NSND Diệp Lang ra đi ngay sau Vũ Linh là mất mát lớn của cải lương

338

Sau NSƯT Vũ Linh, sự ra đi của NSND Diệp Lang đã để lại mất mát lớn đối với bộ môn nghệ thuật cải lương nước nhà.

Ngày 11/3, NSND Diệp Lang qua đời tại bang California, Mỹ sau một cơn đau tim. Ông hưởng thọ 83 tuổi. Thông tin này lập tức lan nhanh, để lại niềm tiếc thương đối với nhiều người, đặc biệt là các nghệ sĩ cải lương và người hâm mộ.

Những ngày qua, sân khấu cải lương mất đi hai tên tuổi lớn. Nghệ sĩ Vũ Linh qua đời ngày 5/3 sau thời gian chống chọi với bạo bệnh. Một tuần sau, bộ môn nghệ thuật lại mất thêm “cây đại thụ” là NSND Diệp Lang.

Hai huyền thoại ra đi, cải lương mất mát lớn

Hay tin đàn anh mất, NSND Minh Vương bày tỏ sự đau đớn, tiếc thương. Chia sẻ với Zing, nam nghệ sĩ nói: “Rất thương tiếc anh Diệp Lang, tôi xin chia buồn cùng gia đình. Vậy là giới nghệ thuật đã mất đi một người nghệ sĩ lớn, gạo cội của cải lương miền Nam”.

Là một trong những người anh em thân thiết, diễn cùng nhau nhiều tuồng thời cải lương thịnh hành, Minh Vương cho biết Diệp Lang là người rất nghiêm túc, tận tâm với nghề. Với các vai diễn, ông luôn tập trung hết mực, vào vai nào ra toát ra thần thái, khí chất của nhân vật đó.


NSND Diệp Lang lúc sinh thời 

Ngoài ra, đối với đồng nghiệp và các thế hệ sau, ông hiền lành, vui tính. Khi cần sự chỉ dạy hay hỗ trợ từ Diệp Lang, ông luôn hết mình giúp đỡ. Ông nghiêm khắc với nghề nên con cháu luôn kính nể và coi ông là người thầy, người đầu tàu dẫn dắt, đáng học hỏi.

NSND Minh Vương kể, có lần ông cùng Diệp Lang có chuyến lưu diễn ở châu Âu suốt 2 tháng liền. Những ngày làm việc, gắn bó cùng nhau, Diệp Lang luôn là người khiến đồng nghiệp và người xung quanh yêu quý. Bởi ông vui vẻ, không gây mất lòng ai.

“Vừa mất Vũ Linh rồi đến anh Diệp Lang, một tuần qua nền cải lương Việt Nam mất mát quá to lớn. Không chỉ tôi, các khán giả mộ điệu bộ môn nghệ thuật này cũng sẽ rất thương tiếc, đau lòng”, NSND Minh Vương tâm sự với Zing.

Cũng là một trong những nghệ sĩ gạo cội của sân khấu cải lương, NSND Bạch Tuyết nhắn gửi đến đàn anh: “Ở tuổi 79, chứng kiến những cuộc ‘di cư’ của người thân, bạn bè đồng nghiệp lần lượt ra đi, em đã quen dần với điều đó. Ấy vậy mà nhận được tin buồn của anh, em vẫn cứ day dứt và đau lòng khó tả. Bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu ký ức cứ như một cuốn phim tua chậm hiện về”.

Nữ nghệ sĩ kể bà cùng Diệp Lang có nhiều kỷ niệm, nhiều cuộc hội ngộ để lại nhớ thương trong nghề. Giờ ông ra đi, để lại trong bà niềm tiếc thương vô hạn. “Nhưng anh biết không? Hành trang trong chuyến di cư lần này của anh rất nặng, chứa đầy ắp tình yêu thương của gia đình, bạn bè đồng nghiệp, đặc biệt là tấm chân tình của quý khán giả yêu nghệ thuật cải lương suốt mấy mươi năm qua.

Từng câu ca, từng vai diễn của anh sẽ còn sống mãi và đi cùng năm tháng… Anh đã là một huyền thoại của sân khấu Việt Nam. Chào anh, kính tiễn biệt người nghệ sĩ tài hoa và luôn tâm huyết với nghệ thuật cải lương Việt Nam”. NSND Bạch Tuyết tâm tình.

Người anh dìu dắt nhiều tên tuổi lớn

Đối với các thế hệ đàn em và đồng nghiệp, NSND Diệp Lang như một người thầy trong nghề. NSND Lệ Thủy tâm sự, bà đau buồn khi hay tin “anh hai Diệp Lang” ra đi. Với bà, ông là người anh cả, luôn yêu thương, dìu dắt các em.

Nữ nghệ sĩ nói: “Những vai diễn của tôi từ Tô Ánh Nguyệt, Kim Anh,… đến Trà Việt Nữ, được khán giả yêu mến một phần nhờ sự chỉ đạo diễn xuất của anh hai Diệp Lang. Nhờ có anh, Lệ Thủy mới có vai diễn ấn tượng và được khán giả yêu thương như vậy”.

NSND Hồng Vân tâm sự, cô nhận tin nghệ sĩ Diệp Lang qua đời từ Diệp Tiên – con trai ông. Đối với Hồng Vân, nghệ sĩ Diệp Lang không những là bậc cha chú, mà còn như một người ơn.

Cô kể, thời điểm cô xây dựng sân khấu Phú Nhuận, may mắn có nghệ sĩ Diệp Lang chỉ bảo, giúp đỡ, sân khấu này mới sáng đèn và được như hôm nay. Ngoài ra, ông còn giao Diệp Tiên – con trai cưng của mình để phụ Hồng Vân, giúp cô có sự nghiệp sân khấu tỏa sáng.


Diệp Lang được khán giả yêu mến, đặt biệt danh “ông hội đồng” bởi các vai diễn đạt, nhập tâm

Bày tỏ niềm tiếc thương, Trấn Thành cũng chia sẻ: “Lại thêm một cây đại thụ nữa về với đất trời! Con lớn lên trong những vai diễn ấn tượng của ông. Không ai đóng vai ác mà làm người ta mê như ông. Coi cải lương mà chỉ hóng tới khúc chú Diệp Lang ra diễn mới phê thôi!

Xin ngả mũ, cúi chào, tiễn biệt ông hội đồng Thăng về với đức Phật. Ông rời khỏi chốn tạm này để ở mãi trong dòng thời gian và ký ức của tất cả khán giả mộ điệu cải lương. Kiếp phụng sự ông đã hoàn thành mỹ mãn. Đến lúc nghỉ ngơi rồi ạ. Con chào ông hội đồng”.

Cuộc sống đạm bạc, đơn sơ

Nghệ sĩ Diệp Lang tên thật là Dương Công Thuấn, sinh năm 1941, quê gốc ở Châu Thành, Đồng Tháp. Từ nhỏ, cuộc đời ông đã gắn với sân khấu khi theo chân cha là thầy đờn Ba Diệp đi nhiều gánh hát cải lương.

Trải qua nhiều thăng trầm với nghề, cuối cùng ông được vào vai chính hoàng tử trong vở Chiếc nhẫn kim cương. Lúc này, ông lấy nghệ danh Diệp Lang (tức con trai của ông Ba Diệp) và gắn bó với đoàn Hoài Dung – Hoài Mỹ qua các vai chính.

Năm 1962, Diệp Lang gia nhập đoàn Kim Chưởng, được soạn giả Thu An giao đóng vai ông già 70 tuổi. Đây là vai diễn ghi dấu ấn trong sự nghiệp của ông, giúp Diệp Lang đạt huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1963 và Bằng danh dự giải Thanh Tâm năm 1964.

Gắn bó với sân khấu cải lương, Diệp Lang nhiều lần khiến khán giả cùng khóc, cùng cười, đôi khi phẫn nộ đến cùng cực với nhân vật. Những vai diễn của ông trong Tô Ánh Nguyệt, Nửa đời hương phấn, Tiếng hò sông Hậu, Lôi vũ, Cung đàn nhớ thương,… để lại nhiều ấn tượng trong lòng người xem. Đặc biệt, nhân vật hội đồng Thăng trong Đời cô Lựu do ông đảm nhận khiến khán giả nhắc nhiều, đặt biệt danh cho Diệp Lang là “ông hội đồng”.

Ngoài lĩnh vực chính là cải lương, ông còn tham gia vào nhiều bộ môn nghệ thuật như: kịch nói, điện ảnh, chỉ đạo nghệ thuật, đạo diễn. Tuy là nghệ sĩ đa tài, nổi tiếng, Diệp Lang vẫn sống rất đạm bạc, đơn sơ thời còn ở Việt Nam.

Ông ở một căn hộ trong chung cư cũ kỹ. Mỗi lần đi diễn về, nam nghệ sĩ thường đón taxi. Hỏi đến việc mua xe riêng, ông bảo nghệ sĩ chứ có phải doanh nhân đâu mà đi xe này xe kia hào nhoáng. “Nhiều người nổi tiếng nhưng không giàu đâu, như tôi nè”, ông nói.

Những năm cuối đời, Diệp Lang sang Mỹ ở cùng vợ và con trai. Tuy nhiên, ông mắc nhiều bệnh, phải uống thuốc mỗi ngày. Chứng Parkinson khiến tay, chân ông run rẩy, người lúc nhớ lúc quên.

Tuy nhiên, gắn bó với nghiệp cầm ca, nghệ sĩ gạo cội vẫn nhớ nghề da diết. Ông kể đêm nào ngủ cũng mơ thấy mình được biểu diễn trên sân khấu. Ở nhà, đôi lúc ông còn ca hát nghêu ngao khiến người xung quanh giật mình.

Năm 2003, ông được phong tặng danh hiệu NSND. Những năm gần đây, NSND sẽ tận hiến cho nền nghệ thuật nước nhà. Nhưng vì tuổi cao sức yếu, ông đành lực bất tòng tâm.

Theo Minh Tuyền/Zing