NSND Thu Hiền: Tiếng hát đi qua đạn bom

490

Khó khăn, vất vả trong những năm tháng chiến tranh ác liệt làm sao kể hết, nhưng chúng luôn nhắc nhở bà phải trân trọng mọi thứ có được hôm nay.

Những sân khấu không thể nào quên

Mười tuổi, cô bé Thu Hiền đã rời quê hương Thái Bình gia nhập đoàn văn công, trước để học nghệ thuật, sau là chi viện cho miền Trung, miền Nam đánh giặc. Chiến trường gian lao, khắc nghiệt, nhưng với NSND Thu Hiền và thế hệ của bà, đó là lựa chọn không thể khác hơn, bởi hòa bình của đất nước, tự do của dân tộc là trên hết. “Chúng tôi đi hoàn toàn tự nguyện. Đó là lý tưởng của một thế hệ”, bà nói.

Khi cùng đoàn Văn công Giải Phóng lên đường vào miền Trung, trên đường hành quân, sự tàn khốc của đạn bom chiến tranh khiến cô bé tuổi trăng rằm bật khóc. Chỉ huy hỏi: “Có phải đồng chí lung lay?”, cô gái nhỏ lau vội nước mắt, đáp: “Không, em chỉ nhớ nhà thôi”, và tiếp tục lên đường.

Khái niệm nghệ sĩ là điều gì đó rất xa lạ với Thu Hiền khi đó. Ngoài ca hát, bà và đồng đội còn gặt lúa, cứu thương, tải gạo, chữa cháy… Trong khói lửa đạn bom, NSND Thu Hiền đã hát ở những sân khấu có một không hai trong cuộc đời, có lúc ngỡ như đêm nay là đêm hát cuối cùng. Những đêm giữa rừng, tiếng hát vang lên trong không gian được thắp sáng bởi đèn pha của xe bộ đội, mỗi khi nghe tiếng máy bay phải tắt vội, tìm nơi ẩn náu. Có hôm, sân khấu là những đoạn đường hầm chật hẹp với ánh sáng leo lét từ chiếc đèn măng-sông chỉ đủ tỏ mặt người. Micro tự chế bằng lon sữa, hộp thịt hộp khoét hai đầu, cho ống tre vào giữa để làm tăng độ vang của âm thanh. Những buổi biểu diễn dẫu gian nan nhưng lại là những giây phút yên bình hiếm hoi trên chiến trường.

Ngày đó, không có hoặc thiếu, hết thuốc mê nên các bác sĩ phải mổ, khâu vết thương sống cho bộ đội. Những cơn đau càng kinh hoàng. Tiếng hát, âm nhạc lại trở thành liều thuốc giảm đau tinh thần. Bà nắm chặt tay từng thương binh, lay họ tỉnh lại bằng những bài hát của mình, từ bài này qua bài khác, hát sang cả chèo mà không biết mệt. Có người may mắn sống sót, nhưng có người đã mãi mãi nằm lại. Lằn ranh giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc. “Sau này, mỗi khi nhớ lại, tôi thấy có chút sợ, nhưng ngày đó thì không. Có lẽ, niềm hy vọng dồn hết vào mỗi câu hát nên tôi không suy nghĩ nhiều nữa”, bà nói.

Cứ như thế, tiếng hát Thu Hiền trải dài từ Nghệ An đến Hà Tĩnh, sang Quảng Bình, rồi vượt sông Bến Hải để đi sâu vào lòng Quảng Trị, nơi những cuộc chiến diễn ra khốc liệt. Chiến tranh tàn phá mọi thứ, nhưng không thể dập tắt niềm hy vọng trong giọng hát của cô gái đương độ trăng tròn.

Một lần, bà và đoàn văn công hát ở Cửa Việt, phải rón rén di chuyển từng bước một theo con đường được vạch sẵn, sơ sẩy sẽ mất mạng vì bom mìn được cài cắm khắp nơi. Đêm đó, bà vỡ òa khi gặp lại anh Thích, một người quen thuở còn học tập ở Hưng Yên trước khi vào chiến trường. Lòng người thiếu nữ càng xốn xang khi anh bộ đội thổ lộ: “Ngày ấy, ta cũng thích mi dữ lắm”. Giữa chiến trường khắc nghiệt, chỉ bấy nhiêu cũng đủ để tâm hồn được xoa dịu.

“Tôi đứng hát, anh ới theo, tôi cũng dí dỏm đáp lại. Người hát và người xem không có khoảng cách nào cả. Hôm sau, tôi hỏi thăm tin anh, người ta bảo đoàn bộ đội hôm qua chết cả rồi. Tôi không tin. Mãi khi được ra Bắc trở lại, tôi tìm về nhà anh, thấy di ảnh được đặt gọn trên góc tủ, mới biết đó là sự thật. Trong chiến tranh, những lời biệt ly có thể đến bất kỳ lúc nào”, bà tâm sự. Đây là một trong những kỷ niệm khiến bà mãi về sau này vẫn luôn khắc khoải khi hát Ở hai đầu nỗi nhớ của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Đó không chỉ là tình cảm nam nữ, mà lớn hơn cả là tình đồng đội, tình người, tình dân tộc gắn liền với vận mệnh đất nước.

Năm 1972 khi vào giải phóng Đông Hà, Quảng Trị, từ bờ bắc sông Thạch Hãn, bà phải cầm loa hát sang bên kia sông để động viên tinh thần dân và quân vượt tuyến. Chiếc loa phải bóp mới vang tiếng, cứ mải bóp thì quên hát, còn mải hát thì quên bóp. Buổi diễn xen lẫn tiếng đạn bom. Cứ mỗi lần nghe bom rơi trên đầu, cả đoàn lại phải ụp xuống sông, khi ngoi lên, mặt mũi, miệng dính đầy bùn cát, phấn son nhem nhuốc. Chẳng ai màng chuyện đẹp xấu, chỉ cần được cất cao tiếng hát giữa chiến trường. “Thời đó, chúng tôi hát bằng cả trái tim mình, hát thay cho tâm tình những người rời quê hương đi chiến đấu, những người ở hậu phương… Tôi không chắc mình hát hay, nhưng ôm trọn vào mỗi bài hát rất nhiều tình cảm”, nữ nghệ sĩ bộc bạch.

Luôn phải quay về với tiếng mẹ ru

Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh giúp NSND Thu Hiền từ một cô văn công nhỏ bé Thanh Hồng (tên đi bộ đội của bà) trở nên nổi tiếng. Ban đầu, bài hát được giao cho một nghệ sĩ khác. Được người quen giới thiệu, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đồng ý cho bà thử giọng, đích thân ông ngồi kiểm tra. Nghe xong, ông gật gù hài lòng. Thu xong cho Đài phát thanh Giải phóng, đến Đài tiếng nói nhân dân Việt Nam, bà lại lên đường vào miền Trung.

Năm 1975, trên cầu Tràng Tiền, một người bộ đội nhận ra bà và dành cho bà rất nhiều lời khen ngợi. Bà ngỡ ngàng không hiểu người đối diện đang nói gì về mình, cho đến khi anh bộ đội nhắc tên ca khúc bà thể hiện. “Tôi không biết nổi tiếng là gì. Có lẽ, những ngày tháng chiến tranh ác liệt, những sân khấu độc nhất vô nhị đã giúp tôi luôn đứng gần với khán giả của mình, và sống một cuộc đời bình dị”, bà nói.

Vốn xuất thân trong gia đình có truyền thống hát chèo, tuồng nhưng con đường âm nhạc của NSND Thu Hiền lại rẽ theo hướng khác: âm nhạc mang màu sắc dân gian. Vốn liếng bài hát của bà trải rộng khắp ba miền đất nước: Hoa cau vườn trầu, Trường Sơn đông Trường Sơn tây, Người con gái sông La, Quảng Bình quê ta ơi, Câu hò bên bờ Hiền Lương, Dáng dứng Bến Tre…

Vì không biết ranh giới địa lý giữa các địa phương, nên tiếng nói, văn hóa trở thành đặc điểm phân chia rõ nhất trong tâm tưởng của bà. Chẳng hạn, người Nghệ An, Hà Tĩnh thì ăn nói thẳng thắn, giọng mộc mạc. Người Huế không bao giờ vội, kỹ lưỡng, ăn nói sâu sắc, nhẹ nhàng. Người miền Nam lại phóng khoáng, mộc mạc, thường có một từ phát âm không chuẩn. Từ lưu giữ, bà biến chúng thành vốn liếng của riêng mình, chọn lọc đưa vào từng ca khúc phù hợp. Có lẽ vì thế, qua hàng loạt nhạc phẩm của nữ nghệ sĩ, khán giả ai cũng thấy một phần quê hương trong đó. Với riêng bà, hát nhạc mang âm hưởng ba miền, cũng là cách bà thể hiện tình yêu quê hương, trân trọng, bảo tồn những gì cha ông còn để lại.

“Tôi thích hát cho miền nào, địa phương nào phải ra chất địa phương đó, không lẫn lộn. Có thể tôi hát tiếng miền Nam không tốt, nhưng hát bằng cả trái tim. Ban đầu, có thể là sự tiếp thu một cách tự nhiên, nhưng để thuần thục, chuyên nghiệp thì phải học hỏi, trau dồi không ngừng. Tôi không được đào tạo trường lớp chính quy, nhưng có cơ hội thực hành nhiều. Đó cũng là một cách học”, bà nói.

Bà không ngại học, kể cả từ người nhỏ tuổi hơn mình. Bởi bà luôn nghĩ người trẻ bây giờ có nhiều điều thú vị, hay ho, đáng để học hỏi. Học để bản thân không bao giờ đi lùi, không bao giờ cũ. Bà luôn thấy mình may mắn khi hiện tại, vẫn được khán giả biết đến và yêu thương. Cũng vì thế, nữ nghệ sĩ luôn nguyện được hát đến cuối đời để phục vụ khán giả, không quá bận tâm chuyện cát-sê, thu nhập.

Truyền nghề cho thế hệ trẻ là điều bà vẫn miệt mài nhiều năm qua, bởi bà quan niệm: “Có 4.0, 5.0 thì chúng ta luôn phải quay về với tiếng mẹ ru. Đó là nguồn cội, xuất phát điểm đầu tiên của con người. Vì thế, tôi chỉ mong bạn trẻ nào có khả năng hãy cứ yêu hết mình. Xuất phát từ tình yêu, làm nghề nghiêm túc, thì nghề cũng sẽ yêu mình”. 

Theo Thành Lâm/PNO