NSƯT Phượng Liên – chim oanh đất Tây Đô

1066

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tây Đô được coi là nơi thắng địa văn học nghệ thuật Đồng bằng sông Cửu Long. Thị trấn xinh đẹp giữa bốn bề sông nước không khác thành phố Venise của Italia, đã nổi tiếng từ hơn tám thập niên về nghệ thuật sân khấu cải lương.

Nghệ sĩ ưu tú Phượng Liên

Ngoài Tao đàn Tây Đô (1943) của Bác sĩ Lê Văn Ngôn, ban Ca  nhạc Tây Đô (1958) của nhạc sĩ Tấn An, đoàn cải lương Trần Đắc (thập niên 1920), còn có những kịch tác gia, soạn giả như Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872) (1), Điêu Huyền Phạm Văn Điều (1913-1983), Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền (1876-1953),… Không gian mênh mông ca nhạc cải lương Cần Thơ trước đây từng hiện diện các nghệ sĩ đàn anh nổi tiếng như chim họa mi Năm Cần Thơ, vua vọng cổ Út Trà Ôn (1919-2001), nữ nghệ sĩ Kim Thoa, ca sĩ Bạch Yến… Hơn nửa thế kỷ qua, công chúng hâm mộ ca nhạc dân tộc không thể nào quên nghệ sĩ Phượng Liên, một tiếng hát đỉnh cao hào sảng, ngôi sao sáng đặc biệt của khung trời nghệ thuật đàn ca tài tử và sân khấu cải lương Nam bộ.

Cùng với NSND Trọng Hữu (sinh 1952), nghệ sĩ Phượng Liên (1947) sinh tại Phụng Hiệp, còn gọi là Ngả Bảy, một huyện lỵ trù phú, xanh màu cây trái, trước kia là một huyện của thành phố Cần Thơ, nay thuộc tỉnh Hậu Giang. Phụng Hiệp là một địa danh văn hóa quen thuộc, nơi hội tụ của bảy con sông quê màu mỡ phù sa, ngày đêm thuyền ghe bồng bềnh tấp nập tạo thành một chợ nổi, hấp dẫn du khách muôn phương. Là quê nội của Ông Tây Việt Minh Paul Bastien (1920-2003) (2),  thời chống Pháp, Ngả Bảy còn là nơi xuất xứ của bản vọng cổ nổi tiếng tình cảm trắc trở lâm ly “Tình anh bán chiếu” (Viễn Châu sáng tác), qua giọng ca mùi mẫn cháy lòng của nghệ sĩ nhân dân Út Trà Ôn. Xuất thân từ một gia đình bình dân xem ca hát là một nghề không đứng đắn: xướng ca vô loại.

Mồ côi cha từ lúc chưa đầy hai tháng tuổi, Phượng Liên theo mẹ về sinh sống vất vả ở nội ô tỉnh Cần Thơ. Cảm thông hoàn cảnh mồ côi của đứa bé, một người bạn thân họ Lữ của cha Phượng Liên giúp làm khai sinh lấy họ mình dù cha Phương Liên họ Nguyễn, đặt tên là Lữ Phụng Liên. Phụng Liên sống trong vòng tay yêu thương của mẹ và đi học trường Đạt Đức tại Cần Thơ, lớn lên càng bộc lộ năng khiếu và lòng say mê ca hát.

Ngay từ lúc còn nhỏ, cô bé Phụng Liên đã tham gia văn nghệ Tây Đô cùng với nữ nghệ sĩ Mộng Tuyền và hát rất hay nhiều bản tân nhạc. Sau đó, Phụng Liên lại đem lòng mê hát tài tử cải lương. Bước đầu khi chưa biết về nhịp điệu, bài bản ngũ cung, cô bé chỉ lắng nghe và hát theo bài ca thu đĩa, trình bày bởi các nghệ sĩ đàn anh nổi tiếng như các nghệ sĩ Kim Chưởng (1937-2014), Năm Nghĩa (1911-1959), Út Bạch Lan (1935-2016), Thành Được (sinh 1935), Thanh Hương (1936-1974),… ngày ngày phát ra từ quán cà phê nhỏ bên cạnh nhà. Khoảng thời gian 1956-1958, khi đang học trung học tại Cần Thơ, là dân có máu văn nghệ từ nhỏ, tôi hay đi xem phim tại các rạp chiếu bóng nơi đây như Tây Đô (của anh Văn, con của nhà doanh nghiệp yêu văn nghệ Trần Đắc Nghĩa), Huỳnh Lạc (đường Nguyễn Thái Học), Casino (đường Phan Đình Phùng), Trung Ương (ngả tư đường Tân Trào – Lê Thánh Tôn hiện nay). Các rạp chiếu bóng này thường dành một thời gian ngắn khoảng 30 phút cho chương trình ca nhạc mở màn, do các ban Văn nghệ của nhạc sĩ Tấn An (cùng Hoài Linh và Trầm Tử Thiêng sáng tác nhiều bản nhạc) phụ trách trước khi chính thức chiếu phim.

Lúc ấy cũng có phong trào văn nghệ học đường, hát gây quỹ giúp đồng bào miền Bắc di cư tại Cái Sắn (kinh Đ), Phụng Liên lúc bấy giờ mới 11 tuổi đã tham gia ban văn nghệ Tây Đô. Cô bé mê ca hát sớm trở thành một giọng ca xuất sắc trong các buổi trình diễn ca nhạc nhà trường. Trong một buổi trình diễn văn nghệ tại bến Ninh Kiều do nhiều ban văn nghệ tham dự, ban văn nghệ Tây Đô đoạt giải nhất mà Phụng Liên là ca sĩ xuất sắc được tặng thưởng và chinh phục nhiều cảm tình của công chúng hâm mộ nghệ thuật. Sau đó, Phụng Liên được ông Trưởng ban Văn nghệ Tây Đô cũng là Giám đốc trường Đạt Đức nơi mà Phụng Liên đang theo học, đặt cho nghệ danh Phượng Liên. Ngoài hoạt động tại Tây Đô, trong những lần theo đoàn tổ chức đi lưu diễn các tỉnh lân cận như Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long,… để gây quỹ, giúp học bổng cho học sinh nghèo hiếu học các xã tiếp tục lên Trung học tỉnh Cần Thơ, giọng ca Phượng Liên trở thành một tiếng hát học trò xuất sắc không thể thiếu trong chương trình. Cô cũng tham gia đóng kịch, từ đó tài năng đặc biệt về ca hát và diễn xuất trên sân khấu của Phượng Liên ngày càng được bộc lộ tích cực và bay xa.

Một hôm, nhân đoàn cải lương Kiên Giang về diễn tại rạp hát lớn Minh Châu, Cần Thơ (đường Phan Đình Phùng ngày trước và bây giờ) đối diện với nhà sách Hồng Phước, giám đốc kỹ thuật đồng thời là diễn viên chính của đoàn là danh ca vọng cổ Phước Hậu () cũng gốc Cần Thơ, bỗng phát hiện ra giọng ca độc đáo tràn đầy nội lực của Phượng Liên nên có ý định hường dẫn cô bé học cổ nhạc. Nghệ sĩ Phước Hậu hỏi ý kiến thân mẫu của Phượng Liên và được bà đồng ý. Lúc đó, soạn giả Điêu Huyền gốc người huyện Phong Điền, Cần Thơ là cha nuôi của nữ NSND Bạch Tuyết, từng nghe qua giọng ca ngọt ngào của Phượng Liên nên thuyết phục ông bầu Kiên Giang thu nhận luôn Phượng Liên vào làm diễn viên của đoàn. Soạn giả Điêu Huyền cũng đề nghị ông trưởng ban cổ nhạc của đoàn dạy cho Phượng Liên ca sáu câu vọng cổ để cô bé ca mở màn trước khi bắt đầu tuồng hát chính thức. Từ bước đầu mới gia nhập đoàn hát, nghệ sĩ Phước Hậu đã hết lòng hướng dẫn cho Phượng Liên ca vọng cổ, các bài bản nhỏ, cách nói lối và ngâm thơ. Đam mê và thông minh, cộng với một ý chí sắt thép, đêm đêm chịu khó ngồi bên cánh gà sân khấu, coi hát, Phượng Liên chăm chú theo dõi cách ca diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng đàn anh để học hỏi. Nhờ vậy, chỉ mới mười lăm tuổi, Phượng Liên đã thuộc nhuần nhuyễn nhiều vai tuồng và có thể sẵn sàng thế vai trong các trường hợp cần thiết. Xem Phượng Liên ca diễn, ai cũng dễ dàng nhận ra cô ca chắc nhịp, làn hơi phong phú, giọng ca và phong cách ca đầy tự tin rất khó nhầm lẫn với bất cứ giọng ca nữ nổi tiếng nào khác cùng thế hệ lúc bấy giờ. Vai diễn đầu tiên trên sân khấu của cô đào nhỏ Phượng Liên lúc đầu trong vở “Chim vịt kêu chiều” với nghệ sĩ Phước Hậu, cô từng chia sẻ do nhịp của mình còn yếu nên được Phước Hậu hết lòng hỗ trợ. Trong vở tuồng, khi đứa con gái (Phượng Liên) và người cha (Phước Hậu) ôm nhau khóc vì bị bà mẹ kế hành hạ, lúc cô hát, nghệ sĩ Phước Hậu phải lấy tay vỗ nhịp sau lưng cho Phượng Liên.

Không lâu sau, Phước Hậu và Diệp Lang – hai bậc huynh trưởng đã dìu dắt và nâng đỡ cho Phượng Liên cùng rời đoàn hát Kiên Giang nên cô cũng đi tìm đường tiến thân. Lên Sài Gòn, Phượng Liên vào đoàn Tinh Hoa của bà Mười Cơ vốn là bạn của mẹ mình. Nhưng ban đầu cũng chỉ ngồi bán vé hoặc múa mở màn, khi có người bệnh Phượng Liên mới được thế vai. Năm 1963, nghệ sĩ Châu Thanh () lập gánh hát lấy tên Tuấn Kiệt, có nhã ý mời ký hợp đồng với Phượng Liên. Cùng diễn bên cạnh Phương Quang, Kim Ngọc trong đoàn hát, Phượng Liên bắt đầu làm đào nhì trong vở Lặng sóng trùng dương trình diễn tại rạp hát lớn Nguyễn Văn Hảo đường Trần Hưng Đạo, Sài Gòn, được báo chí không ngớt lời khen ngợi. Ký giả sân khấu uy tín Phong Vân dựa vào tài năng và nhân cách Phượng Liên đã tặng cho cô danh hiệu “Viên ngọc quý miền Tây”. Cũng trên sân khấu này, đến vở thứ hai : Quán trọ hoàng hôn của soạn giả Tuấn Khanh, Phượng Liên được sắm vai đào chính, cũng được báo chí Sài Gòn khen ngợi là một nghệ sĩ trẻ tài năng, đầy triển vọng Các chủ hãng dĩa bắt đầu tới tấp mời Phượng Liên ca thu dĩa và ký hợp đồng độc quyền cho hãng họ. Không bỏ qua cơ hội, nghệ sĩ kỳ cựu Kim Chưởng, bà bầu đoàn hát nổi tiếng Kim Chưởng lập tức mời Phượng Liên ký một hợp đồng bạc triệu năm 1964. Chính Kim Chưởng một nghệ sĩ rất giỏi chuyên môn, như một người thầy, đã ưu ái hết lòng, kèm cặp về nghệ thuật, giúp nghệ sĩ Phượng Liên tỏa sáng rực rỡ khi đứng trên sân khấu của bà. Phượng Liên và Phương Quang trong thời gian này từng là một cặp đào kép ca diễn ăn ý ở gánh hát Kim Chưởng. Nhờ đó, năm 1966, sau khi xuất sắc qua ba vai diễn : Túy Lữ Lam Kiều (vở Mùa trăng nhiều nước mắt- Mộc Linh) – một vai độc đáo thể hiện ba tích cách : mùi, độc và lẳng; vai Đông Phương Huệ (vở Quỷ bảo- Mộc Linh ) – vai giả trai, đóng cặp với kép lai đẹp Dũng Thanh Lâm và vai Quách Phù (vở Song Long Thần chưởng – ?) – vai mang tính võ hiệp kỳ tình, nghệ sĩ Phượng Liên mới 19 tuổi, được trao huy chương vàng Giải Thanh Tâm cùng một năm với nghệ sĩ Phương Quang (1942-2018). Cũng trên sân khấu Kim Chưởng, Phượng Liên đã tiếp tục thủ diễn rất mực thành công nhiều vai trong những vở tuồng của các soạn giả thời danh như: Mộc Linh, Tuấn Khanh, Thanh Cao, Quy Sắc, Thu An, Viễn Châu… và đã làm đào chính đóng cặp hoặc hát chung với những diễn viên hàng đầu khác như : Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Thành Được, Minh Cảnh, Thanh Sang, Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Minh Phụng, Minh Vương, Tấn Tài, Ngọc Giàu, Thanh Tuấn … Qua nhiều vở tuồng kinh điển Phượng Liên thủ diễn vai chính thành công như : Tiếng hạc trong trăng, Quỷ bảo, Mùa trăng và nước mắt, Người nhạn trắng, Luc Vân Tiên Kiều Nguyệt Nga, Ngao sò ốc hến… Phượng  Liên đã sớm trở thành một hiện tượng sân khấu thời đó và lập tức được sánh ngang hàng với như  Thanh Nga, Lệ Thủy, Mỹ Châu… Tài nghệ ngày càng khởi sắc, tiếng tốt càng lúc càng bay cao, nghệ sĩ Phượng Liên được mời thu băng dĩa chung với các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng khác như Tấn Tài, Minh Cảnh… đồng thời các đoàn hát lớn như Thanh Minh Thanh Nga cũng mời Phượng Liên về để thế cho những vai diễn của Thanh Nga (từ sau 1975) sau khi nữ hoàng sân khấu qua đời trong các vở : Sân khấu về khuya, Nửa đời hương phấn… Số đoàn hát cải lương mà Phượng Liên tham gia lẫn số lần thủ vai chính trong những vở tuồng nổi tiếng, những bản Tân cổ giao duyên, thu băng, video của nghệ sĩ Phương Liên vượt trội khó có thể hết so với các nữ nghệ sĩ nổi tiếng khác cùng thời. Với những thành tựu nghệ thuật góp vượt trội trong suốt đời của nữ nghệ sĩ cho sân khấu nghệ thuật cải lương, năm  2015, Phượng Liên được nhà nước phong tặng Nghệ sĩ vai ưu tú ngoài giải Thanh Tâm (1966) danh giá mà nghệ sĩ đã nhận gần 50 năm trước.

Dường như tạo hóa cũng không bất công với những người thực sự có tài năng và ý chí vươn lên trên con đường nghệ thuật. Bù vào hoàn cảnh kém may mắn từ thuở còn nằm nôi của Phượng Liên là trời cho cô sở hữu được một thân hình tầm thước, dáng điệu sang trọng, đi đứng khoan thai, nước da lại trắng trẻo, mịn màng. Nghệ sĩ Phương Liên lại có thêm được đôi mắt tình tứ, liếc sắc như dao cạo cộng thêm nụ cười tươi như hoa xuân thắm nở, khiến khuôn mặt ai cũng muốn nhìn nên hội đủ các ưu điểm về thinh và sắc, rất cần thiết cho một nữ nghệ sĩ trên sàn diễn trước công chúng. Phượng Liên lại có phước được danh sư nghệ sĩ cừ khôi rèn luyện cho tuyệt chiêu nên chuyện cô đoạt huy chương vàng nghệ thuật danh giá Thanh Tâm không phải là điều xa lạ. Duy có điều gần như một định lệ, cuộc sống tình cảm gia đình Phượng Liên không suôn sẻ hạnh phúc cũng như đa phần nghệ sĩ trong xã hội nghệ thuật. Vì tính khí không hợp, sau khi  sống chung có hai con với NSND Diệp Lang, Phượng Liên đã chia tay êm thắm với người nghệ sĩ đóng vai lão nổi tiếng này. Sau đó, Phương Liên sống thủy chung hạnh phúc trong mối tình sau cùng với một người gốc sĩ quan cộng hòa đi học tập về vốn đã trót say mê theo đuổi nữ nghệ sĩ trong suốt một thời gian dài từ trước ngày thống nhất nước nhà.

Với niềm vui pha kèm theo lòng tự hào đã ngót sáu mươi năm cống hiến bằng tài năng và cả trái tim của mình cho nền sân khấu cải lương nước nhà, người nghệ sĩ đất Tây Đô còn khát vọng viết hồi ký để lưu lại tâm huyết về con đường ca hát của mình bằng văn tự.  Đánh giá mặt tích cực nhất của Phượng Liên, NSND Bạch Tuyết có ý kiến : “Phượng Liên để lại một ấn tượng rất sâu sắc trong lòng giới mộ điệu cải lương vì giọng ca quá hay…Bởi vì khán giả cải lương là khán giả nghe ca trước, nên rất khó làm phai mờ giọng ca Phương Liên trong lòng khán giả”. Soạn giả nổi tiếng Nguyễn Phương cũng đã nhận định đầy đủ, sâu sắc về chân dung NSƯT Phượng Liên “ Phượng Liên là viên ngọc quý của cải lương, quý vì tài năng, giọng ca điêu luyện, nhan sắc quyến rũ mà còn đáng cho khách mộ điệu trân quý Phượng Liên thêm vì tư cách đạo đức, vì tình yêu chung thủy cô đã dành cho chồng”.

NSƯT Phượng Liên – tiếng hót lảnh lót của con chim oanh nghệ thuật đất Cần Thơ gạo trắng nước trong, xứng đáng là người nghệ sĩ chân chính mà hình ảnh và giọng ca sẽ còn sáng chói âm vang mãi trong lòng công chúng hâm mộ nghệ thuật cải lương.

Tương Như