(Vanchuongphuongnam.vn) – Heather Hartley là một nhà văn và biên tập viên, tác giả của hai tuyển tập thơ Adult Swim and Knock Knock. Cô dạy viết văn sáng tạo cho khóa học online ở Đại học Hoa Kỳ ở Paris và Đại học Texas MFA. Cô sống ở Naples, Ý.
Nguồn: narrativemagazine.com
Tôi là người Mỹ, nhưng trong 18 năm qua tôi đã sống trên hai lục địa mang hai nền văn hóa cực kì coi trọng nụ hôn. Les bises ở Pháp và I baci ở Ý là một phần thiết yếu trong nghi thức gặp gỡ và chào hỏi mọi người, một cách không những chỉ để đánh dấu sự kiện mà còn là để thể hiện sự tôn trọng đối với cả thời khắc đó và người đối diện.
Ở Paris nơi tôi sống trong hơn 15 năm, phong tục thường là hai nụ hôn, mỗi cái một bên má; ở Nantes bên bờ duyên hải phía tây nơi tôi sống được một năm là ba cái; và theo như tấm bản đồ năm 2014 trên tờ Le Parisien, ở những khu vực miền trung nước Pháp thì là bốn dù tôi đã từng nghe đồn rằng con số có thể lên đến năm. “Zou bisou, zou bisou, / Mon dieu qu’ils sont doux,” (Ôi nụ hôn/Chúng thật ngọt ngào) là phần điệp khúc của đĩa đơn của Gillian Hills vào năm 1960, và dù Hills không phải là người Pháp nhưng vẫn có điều gì đó khá đặc trưng của người Pháp trong bài hát ngọt ngào về niềm hạnh phúc khi hôn.
Ở Napoli, phong tục thường là hai cái hôn trên hai má, vậy nên tôi chả phải điều chỉnh gì nhiều sau bao nhiêu năm quen với kiểu hôn Paris. Tôi sống ở tỉnh Napoli, cách trung tâm thành phố 15 dặm, trong một ngôi nhà bằng đá hai tầng 40 năm tuổi với Vincenzo vốn là họa sĩ và giáo viên. Mẹ anh là Francesca sống tầng dưới ngôi nhà. Căn hộ tách biệt ở tầng trên của chúng tôi có một cái ban công lớn nhìn ra một khoảng sân nhỏ thường khá đông đúc và rộn ràng. Nhưng những ngày gần đây thì không như vậy. Đồ giặt vẫn đang phơi, nhưng khoảnh sân thì không một bóng người.
“Mẹ này, con yêu mẹ nhưng giờ thì con không nên hôn mẹ,” anh trai Vincenzo là Pasquale nói. Lúc đó là gần cuối tháng hai và chúng tôi đang ở trong gian bếp nhỏ gọn gàng của bà. Chúng tôi vẫn chưa than khóc cho hàng ngàn người chết ở Ý, Mỹ và Pháp cũng như trên khắp thế giới. Tình thế nguy cấp và nỗi bi kịch dường như còn cách xa lắm và không thực tế chút nào. Bản thân chúng tôi vẫn chưa ai mất đi gia đình và bạn bè. Vào thời điểm đó điều chúng tôi than khóc là không được chạm vào nhau.
Cánh tay bà Francesca vươn ra nhưng không thể với tới Pasquale đứng cách xa phía bên kia bàn bếp. Bà nhìn anh vẻ buồn rầu, và còn ngạc nhiên nữa dù tin tức suốt ngày ra rả. Với tôi thì bà nhún vai không vui và quay lại với món rau diếp xoăn áp chảo ngon tuyệt của mình, ninh nó nhỏ lửa trên bếp với tỏi, nho khô, trái ô-liu và chút dầu ô-liu. Còn phải nấu bữa tối cho tôi, Vincenzo và bản thân bà ấy nữa.
Như thường lệ chúng tôi ăn trong bếp của Francesca; căn phòng này thông ra phòng ăn vì ở Napoli thức ăn là thứ quan trọng nhất. Bếp và phòng ăn là trung tâm diễn ra mọi cuộc thảo luận, họp mặt, ăn mừng, tranh luận và bí mật.
Thường thì vào các buổi tối trong tuần và cuối tuần đều đầy nhóc họ hàng gần xa đến thăm. Pasquale, vợ anh Susetta và hai cô con gái đã lớn của họ sống cách đây chưa đầy 5 dặm trong xứ này, vậy nên họ được phép tới chơi trước khi bị cấm cửa hoàn toàn. Vincenzo và chị gái Pasquale là Giovanna cũng sống với chồng là Giuseppe và một con trai lớn, một con gái tuổi teen cách đây 15 dặm mà cũng không thể đến chỗ Francesca vì không cùng xứ. Giờ thì đã sáu tuần rồi không ai được tới chơi hết. Theo thói quen Francesca tiếp tục nấu thêm món rau diếp xoăn vào các buổi tối cho những người thân phải sống cách xa.
Lòng trung kiên và tình yêu dành cho gia đình được thể hiện thông qua hai nụ hôn mỗi ngày, hay ít nhất là trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng vì con virus corona. Chúng tôi xem thời sự nhiều lần mỗi ngày và cố gắng theo sát thảm họa Covid-19. Mọi thứ diễn ra quá nhanh. Ngày nào Francesca cũng gọi điện cho con cháu, bởi vì lúc này đây đó là cách liên hệ gần gũi nhất bà ấy có.
Đại dịch đã có tác động sâu sắc lên biết bao nhiêu thứ, và một trong những cái thiết yếu dường như là ảnh hưởng đến mối liên hệ giữa người với người, trong chuyện ôm hôn nhau. Chuyện gì đã và đang xảy ra với tình cảm về mặt thể xác vậy?
Cho tới trước khi tình trạng khẩn cấp do virus corona gây ra, đôi khi tôi cũng khá vụng về khi hôn chào hỏi ai đó, và thế là xảy ra thảm họa. Có lúc tôi bắt đầu sai phía hoặc để trật nhịp, thế là tôi và người kia kết thúc bằng việc va mũi vào nhau, hay tệ hơn là tôi sẽ vô tình quệt qua môi họ khi vội vàng chọn bên để hôn. Có một số quy định sẵn về việc hôn và chúng có vẻ khá là phức tạp, nhưng tôi vẫn cố gắng đơn giản hóa nó đi: chỉ là chào hỏi người ta thôi mà. Tôi thường nghiêng người qua bên trái để chào theo kiểu má chạm má.
Với tôi kiểu hôn này giống như điệu nhảy tango: cực kì chừng mực và không gò bó. Và thật hay khi biết được người đối diện đang nghĩ gì.
Giờ thì tôi chứng kiến Vincenzo và đại gia đình đông đúc của anh chật vật học cách không hôn hít trong một nền văn hóa dồi dào tình cảm với hệ thống ngôn từ dùng cử chỉ bằng tay của riêng xứ Naples. Tôi thường nghĩ về một đứa trẻ đã gặp ở đây đang vui sướng vỗ tay và hét lên với mẹ mình, “Thể hiện tình cảm với con đi mẹ!”
Gần đây vào dịp Lễ Thứ Ba Béo, ngày 25 tháng 2 – vậy là cảm giác như là đã lâu lắm rồi kể từ hồi không được chạm vào nhau ấy – chúng tôi đi dự một bữa tiệc sinh nhật trong gia đình tổ chức vào bữa trưa, và lúc đang ăn món lasagna, uống rượu vang nổ và ăn bánh sinh nhật, tôi do dự khi phải làm nghi thức má chạm má. Mà chờ đã, chúng tôi có nên làm vậy ko? Tôi cảm thấy những người khác cũng do dự, chỉ một thoáng ngập ngừng thôi, nhưng cuối cùng chúng tôi cũng hôn nhau. Thể hiện cảm xúc mà. Phải cho nhau thấy là bạn vui khi gặp họ chứ.
Mấy tuần sau, theo bản năng tôi trờ tới hôn Francesca. Bà ấy là một người phụ nữ vạm vỡ, chắc nịch với niềm đam mê lo ăn lo uống cho gia đình cao độ; vậy nên thấy chúng tôi ăn suất thứ hai của bữa khiến bà ấy hài lòng lắm lắm. Hôm nọ bà làm một cái bánh ngọt tuyệt diệu phủ sô-cô-la; tôi ăn nó vào bữa sáng và cả sau bữa tối – nói chung là mấy ngày đó tôi ăn không ngừng – điều đó khiến bà vui. Francesca thích mấy bài tình ca (mà Napoli có hẳn cả mớ), và bà thường hát khi nấu ăn hay làm việc nhà. Và giữa khi đang nấu ăn và làm việc nhà thì bà lại thỉnh thoảng đi ban cho người thân những cái ôm hôn.
Tôi tiến về phía mẹ chồng mình và chìa tay ra, lúc đó tôi nhận ra mình không nên làm vậy. Nhưng không kịp nữa rồi. Bà ấy cũng tiến về phía tôi với ánh mắt sáng rỡ.
Tôi nhẹ nhàng cố tìm cách lách ra. Tôi lùi lại mấy bước, tay chống hông rồi lại nhúc nhích nó, lần này là với khuỷu tay. Với động tác đó tôi đảm bảo mình trông giống một con ngỗng lập dị hơn là anh chàng Mick Jagger với dáng đi oai vệ, uyển chuyển.
Mẹ chồng tôi dừng lại, gương mặt bà lộ vẻ kinh ngạc, sau đó là nhận ra. Bà nhận ra với vẻ buồn rầu. Đó cũng là vẻ mặt tôi nhìn thấy ở bà ngày hôm qua khi tôi nói tôi nhớ mẹ ruột mình lắm, lei mi manca assai, tôi nói theo kiểu tiếng Ý bập bẹ của mình. Francesca không hòa vào điệu nhảy của tôi, chúng tôi không thể. Thay vào đó, bà bỏ đi, tay chống nạnh và trở lại bếp.
Vì tôi sống xa xứ nên mẹ ruột và tôi vẫn hôn kiểu cách li bao năm qua rồi, kiểu hôn gió qua Facetime trên điện thoại ấy. “Tạm biệt mẹ, ciao,” tôi nói. Giờ vì tôi không thể ôm hay hôn mẹ của Vincenzo nên tôi cảm thấy còn nhớ mẹ ruột mình hơn thế nữa.
Hôm nọ tôi xem cảnh cuối phim Cinema Paradiso (Rạp Chiếu Bóng Thiên Đường) ra đời năm 1988 của Giuseppe Tornatore, trong đó nhân vật chính Salvatore Di Vita là một đạo diễn phim khám phá ra cách dựng phim mà người bạn quá cố Alfredo cũng là người cố vấn giàu kinh nghiệm của ông làm nghề điều khiển máy chiếu phim rạp đã sáng tạo ra cho ông. Trong đó có những cảnh hôn nhau từ những bộ phim cũ nổi tiếng bị kiểm duyệt bởi linh mục hồi Salvatore còn tuổi thiếu niên. Những nụ hôn đẹp đẽ lần lượt xuất hiện trên màn hình.
Tình thế giãn cách xã hội mới theo nhiều cách đã trở thành bình thường trong sáu tuần vừa qua: dần dần ôm hôn xuất hiện trên ti vi, trên điện thoại và email thay vì ngoài đời thật. Khi đại dịch xảy ra, chúng tôi dần không còn hôn nhau nữa. Gần gũi lúc này có nghĩa là đứng cách xa.
Thế nhưng đối với tôi, đáng ngạc nhiên rằng đây là khoảng thời gian làm mới theo ở một vài khía cạnh – kết nối và tái kết nối với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp từ khắp nơi trên thế giới, là khoảng thời gian liên lạc với mọi người hoặc để họ liên hệ với bạn trước – tận hưởng mọi thứ trừ nụ hôn.
Tôi nhìn thấy nỗi buồn hiện lên trên gương mặt mẹ chồng tôi lúc ăn tối với món rau diếp xoăn thần thánh. Bởi vì ở Napoli gia đình là cái gì nếu không có nụ hôn? “Người ta nói rằng đôi môi nếm qua nước mắt/Là thứ tốt nhất để hôn,” như Dorothy Park viết trong bài thơ “Threnody” (Điếu ca). Nhưng chúng tôi không có được niềm an ủi đó lúc này. Chống tay lên hông nào. Chúng ta sẽ học điệu nhảy con gà đó.
T.T.M.H