NSƯT Thanh Tú: Những khát vọng tình yêu

342

Trong số những nghệ sĩ tôi gặp lại sau nhiều năm vắng bóng trên sân khấu, NSƯT Thanh Tú vẫn giữ được vẻ đẹp “nguyên bản” của mình. Cô gái Hà Nội gốc ngày ấy vẫn nồng nhiệt và say đắm khi nói về sân khấu, về những giấc mơ của bà. Những giấc mơ chưa bao giờ nguôi ngoai về tình yêu mà bà đã dành trọn cả cuộc đời – sân khấu và vẻ đẹp chuẩn mực của một thánh đường mà bà đã từng một thời là “ông hoàng bà chúa”.

Hai năm nay, NSƯT Thanh Tú chuyển về sống gần con gái ở Hồ Tây, tự nguyện “đánh mất tự do” vì con cháu.  Ngôi nhà nằm sâu trong con ngõ nhỏ, do bà dành dụm, gom góp mua từ hơn chục năm trước. Bình yên và giản dị. Tôi gặp lại bà – vẫn là một Thanh Tú nồng nhiệt, đam mê với sân khấu. Bên ấm trà sen do bà tự ướp, trong một buổi sáng Hà Nội đầu đông, Thanh Tú kể cho tôi nghe về thời vàng son của mình, cũng là thời rực rỡ nhất của sân khấu kịch nói Việt Nam, thập niên những năm 1980-1990.

Thời đó, cô gái Thanh Tú, 19 tuổi, thất vọng vì mối tình đầu tan vỡ đã quyết tâm thi vào Nhà hát Kịch Hà Nội và quyết tâm nổi tiếng để “trả thù” người yêu vì những định kiến mà người đàn ông ấy nghĩ về nghệ sĩ. Và ngay từ những vở diễn đầu tiên, Thanh Tú đã là một cái tên neo lại trong khán giả. Một thời say mê, đến nỗi, Thanh Tú lấy chồng 4 năm không dám sinh con để dành thời gian cho những vai diễn.

Đến khi sinh con đầu lòng, được một tháng đã lên sân khấu. Bà nhớ mãi lần đó, sau mỗi màn diễn, bà vội vào cánh gà vắt sữa, còn đồng nghiệp chỉ sợ chiếc áo dài bà mặc bật cúc vì căng sữa. Đó là một thời ban ngày đi quay phim “Sao Tháng Tám” nắng cháy trên nhà máy điện, tối về diễn “Tanhia” ở nhà hát Kịch… Làm việc điên cuồng đến mức mọi người gọi Thanh Tú là “Võ Thị Sáu của sân khấu”.

Những vở diễn đình đám hồi đó như “Âm mưu và tình yêu”, “Tanhia”, “Tiền tuyến gọi”, tất cả các vai diễn đều có hai người luân phiên nhau, riêng vai của Thanh Tú chỉ mình bà đảm nhiệm, bà không được phép ốm hay nghỉ vì bất cứ lý do gì, đơn giản vì vé đã bán trước 4 tháng. Tôi hỏi Thanh Tú, điều gì khiến bà làm việc say mê và tận hiến đến thế. “Vì tình yêu và lòng tự trọng với nghề. Tôi luôn nâng sân khấu lên ngang tầm cuộc sống của mình, để thấy nó rất quan trọng. Và mình phải luôn có ý thức làm cho từng vai diễn của mình đẹp lên, tốt nhất có thể”.


NSƯT Thanh Tú.

Nói về sân khấu, về một thời rực rỡ, Thanh Tú xúc động rơi nước mắt. Bà nói, bà sinh ra để làm nghề này, vì thế, sân khấu đến với bà như một định mệnh. Rồi bà đọc cho tôi nghe những đoạn hội thoại dài trong “Âm mưu và tình yêu”, “Tanhia” mà sau hơn 40-50 năm, bà vẫn thuộc nằm lòng. Thanh Tú là vậy, trời cho bà một khả năng đặc biệt, bà không có thói quen ngồi học thoại, chỉ đọc và ngẫm rồi cứ thế, những câu thoại dù ngắn hay dài ngấm vào bà, trở thành một thứ ngôn ngữ của cảm xúc và tình yêu.

Đam mê sân khấu nhưng bà Thanh Tú lại có duyên với điện ảnh từ trước. Vai Nhu trong “Sao tháng Tám” là một dấu mốc trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của bà. Đến bây giờ, nhắc đến Thanh Tú, ai cũng nhắc nhớ về vai Nhu. Bà nói, dù sân khấu và điện ảnh, bà luôn làm việc với tâm thế như vậy, say mê và tận hiến. Bà muốn chứng minh rằng, nghệ sĩ không phải là một bông hoa để tô điểm cho cuộc sống mà nghệ sĩ là những người lao động thực thụ bằng mồ hôi, nước mắt và đôi khi bằng cả máu của mình. “Thế hệ chúng tôi yêu nghề bằng cách trân trọng nghề của mình. Ngày đó sân khấu là thánh đường, còn nghệ sĩ là ông hoàng bà chúa của sân khấu. Những nghệ sĩ đã làm nên cơn địa chấn của sân khấu Việt Nam như nghệ sĩ Trần Vân, nghệ sĩ Trần Kiếm, nghệ sĩ Hoàng Dũng, nghệ sĩ Minh Trang, nghệ sĩ Hoàng Cúc và Thanh Tú, giờ người còn, người mất”… Bà ngậm ngùi.

Giờ Thanh Tú sống bình yên trong gia đình nhỏ cùng con gái và cháu ngoại. Cậu con trai định cư ở nước Pháp xa xôi. Ngẫm lại cuộc đời, bà thấy nhẹ nhõm dù đã trải qua nhiều sóng gió hôn nhân, cuộc sống. “Tôi độc thân một đời nhưng luôn nỗ lực không ngừng để làm việc, khẳng định mình và nuôi con. Bởi tôi ngộ ra rằng, cuộc đời không cho ai tất cả, nếu cho tôi nhan sắc và tài năng thì sẽ lấy của tôi điều gì đó, không may mắn về chồng, vất vả vì con. Âu cũng là quy luật mà thôi”. Và bà an nhiên đón nhận điều đó. Thay vì buồn khổ, bi lụy, bà biết tận dụng những gì mình có, nhan sắc và tài năng, làm việc say mê và cống hiến, để giờ nhìn lại, bà có cả một gia tài mà các thế hệ diễn viên sau  này mơ ước. Tên bà cùng với NSND Trà Giang được đưa vào từ điển Larousse của Pháp.


NSƯT Thanh Tú chưa bao giờ ngừng làm việc.

Nhưng Thanh Tú không phải là típ người đắm mình trong hào quang, sống bằng những hào quang của quá khứ, dù quá khứ đó quá rực rỡ, vàng son. Bà vẫn không ngừng làm việc, say mê đóng phim, khám phá mình trong những vai diễn mới, như thời gian gần đây bà vào vai những bà già quái thai trong các phim truyền hình. Rồi bà tham gia giảng dạy, truyền nghề cho giới trẻ. Ngày trước, tham gia giảng dạy những khóa dài hạn trong trường sân khấu, bà yêu cầu học trò của mình “cấm cung”, không được nhận làm thêm, không đi diễn, không đóng phim để tập trung toàn tâm toàn ý cho việc học.

Sân khấu khó là thế, phải chắt chiu, gìn giữ nếu không sẽ bị pha tạp, làm mất chất riêng của sân khấu. Nhưng đòi hỏi của bà quá khắc nghiệt với giới trẻ vì họ còn cuộc sống mưu sinh. “Bây giờ có nhiều diễn viên trẻ tài năng, nhưng tiếc thay, các em không đủ kiên nhẫn và bền bỉ làm nghề, vì cuộc sống mưu sinh. Diễn viên trẻ bây giờ không còn nhiều người giữ được chất của sân khấu vì mải mê đi làm phim truyền hình. Đó là một thực tế đáng buồn”.

Giờ bà chỉ nhận dạy những khóa ngắn hạn, theo từng dạng nhân vật. Bà đau đáu, sân khấu bác học đang mất dần và bị thay thế bởi sân khấu đường phố. Ngôn ngữ văn học trong sân khấu đang bị lấn át bởi lối nói nôm na, mách qué. Các chuẩn mực của sân khấu bác học, thời mà sân khấu là một thánh đường, diễn viên là ông hoàng bà chúa không còn nhiều nữa. Đành rằng cuộc sống đã thay đổi và nhu cầu thưởng thức cũng đã khác, nhưng sân khấu không nên, không thể dễ dãi chạy theo tiếng cười của khán giả. Bà nuối tiếc không phải hào quang của sân khấu mà tiếc nuối một nền sân khấu có lịch sử 100 năm đang mai một. Bà muốn tìm lại sân khấu bác học bằng những vở kịch kinh điển để cho khán giả hôm nay được thưởng thức trọn vẹn những vẻ đẹp của sân khấu chuẩn mực. Thanh Tú vẫn ấp ủ những giấc mơ về sân khấu như thế, bà tha thiết mong muốn những người trẻ hôm nay đi đúng con đường mà thế hệ bà đã tạo dựng bằng tất cả tình yêu của mình.

Còn danh hiệu ư, hào quang ư, đối với bà đâu quá quan trọng. Nhiều người ngạc nhiên, Thanh Tú bây giờ vẫn là NSƯT. Nhưng danh hiệu lớn hơn bà có được chính là những vai diễn, những nhân vật gắn liền với tên tuổi của bà mà mỗi khi nhìn lại, không ai có thể quên. Bà vẫn tất bật với những kế hoạch, về một vở diễn lớn về Phật hoàng Trần Nhân Tông mà bà cùng một ê kíp đang ấp ủ.

Và những lúc buồn, Thanh Tú làm thơ. Những bài thơ buồn về tình yêu, về thế thái nhân tình… Thơ trở thành chốn nương thân cho tâm hồn và trái tim nhiều xúc cảm của bà. Dù mạnh mẽ và độc lập suốt cả một đời để nuôi dạy hai con và thành công trong sự nghiệp, nhưng tôi hiểu, trong trái tim người đàn bà ấy vẫn mang một khát vọng về tình yêu. Và  bà đang hạnh phúc vì có một bến đỗ bình yên, dù người đàn ông ấy ở rất xa, nhưng họ có thể nói chuyện với nhau hàng ngày, hàng giờ. Chỉ vậy thôi, với bà là đủ.

Theo V. Hà/VNQĐ