Nữ anh hùng Võ Thị Sáu lưu danh mãi muôn đời

1411

Mạc Tường Vi

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tấm gương tiêu biểu của nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu rạng rỡ đến muôn đời sau… Một nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam và nữ du kích trong kháng chiến chống Pháp trên quê hương Đất Đỏ, nữ du kích trẻ đã bị thực dân Pháp dẫn ra pháp trường ở Hàng Dương, Côn Đảo tử hình.

Võ Thị Sáu (1933 – 1952) sinh ra ở xã Phước Thọ, nay là xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Chứng kiến thực dân Pháp giết hại đồng bào, chị Sáu khi ấy chỉ mới 14 tuổi đã không ngần ngại cùng các anh trai mình tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng nhờ sự mưu trí, nhanh nhẹn nên chị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công.

Vào năm 1950, trong một lần làm nhiệm vụ tại Đất Đỏ, chị Sáu đã bị giặc bắt và giam giữ tại nhà tù Đất Đỏ, sau đó chuyển đến khám đường Bà Rịa. Chúng dùng đủ mọi loại cực hình để tra tấn nhưng vẫn không lấy được một lời khai nào từ chị. Một thời gian sau, bọn chúng đưa chị về giam giữ ở khám Chí Hòa (Sài Gòn). Tại đây, dù không đủ bằng chứng nhưng phiên tòa xét xử chị vẫn được mở ra. Khi quan tòa hỏi chị có muốn nói lời gì trước khi nghe phán xét, chị đã dõng dạc nói: “Yêu nước, chống bọn thực dân xâm lược không phải là tội”. Tên quan tòa liền bấm chuông ngắt lời chị và kết án tử hình.

Tuy nhiên trước sức ép từ dư luận bởi thời điểm đó chị chưa đủ tuổi thành niên nên buộc lòng chúng phải tiếp tục giam giữ chị thêm 2 năm. Khi chị Sáu bước sang tuổi 19, chúng lén lút đưa chị ra Côn đảo để thi hành án. Chị Sáu là nữ tù chính trị đầu tiên và duy nhất bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo và hành hình ở đây. Mỗi khi nói về Côn Đảo, người ta không quên nhắc đến tên tuổi người con gái ấy.

Cuộc đời chị Sáu tuy ngắn ngủi nhưng những việc làm của chị luôn được người đời sau nhắc đến và xem như đó là một huyền thoại. Chị hy sinh vào sáng ngày 23/01/1952 và được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 02/08/1993. Chị Sáu có một lòng yêu nước nồng nàn, chỉ cần có thể cống hiến cho đất nước, chị sẵn sàng làm mọi thứ mà không sợ gì hết. Ngay cả trước lúc bị hành quyết, chị vẫn hiên ngang, không một chút sợ sệt yêu cầu không cần bịt mắt vì chị muốn ngắm nhìn đất nước thân yêu lần cuối. Không những thế, người con gái ấy còn giữ được tâm hồn mộng mơ, biết rung động trước vẻ đẹp bình dị của quê hương khi dừng bên cây lêkima, ngắt một đóa hoa và cài lên tóc. Một người thiếu nữ bất khuất trong phong thái ung dung dù đứng trước giây phút đáng sợ ấy.

Những câu chuyện được nghe, những dòng chữ được đọc cùng những thước phim được xem về quá trình sống và chiến đấu của chị Sáu khiến không ít người xúc động. Vì thế, họ muốn tìm về nơi chị Sáu an nghỉ để thắp cho chị một nén hương bày tỏ lòng thành kính. Nếu có dịp đi qua vùng Đất Đỏ anh hùng, hãy đến thăm khu công viên đài tưởng niệm Võ Thị Sáu. Xung quanh công viên được được bao trùm bởi những hàng cây xanh rợp bóng mát và ngát hương hoa, trong đó nổi bật có cây lêkima – một biểu tượng văn hóa gắn liền với cuộc đời của người con gái anh hùng ấy.

Chị Xuân Hường (30 tuổi, Hà Nội) đã chọn Công viên đài tưởng niệm Võ Thị Sáu là một trong những điểm đến trong chuyến đi Vũng Tàu của mình. “Mình đã nghe kể nhiều câu chuyện cảm động về cô Sáu và rất mong có cơ hội đến thăm quê hương cô. Nhân mùa hè này mình dẫn các con đến nghĩa trang Hàng Dương và đền thờ Võ Thị Sáu thắp hương tưởng niệm cô và để cho các con biết về những việc làm đáng tự hào của cô”, chị Hường bày tỏ.

Đền thờ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu là địa điểm để mọi người đến phúng viếng, tưởng niệm. Nơi đây trưng bày nhiều hiện vật và những hình ảnh về cuộc đời hoạt động của người liệt sĩ trung kiên ấy.

Cả cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của nữ anh hùng Võ Thị Sáu được xem là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Cùng với những anh hùng bất khuất chấp nhận ngã xuống cho đất nước đứng lên, chị Sáu là tấm gương muôn đời cho hậu thế về lòng quả cảm, yêu nước đến quên mình.

M.T.V