Nữ bưu tá – Truyện ngắn của Hữu Đạt

265

Mỗi lần đến đơn vị bộ đội phòng không đưa thư hoặc báo, Phương để ý thấy một người – một người duy nhất – chỉ đến rồi lại ra về, với vẻ mặt trầm buồn. Đơn giản là chưa bao giờ Phương thấy anh ta nhận một lá thư, hoặc gói bưu phẩm của ai đó gửi cho cả.

Tò mò, Phương đem chuyện này thắc mắc với một người lính tuổi đã chì chì. Bác lính già thở dài một cái não nề rồi nói:

– Đó là thằng Đông, quê ở Hà Tây. Bố mẹ và các em nó đều chết trong một đợt giặc Mĩ ném bom vào quê nhà – Ngừng một chút, như để nén bớt một nỗi buồn, nỗi xót xa vô tận từ đáy lòng dồn lên, người lính già nói tiếp: – Nhớ nhà, nhớ quê, thì mỗi lần thư đến, nó đi cùng anh em để chia sẻ niềm vui, chứ bản thân nó lại rất buồn. Bởi còn ai để biên thư hỏi thăm, báo cho nó biết tình hình quê nhà đâu!

Một thoáng buồn hiện lên trên khóe mắt, Phương ngắc ngứ hỏi tiếp:

– Ở Hà Tây… mà cũng bị máy bay Mĩ oanh tạc hả bác?

– Có chứ! Sao lại không! Trên đất nước này chỗ nào mà không có bom đạn của thằng Mĩ!

Người lính già điềm đạm trả lời, rồi nhìn Phương tỏ vẻ ái ngại. Trộm nghĩ, con bé đẹp và hiền dịu quá. Sao người ta lại điều vào tuyến lửa những bông hồng trắng trong và ngây thơ như thế nhỉ?

– Thế anh ấy làm gì ở đơn vị hả bác? À… bác đồng chí? – Phương ngập ngừng hỏi tiếp.

– Thôi! Cứ gọi bằng bác cho có tình cảm. Từ đồng chí là để dành khi họp hành và phân công công tác – Người lính già cười, gãi râu nói thêm – Nó là sĩ quan quan trắc cừ phách nhất của đơn vị bác đó.

– Trẻ rứa mà đã là sĩ quan rồi à? Oai quá hí? – Phương bắt chước giọng địa phương Vĩnh Linh hỏi lại.

Người lính già phá lên cười khà khà rồi nói:

– Thà rằng mi cứ nói giọng Bắc nghe còn có cảm tình. Chớ đằng ni lơ lớ giọng miền Trung choa, khó chịu lắm.

Phương vội cười chữa ngượng:

– Là cháu cũng người miền Trung đó chớ. Nhưng là ở đầu miền Trung mà bác.

– À ra thế! Thôi bác về đây! Chào cháu.

Người lính già ôm xấp báo, bước gấp về phía doanh trại.

– Ai ơi! Ra nhận thư và quà này! Chú ý! Ai có quà và thư thì ra mà nhận.

Phương la lên rồi bấm cái chuông xe đạp leng reng. Nụ cười cô hòa trong ánh nắng chiều nghiêng lấp lóa. Mười mấy anh bộ đội trẻ ùa ra, hồ hởi đón Phương như đón người thân lâu ngày gặp lại. Nhưng cũng chỉ một thoáng sau, họ lại bỏ mặc Phương đứng chơ vơ một mình bên chiếc xe đạp Phượng Hoàng. Tất cả mải tập trung vào đống thư báo, tìm thư và tin tức quê nhà.

Phương thoáng thất vọng. Cô không thấy bóng của Đông đâu cả. Có lẽ anh ấy bận. Nhưng cũng có thể ngần ấy lần ra đón, ngần ấy niềm hi vọng được nhen lên nhưng rốt cuộc vẫn bặt vô âm tín nên niềm hi vọng trong anh đã nguội tắt.

Chợt có anh lính trẻ đưa cao một lá thư lên và hét to vẻ mừng rỡ:

– Thằng Đông có thư! Thằng Đông có thư rồi chúng bay ơi!

– Đâu? Đâu? Đưa xem thử.

– Này! Đừng có mà bốc phét, chọc vào nỗi buồn của người ta đấy! – Quảng hằm mặt đe dọa.

– Tao là tao cho mày một đấm đấy. Coi chừng! Đừng có mà trêu thằng Đông nghe.

Một số anh em khác cũng chạy tới, họ không thể tin vào nguồn thông tin vừa rồi. Nhưng người cầm thư vẫn quả quyết:

– Chính xác! Thư thằng Đông thật mà.

Hàng chục cái đầu chụm lại.

Anh em thấy Đông có thư thì mừng hơn là thư của chính mình nữa. Họ tranh nhau chạy vội về phía doanh trại.

Trong khi đó thì Phương đã lặng lẽ trèo lên xe và đạp biến đi.

Tuy nghe rõ tiếng réo “Đông có thư. Đông ơi! Có thư!” nhưng Đông vẫn không tin tưởng vào tai mình một chút nào. Bởi anh nghĩ ai mà lại viết thư cho mình chứ. Vậy nên anh cứ nằm ườn trên chiếc võng bạt mà đung đưa.

Khi Quảng chạy vào hầm, cầm lá thư gí vào mặt, thì anh ngoảnh đi và bảo:

– Thôi đi mày! Đừng đùa nữa! Thư đâu mà thư. Cho chúng mày xem đó.

Lần này thì không nén nổi nữa rồi, bốn năm anh em vội xúm đến bảo:

– Thật mà, bọn tao không lừa mày đâu. Mày mở ra mà xem. Không biết ai đó đã gửi cho mày. Chắc có vấn đề gì nghiêm trọng đó.

Đông gượng gạo cầm lá thư lên nhìn kĩ. Mắt anh bỗng hoa lên, tim đập thình thịch. Lạ nhỉ? Sao lại có ai gửi thư cho mình nhỉ? Chắc là họ nhầm chăng? Nhưng không. Địa chỉ và tên họ hoàn toàn trùng khớp.

Cả nhóm nín thở, hồi hộp chờ Đông đọc xong lá thư rồi khẽ hỏi:

– Thế nào? Thư ai thế? Có vấn đề gì nghiêm trọng không?

Đông đưa lá thư cho Quảng và nói:

– Một cô gái nào đó tên Quỳnh. Nhưng tao đâu có quen cô gái nào ở Thanh Hóa đâu.

– Địa chỉ cô ấy thế nào? – Quảng nôn nóng hỏi.

– Không rõ! Chỉ ghi là Hoằng Hóa – Thanh Hóa thôi.

Tuy nói thế, nhưng Đông vẫn nhận lại lá thư từ tay đồng đội, trân trọng cất ra sau gối và miên man suy nghĩ. Cô gái tên Quỳnh nào đó thật kì quặc, biết về mình rõ mồn một, mà chả ghi một dòng địa chỉ nào, để trả lời thư và nói vài lời cảm ơn.

Tất cả anh em cũng nghĩ như Đông. Ai cũng buồn buồn tiếc nuối, bởi lâm vào hoàn cảnh này, không biết nên động viên hay là chia buồn với Đông đây. Nhưng rồi ai cũng nuôi niềm hi vọng là sẽ có những lá thư sau và sau nữa… Chắc chắn rồi một ngày nào đó Đông và anh em sẽ biết tác giả của những trang viết đầy tình cảm kia.

Một tuần, hai tuần. Rồi một tháng trôi qua.

Gần hai tháng rồi, mà người ta vẫn không thấy bóng dáng người nữ bưu tá đến. “Chắc chiến trường ác liệt, nên xe không vào được đó thôi! Mọi người hãy bình tĩnh và chờ đợi.” – Người lính già điềm đạm động viên anh em.

Đơn vị phải dời trận địa, di chuyển liên tục để tránh bom tọa độ và pháo tầm xa bắn tới. Trên mảnh đất giới tuyến, chỗ nào cây cối cũng bị phạt sạch, trơ trọi. Thậm chí không một thân cây nguyên vẹn để chim chóc dừng chân ca hót. Làng xóm bị triệt phá, trở nên bơ phờ, xơ xác…

Phụ nữ, người già, trẻ em học sinh phải đi sơ tán ra các tỉnh miền Bắc để tránh bớt thương vong. Tất cả các tuyến đường đã bị bom, pháo Mĩ đào lên, lộn xuống thành hào hố nham nhở, rất khó đi lại.

Chính vì vậy việc một chuyến xe từ ngoài Bắc vào đến được đất giới tuyến này không phải là chuyện dễ. Ai cũng hiểu điều ấy và âm thầm chờ đợi. Để quên bớt những lo âu và nỗi buồn thầm kín riêng tư, họ lao vào những công việc như đào công sự, lau chùi, bảo dưỡng vũ khí sau mỗi trận đánh, hoặc căng mắt ra, ngồi yên trên mâm pháo kiên tâm chờ giặc tới…

Tuy tự trấn an lòng, nhưng những người lính vẫn tỏ ra bồn chồn lo lắng. Lâu lâu họ lại đưa mắt cho nhau như dò hỏi: “Vì sao người đưa thư chưa tới?”

Rồi một buổi chiều, người ta thấy trên con đường lởm chởm những hầm pháo, hố bom, bụi đỏ… một bóng người hối hả đạp xe về phía họ. Nói đúng ra thì người đó vừa dắt xe, vừa đạp. Đường đã bị cày xới, nên mỗi lần lên xuống xe người đó có vẻ chật vật lắm.

Mọi người ùa ra cổng doanh trại đứng chờ sẵn.

Nhưng lần này xuất hiện trước mặt họ không phải là cô bưu tá trẻ có khuôn mặt trái đào, nước da trắng hồng với nụ cười lấp lóa như mong đợi nữa. Mà là một anh thanh niên bé loắt choắt, rất khổ sở mỗi lần lên xuống xe.

Tất cả hối hả tiến lại gần, anh bưu tá mở xắc cốt và lấy ra một chồng thư, báo.

– Thế cô ấy đâu? Mà sao hôm nay… đồng chí lại đưa thư? – Quảng rụt rè hỏi.

Người đưa thư ngừng lại một chút như ngơ ngác, rồi trả lời:

– Dạ! Dạ… chị ấy hi sinh rồi! Người ta điều em đến để thay.

– Sao? Anh bảo sao? Cô ấy hi sinh rồi sao?

Tất cả mọi người sửng sốt, xúm lại hỏi.

Rồi ai nấy lặng im trong giây lát như để tưởng niệm và nghe người bưu tá kể lại đầu đuôi.

– Dạ! Em vào đây đã gần được nửa năm, nhưng vì tầm vóc nhỏ bé của mình mà cấp trên không cho em trực tiếp cầm súng. Họ chuyển em qua làm công việc bưu tá. Một công việc mà gian nan vất vả không kém gì người lính các anh. Trước đây, em phụ trách tuyến Trung – Nam. Nhưng sau khi người phụ trách bưu chính ở tuyến này hi sinh, thì người ta liền điều em đến thay.

– Thế cô ấy hi sinh trong trường hợp nào?

– Chị ấy hi sinh trên đường đi đưa thư lên Vĩnh Chấp về. Lúc đi ngang dốc Sáu Độ, thì một quả pháo từ ngoài biển vu vơ bắn vào, cô ấy bị thương nặng. Nếu như lúc đó có ai đó băng bó kịp thời, rồi đưa đi cấp cứu thì chắc chị ấy sống. Nhưng đó là quãng đường vắng, nên khi người ta phát hiện ra thì chị ấy đã mất máu quá nhiều, không kịp cứu chữa. Trước khi nhắm mắt chị ấy chỉ kịp trao lại cái xắc cốt. Trong đó còn vài lá thư chưa kịp chuyển rồi tắt thở.

Tất cả bồi hồi lặng đi trong chốc lát.

– Dạ! – Người đưa thư lau nước mắt, rồi xúc động nói tiếp – Chính là những lá thư thấm máu này đây.

Mọi người giật mình, nhìn kĩ lại, hóa ra thư Đông và một số lá thư khác có những vết máu đã khô, se cứng lại thật.

Không ai nói gì nữa, mọi người xúm lại bên Đông giục anh bóc lá thư ra đọc.

Vẫn nét chữ mềm mại xinh xinh quen thuộc hiện ra trên trang giấy pơ – luya hồng.

Anh Đông thương mến!

Có lẽ bấy lâu, anh vẫn thắc mắc là ai lại viết thư cho anh mà lại giấu tên giấu địa chỉ như thế có phải không?

Vâng chính em đây. Người mà các anh thường quen biết, đã nhớ và viết thư cho anh đây.

Em cũng như anh và bao thanh niên khác, phải xa nhà, xa quê vì tiếng gọi của Tổ quốc. Là những thanh niên, ai mà chẳng khao khát một cuộc sống thanh bình và lãng mạn hả anh?

Nhưng đế quốc Mĩ đâu để cho chúng ta được yên…

Đoạn tiếp theo của lá thư, nước mắt Đông trào ra, anh không thể đọc tiếp nữa. Anh em cũng đã đoán được tác giả của những lá thư trước đây chính là Phương, chứ không phải Quỳnh nào cả.

Đông xin phép chỉ huy, cùng anh bưu tá đến nơi yên nghỉ của Phương. Nhá nhem tối hai người mới tới nơi. Trước mặt Đông là ngôi mộ đất còn mới nguyên, cỏ chưa kịp mọc. Người ta đã phải chọn vị trí đặt mộ xa đường cái và nằm dưới một vùng đất trũng, xa tầm bom pháo giặc. Đông không thể nán thêm phút nào nữa, anh lau nước mắt, rồi khum tay che gió, bật lóe lên một đốm lửa nhỏ để đốt sáng những que hương, miệng lẩm nhẩm vài câu nói với người đã khuất.

Sau khi cắm vội vài cây hương lên mộ, Đông phải trở về ngay đơn vị. Khi tới nơi thì lệnh báo động di chuyển vị trí chiến đấu cũng vừa ban ra, tất cả sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ mới.

Khói bụi mù mịt, Đông cùng đồng đội đi tiếp vào Nam, nơi trận tuyến lớn đang chờ đợi họ. Và giữa những thời khắc yên bình giữa hai trận đánh, Đông cùng anh em thường đem những lá thư nhà và thư của Phương ra đọc, đến thuộc…

*

*        *

Tháng tám năm bảy lăm.

Miền Nam hoàn toàn giải phóng được gần bốn tháng. Mọi người hồ hởi đón chờ lệnh giải ngũ để được trở về với quê hương, người thân…

– Hòa bình rồi mày tính thế nào hở Đông?

Một người bạn bất ngờ hỏi.

– Thì về quê cày ruộng chứ còn làm gì nữa! – Đông trả lời ráo hoảnh.

– Hay là mày về quê tao, tao gả em gái tao cho. Anh em đồng đội sớm hôm cày cuốc có nhau.

– Bậy nào – Quảng gắt – Thôi để thằng Đông về với tao. Quê tao cách quê nó không bao xa. Tao không có em gái, nhưng tao sẽ hỏi cho nó đứa con gái nào xinh đẹp nhất nông trường. Rồi xin với bố tao, cho nó lái chiếc máy kéo của Liên Xô viện trợ mới toanh cho oai. Chứ trình độ lớp mười như nó mà đi đằng sau đít trâu là phí.

– Hí hí hí… – Tất cả cười rộ – Bọn tao sợ là có gì ngon thì thằng Đông không đến lượt.

Quảng phồng má, trợn mắt, đứng nghiêm như báo cáo, thề thốt:

– Tao thề là có vong linh các đồng đội đã mất. Cái gì ngon là tao phải ưu tiên cho bạn tao là thằng Đông trước đã.

Đông không tỏ thái độ phản đối hay đồng tình, anh thủng thẳng nói:

– Cảm ơn các bạn đã dành lòng tốt đối với mình. Nhưng vì nhà không còn ai nữa, nên mình chưa vội về. Có lẽ khi đi ngang qua đất Vĩnh Linh, mình tranh thủ thăm mộ Phương một chút, rồi tìm ra nhà cô ấy để báo cho gia đình cô ấy được biết.

Tất cả đồng tình với ý kiến đó của anh.

Nhưng khi đến nơi có ngôi mộ ngày xưa, thì Đông không còn thấy bất cứ một dấu tích gì ở đó nữa. Tất cả đã trở thành một nương sắn bạt ngàn. Những chiếc lá non mơn mởn trông y như những bàn tay đang xòe rộng, đong đưa trước gió, tha thiết vẫy chào. Loay hoay dò tìm, hỏi mãi, anh biết vừa rồi người ta đã đưa mộ Phương vào nghĩa trang liệt sĩ gần đó. Cuối cùng anh đành phải tìm đến cơ quan bưu điện nơi Phương công tác ngày xưa để hỏi.

Sau khi kiên nhẫn nghe trình bày lí do và nguyện vọng, ông giám đốc cơ quan bưu điện liền thở dài một cái và nói khẽ:

– Tôi nghĩ là đồng chí đã nhầm.

– Nhầm sao được mà nhầm. Đồng chí nói làm sao ấy chứ! – Đông nổi nóng.

– Ý tôi muốn nói là đồng chí đến không đúng vị trí rồi – Người cán bộ vẫn từ tốn giải thích.

Lần này thì không kìm nổi nữa rồi, Đông nổi nóng thực sự, anh đứng dậy, đỏ mặt, tròn mắt, vỗ bàn đánh rầm một cái, chỉ tay vào mặt anh cán bộ mà sừng sộ:

– Tôi chừng ấy năm lăn lộn ở chiến trường, nay về tìm hiểu gốc tích của một liệt sĩ, người ấy bạn chúng tôi, là đồng nghiệp của các đồng chí. Đáng ra các đồng chí phải nhiệt tình giúp đỡ chứ. Đằng này lại nói khó nói dễ. Thế là thế nào?

Người cán bộ vẫn điềm đạm, thủng thẳng giải thích.

– Xin đồng chí hãy bình tĩnh nghe tôi trình bày. Ý tôi muốn nói là có lẽ đồng chí đã nhầm cô Phương với một ai đó. Chứ cô Vũ Thị Lan Phương nhân viên bưu tá của chúng tôi hồi ấy chưa hề hi sinh. Dạo ấy, cô ấy chỉ bị thương và chuyển ra Bắc điều dưỡng mà thôi.

– Sao? Thế hả đồng chí? – Đông lúng túng, tròn mắt ngạc nhiên rồi chuyển sang hớn hở. Vội nhào tới nắm lấy tay người cán bộ, giật giật liên hồi và nói:

– Vậy hả? Vậy mà tôi cứ ngỡ… Thành thật xin lỗi đồng chí nhé.

Theo hướng dẫn của ông giám đốc cơ quan bưu điện, Đông sang phòng tổ chức để lấy địa chỉ cụ thể của Phương, rồi vội vàng lên xe ra Thanh Hóa.

*

*         *

Lòng vòng quanh co mãi, cuối cùng anh cũng đến được xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hóa và hỏi dò ra nhà của Phương. Người nhà cho anh biết, hiện giờ Phương đang công tác ở trung tâm điều dưỡng Sầm Sơn, thế là Đông lại đi bộ ra đường bắt nhờ xe đi ngay trong đêm.

Sáng sau, nghe tin có anh bộ đội tìm mình Phương linh cảm có điều gì đó khác thường. Tuy nhiên cô vẫn cố giữ nét bình thản và rủ thêm hai người bạn chí cốt cùng đến xem người ấy là ai. Khi vừa đến cổng nhà tiếp đón đơn vị, thì Đông bất ngờ từ trong bước ra. Phương dừng lại sững sờ, mắt mở to ngạc nhiên, trân trân nhìn anh.

Mãi tới một phút sau, Phương mới mở miệng lắp bắp được từng từ rất khẽ: “Anh… anh đó à? Anh Đông có phải không?” Rồi ngoảnh mặt sang bên, mắt ứa ra những giọt lệ nóng hổi. Hai cô gái đi kèm chưa hiểu rõ sự thể lắm, nhưng cũng cảm thấy có điều gì hệ trọng sắp xảy ra. Họ cố níu giữ Phương một cách chắc hơn – như sợ cô chực ngã.

Nhưng khi Đông gọi lên một tiếng “Phương!” mừng rỡ và tiến lại gần, thì bằng tất cả sức lực vốn có của mình, Phương bứt khỏi sự níu kéo của hai người bạn, quay lưng bỏ chạy ra biển. Bàn chân cô bồi hồi, ngả nghiêng trên sóng cát nhấp nhô. Cánh tay phải chỉ còn là vạt áo rỗng phấp phới bay.

Mọi người đã rất vất vả khi tìm thấy Phương ngồi sau một mỏm đá cuối đền Độc Cước. Cô im lìm, mắt đăm đắm nhìn ra phía biển. Khi biết chắc Phương đã an toàn mọi người liền bấm nhau về, để Đông ở lại. Mãi rồi Phương mới khe khẽ kể:

– Dạo đó em ra Quán Hàu để nhận thư và bưu kiện. Bom đạn đánh nhiều quá, nên phà không qua được như hẹn ước. Phải chờ đến hôm sau mới có một chiếc thuyền chuyển thư báo qua cho. Chúng em mừng rỡ chạy ra, vừa kịp lôi thuyền vào bờ thì máy bay Mĩ kéo đến. Nhận thư báo xong, bọn em vội tản ra các ngả đường để hạn chế thương vong. Nhưng khi em vừa chạy chưa đầy trăm bước chân thì một quả bom trúng ngay thuyền. Người lái đò hi sinh. Còn em thì bị mảnh bom phạt đứt cánh tay phải ngất đi. Khi tỉnh dậy đã thấy mình nằm trong một bệnh viện dã chiến của tỉnh Quảng Bình. Điều trị ở đó chừng nửa tháng thì đơn vị cho em ra Bắc để điều dưỡng tiếp. Mấy tháng sau, vết thương đã đỡ, em bắt đầu tập viết thư bằng tay trái. Lúc ấy các anh đã vào Nam nên không có cách nào liên lạc được…

Đông ôm lấy Phương mừng khôn xiết, anh hẹn vài ngày nữa về quê thắp hương cho bố mẹ, các em báo mình đã trở về an toàn xong rồi lại vào…

Vài tháng sau như đã hẹn Đông lại khoác ba lô vào Thanh Hóa để xin việc làm tại một nông trường gần trung tâm điều dưỡng nơi Phương làm việc. Sau đó, anh ngỏ lời cầu hôn với Phương. Nhưng Phương từ chối nói:

– Em chỉ còn một cánh tay, làm sao mà có thể bồng bế con được. Em sợ rằng mình không thể đem đến hạnh phúc cho anh như mong ước được.

Chẳng hề gì, Đông không hề bỏ cuộc, anh lại cầu hôn nhiều lần nữa. Cuối cùng, Phương nhận thấy sự chân thành của Đông nên chấp nhận.

Một thời gian sau khi cưới, Phương được trên bố trí về làm việc cùng một nông trường với Đông. Hai người được ban lãnh đạo quan tâm phân cho một căn phòng tập thể gọi là căn phòng hạnh phúc.

Từ đó đến nay họ vẫn sống trong căn phòng hạnh phúc đó. Họ đã có với nhau bốn đứa con trai, tất cả đều học giỏi và có việc làm ổn định.

Nhiều người, bạn bè đến thăm, tất cả đều ngạc nhiên trước cuộc sống chật vật của gia đình họ. Ai cũng hỏi:

– Vì sao hai bác đều là thương binh mà không xin nhà nước cấp cho một ngôi nhà tình nghĩa để có cuộc sống rộng rãi thoải mái hơn một chút?

Anh Đông khi xưa và bác Đông khi này rít một hơi thuốc lào dài, làm cái nõ điếu lóe lên rạng rỡ, rồi nhả khói, bình thản nói:

– Ôi dào. Chính quyền cũng đã nhiều lần đề xuất, nhưng vợ chồng tôi và các cháu không đồng ý. Bởi còn có những số phận khó khăn hơn chúng tôi nhiều. Hiện giờ các cháu con tôi đứa nào cũng đã có việc làm ổn định. Chúng tôi có nương chè của nông trường giao cho, thu nhập hàng tháng cũng thêm dăm bảy triệu. Đợi một thời gian nữa chúng tôi sẽ tự túc dựng một ngôi nhà trên mảnh đất này. Suất nhà tình nghĩa của hai vợ chồng tôi để dành cho người khác khó khăn hơn.

Và họ cũng nói rõ ước mơ – một ước mơ duy nhất của mình là được trở lại thăm mảnh đất Vĩnh Linh giới tuyến năm xưa một lần.

Theo Tạp chí VNQĐ