NSND Thế Lữ – “cây đàn muôn điệu”

1997

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – NSND Thế Lữ được biết trước hết với bài thơ “Nhớ rừng”, bài thơ tiêu biểu của ‘trào lưu thơ mới’ từ 1930. Thực ra, Thế Lữ là một điển hình nghệ sĩ tài hoa của nền văn hóa nước nhà. Ngoài lĩnh vực thi ca (2 tập thơ), nhà thơ còn là: tiểu thuyết gia (40 truyện); kịch tác gia, (20 vở), kịch thơ (2 vở); đạo diễn (8 vở); diễn viên kịch; dịch giả và nhà báo. Hai bài thơ được phổ nhạc: Tiếng sáo Thiên thai (Phạm Duy), Xuân và Tuổi trẻ (La Hối). Thế Lữ được truy tặng: Huân chương Độc lập hạng 3, Huân chương Kháng chiến hạng 2, Nghệ sĩ Nhân dân (1984), Giải thưởng Hồ Chí Minh (2000). Thế Lữ được đặt tên cho những con đường tại: Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Hải Phòng, Đà Nẵng.

NSND Thế Lữ

Trước năm 1975, sinh viên Đại học Văn khoa Sài Gòn muốn nghiên cứu về những tác giả kháng chiến, không thể tìm ở các nhà sách mà phải chịu khó tạt qua khu Chợ cũ để mua lại những sách xưa, hoặc sách in ronéo, dưới bìa có dòng chữ “Tư liệu của sinh viên Văn khoa”. Mê thi ca lại đang soạn tiểu luận Cao học Văn chương với sự bảo trợ của GS. Bửu Cầm, tôi đã phải miệt mài chép tay lại 2 tập “Thơ thơ” và “Gửi hương cho gió” (Xuân Diệu); mua các bản in ronéo các tập thơ của Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư… Riêng thi tập “Mấy vần thơ” của Thế Lữ, tôi mua được bản in xuất bản chính thức của gia đình vợ nhà thơ đang ở tại Sài Gòn.

Thế Lữ (1907-1989), thường gọi là Nguyễn Thứ Lễ tên thật là Nguyễn Đình Lễ, bút danh: Thế Lữ, Lê Ta, Nguyễn Thứ Lễ, Nguyễn Thế Lữ, Nguyễn Khắc Thảo, gốc người ở Gia Lâm, Hà Nội. Bút danh Thế Lữ mang ý nghĩa ‘người khách đi qua trần thế’, được coi là ‘tiếng lái’ của Thứ Lễ. Còn bút danh Lê Ta thì bắt nguồn từ đánh vần chữ Lễ: Lê Ngã Lễ, ngã có nghĩa là ta.

 Thế Lữ xuất thân từ một gia đình cha là công chức, nhưng mẹ theo đạo Công giáo nên không được bên nội thừa nhận. Mới vài tháng tuổi, Thế Lữ phải rời mẹ, lên Lạng Sơn sống cùng ông bà nội. Sống ở xứ Lạng núi rừng hoang dã, mỗi năm chỉ gặp mẹ một lần nên tình cảm nhớ thương mẹ ruột và những câu chuyện kinh dị ma quái mà ông được nghe kể lại từ nhỏ đã trở thành tư liệu, tạo nguồn cảm hứng cho ông viết một số truyện đường rừng sau này. Từ nhỏ, Thế Lữ học chữ Nho, chữ Hán. Lúc anh trai mất, Thế Lữ về ở với mẹ tại Hải Phòng, đi học tư với cha của người bạn rồi vào lớp Đồng Ấu trường làng. Đỗ Sơ học lúc 17 tuổi, Thế Lữ lập gia đình với Nguyễn Thị Khương. Vào học Cao đẳng Tiểu học Bonnal tại Hải Phòng, nhưng học được 3 năm thì bỏ. Những năm học ban Thành chung, Thế Lữ đã nhen nhóm tinh thần yêu nước. Năm 21 tuổi (1928), Thế Lữ tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, cùng hoạt động với Nguyễn Văn Linh ở Hải Phòng. Năm sau, Thế Lữ lên Hà Nội, thi đỗ dự thính vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương, chơi thân với Nguyễn Đỗ Cung, Vũ Đình Liên, và cùng Hoàng Lập Ngôn tổ chức một salon littéraire (Câu lạc bộ văn học) để thảo luận văn chương. Nhưng Thế Lữ học ở trường Mỹ thuật được một năm lại bỏ học.

Rời con đường hội họa, Thế Lữ bước hẵn sang môi trường văn chương. Những truyện đầu tiên Thế Lữ viết về những gì tai nghe mắt thấy khi ông ở núi rừng Lạng Sơn. Được bạn bè khuyến khích, ông gởi sáng tác đầu tay của mình cho nhà xuất bản Tân Dân. Hai cuốn Một truyện báo thù ghê gớm và Tiếng hú hồn của mụ Ké được ông giám đốc nhà xuất bản khen, cho in ra. Khi còn ở Hà Nội, Thế Lữ làm thầy cò cho báo Volonté Indochinoise (Ý muốn của Đông Dương), ngày ngày đi ngang qua Vườn Bách thảo, thời gian này Thế Lữ đã sáng tác bài thơ nổi tiếng Nhớ rừng. Khi về ở Hải Phòng lúc đang bệnh, được mẹ cho dựng căn nhà lá cạnh Đồ Sơn. Nơi đây, khi đã khỏe mạnh, Thế Lữ bắt đầu tập trung vào làm thơ và viết truyện.

Thế Lữ và phu nhân – Nghệ sĩ Song Kim

Khi hợp tác với báo Phong hóa (số Tết, 1933) của Nhất Linh, Thế Lữ gởi bài thơ “Con người vơ vẩn” được đăng. Có dịp nghe đọc những bài thơ Thế Lữ sáng tác, nhà văn Khái Hưng đã ca ngợi Thế Lữ là “Lamartine của Việt Nam” (1). Nguyễn Tường Tam, nguyên soái của Tự Lực Văn đoàn, sau khi đọc các truyện “Vàng và Máu”, “Một đêm trăng” khen tác giả là một “cây bút mới mẻ”, “có triển vọng” và “sẽ kết nạp” vào văn đoàn. Sau đó, Thế Lữ được vào làm việc tại báo Phong hóa, và Nhất Linh viết bài đề cao Thế Lữ cùng thơ, văn của ông. Tự Lực Văn đoàn chính thức ra đời (3/1934) với 6 thành viên: Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng, Thạch Lam, Tú Mỡ  và Thế Lữ.

Thế Lữ tham gia biên tập cho tòa soạn  báo Phong hóa, Ngày nay. Viết bình luận, phân tích các vấn đề văn nghệ, Thế Lữ còn làm giám khảo cho các cuộc thi văn chương của Tự lực Văn đoàn. Thế Lữ hăng hái viết bài bảo vệ và đề cao thơ mới trong đó có bài Nhớ rừng, sau đó là các bài Cây đàn muôn điệu, Tiếng sáo thiên thai, đã từng gây tác động mạnh mẽ với công chúng. Sau này, thơ Thế Lữ được tập hợp lại đăng trong thi tập “Mấy vần thơ” (1935), góp phần đem lại thành công hoàn toàn cho phong trào Thơ mới và đưa Thế Lữ trở thành một nhà thơ tiêu biểu của Thơ mới của thuở ban đầu. Đa phần tác phẩm của Thế Lữ được Nhà xuất bản Đời nay phát hành. Tập truyện đầu tay Vàng và máu được Khái Hưng ưu ái viết lời giới thiệu.

Về sau do yêu cầu bức thiết của tình hình đất nước tiệm cận gần đến năm 1945, nhà thơ bắt đầu chuyển hướng sáng tác, Thế Lữ chia tay với văn chương để hoạt động Sân khấu, lại có ý phủ định toàn bộ đóng góp của Tự lực Văn đoàn vào nền văn hóa dân tộc. Ông chuyển  sang hoạt động sân khấu kịch nghệ (kịch nói/ Play), được coi là có chức năng tuyên truyền mạnh mẽ và tác dụng hiệu quả hơn.

Tham gia vào Tự lực Văn đoàn, dù đã nổi tiếng trong lĩnh vực văn chương, Thế Lữ thành lập Nhóm kịch Thế Lữ nghiệp dư tại Hải Phòng. Đến năm 1936, Thế Lữ cùng Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Đỗ Cung, Vũ Đình Liên thành lập ban kịch Tinh hoa  nhằm vươn lên để không thua kém kịch trường Pháp. Tại nhà hát lớn Hà Nội, hai vở kịch: Sau cuộc khiêu vũ Ghen, do ban kịch Tinh Hoa được dàn dựng, do Thế Lữ đạo diễn, cùng với các diễn viên: Thế Lữ, Đoàn Phú Tứ, trình diễn thành công. Khi ban kịch Tinh Hoa ngừng hoạt động, Thế Lữ quay về Hải Phòng, nối tiếp gây dựng lại nhóm kịch Thế Lữ, với sự hiện diện thêm của các diễn viên mới: Lê Thương, Song Kim… Họa sĩ Tô Ngọc Vân, phụ trách trang trí. Tại nhà hát lớn Hải Phòng (1938), vở Kim tiền (Vi Huyền Đắc) và các vở kịch ngắn của Đoàn Phú Tứ được trình diễn. Thế Lữ, ngoài làm đạo diễn, còn đảm nhận vai chính trong một số vở. Khi diễn tại nhà hát lớn Hà Nội, các vở Ông Ký cóp, Lọ vàng, Thế Lữ trong vai chính đã diễn xuất thần. Ấn tượng nhất ở hài kịch Lọ vàng, Thế Lữ gây cảm tình sâu sắc ở khán giả trong vai chính hình ảnh của một lão Quý “bần tiện, ích kỷ, đầy dục vọng xấu xa”. Cuối năm 1938, Thế Lữ kết hôn với Song Kim, một nghệ sĩ trong nhóm kịch. Thời gian này, do ngại hoạt động kịch của Thế Lữ có thể làm giảm hiệu quả công việc ở Tự lực Văn đoàn, Nhất Linh và Hoàng Đạo tỏ ý không tán đồng. Nhưng Khái Hưng, Thạch Lam và Tú Mỡ lại ủng hộ. Khái Hưng có sáng tác một số vở kịch cho nhóm, còn Thạch Lam thì đã viết nhiều bài phê bình khích lệ. Cùng trong năm 1939, vở “Đoạn tuyệt” được ra mắt trên sân khấu có sự tham gia lần đầu của Tú Mỡ.

Tuyển tập Thế Lữ

Thực ra, với Thế Lữ, dù đã thành công từ đầu với sự nghiệp thơ văn nhưng ý tưởng về sự thành lập một ban kịch chính thức ở ông đã như một ngọn lửa được nhen nhóm từ lâu. Khi thế chiến lần 2 nổ ra, nhóm kịch Thế Lữ bị theo dõi, hoạt động lúc càng tù túng. Căn nhà thuê ở Ngã Tư Sở bị chủ lấy lại, vợ chồng Thế Lữ – Song Kim được Thạch Lam cho ở trọ chung nhà, chưa bao lâu thì Thạch Lam mất vì bệnh phổi. Tú Mỡ thuê giúp hai vợ chồng nhà thơ Thế Lữ một căn hộ mới trên đường Láng ở gần nhà ông, nhưng gia đình Thế Lữ càng lâm vào cảnh khó khăn. Ngôi nhà Thế Lữ lúc này được bè bạn văn chương gọi hoa mỹ là “biệt thự gió bốn phương” trở thành nơi hội tụ của văn nghệ sĩ: Tú Mỡ, Mai Lâm. Huyền Kiêu, các nhạc sĩ: Lưu Hữu Phước, Nguyễn Xuân Khoát, Lê Thương… sau cùng là Nguyễn Tuân. Tại căn nhà lộng “gió bốn phương” này, Thế Lữ cùng những người bạn yêu kịch hướng tới thành lập một ban kịch chuyên nghiệp.

Ban kịch Thế Lữ ra mắt vào năm 1942, với số lượng kịch phẩm phong phú, tác giả hùng hậu: Vi Huyền Đắc, Đoàn Phú Tứ, Khái Hưng, Đồ Phồn (Bùi Huy Phồn). Đội ngũ diễn viên đông đảo. Vốn kinh tế do các thành viên cùng Thế Lữ đóng góp: mỗi người 500 đồng. Thế Lữ đã đi cầm miếng đất mẹ cho mà về sau không bao giờ trở về với chủ cũ. Họa sĩ trang trí có: Nguyễn Thị Kim, Trần Đình Thọ… Ra mắt mùa kịch 1942-1943 là vở kịch thơ Tục lụy do Thế Lữ chuyển thể từ tác phẩm của Khái Hưng, được Lưu Hữu Phước phụ trách phần nhạc nền cùng Nguyễn Xuân Khoát. Hoạt động chưa được bao lâu, Ban kịch Thế Lữ  gặp khó khăn từ phía chính bị cấm diễn hoặc bị cắt xén nội dung như các vở: Kinh Kha, Kim Tiền. Lại gặp thêm về điều kiện vật chất, Ban kịch Thế Lữ  lặng lẽ giải tán.

Sau khi ban kịch Thế Lữ giải tán, vợ chồng Thế Lữ về ở trại Doi thuộc làng Sét cùng bạn bè đủ mặt. Thời gian này, Thế Lữ viết vở kịch thơ Dương Quý Phi. Cuối năm 1943, kiến trúc sư Võ Đức Diên, giàu có, tìm mua lại ban kịch Thế Lữ, dựng ban lại ban kịch mới lấy tên Đoàn kịch Anh Vũ trên cơ sở nhân viên của ban kịch cũ, Thế Lữ chỉ đạo về nghệ thuật, Võ Đức Diên trách nhiệm về kinh tế. Trong vở kịch thơ Dương Quý Phi, bên cạnh Sỹ Tiến trong vai An Lộc Sơn, Thế Lữ vai Đường Minh Hoàng, đã diễn xuất sắc khiến khán giả “rung động trong lòng, tiếc nuối mối tình dang dở và thương nhân vật phải ôm hận nghìn đời”. Năm 1945, sau khi Nhật đảo chánh Pháp, Thế Lữ và Đoàn kịch Anh Vũ định đi lưu diễn các tỉnh, từ Hà Nội vào Sài Gòn, sang Kampuchia rồi trở ra Bắc. Từ Nam Định tới Thanh Hóa, trong vở Đời nghệ sĩ, các diễn viên của đoàn Anh Vũ đã diễn như hiện thực nỗi khổ của nghệ sĩ lang thang ngoài đời, có sự tham gia diễn xuất của các nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Nguyễn Xuân Khoát.

Cách mạng tháng Tám nổ ra, khi đoàn đang diễn tại Thanh Hóa. Vở Đời nghệ sĩ được bổ sung thêm cảnh cuối: những nghệ sĩ lãng tử vui sướng chào mừng cách mạng, kết thúc là hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng phấp phới trong giai điệu hào hùng của bản Tiến quân ca lịch sử. Sau đó vào Vinh, đoàn dựng vở Đề Thám (Lưu Quang Thuận) có nội dung chống Pháp, và trong “Tuần lễ vàng”, theo yêu cầu của thành phố, Thế Lữ đã dựng các vở kịch ngắn: Phan Đình Phùng tiếp sứ, Ông đồ Giáp-Bagin…cùng những “sáng tác kịp thời để phục vụ theo yêu cầu của từng địa phương. Ở Huế, Thế Lữ viết vở “Người mù”, với nhân vật chính là một ông lão mù do chính ông đóng một cách xuất thần. Vở Cụ đạo, sư ông Thế Lữ viết theo gợi ý của Thanh Tịnh được đoàn diễn nhiều lần, trong cả những năm kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc sau này. Đến Qui Nhơn, do tình hình chiến sự căng thẳng ở miền Nam, đoàn kịch không vào Sài Gòn mà quay trở ra Bắc. Sau đó, Thế Lữ-Song Kim về Hà Nội (4/1946).

Trước khi chiến tranh bùng nổ, Thế Lữ đã từng nói với Song Kim “Suốt đời anh chỉ sống cho văn chương nghệ thuật mà thôi. Anh không làm chính trị”. Có lần Nguyễn Tường Tam cho người mời Thế Lữ vào Quốc dân đảng nhưng Thế Lữ đã mạnh từ chối. Tuy nhiên, sau Cách mạng tháng Tám, Thế Lữ thể hiện rõ thái độ ủng hộ Việt Minh và chính phủ Hồ Chí Minh. Khi Hội nghị Văn hóa Toàn quốc lần thứ nhất họp (24/11/1946), Thế Lữ đã viết bản báo cáo: Sân khấu Việt Nam và kế hoạch xây dựng nền tân kịch để đọc trước hội nghị, trong đó ông nhấn mạnh: “Nền tân kịch nước ta, cũng như mọi ngành văn hóa khác, cần phải mau tiến tới độ phong thịnh… Tân kịch phải có những nghệ sĩ thuần thục về kỹ thuật…”. Trong tình hình căng thẳng giữa Việt Minh và Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến (tối 19/12/1946). Vừa tản cư về Hà Đông, Thế Lữ nói với Song Kim : “ Chúng ta không về Hà Nội nữa! Chúng ta đi kháng chiến”. “Nhưng chúng ta sẽ làm được gì cho kháng chiến?”, Song Kim hỏi. “Làm kịch, phải làm kịch kháng chiến”, Thế Lữ trả lời. Sau khi bắt được liên lạc với Bùi Huy Phồn, Thế Lữ triệu tập các văn nghệ sĩ lên chiến khu Việt Bắc. Đầu năm 1947, vừa sau Tết Nguyên đán, Thế Lữ và Song Kim như đôi sam nghệ thuật – “hai thỏi vàng hiếm hoi quý giá”(Nguyễn Khoa Điềm) – quày quã lên Phú Thọ, bắt đầu những tháng năm làm văn hóa kháng chiến của đôi uyên ương nghệ sĩ ở thủ đô gió ngàn Việt Bắc.

Ở Phú Thọ, nơi tập trung các văn nghệ sĩ kháng chiến, đoàn Văn hóa kháng chiến nơi đây do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm Trưởng đoàn được thành lập, vợ chồng Thế Lữ sống ở một nhà dân gần trại Văn hóa kháng chiến. Ngày 19/8/1947, kỷ niệm hai năm ngày Cách mạng tháng 8, một tối kịch đầu tiên được tổ chức tại Ấm Thượng, với chương trình gồm 2 vở: Tay người đàn bà (Bùi Huy Phồn) và Cụ đạo, sư ông (Thế Lữ) với Thế Lữ đóng vai cha Phan, Thanh Tịnh vai Thanh tra mật thám…mở đầu cho nhóm kịch kháng chiến. Đại hội Văn nghệ Toàn quốc tháng 7/1948 thành lập hội Văn nghệ Việt Nam, Thế Lữ được bầu làm Ủy viên thường vụ Ban Chấp hành kiêm Trưởng đoàn Sân khấu Việt Nam. Mùa hè cùng năm, Thế Lữ dựng vở kịch Đề Thám xuất quân, được tổ chức ngoài trời với hơn 150 diễn viên gồm quân nhân, quần chúng nhằm tái hiện cảnh lễ ra quân của Hoàng Hoa Thám trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Năm sau, Đoàn Sân khấu Việt Nam chuyển thành Đoàn kịch Chiến Thắng, đi theo các đơn vị quân đội, biểu diễn nhiều nơi khác. Thế Lữ tham gia đóng vai và dựng thêm nhiều vở: Đợi chờ, Giác ngộ, Anh Sơ đầu quân,…Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là tác giả tích cực, đã sáng tác nhiều vở… Năm 1952, Thế Lữ làm chỉ đạo nghệ thuật cho Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương, dàn dựng vở Những người ở lại (Nuyễn Huy Tưởng) và tiếp tực viết và đạo diễn vở Tin chiến thắng Nghĩa Lộ với Song Kim vai bà mẹ và Thế Lữ vai Ké Hàm. Thời gian này, Thế Lữ cũng tìm hiểu về chèo, đã dàn dựng và tham gia đóng trong một số vở chèo.

Sau hiệp định Genève, Thế Lữ cùng các văn nghệ sĩ kháng chiến trở về Hà Nội, tiếp tục hoạt động sân khấu, tham gia Đoàn Kịch nói Trung ương. Năm 1855, ông vừa là Trưởng ban Nghiên cứu Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam, vừa chỉ đạo nghệ thuật của Đoàn Ca Múa Nhân dân Trung ương, đi biểu diễn tại Liên Xô, Ba Lan, Trung Quốc. Ông là Chủ tịch đầu tiên của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (1957-1977) và là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, cũng là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam khóa II. Thế Lữ là Đại biểu Quốc hội khóa II (1960-1964), được gọi là “Tổng Đạo diễn Thành phố Hà Nội”. Năm 1958, vở kịch Xô Viết được dàn dựng hoành tráng tại Việt Nam quy tụ đông đảo nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn tham gia, Thế Lữ vừa tham gia hội đồng đạo diễn, vừa đóng vai Giáo sư Goronov Staev trong vở kịch. Từ năm 1960, Thế Lữ hoạt động thêm ở lĩnh vực dịch thuật. Thế Lữ được coi là người thầy, một cố vấn giàu kinh nghiệm, luôn động viên và giúp đỡ  những nghệ sĩ sân khấu đàn em. Từ khi nghỉ hưu (1977), Thế Lữ vào Thành phố Hồ Chí Minh sống với người vợ đầu và các con sau nhiều năm xa cách.

Cũng như không ít nghệ sĩ khác, do hoàn cảnh hoạt động, Thế Lữ có cuộc sống gia đình khá đặc biệt. Ông lập gia đình khi chưa tới tuổi thành niên với người vợ đầu lớn hơn 2 tuổi và có với nhau được 4 con, ba trai một gái: Nghi, Tâm, Học, Tùng. Năm 1954, vợ và 3 người con sau vào Nam. Năm 1979, gia đình mới đoàn tụ. Người con cả Nguyễn Đình Nghi (1928-2001), ở lại miền Bắc, theo cha tham gia kháng chiến, sau trở thành một đạo diễn sân khấu nổi tiếng, được phong tặng nghệ sĩ nhân dân (1988). Con dâu cả của Thế Lữ – vợ Nguyễn Đình Nghi, nghệ sĩ ưu tú Mỹ Dung cũng là một diễn viên kịch nói. Vợ thứ hai của Thế Lữ, nghệ sĩ Song Kim (1913-2008) tên thật Phạm Thị Nghĩa sống với ông từ năm 1938, cũng là một phụ nữ say mê sân khấu từ nhỏ. Được mời đóng vai đầu tiên trong vở Gái không chồng (Đoàn Phú Tứ) và trở thành bạn đời đồng hành cùng ông trong suốt cuộc đời phụng sự nghệ thuật. Song Kim cũng được phong tặng nghệ sĩ nhân dân cùng chồng ngay trong đợt đầu tiên (1984).

Dù hoạt động sân khấu nổi bật trong suốt cuộc đời, Thế Lữ vẫn được công chúng sớm biết đến trước tiên là một nhà thơ. Bài thơ Nhớ rừng nổi tiếng của Thế Lữ được nhiều độc giả thuộc lòng và có trong chương trình giáo khoa Ngữ văn lớp Phổ thông. Nhưng Thế Lữ vốn là một nghệ sĩ đa tài, đã hoạt động trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật: thi ca, tiểu thuyết (kinh dị, trinh thám, lãng mạn) cho đến báo chí, phê bình, dịch thuật và sân khấu.

Thế Lữ khiêm tốn tự nhận mình là một khách thơ lãng tử đa tình, tôn thở cái Đẹp, mải mê đi tìm hương sắc và thanh âm của nghệ thuật và cuộc đời: Tôi chỉ là một khách tình si/ Ham vẻ Đẹp có muôn hình muôn thể/ Mượn lấy bút nàng Ly Tao tôi vẽ/ Và mượn cây đàn ngàn phím tôi ca (Cây đàn muôn điệu). Là một nhà thơ nặng lòng yêu dấu, ‘biết cười cùng hoa nở chim kêu, cũng biết yêu và biết tình yêu.Thế Lữ là một vị (giáo sư già dặn) dạy khoa tình ái cho cả một thời đại’ (Hoài Thanh). Ông là nhà thơ ca tụng tình yêu nồng nàn, trước nhất là ái tình, rồi tình yêu cỏ cây non nước, những nguồn cảm hứng vô tận trong thi ca nên người ta bảo Thế Lữ chịu ảnh hưởng của trào lưu lãng mạn phương Tây với Lamartine, Wordsworth hay Goethe. Biết yêu là biết ca ngợi cái đẹp- nguồn cội của tình yêu, có thể làm cho nhà thơ say đắm như kẻ mất hồn: Tiếng hát trong như nước ngọc tuyền/ Êm như hơi gió thoảng cung Tiên/ Cao như thông vút, buồn như liễu/ Nước lặng, mây ngừng, ta đứng yên (Bên sông đưa khách). Đôi khi, tình cảm với thiên nhiên u hoài xa vắng, lung linh một màu thoát tục: Trời cao xanh ngắt – Ô kìa! / Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai//…Tiếng đưa hiu hắt bên lòng/ Buồn ơi xa vắng mênh mông là buồn/ Tiên nga xõa tóc bên nguồn/ Hàng tùng rủ rỉ trên cồn đìu hiu (Tiếng sáo thiên thai). Dù cuộc đời có gắn liền với cái đẹp của tình yêu muôn phương với những lời gọi mời ái ân tha thiết, nhà thơ lãng tử như người khách chinh phu, không bao giờ quên nghĩa vụ của người trai lúc san hà nguy biến: Vì chưng ta cũng biết yêu đương/ Mà cuộc tình duyên gặp giữa đường/ Trong lúc non sông mờ cát bụi/ Phải đâu là hội kết uyên ương (Giây phút chạnh lòng). Vì lẽ, nhà thơ đã nghĩ nhiều về thân phận mình và dân tộc mình, trong hoàn cảnh nô lệ không khác nào con hổ ở vườn bách thú: Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt, ta nằm dài trông ngày tháng dần qua/… Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu! (Nhớ rừng).

Thế Lữ còn sáng tác tiểu thuyết theo 3 thể loại: Vàng và máu, Bên đường Thiên Lôi (kinh dị) viết theo phong cách Bồ Tùng Linh; Gió trăng ngàn, Trại Bồ Tùng Linh (tình cảm lãng mạn đường rừng); Mai Hương và Lê Phong, Gói thuốc lá (trinh thám) theo xu hướng phương Tây của Edgar Poe. Và nhiều vở kịch thơ có nội dung yêu nước.

Trọn cuộc đời nghệ sĩ đã gian khổ truân chuyên với kịch nhưng ở Thế Lữ, kịch vẫn mang hồn cốt của thơ – những vở thi kịch.  Ta có thể nói ông là một thi khách đa tình, nhưng tình cảm dạt dào, lành mạnh ở nhà thơ – kịch tác gia Thế Lữ chỉ dành cho non sông hoa gấm, cho đất mẹ yêu thương. Nhận định về người nghệ nhân dân sĩ tài hoa muôn mặt này, giáo sư Trần Hữu Tác đã có những suy nghĩ rất đúng: “Thế Lữ đã trở thành người nghệ sĩ cách mạng có những đóng góp vào phong trào văn nghệ dân tộc nhất là trong lĩnh vực sân khấu”.

18.03.2020

N.T