NSND Trần Hạnh qua đời ở tuổi 92

653

Mai Anh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Sau thời gian dài chống chọi với nhiều căn bệnh, NSND Trần Hạnh đã trút hơi thơi thở cuối cùng lúc 2h50 ngày 4/3, hưởng thọ 92 tuổi.


NSND Trần Hạnh qua đời ở tuổi 92.

Theo lời chị Hồng, con dâu nghệ sĩ Trần Hạnh, ông qua đời với đầy đủ con cháu bên cạnh. Nhiều năm qua, sức khỏe của ông xuống dốc, mắc bệnh tim mạch, bị hỏng một mắt và một số bệnh tuổi già.

Qua hồi ức của chị Hồng, ngày còn sống “ông giản dị lắm, bữa cơm có gì ăn vậy, chẳng cầu kỳ đâu. Ông thích tự lọ mọ nấu nướng cho vui tay vui chân, nhưng nhiều món ông không biết làm, tôi cứ phải chỉ cho ông là làm thế này, thế kia”. 

“Ông rất thích món lạc rang húng lìu ở khu đối diện viện Mắt Trung ương, trước bà còn sống bà cũng hay mua cho ông. Còn thịt thì món khoái khẩu của ông là thịt bò xào. Món ông sợ nhất là thịt chó và mắm tôm. 

Hồi còn sống, bà lại thích mắm tôm nên cứ lâu lâu, nhè ông đi làm là bà ở nhà ăn món gì đó có mắm tôm. Chuyện chợ búa của ông nhiều khi buồn cười lắm, vì ông không ước lượng được khẩu phần cho 1 người là bao nhiêu. Ông mà đi chợ, có khi mua 1 bữa thành 1 ngày”, chị Hồng tâm sự.


Năm 2019, ông được nhà nước trao tặng danh hiệu NSND.

Trần Hạnh sinh năm 1929. Ông được công chúng yêu mến qua nhiều vai diễn gắn với hình ảnh người nông dân chất phác. Ông quen thuộc trong các phim truyền hình khi đóng bí thư đảng ủy của Làng nổi, bố An trong Truyện cổ tích tuổi 17, bố Lài trong Tướng về hưu, ông Khiển trong Người cầu may, ông Lâm trong Chiếc bình tiền kiếp, bố Mai trong Hãy tha thứ cho em

Ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú ngày 25/1/1994. Năm 1996, ông giành giải Nam diễn viên xuất sắc trong phim truyện Nước mắt đàn bà tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 11. Tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2010, ông nhận giải Cống hiến cho vai ông Thống trong phim Ngõ lỗ thủng của đạo diễn Quốc Trọng.

Nhớ về những ngày đầu khi bước chân vào nghề diễn, mắt ông sáng rực. Trần Hạnh kể: “16 tuổi tôi đã đi khâu giầy thuê. Ban ngày làm giầy, tối lại đến Nhà văn hóa Thanh Niên ở hồ Thiền Quang tập kịch cùng mọi người nhưng không có lương. Tối nào cũng đi tập nên ban ngày oải người mệt có khi không làm nổi việc. Lúc đó tình cờ một người bạn của tôi rủ về đoàn kịch Hà Nội với mức lương 40%. Lúc này tôi mới có 27 tuổi nhưng đã có 1 vợ, 2 con, dù mức lương có ít nhưng vẫn đồng ý về. Nghề diễn bắt đầu với tôi từ đó”.

Đi đóng phim khổ và khó khăn nhưng ông vẫn theo đuổi vì trót đam mê. Tôi nhớ hồi quay phim “Mường Lát” ở Hòa Bình, hơn 40 tập mà lại quay vào mùa đông trời gió rét. Có phân đoạn tôi phải cởi áo, chỉ được mặc một chiếc áo mỏng lại phải chịu lạnh nước phun từ trên xuống tạo làm mưa giả. Các đạo diễn cũng phải 2,3 cái áo rét trong khi tôi chỉ được mặc có như vậy để diễn. Bất kể nắng hay mưa tôi đều phải nhập vai cho kịp tiến độ của đoàn phim. Nhiều hôm quay ở đồng ruộng, trời nắng chói chang mà không được đội nón. Những ngày cực khổ đáng nhớ mà diễn viên chúng tôi vẫn hay đùa nhau rằng: Đóng phim khổ hơn cả làm ruộng!”.

Từ 2016, nghệ sĩ Trần Hạnh gần như không có lời mời đóng phim. Niềm vui tuổi già của ông là hàng ngày ngồi bán hàng phụ con dâu bán giày dép, mũ bảo hiểm… Ông bảo một ngày bây giờ diễn ra vô cùng bình thường.

Sáng ra ngồi trông hàng cho con dâu từ 8h đến 9,10h về nhà nghỉ ngơi, chiều lại ra tiếp từ 6h đến 8,9h thì về. Ông nói: “Ra trông cửa hàng cho các con, các cháu cho khuây khỏa, chứ lủi thủi ở nhà một mình cũng buồn lắm! Ngày trước tôi còn tự đi xe máy ra cửa hàng nhưng bây giờ chịu rồi. Cái xe máy tôi vẫn giữ trong nhà làm kỷ niệm, giờ mắt mờ quá nên không tự lái xe đi được đâu cả”.

Tháng 3/2018, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đưa nghệ sĩ Trần Hạnh vào danh sách xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Sau khi nghỉ hưu năm 1989, ông tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, tham gia nhiều phim truyện nhựa và truyền hình. Suốt cuộc đời của mình, nghệ sĩ Trần Hạnh đã có nhiều đóng góp cho nền nghệ thuật dù hoàn cảnh, điều kiện gia đình khó khăn. Năm 2019, ông được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSND.

M.A