm chuyện li kỳ

Nghệ sĩ Can Trường tên thật là Phạm Hữu Lộc, sinh năm 1930 ở huyện Chợ Mới (An Giang). Ông là con thứ sáu trong một gia đình đại điền chủ và được cưng chiều từ bé. Gia đình sớm lo cho quý tử đi học trường Tây và còn xin cho cậu nhập quốc tịch Pháp từ khi mới ba tuổi.

Mọi người thường gọi cậu với cái tên cậu Bảy Michel. Ấy thế rồi có lần cậu Bảy bị bắt cóc trên đường đi học về. Tất cả đều ngỡ ngàng. Ai nấy hốt hoảng lo sợ ông chủ trừng phạt. Nhưng không ngờ ông ung dung chờ bọn lưu manh đưa thư tới. Chúng bắn tin cho gia đình phải nộp số vàng nặng bằng đúng trọng lượng của cậu Bảy. Mọi người tá hỏa mặt cắt không còn hột máu. Riêng ông chủ không nói không rằng lệnh cho phu nhân chuẩn bị hai mươi cân vàng đi chuộc cậu Bảy về.


NSND Can Trường.

Tuy được cưng chiều nhưng Bảy Michel lại ham học hành và say mê đàn ca sáo nhị. Cậu học đờn ca tài tử rất nhanh và có giọng hát khá mùi mẫn. Lớn lên Bảy Michel càng kẻng trai và nói tiếng tây như gió. Nhưng có điều gia đình cậu lại rất ngược đời. Ai nấy đều ghét giặc Pháp xâm lược, Khi kháng chiến bùng nổ (1945), ông đại điền chủ đã tìm đường tham gia cách mạng. Cậu Bảy cũng vì thế mà sẵn sàng nhập cuộc ở tuổi 15. Nhờ quan hệ của cha, Bảy Michel được tổ chức cách mạng đưa vào hàng ngũ địch làm thông ngôn. Nhiệm vụ của cậu là cung cấp thông tin hoạt động của giặc Pháp mỗi khi triển khai đánh vào chiến khu hay tổ chức càn quét bắt bớ.

Sau hai năm cậu Bảy bị giặc Pháp nghi ngờ theo dõi. Nhưng tổ chức cách mạng đã kịp điều cậu ra vùng tự do. Vì có trình độ học vấn và sáng dạ cậu Bảy được giao phụ trách Quản đốc phân xưởng in giấy bạc Nam Bộ. Lúc này mọi người mới gọi đúng tên của cậu với sự thân thương, anh Bảy Lộc.

Mọi sự diễn biến thật sự sôi động với chàng trai ở tuổi 17. Nhưng hình như cái căn cốt thanh đồng xướng họa đã ăn sâu vào máu của Bảy Lộc. Trong nhiều cuộc liên hoan anh hát và diễn ra điệu bộ rất hấp dẫn làm mọi người trong khu căn cứ rất thích thú. Cuối cùng anh được điều về đoàn văn công giải phóng (1949). Cuộc đời nghệ sĩ Bảy Lộc tang bồng từ đây.

Dăm năm sau Bảy Lộc được tập kết ra Bắc để đào tạo nghệ thuật sân khấu. Anh đi tu nghiệp kịch nói ở cả Trung Quốc, Liên Xô (cũ) và trở thành nghệ sĩ nòng cốt của Đoàn Kịch nói Nam Bộ (thuộc Nhà hát Kịch Việt Nam). Tài năng của anh, với nghệ danh Can Trường, càng tỏa sáng khi học tập nghệ thuật diễn xuất theo phong cách mới Stanapxki (Nga). Đó là sự hóa thân đem lại sự thần kỳ cho mỗi nhân vật. Cùng với đó là sự tiết chế đậm yếu tố khái quát hình tượng gây chấn động cho khán giả. Can Trường là nghệ sĩ có những biệt tài đó. Và cũng vì sự thăng hoa trong nghệ thuật mà không ít giai thoại gắn với những nhân vật của anh trên sân khấu.

Những vai diễn để đời và tai họa suýt mất mạng

Trong giới nghệ sĩ sân khấu cách mạng trong hai thập niên 60 và 70 không ai có nhiều giai thoại sân khấu như Can Trường. Có thời ở đoàn Cải lương Nam Bộ ông hát rất ngọt ngào, vậy mà khi chuyển sang sân khấu kịch lại lộ tật nói lắp. Trong khi đó tài năng thể hiện nội tâm nhân vật của ông được đánh giá rất cao. Hiểu ra cái tật của mình ông đã luyện giọng và tìm cách khắc phục rất kỳ công. Không ít đêm ông ra vườn hoa hay quảng trường nhà hát tập độc thoại và tiết chế âm lượng để ngôn ngữ được trôi chảy.

Đặc biệt nghệ sĩ Can Trường đã tìm ra những phân đoạn âm tiết nhấn nhá, tạo nhịp điệu ngôn ngữ sân khấu, khắc phục hẳn tật nói lắp. Không ngờ đây chính là một thủ pháp kỳ diệu khi ông vào vai Lê Nin trong vở kịch nga “Chuông đồng hồ điện Kremlin” (tác giả Pogodin-người dịch Thế Lữ). Nghệ sĩ Can Trường là người đầu tiên được phân vai Lênin trên sân khấu kịch nói (1965).

Đạo diễn chuyên gia người Nga hết sức ngạc nhiên với tài thể hiện rất tự nhiên của nghệ sĩ Can Trường khi vào vai Lênin. Không chỉ giống về gương mặt và dáng vóc đi lại mà đặc biệt ở giọng nói của Can Trường có ngữ điệu hệt giọng Lênin không chê được. Đó chính là sự ngưng ngắt, nhấn nhá mà nghệ sĩ Can Trường đã khổ luyện. Mỗi câu thoại đem lại chiều sâu tâm trạng.

Can Trường đã tạo nên nhịp điệu gắn với nét khoát tay hay nghiêng đầu hết sức tự nhiên của vai diễn. Một hình tượng Lênin sống động và rất đời thường trên sân khấu. Diễn mà như không diễn như vậy rất có hiệu quả truyền cảm hứng cho người xem. Thậm chí có đêm diễn khán giả bật đứng dậy vỗ tay đến bốn năm lượt khi thấy hình ảnh Lênin xuất hiện. Can Trường đã tạo hình đứng im như tượng để chờ cho khán giả vỗ tay xong mới có thể diễn tiếp.

Sau đó ông đã được Nhà nước Liên Xô (cũ) trao tặng “Huân chương Lênin” cho vai diễn tài hoa này. Ngoài hình tượng nổi tiếng Lênin ông còn đóng nhiều vai như Trương Định (vở Trương Định); Bùi Kiệm (Lục Vân Tiên); Giáo sư Hoàng (trong vở cùng tên); Hay vai Set Duk (Câu chuyện Iếc Cút), Trùm phát xít (Xâm Lược); hoặc Triệu Đại Đại (Người lính đứng gác dưới ánh đèn Neon)…


Cảnh trong vở “Người ven đô”.

Đặc biệt trong vai Hoàng Thế Nhân (vở Bạch Mao nữ-1957), nghệ sĩ Can Trường đã để lại nhiều kỷ niệm và giai thoại bất ngờ đến thót tim. Số là nghệ sĩ đóng vai tên địa chủ gian ác Hoàng Thế Nhân quá ghê rợn. Ông thể hiện vai địa chủ dữ dội và đầy dã tâm. Hắn tìm cách chiếm đoạt cô người ở Hỉ Nhi xinh đẹp. Hỉ Nhi phải bỏ trốn sống trong rừng hoang và trở thành Bạch Mao tiên cô.

Khi cảnh diễn đến cao trào thể hiện sự dã man của Hoàng Thế Nhân với cô gái thì khán giả la ó ầm ỹ vì quá căm thù tên địa chủ này. Bất ngờ có một khán giả rút súng bắn thẳng vào nhân vật Hoàng Thế Nhân. May vì ánh đèn chớp giật và sự vận động của nhân vật mà viên đạn sượt qua vai nghệ sĩ Can Trường. Cả hội trường sững sờ vì thấy nhân vật Hoàng Thế Nhân như chết đứng tại chỗ.

Nghệ sĩ Can Trường vừa đóng tiếp vừa run cả chân tay. Nhưng rồi nhân vật sống động trở lại. Cảnh người yêu của Hỉ Nhi trở về bắt trói Hoàng Thế Nhân. Khán giả hả dạ nhưng vẫn đồng thanh hô hét náo loạn cả hội trường.

“Người ven đô” trở về với khúc dân ca quê mẹ

Kỷ niệm 1975 với nghệ sĩ Can Trường như một lời chia tay Hà Nội sau hơn 20 năm gắn bó. Khi ấy Đoàn Kịch nói Nam Bộ được phân đóng vở “Người ven đô”, một đề tài nói về cuộc đấu tranh đầy cam go và sự hy sinh của đồng bào miền Nam. Lúc này nghệ sĩ Can Trường được phân đóng vai chính Tám Khỏe. Vở kịch được xây dựng và ra mắt đúng vào ngày 3-2-1975 (kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập Đảng).

Đồng thời đây cũng là năm nghệ sĩ Can Trường vừa tròn 45 tuổi. Khi vào vai đầy khí phách Nam Bộ này, nghệ sĩ Can Trường như được quay về với không khí cách mạng miền Nam nước sôi lửa bỏng. Trong khi đó chiến dịch Hồ Chí Minh đã nổ súng. Cuộc tấn công thần tốc của quân và dân ta càng làm cho nhân vật Tám Khỏe của Can Trường được phả khí thế nóng bỏng của thời đại.

Và sau đó nghệ sĩ Can Trường cùng đoàn trở vào miền Nam sau ngày giải phóng thống nhất đất nước. “Ông Tám khỏe” đã trở về miền đất thân yêu của mình. Nơi ông sống với con sông Hậu Giang ngập tràn mùa lũ. Tám “khỏe” cũng là nhân vật cuối cùng của nghệ sĩ Can Trường. Bởi lẽ hai năm sau nghệ sĩ Can Trường đã mất trong cơn bạo bệnh bên cánh gà sân khấu (1977). “Ông Tám khỏe” đã sống hết mình với quê hương. Câu hò bên sông Hậu Giang luôn vang bên tai ông trong ánh đèn màu của thiên đường nghệ thuật cho đến cuối đời. Nghệ sĩ Can Trường đã được truy tặng danh hiệu NSND đợt đầu tiên (1984).

Theo Vương Tâm (Văn nghệ Công An)