(Vanchuongphuongnam) – Thế giới cải lương Nam bộ, trong thời kỳ cực thịnh ba thập niên đầu của nửa sau thế kỷ hai mươi, rực rỡ như một vườn hoa bốn mùa, lộng lẫy sắc màu và bát ngát hương thơm kỳ hoa dị thảo. Mỗi nghệ sĩ là một vì sao lung linh từ cõi riêng của mình, ánh sáng tươi trong, làm nồng ấm tâm hồn công chúng. Sau thế hệ nghệ sĩ tiền chiến nổi danh một thời vang bóng như : Phùng Há, Năm Phỉ, Tám Thưa, Năm Nghĩa…, là thời đại chiếm lĩnh sàn gỗ của những tài danh nghệ thuật sân khấu lẫy lừng, được khán giả tôn vinh bằng những từ hoa trân trọng : vua vọng cổ Út Trà Ôn, nữ hoàng sân khấu Thanh Nga, kỳ nữ Kim Cương, hoàng đế đĩa nhựa Tấn Tài … và gần đây là trường hợp khá độc đáo của ông hoàng cải lương – NSND Minh Vương.
NSND Minh Vương
Nghệ sĩ Minh Vương, sinh năm 1949, tên thật là Nguyễn Văn Vưng, người tỉnh Long An. Từ một gia đình bảy anh em, năm lên mười tuổi, Minh Vương cùng cha mẹ lên Sài Gòn sinh sống. Học đến trung học nhưng quá mê cải lương nên Minh Vương tìm đến thầy dạy nhạc Bảy Trạch để học ca hát. Đi hát từ lúc trên 10 tuổi, lúc đầu mới đi theo các đoàn hát, do say mê và quyết lòng nghệ thuật sân khấu, Minh Vương không ngại làm em nuôi của đào kép chính đã nổi danh, chịu khó khuân vác, xách đồ đạc khi đoàn di chuyển đến các nơi biểu diễn. Năm 1964, khi mới được 15 tuổi, sau khi đoạt giải Khôi nguyên vọng cổ, Minh Vương được bầu Long đoàn Kim Chung mời ký hợp đồng. Thấy Minh Vương có triển vọng trên con đường ca hát mà chưa có nghệ danh, ông bầu Long nói vui : “Tao cho mày làm vua luôn”. Thế là nghệ danh Minh Vương, thay thế tên cúng cơm trong khai sinh Nguyễn Văn Vưng, bắt đầu xuất hiện – và về sau thực sự Minh Vương đã tung hoành, làm vua trên sân khấu cải lương – Sau khi bị bệnh rụng tóc, phải rời đoàn, nghỉ hát một năm ở nhà chữa bệnh, đi hát trở lại Minh Vương tư nguyện đảm nhận bất cứ vai nào chủ đoàn hát giao cho.
Với quyết tâm theo đuổi con đường nghệ thuật và đức kiên trì học nghề ở các nghệ sĩ đàn anh đi trước, không bao lâu sau, khi được 18 tuổi, Minh Vương được thủ vai kép chính (1967), đánh dấu sự bắt đầu những vai diễn ấn tượng. Năm 1971, khi tên tuổi đã gây được tiếng vang, Minh vương được nhiều hãng băng đĩa mời thu thanh và được mời đóng phim Sám hối. Sau đó, nghệ sĩ Minh Vương lập gia đình lần đầu với nữ doanh nhân nổi tiếng Lê Thị Thu. Bà Thu vốn mê cải lương và yêu người chồng nghệ sĩ tài hoa, nên đã xuất tiền thành lập đoàn hát Việt Nam Minh Vương (1973), một trong những đại bang của cải lương miền Nam. Năm 1975 được coi như một bước ngoặt của tình hình xã hội, trong hoàn cảnh mới có nhiều biến thiên trong sinh hoạt nghệ thuật sân khấu, nghệ sĩ Minh Vương vẫn tiếp tục đi hát và là diễn viên nòng cốt của : đoàn Sài Gòn, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh. Ông cũng từng tham gia cùng các nghệ sĩ tài danh khác đi biểu diễn tại các nước Tây Âu. Những nghệ sĩ nổi tiếng từng diễn chung với nghệ sĩ Minh Vương bồm có : Lệ Thuy, Bạch Tuyết, Thanh Kim Huệ, Phượng Liên, Mỹ Châu, Thanh Sang, Thanh Tuấn, Minh Phụng…
Ông nổi bật qua các vai diễn trong các tuồng : Tô Ánh Nguyệt (vai Minh), Rạng ngọc Côn Sơn (vai Nguyễn Trãi), Tấm lòng của biển (vai Tấn), Đời cô Lựu (vai Võ Minh Luân), Đọan tuyệt (vai Dũng)…
Bài Tân cổ, vọng cổ tiêu biểu: Người đánh đàn trên sông Mỹ Thuận (Viễn Châu), Chuyến tàu hoàng hôn (Hoài Linh – Loan Thảo), Bánh bông lan, Tặng đời chiếc nón bài thơ (Trần Phán), Ngày hạnh phúc (Lam Phương – Loan Thảo), …
Nhờ tài năng diễn xuất và cách cư xử khéo léo với mọi người, nghệ sĩ Minh Vương nhận được nhiều danh hiệu cao quý và giải thưởng quan trọng : + Khôi nguyên vọng cồ (1964) ; + Diễn viên sân khấu được yêu thích nhất (1985) ; + Huy chương vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc (1990) ; + Danh ca vọng cổ được yêu thích nhất (1990) ; + Giải nam – nữ diễn viên đóng chung được yêu thích nhất (với Lệ Thủy); + Danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (2007) ; + Kỷ lục Guinness Việt Nam (2008) cho cặp đào – kép đóng chung lâu năm và ăn ý nhất (với Lệ Thủy) ; + Giải Mai Vàng (2008) do báo Người lao động tổ chức.
Nghệ sĩ Minh Vương – Lệ Thủy
Điểm nổi bật tích cực của nghệ sĩ ưu tú Minh Vương tương đối khác biệt với các nghệ sĩ cùng thời trước hết là cuộc sống tình cảm và cách ứng xử với người thân trong gia đình. Dù luôn bận rộn với nghề ca hát, gắn bó không rời với sân khấu và khán giả, Minh Vương vẫn là người con hiếu thảo với mẹ như nghệ sĩ ưu tú Thanh Sang và cũng rất có nghĩa với thầy học. Lần đầu tiên mới ký hợp đồng với bầu Trung vào hát đoàn Kim Chung được 10.000 đồng (một số tiền giá trị to lớn vào năm 1967), nghệ sĩ Minh Vương liền quày quã mang một nửa số tiền 5.000 đồng về cho mẹ và một nữa đem tặng đền ơn cho thầy học đã dạy nghề hát cho mình là thầy Bảy Trạch. Với người vợ đầu tiên có hai con chung là bà Lê Thị Thu, dù đã chia tay dứt khoát và về sau có vợ khác là cô Hồng, Minh Vương vẫn giữ lòng tôn trọng người vợ cũ, luôn quan tâm, theo dõi. Khi bà Thu qua đời, nghệ sĩ Minh Vương vẫn đến viếng, thể hiện một nghĩa tình cao đẹp với mối tình xưa. Với hai con, một gái và một trai với bà Thu, nghệ sĩ Minh Vương vẫn hằng để ý quan tâm đến con nhưng không khuyên con trai Nguyễn Minh Quốc Nam theo nghề ca hát của mình. Có lẽ, nhờ đi theo con đường kinh doanh của mẹ vốn là chỗ dựa tài chính trụ cột, nên Quốc Nam, nhờ bản tính cần cù chịu khó làm ăn, chịu học hỏi nên sớm trở thành một nhà kinh doanh giỏi, sở hữu hàng mấy mươi tỷ bạc khi mới vừa tới tuổi ba mươi và cũng thật đặc biệt Quốc Nam lấy người vợ nghèo đã có trước hai con riêng. Quốc Nam dù ở theo mẹ, vẫn kính trọng cha và cũng đã hỗ trợ chủ lực trong lần thay thận cho Minh Vương.
Từ ngày sức khỏe không còn bình thường, nghệ sĩ Minh Vương vẫn năng nỗ theo nghề, sẵn sàng đi hát lấy tiền làm việc nghĩa và giúp đỡ bạn bè đồng nghiệp khi gặp sự cố không hay. Dù đang dưỡng bệnh bác sĩ khuyến cáo không nên đi đám tang nhưng lúc các nghệ sĩ ưu tú Thanh Sang, Minh Phụng qua đời, Minh Vương vẫn xin phép thầy thuốc cho mình được đến viếng những bạn nghệ sĩ quá cố vốn đã có nhiều ân tình thâm hậu với mình. Chăm chỉ, hiền lành hay đóng những vai hiền và giàu cảm xúc trước mọi người và trong lúc luyện tập ca diễn, là những đặc điểm mà đồng nghiệp và công chúng nghệ thuật dễ nhận rõ ở Minh Vương. Nhờ ưu thế về vóc dáng và giọng ca giàu nội lực, phong cách ngân nga nhấn chữ rõ ràng nên nghệ sĩ ưu tú Minh Vương dễ dàng chinh phục được khán giả khi thủ vai diễn trên sân khấu hoặc hát riêng từng bài bản. Trong khi hai nghệ sĩ ưu tú : Thanh Kim Huệ – Thanh Điền được xem là đôi vợ chồng nghệ sĩ điển hình trong đời thực gia đình thì cặp Minh Vương – Lệ Thủy xứng đáng tiêu biểu cho cặp đôi nghệ sĩ đóng chung ăn ý nhất trên sân khấu cải lương, được khán giả yêu thích nhất trong suốt 36 năm từ trước đến nay. Do vậy, hầu hết những khán giả đều dành cho nghệ sĩ ưu tú Minh Vương nhiều cảm tình thắm thiết. Trong những lúc trà dư tửu hậu, người yêu cải lương thường hay nhắc : ngoài những chuyện tình sôi nổi ngoài hành lang chưa được trước bạ, khi nghe tin Minh Vương thôi vợ, có đến hơn 300 lá thư xanh của người đẹp ái mộ tự bốn phương trời, tới tấp gởi đến cho chàng nghệ sĩ tài hoa, bày tỏ nỗi lòng thầm kín, ước mơ được làm ái phi phục vụ suốt đời cho ông hoàng cải lương đa tình.
Quan niệm tài hoa bạc phận của người đời chỉ có ý nghĩa tương đối với nghệ sĩ ưu tú Minh Vương, phải chăng là nhờ cái tâm biết làm từ thiện của mình. Dù trong đời có đôi lần lâm vào bệnh hiểm và trắc trở với người vợ đầu tiên trong cuộc sống lứa đôi nhưng Minh Vương vẫn được xem là một nghệ sĩ có nhiều may mắn hơn so với đa phần nghệ sĩ cùng thời. Trong thời gian tuổi chiều cuộc đời, chàng nghệ sĩ hào hoa vẫn được sống hạnh phúc với người vợ sau trong lúc con cái nghệ sĩ cũng đã thành đạt rực rỡ trong đời. Tỉnh thoảng có người chân thành hỏi thực với Minh Vương : nghệ sĩ nghĩ thế nào trong khi nhiều bạn diễn được phong tặng nghệ sĩ nhân dân, nhưng mình thì vẫn còn trụ ở vị trí khiêm tốn. Nghệ sĩ ưu tú Minh Vương chỉ cười mà không trả lời. Gắn chặt cuộc đời mình và gia đình với đất nước quê hương, ngày ngày Minh Vương vẫn vui vẻ đi hát phục vụ bà con, tạo kinh phí xây nhà tình thương cho nghệ sĩ neo đơn hay đồng bào nghèo đang gặp khó khăn về chỗ ở. Phải chăng những tâm hồn không nhỏ đã gặp nhau: cũng như nhà văn nổi tiếng Sơn Nam, chàng nghệ sĩ tài hoa Minh Vương đã không mấy quan tâm đến danh vọng, tước quyền mà chỉ một đời miệt mài cống hiến phục vụ nghệ thuật dân tộc cho công chúng – những nghệ sĩ tầm vóc, giàu nhân cách thường chỉ cảm nhận được hạnh phúc thực sự khi tác phẩm văn học giàu tính nhân văn, tiếng hát nóng bỏng tự trái tim của họ, được đọng lại mãi trong lòng người mộ điệu. Và gần hơn, nghệ sĩ ưu tú Minh Vương muốn làm vậy là để đền đáp lại sự chân thành tôn vinh mình là “Ông hoàng cải lương” của khán giả mộ điệu bốn phương.
Tương Như