Nụ cười xứ sở gạo trắng nước trong

921

Cần Thơ không chỉ là trung tâm của ĐBSCL, mà còn nổi tiếng là xứ sở gạo trắng nước trong…

Ðến bến Ninh Kiều, chúng tôi lên tàu đi chợ nổi Cái Răng từ 5 giờ sáng, ánh đèn thành phố còn lặng lẽ nhuộm vàng mặt sông Cần Thơ.

Cho dù chợ nổi không xa là mấy, nhưng đi tàu đi thuyền cũng phải mất nửa tiếng mới tới nơi. Chợt có tiếng hát từ mạn thuyền nào đó vang lên trên bến sông. Một câu vọng cổ man mác buồn trong nhập nhoạng bình minh…

Phiên chợ sớm trên sông

Chúng tôi ai cũng háo hức ngó về phía trước khi tàu lọt qua chân cầu Cái Răng để đi vào chợ. Người dẫn chuyện cho chúng tôi là anh Đinh Văn Phú, một chàng trai của miền sông nước Cần Thơ, theo nghề đã mười năm.

Đầu tiên anh đố chúng tôi, rằng ai có biết trên mũi tàu nào cũng vẽ hình đôi mắt to tròn như mắt cá, vì sao vậy?

Quả nhiên, lúc này trong ánh sáng mờ ảo của buổi sớm, chúng tôi đã nhìn ra những đôi mắt trên các mũi tàu chung quanh. Những mũi thuyền như có đôi mắt nhìn về phía trước và lao nhanh trên sông. Tất cả đều ngờ ngợ suy đoán.


Phiên chợ trên sông

Cuối cùng anh kể đó là sự hòa nhập của con người với thiên nhiên. Tục lệ xưa, các chủ hàng muốn con tàu của mình làm bạn với những con cá lớn, tránh những hiểm họa bất ngờ trên sông nước.

Tương truyền có một con cá khổng lồ, mải đi kiếm mồi đã bị lạc vào bến sông, không nhớ đường về. Nó quay đầu tìm hướng thì va vào bờ, hàm răng bị cắm lại ven sông, chính từ đó người ta gọi mảnh đất này là Cái Răng. Chợ nổi trên sông vùng này cũng được gọi với cái tên đó.

Tích cổ là vậy. Nhưng sau này các nhà văn hóa lại nhìn nhận có cơ sở hơn. Xưa những người Khơ Me thường đến bến sông bán những cái bếp nặn bằng đất đỏ, có tên là Cà Rằng.

Rồi từ đó cái tên Cái Răng theo thổ âm Nam Bộ ra đời. Đúng lúc đó tàu chúng tôi chạm vào mạn xuồng hàng đầu tiên trên sông.

Ánh sáng bình mình hửng lên. Những cây sào treo hàng trên mỗi con tàu hiện ra như lời mời chào hồ hởi. Tiếng rao đầu tiên và nụ cười của cô bé bán bánh mỳ bừng lên trong nắng sớm. Đó là bông hoa chúm chím trên con sông.

Hàng trăm tàu hàng lấp loáng trước mặt. Nhiều chủ ghe buôn hoa quả tất bật lấy hàng để đưa về chợ quê bán. Ánh mắt long lanh của cô bé bán bánh mỳ sáng ngoái lại rồi lẩn vào dòng tấp nập của những con xuồng quây quả khắp nơi. Tiếng rao ấy như kéo con tàu của chúng tôi đi sâu vào con chợ.

Đột nhiên tiếng gà gáy gọi ngày sáng bừng cả vùng sông nước. Những âm thanh trở nên hỗn tạp từ đó. Lời mời chào ríu ran trong ánh sáng ban mai.

Chàng trai Đinh Văn Phú chỉ những cây sào treo hàng, rồi đọc câu ca của những kẻ thương hồ: “Em treo cây Bẹo, Cái Răng, Ba Láng. Ta thương hồ Ràm Xáng, Cần Thơ”.

Đó là lời chào nhau trước khi chọn bạn hàng của kẻ chợ trên sông. Bất ngờ hơn, chính anh chàng Phú đã cất lên câu hò làm chúng tôi hết sức ngạc nhiên.

Giọng anh hơi khê khàn âm u, nhưng chan chứa nỗi niềm: “Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng. Ta vẫn chìm từ giữa bữa hoàng hôn. Hò ơ… ơ…,”.

Đó là một điệu lý quê anh. Chúng tôi vỗ tay và bị thu hút vào câu chuyện của chàng trai này. Anh khuyên chúng tôi trước khi mua hàng, chớ bước qua mũi ghe của các thương hồ, vì chợ Cái Răng đã có tục lệ rằng: “Sáng mai sớm. Bọn qua kiêng bước qua ghe. Qua ghe qua, qua sợ lật thuyền”.

Chữ “qua” đây có nghĩa là “anh” hay “tôi”, hay bước qua cũng được. Đó là ngôn ngữ của kẻ chợ thương hồ Cái Răng. Với hàm ý mong may mắn đến với bạn hàng với nhau. Đừng bước qua thuyền này để mua hàng thuyền khác: “Hàng ai nấy bán nấy mua. Bán gì Bẹo ấy đong đưa mời chào”.

Đúng lúc đó nụ cười của cô bé bán bánh mỳ chợt hiện lên. Tiếng rao trong trẻo bị chìm vào trong tiếng trả giá, mua bán của giới thương hồ. Tàu chúng tôi cập vào một cửa hàng làm kẹo dừa thơm phức trên bờ sông.

Chả mấy chốc, mỗi người chúng tôi, ai nấy cũng có túi hàng. Nếu kể ra đây hai mươi món quả đặc sản của vùng sông nước Cần Thơ cũng không hết.

Tôi thì mua một túi xoài, với giá 40 ngàn đồng một ký, như vậy là rẻ hơn so với vào chợ thành phố. Vì đây là giá bán buôn của chợ nông sản đầu mối Cái Răng. Chắc hẳn những ông chủ tàu lớn chẳng trông mong lỗ lãi ở khách hàng như chúng tôi.

Họ thường bán cả tấn quả cho các thương lái mua đầy tàu chở về các chợ vùng quê xa bán lẻ. Bất ngờ có chiếc ghe nhỏ treo biển bán vé số len sát vào tàu chúng tôi mời chào. Không hiểu sao tôi lại nghĩ biết đâu may mắn, nên mua liền ba vé số. Tự nhiên vậy thôi.

Người đàn bà ấy nở một nụ cười rất đôn hậu dưới chiếc nón đã rách. Những giọt mồ hôi đầu tiên đã lấm chấm vì bà đã phải chèo ghe suốt từ sáng để đem niềm vui đến cho mọi người.

Không biết sự may mắn nào đến với tôi. Nhưng nụ cười xinh tươi của cô bé bán bánh mỳ và nụ cười ấm áp của người phụ nữ ấy đã mang lại niềm hân hoan trong lòng tôi, trong phiên chợ sớm mai này.

Thật kỳ lạ, trước mắt chúng tôi là một con tàu nhỏ gần bờ, có biển đề: “Ca cổ Lý Hùng”. Tôi ngỡ ngàng khi nhìn thấy một cô bé độ 5 tuổi đang cầm micro cho bố hát.

Đó là ca sĩ Lý Hùng ư? Hóa ra không phải. Chàng trai Đinh Văn Phú nói, những người thương hồ đặt cho anh ta cái biệt danh ấy, vì thương mến giọng hát của anh.

Mỗi khi mệt mỏi, họ thường nghe tiếng anh hát văng vẳng trên sông như được xoa dịu nỗi buồn tha hương. Thì ra giọng hát của bài ca Tình anh bán chiếu là đây.

Tôi như chết lịm đi trong giọng ca tê tái bởi tình phụ lỡ làng: “Cô ơi, đôi chiếu này tự tay tôi dệt lấy. Tôi đã lựa từng cọng lác, sợi gai. Nhưng khi tôi đến nơi thì cô đã rời bỏ quê nhà qua xứ khác. Tôi đứng trước cổng vườn xưa với nỗi buồn man mác.

Còn đôi chiếu này tôi biết tặng cho ai…”. Chiếc ghi ta phím lõm trên tay “Lý Hùng” nỉ non nặng trĩu tâm hồn tôi. Từng phím, từng phím day dứt lòng người.

Con tàu chúng tôi đi chậm lại, trong con sóng bồng bềnh giữa người bán, kẻ mua líu ríu chuyện tiền nong. Lòng tôi cũng bồng bềnh theo những bông hoa lục bình tím ngát trôi về phía xa mờ chân mây.

Ngôi nhà cổ đầy hoa

Chuyến đi chơi chợ của chúng tôi còn tiếp tục khi chàng trai Đinh Văn Phú đưa chúng tôi lên bờ, đi chợ ở những ngôi nhà vườn. Mùa nào thức nấy. Mỗi ngôi nhà là một nơi chốn sum suê hoa trái.

Vào những vườn cây, chúng tôi mới nhận ra đây là những vựa quả thơm ngon cho những con tàu đến thu hàng, mang về bán ở chợ nổi Cái Răng.

Đó là những vườn quả ở khắp lục tỉnh hội tụ trên sông. Nhưng thật bất ngờ, đoàn chúng tôi được dẫn đến một nhà vườn chỉ có hoa lan, chứ không hề có cây ăn quả. Anh Phú kể, đây là một ngôi nhà tình yêu, với cái tên ngọt ngào: “Vườn lan Bình Thủy”.


Ngôi nhà cổ đầy hoa.

Đó là ngôi nhà cổ, hơn một trăm năm (được xây dựng từ năm 1870) với kiến trúc độc đáo nhất được bảo tồn nguyên vẹn, ở vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngôi nhà cổ Bình Thủy ngự trên phố Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Nhà vườn rộng tới 6000m2, đã được chủ nhân, đời thứ năm dòng họ Dương ở đây, trồng hoa lan đủ các giống loại và màu sắc rực rỡ quanh năm.

Ngôi nhà cổ Bình Thủy chính là từ đường của dòng họ Dương sinh sống nhiều đời tại Cần Thơ. Người hiện cai quản ngôi nhà cổ này là bà Ngọc Liên, vợ của trưởng nam đời thứ 6 của chủ ngôi nhà này.

Bà Liên giới thiệu cho chúng tôi biết những kỷ vật còn giữ lại, khi ngôi nhà được nhiều đoàn làm phim tìm đến làm bối cảnh cho những phim có màu sắc văn hóa điển hình nhất của vùng sông Hậu, sông Tiền.

Bà nhớ lại vào năm 1990, đoàn làm phim Người tình, dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nữ tác giả người Pháp, đã đến đây chọn làm nơi thể hiện câu chuyện tình yêu éo le giữa một anh chàng con nhà thương gia giàu có người Hoa (Huỳnh Thủy Lê) ở Sa Đéc, với một cô bé nghèo khó 15 tuổi người Pháp, theo bố mẹ về đây làm ăn. Ngôi nhà cổ Bình Thủy đã được chọn làm cảnh quay thay thế cho ngôi nhà cũ của gia tộc Huỳnh Thủy Lê.

Theo đạo diễn Jean Jacques Annaud, ngôi nhà cổ này đầy đủ màu sắc văn hóa phương Đông kết hợp phương Tây, với kiến trúc kỳ lạ đã đem lại hiệu quả lớn cho bộ phim Người tình (L’amant).

Sau này, khi bộ phim Người tình nổi tiếng và được phát hành khắp thế giới, thì ngôi nhà cổ Bình Thủy đã được coi là một địa chỉ văn hóa khó cưỡng của hàng triệu du khách trong nước và quốc tế mỗi khi đến đất Cần Thơ. Ngôi nhà đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2009…

Theo Duy Anh (Kiến thức gia đình)