NSƯT Nam Hùng: Thuyền đã ra cửa biển

1046

NSƯT Nam Hùng có nhiều vai diễn xuất sắc, được các bậc thầy tuồng đánh giá là anh kép đa dạng, còn ông ví cuộc đời mình như con thuyền vượt bao ghềnh thác để đến với biển nghệ thuật.

Không thể về nước thọ tang cha do dịch Covid-19, NSƯT Thanh Thanh Tâm, con gái NSƯT Nam Hùng, đau buồn tâm sự đối với chị, ông vừa là người cha vừa là người thầy và là bạn diễn ăn ý.

Như một lời trăng trối

“Ba ra đi đột ngột quá. Cuối tháng 7, ông ngã bệnh. Ngày nào tôi cũng gọi điện thoại về thăm ông. Khi xem clip chương trình ‘Mai Vàng nhân ái’ của Báo Người Lao Động đến thăm, thấy ba diễn lại một lớp vai Chu Phác Viên trong vở ‘Lôi Vũ’, tôi khóc vì tin ba mình đã khỏe, vậy mà…” – nghệ sĩ Thanh Thanh Tâm òa khóc.


Ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM (thứ hai từ phải sang), cùng chương trình “Mai Vàng nhân ái” đến thăm NSƯT Nam Hùng ngày 10/6/2020.

NSƯT Tô Kim Hồng, người có hơn 40 năm mặn nồng cùng NSƯT Nam Hùng, kể khi chương trình “Mai Vàng nhân ái” đến thăm, ông phấn chấn hẳn lên. Ông muốn được cùng các đồng nghiệp của Sân khấu 284 tái diễn vở Lôi Vũ, để ông được diễn vai Chu Phác Viên. Cách đây 1 tháng, khi NSND Kim Cương cùng Ban Lý luận Phê bình Hội Sân khấu TP HCM đến nhà thăm, ông lại diễn vai Chu Phác Viên. “Cho đến những ngày cuối đời ông vẫn khao khát được ca diễn, được đóng góp cho Ban Ái hữu Nghệ sĩ – nơi ông đã chăm lo cho tất cả những đồng nghiệp già yếu, bệnh tật, neo đơn” – NSƯT Tô Kim Hồng xúc động nói.

NSND Kim Cương cho biết trong lần đến thăm ông, nghệ sĩ Nam Hùng nói với bà: “Ở tuổi này nếu được diễn dù chỉ 1 suất rồi rời xa sân khấu luôn tôi cũng cam chịu”. “Ai là nghệ sĩ mới hiểu lời trăng trối đó đau điếng như thế nào. Chúng tôi là kiếp tằm mãi nợ dâu xanh” – NSND Kim Cương xót xa.

Trước “biển”, kép độc phải bản lĩnh

NSƯT Nam Hùng có một cuộc đời phiêu bạt. Từ nhỏ ông đã theo cha phụ việc ở các gánh hát. Ban đầu xem đó là công việc mưu sinh, dần dà ông bị cuốn hút vào thế giới màn nhung. Khi cha ông trở về Hà Nam tìm gia đình bị thất lạc, ông ở lại cùng các gánh hát. Thương ông côi cút, NSND Phùng Há đã nhận làm con nuôi, cho ăn học.

Từ gánh hát Phụng Hảo của mẹ nuôi, ông đúc kết niềm đam mê khám phá những vai diễn khó. Để theo nghề, ông làm thêm đủ việc, từ hậu đài đến khuân vác, thợ hồ… Năm 16 tuổi, ông xin qua đoàn cải lương Hương Hoa để thử sức. Sau đó ông đầu quân về đoàn Phước Cương của ông bầu Nguyễn Ngọc Cương – cha của NSND Kim Cương.

Trải qua nhiều thăng trầm trong nghề, NSƯT Nam Hùng vẫn hay nói mình đi theo đạo hát của NSND Bảy Nam, rèn luyện ý chí sắt thép trong học nghề của NSND Phùng Há. Nhờ đó, ông như một hoa tiêu đủ sức vượt trùng khơi để đứng trước cửa biển nghệ thuật. Và chỉ khi đủ sức đứng trước trùng khơi, ông mới thỏa sức đam mê, tìm lối đi riêng khi khắc họa sắc thái cho từng vai diễn. Thành công nhất trong hành trang nghệ thuật của ông là diễn vai kép độc.

Trên sân khấu cải lương thập niên 60-70 của thế kỷ trước, bên cạnh các mối tình của đào kép chánh được công chúng yêu mến đều có những anh kép phản diện gây cao trào. Nghệ sĩ Nam Hùng nhờ điển trai lại có giọng ca mùi mẫn nên bao giờ cũng để lại cảm tình cho nhân vật phản diện biết hối hận, ăn năn.

Gần 70 năm sống với nghề, ông trải qua nhiều đoàn hát như: Kim Chưởng, Thanh Minh – Thanh Nga, Dạ Minh Châu, Sài Gòn 2, 284… Qua đó ông góp phần rất lớn trong việc tạo nên khuynh hướng sáng tác và dàn dựng để từ đó mỗi thương hiệu có được dấu ấn riêng. Thời hoàng kim của sân khấu cải lương, có bầu gánh chấp nhận bỏ hàng triệu đồng để mời ông về với họ. Nhưng ông không làm trái lương tâm, miệt mài sáng tạo và hành trang nghệ thuật từ đó tạc vào tâm trí khán giả về một Nam Hùng nổi tiếng với hàng trăm vai diễn, mà đỉnh điểm phải kể đến: Mễ Kha Đan (Đêm huyền diệu), Hoàng Hạc Tử Lang (Thuyền ra cửa biển), Bình Thiếu Quân (Tiếng hạc trong trăng), Chu Phác Viên (Lôi Vũ), Đổng Trác – Lữ Bố (Phụng Nghi Đình), thầy Đề (Ngao Sò Ốc Hến)…

Nhưng có lẽ đặc biệt nhất là vai vua Chấn Phong – một vai diễn độc đáo trong vở Thuyền ra cửa biển. Trong vở này, NSƯT Nam Hùng đã pha trộn giữa vai kép độc, mùi với tính cách hài hước, duyên dáng. Nhân vật Chấn Phong tàn bạo, chỉ ánh mắt căm hờn đã khiến khán giả ghê sợ, nhưng phút chốc như một đứa trẻ con thích được cười trước người đẹp. Ở vai diễn này, ông nâng niu nhân vật phản diện, hóa thân tinh tế để khán giả ghét cay ghét đắng rồi sau đó vỡ òa thương yêu.

Trong dịp đại diện chương trình “Mai Vàng nhân ái” đến thăm, phóng viên Báo Người Lao Động báo tin cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2020 có hạng mục kép độc, kép hài, kép lão dành cho diễn viên trẻ tranh tài, ông vui lắm. “Mong có em, cháu giống tôi, chịu lao ra cửa biển” – ông kỳ vọng.

NSƯT Nam Hùng tên thật là Nguyễn Xúy, sinh ngày 1-1-1937 tại tỉnh Hà Nam. Do bệnh nặng, ông qua đời lúc 6 giờ ngày 21-10, thọ 84 tuổi.

Ông được Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao tặng huy hiệu “Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật” năm 1990, được nhà nước trao tặng danh hiệu NSƯT năm 1998.

Tang lễ của NSƯT Nam Hùng được tổ chức tại nhà riêng: Số 28 đường số 3, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP HCM.

Lễ truy điệu lúc 7 giờ, động quan 8 giờ ngày 24-10, sau đó an táng tại nghĩa trang Bình Dương.

Thanh Hiệp/Người lao động