Nữ giới trong phong trào Lam Sơn

544

24.5.2018-06:30

 Minh hoạ: Quang Cường

 

Nữ giới trong phong trào Lam Sơn

 

GS LÊ VĂN LAN

 

NVTPHCM– Chỉ một tuần sau ngày Bình Định Vương Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn hôm Mồng Hai Tết năm Mậu Tuất (1418), giặc nhà Minh đã ùn ùn kéo tới đàn áp. Nghĩa quân Lam Sơn phải mấy phen rút về vùng rừng núi Chí Linh hiểm trở, cố thủ. Đi theo quân ngũ và sát cánh cùng thủ lĩnh nghĩa quân có bà Phạm Thị Trần (hay Ngọc Trần) vợ thứ của Lê Lợi.

 

Bị giặc bao vây chẹn đường, tuyệt lương, nghĩa quân lâm vào cảnh khốn đốn, thiếu thốn lương thực, phải ăn cả măng tre, rễ củ. Như một “chủ nhiệm hậu cần” hết lòng vì việc quân, bà Trần lăn lộn tìm kiếm lương ăn cho nghĩa quân, có lần vượt cả vòng vây của giặc, tìm đến phường đánh cá Đa Mỹ vận động họ dùng thuyền chở lương thực ngược sông Chu vào căn cứ, tiếp tế cho nghĩa quân.

 

Năm 1423, bà Trần sinh hạ con trai đầu lòng Lê Nguyên Long, dọc đường cùng chồng bôn ba đánh giặc. Trên miền thượng du xứ Thanh, vất vả gian truân, bà vẫn ôm con nhỏ, chăm sóc chồng, không nửa bước rời quân ngũ.

 

Năm 1424, nghĩa quân di chuyển khỏi xứ Thanh, vào xứ Nghệ xây dựng “chỗ đứng chân” để tiến lên vây đánh thành Nghệ An của giặc. Thế trận giằng co vào năm 1425, ở chỉ huy sở đóng cạnh đền thần Trào Khẩu bên sông Lam, một đêm, Lê Lợi mộng thấy vị thần đền hiển hiện, nói: “Nếu tướng quân nhường cho tôi một người thiếp, tôi sẽ âm phù đánh giặc thắng lợi ngay!”.

 

Lê Lợi đem chuyện đó hỏi các bà vợ của mình, xem ai có thể vì mình, vì việc quân mà tình nguyện làm vật hiến tế cho thần linh được không? Và còn hứa: Sau này đánh giặc thành công, sẽ lập con của người đó làm thái tử, kế vị ngôi vua nước Việt!

 

Bà Phạm Thị Trần khảng khái đứng ra nhận lời. Và lên đàn tế vào ngày 24 tháng 3 năm Ất Tỵ (1425), hy sinh.

 

Nhiều nhà nghiên cứu dân tộc học đã nói: Đây là tàn dư của tục “Hiến tế con sinh” từ thời nguyên thủy còn sót lại đến thế kỷ 15! Nhưng trước hết và chủ yếu, đây chính là điển hình của một gương lẫm liệt hy sinh vì việc nước của giới nữ nhân nước Việt trong phong trào Lam Sơn 10 năm đánh giặc cứu nước ở thế kỷ thịnh trị của chế độ phong kiến. Đúng với danh hiệu mà vua Lê Thái Tông con trai của bà Phạm Thị Trần ngày nào vào năm 1437 đã truy tôn bà Trần làm “Cung Từ Quang mục Quốc thái mẫu”, thờ ở miếu Thái mẫu tại Lam Kinh, sau ngày đánh giặc thành công.

 

Trở lại năm 1425, sau khi bà Phạm Thị Trần mất, việc nuôi dạy con nhỏ của bà là Lê Nguyên Long được giao cho một bà vợ thứ khác của Lê Lợi là Trinh Ý nguyên phi.

 

Bà Trinh Ý là người tính hạnh nhu mì, hiền thục, giỏi chịu đựng vất vả gian truân. Do đó, không những hết lòng chăm lo cho Lê Nguyên Long mà còn tận tụy săn sóc chồng trong suốt 10 năm Lê Lợi nằm gai nếm mật đánh giặc trên khắp các chiến trường. Không may, đến khi đuổi giặc thành công, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, bà lại sớm qua đời. Vì thế ngay năm đầu kế vị ngai vàng, Thái Tông Lê Nguyên Long, vào năm 1433, đã truyền ban chế văn, phong cho bà làm Hoàng thái phi. Lời chế văn do Nguyễn Trãi soạn thảo có đoạn nói rất đúng về bà:

 

Giữ được cơ nghiệp lớn lao của Cao đế (Lê Lợi)

Nhờ công siêng năng giúp đỡ của Đức bà (Trinh Ý)

Khi ở núi Linh Sơn lương thực cạn khan, từng nhờ lo liệu

Hồi ở trại Lẫm Lộ, áo xiêm rách rưới, thường cậy vá may

Những nhớ đến công giúp đỡ tiền triều (Lê Thái Tổ)

Há lại quên ơn phù trì tiểu tử (Lê Thái Tông).

 

Cũng về thời Lê Lợi đưa nghĩa quân Lam Sơn vào “đứng chân” ở xứ Nghệ, còn có một người phụ nữ nữa đã có công lao rất lớn trong việc giúp đỡ thủ lĩnh phong trào yêu nước đánh giặc, gây dựng đủ lực lượng để tiến lên đuổi sạch quân Minh ra khỏi đất nước. Đó là bà Trần Thị Ngọc Hào, được sử sách và nhân dân vùng Nghệ Tĩnh truyền tụng bằng danh hiệu “Hoàng hậu Bạch Ngọc”.

 

Bởi vì bà Ngọc Hào từng là cung phi của vua Trần Duệ Tông. Năm 1377, vua Duệ Tông mất, năm 1400, nhà Hồ thay thế nhà Trần, bà Ngọc Hào sống lặng lẽ trong cung riêng ở Thăng Long. Nhưng đến năm 1407, quân Minh sang xâm chiếm, bà dẫn ngay 500 cung nhân nội thị rời kinh đô trốn vào xứ Nghệ, khai hoang lập ấp, kiến tạo được một vùng điền trang rộng lớn trên đất đai các huyện Vũ Quang, Hương Sơn, Đức Thọ, Cam Lộc, với 3.965 mẫu ruộng và hơn 3.000 dân.

 

Gặp lúc nghĩa quân Lam Sơn mới “chân ướt chân ráo” vào xứ Nghệ, bà Ngọc Hào đã từng đến ra mắt Lê Lợi. Biết nghĩa quân đang rất cần lương thực và vũ khí đánh giặc, năm 1425, bà Ngọc Hào đem hết tiền của, lương thực và cả những khí giới tích lũy được trong nhiều năm cung cấp cho lực lượng Lam Sơn. Khu vực điền trang của bà trở thành một căn cứ hậu cần quan trọng của nghĩa quân.

 

Nhờ sự giúp đỡ đắc lực của bà Ngọc Hào, chỉ sau một năm “đứng chân” ở xứ Nghệ, nghĩa quân Lam Sơn đã đủ mạnh để năm 1426 tiến quân ra chiến trường phía Bắc, và đến cuối năm 1427 thì đại thắng, hoàn công.

 

Năm 1428 và sau đấy Lê Lợi lên ngôi hoàng đế Đại Việt, bà Ngọc Hào – lúc này có thêm biệt danh cao quý là “Hoàng hậu Bạch Ngọc”, vẫn ở lại vùng điền trang của mình, tiếp tục chăm lo việc phúc đức cho xứ Nghệ, tới khi qua đời. Triều đình và dân chúng đã lập đền thờ bà cho xứng với tinh thần yêu nước và công lao giúp nước của bà. Ngôi đền thờ “Hoàng hậu Bạch Ngọc” này, ngày nay thuộc đất xã Liên Minh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

 

Chuyển từ miền Trung ra miền Bắc, vẫn là về những người phụ nữ công huân trong phong trào Lam Sơn, lịch sử đã ghi nhận thêm hai nhân vật có những đóng góp rất đặc biệt vào cuộc chiến thắng lợi chống giặc thù. Đó trước hết là bà họ Đào, người làng Đào Đặng, nay thuộc tỉnh Hưng Yên.

 

Khi giặc Minh tràn sang xâm lược, có một cánh quân của chúng đã cắm đất của làng mà xây dựng. Biết làng Đào Đặng có nhiều nữ nhân xinh đẹp làm nghề xướng ca, chúng ra lệnh gom luôn các ca nương ấy vào trại, đêm đêm bắt phải múa hát cho chúng mua vui.

 

Vùng Đào Đặng ngày xưa ẩm ướt, rất nhiều muỗi. Chỉ huy giặc bèn làm những bao túi cho quân lính chui vào bao ngủ chống muỗi, mỗi đêm nghe xướng ca xong, sau khi đã chui vào nằm trong túi, sẵn các ca nương đấy, chúng nhờ những bàn tay ngà ngọc vừa múa xong thắt lại hộ sợi dây buộc miệng túi.

 

Bà họ Đào là người được giặc nhờ cậy nhiều nhất! Nhân đấy nghĩ ra kế lạ: Chờ cho giặc ngủ say trong túi thì bí mật đón những trai làng khỏe mạnh, lẻn vào trại khiêng những bao túi ngủ có giặc đang say giấc ở trong đem ra ngoài thả cho trôi sông mất tích!

 

Đêm này qua đêm khác, số lính giặc bị thả trôi sông bặt tăm ngày một nhiều. Chỉ huy giặc thấy quân số cứ lặng lẽ mà hao hụt. Không biết vì sao, đành cho rằng có âm binh báo hại nên xuống lệnh nhổ trại, kéo quân đi khỏi làng!

 

Dân làng Đào Đặng từ đấy thoát khỏi nạn giặc ức hiếp. Biết ơn ca nương họ Đào, đến khi bà mất liền tôn bà làm phúc thần của làng, gọi luôn tên thần là “Ả Đào”. Nghề ca xướng của làng từ đó cũng được gọi là “Hát Ả Đào”!

 

Còn người phụ nữ thứ hai là bà Lương Thị Huệ. Bà Huệ người làng Ngọc Chuế (Chuế Cầu), huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Quê bà ở ngay trên giao điểm của hai con đường thủy bộ, nối thông miền đồng bằng ven biển ngoài Bắc với bên trong là xứ Thanh. Giặc Minh sang xâm lược, nhận ra vị thế lợi hại của quê nhà bà Huệ bèn cho xây một tòa thành lớn để chẹn đường gọi là thành Cổ Lộng.

 

Bà Huệ khi ấy đã có chồng, tên Đinh Tuấn. Hai vợ chồng đều là những người yêu nước. Nghe tin trong xứ Thanh có Bình Định Vương Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, Đinh Tuấn liền vào Lam Sơn theo. Còn Lương Thị Huệ thì mở một quán hàng ở ngay ngoài cổng thành Cổ Lộng, vừa bán thức ăn cho giặc, vừa tuyển những thiếu nữ có thanh có sắc đến quán múa hát, làm thân với giặc để nhân đó dò xét tình hình trong thành.

 

Năm 1427, phong trào Lam Sơn lớn mạnh, đủ lực lượng đưa ra Bắc đánh giặc. Trên đường tiến quân, vấp phải thành Cổ Lộng án ngữ, Lê Lợi liền sai Đinh Tuấn về quê trước liệu địch.

 

Vợ chồng Đinh Tuấn-Lương Thị Huệ gặp lại nhau, bàn kế giúp Lê Lợi hạ thành Cổ Lộng. Bà Huệ nhận phần đưa các thiếu nữ ở hàng quán của mình vào thành, vừa cho giặc ăn uống say sưa, vừa múa hát khiến chúng mê đắm. Đợi lúc đêm về, khi giặc trễ tràng việc canh phòng, chui cả vào túi ngủ thì thắt miệng túi lại, để Đinh Tuấn dẫn đường cho nghĩa quân Lam Sơn xông vào thành đánh giết.

 

Thành Cổ Lộng của giặc đã bị đánh hạ theo kế hoạch ấy. Thành bị san phẳng nên chỗ đất xây thành từ đây có tên là “Bình Cách”, nghĩa là: San phẳng! Còn vợ chồng Đinh Tuấn-Lương Thị Huệ thì trở thành công thần Lam Sơn khởi nghĩa. Sau ngày đại thắng đầu năm 1428, cả hai đều được phong tước “Công”. Đến năm 1432 qua đời, được triều đình và dân chúng lập đền thờ, tôn làm “Kiến quốc đại vương” và “Kiến quốc phu nhân”.

 

Năm 1470, vua Lê Thánh Tông trên đường từ kinh đô về Lam Sơn bái yết sơn lăng, đi qua Bình Cách lại được nghe sự tích hạ thành Cổ Lộng, cảm động trước công lao của bà Kiến quốc phu nhân Lương Thị Huệ, đã ngự chế một bài “Minh” để ở đền thờ bà như sau (dịch):

 

Giỏi thay nàng liệt phụ

Khí hùng hơn muôn binh

Giặc Minh sang xâm chiếm

Đóng giữ Cổ Lộng thành

Hoàng tổ ta khởi nghĩa

Quyết chí diệt giặc Minh

Ngựa sắt hăng hái đánh

Thắt túi giúp công thành

Sử quan cầm bút chép

Cùng Bà Trưng lưu danh

Đền thờ hương khói ngát

Nghìn thuở mãi nghe danh.

 

Theo QĐND

 

>> XEM TƯ LIỆU THAM KHẢO KHÁC…