Nữ sĩ Ngân Giang – Tiếng vọng sông ngân còn vang mãi

184

Phùng Văn Khai

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nữ sĩ Ngân Giang, một tài thơ sớm nổi danh từ trước Cách mạng Tháng Tám, được mệnh danh là Nữ hoàng Đường thi Việt Nam với trên 4000 thi phẩm. Rất nhiều điều đặc biệt xung quanh cuộc đời nữ sĩ. Trong những ngày toàn quốc kháng chiến, thân gái dặm trường, nữ sĩ Ngân Giang lặn lội đến tận Bắc Giang mua tặng trung đoàn Thủ đô ba mươi tấn gạo góp phần để chiến sĩ Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Nữ sĩ Ngân Giang

Nữ sĩ Ngân Giang cũng là người được Hồ chủ tịch gửi thơ khen tặng khi bà tự tay thêu bức trướng gửi tặng Bác: Mấy lời cảm tạ Ngân Giang/ Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu. Đã hơn sáu mươi năm kể từ ngày nhận những vần thơ liên tài ấy của Người, nữ sĩ cũng đã đi xa, nhưng Tiếng vọng sông Ngân vẫn còn vang mãi.

Dòng sông Ngân, dòng sông trời chưa bao giờ thôi chảy? Nữ sĩ Ngân Giang của bảy mươi năm, tám mươi năm trước, của hôm qua và hôm nay dường như không có tuổi. Ai nào đi tính tuổi nhà thơ, hơn nữa một người được giới văn chương tiền chiến mệnh danh là Nữ sĩ. Ngân Giang sinh ra ở Hàng Trống – Hà Nội năm 1916, con nhà nho học danh gia vọng tộc một thời đã sớm nở tài thi họa, đã tự viết tên mình trong làng văn đất Việt trước năm 1945. Làm thơ từ khi mới sáu tuổi, giới văn chương ngày ấy vẫn gọi nữ sĩ là bậc thần đồng. Năm 1944, tập thơ Tiếng vọng sông Ngân nức tiếng thi đàn. Rồi kháng chiến, rồi chiến tranh và hòa bình, bao nhiêu chìm nổi với một cuộc đời nữ sĩ – chiến sĩ cách mạng có gần chín mươi tuổi trời cũng là ngần ấy mùa màng thơ ca ngân vọng.

Hà Nội, mùa đông 1946. Thực dân Pháp hiếu chiến và quỷ quyệt bội ước nổ súng vào đồng bào ta. Hồ Chủ tịch kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Hỡi đồng bào, chúng ta phải đứng lên! Lời Người cũng là lời hiệu triệu toàn thể con dân đất Việt vùng lên bảo vệ Tổ quốc, giành lấy cuộc đời mình, bảo vệ non sông. Trong những ngày ác liệt ấy, nữ sĩ Ngân Giang, một con người tài sắc nổi tiếng lập tức tham gia chiến đấu. Khi thì uyển chuyển linh hoạt vào tận hang cọp Tàu Tưởng để cứu các bạn đồng chí, khi thì chăm sóc bộ đội, thương binh. Khi nhạc sĩ Đỗ Nhuận bị bọn Tàu Tưởng bắt giữ, Ngân Giang với sắc đẹp và bản lĩnh của mình đã trực tiếp gặp những tên tướng Tàu đề nghị trao trả tự do cho người nhạc sĩ tài hoa, đó cũng là cái bụng liên tài của nữ sĩ.

Bút tích của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nguyên Tổng thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam viết ngày 4 tháng 4 năm 1979, có đoạn viết:

… Khi tôi hoạt động trinh sát ở Hà Nội thì bọn Quốc dân Đảng bắt cóc, giam tại trụ sở Quốc dân Đảng ở phố Duvigneau (nay là phố Bùi Thị Xuân). Chị Ngân Giang đã liên hệ với đồng chí Chu Đình Xương lúc đó là Giám đốc Công an Bắc Bộ, tìm cách cứu tôi ra bằng cách vận động tên Sư trưởng Tàu Tưởng Giới Thạch cho quân đến giải vây.

Chị đã không ngại nguy hiểm, thân hành đến trụ sở  Quốc dân Đảng buộc chúng phải thả ra. Nhân dịp đó, chị đã giải thoát thêm hai đồng chí Cao Phi (nay là cán bộ Sở Công an Hà Nội) và anh Bảo (cán bộ trinh sát đã hy sinh)…

Ngân Giang là thế.

Hình ảnh một Ngân Giang dịu dàng, quyết liệt mà vẫn rất mực tinh tế còn in sâu trong ký ức của nhiều người. Bác Lê Duy Chữ, cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Cục phó Cục Bảo vệ Chính trị, Ban Nội chính Trung ương khi trao đổi với chúng tôi có kể nhiều câu chuyện khá đặc biệt về tài ứng xử của Ngân Giang khi nhiều lần vào hang cọp. Nữ sĩ xứng đáng là những chiến sĩ tình báo đầu tiên của cách mạng Việt Nam, nhưng với bản tính kẻ sĩ của mình, lúc thường thời, rất ít khi bà nhắc về những chiến công lặng lẽ ấy mà chỉ đắm đuối với thơ ca.

Thơ của nữ sĩ Ngân Giang nhất quán trong giọng điệu nhưng vô cùng đa dạng trong đề tài và đặc biệt tài hoa khi viết về các bạn thơ. Nhà thơ Vũ Hoàng Chương, một người mà Ngân Giang thường gọi là Vũ Quân sinh thời rất thân thiết và gắn bó với Ngân Giang. Giới văn nghệ sĩ đồng thời với bà luôn cho đây là cặp trai tài gái sắc, tri âm, tri kỷ bậc nhất Hà thành bấy giờ. Rất khó tính với văn chương, đặc biệt là thơ, song Vũ Hoàng Chương luôn ngợi ca tài thơ Ngân Giang và ông đã lấy hẳn bài Mây của bà để kết thúc tập Chín khúc Thu của mình. Bài thơ Mây như sau:

Mây trắng lang thang mãi cuối trời,

Gió chiều heo hút khắp nơi nơi,

Cung đàn biết mấy dây trùng hẳn,

Mái tóc bao nhiêu sợi lạnh rồi.

Chốn ấy tờ hoa đành lẻ ý,

Mùa này chim nhạn có chung đôi.

Thương thay trên quãng đường chia ngả,

Thì ngả nào không có lá rơi!

 

Vũ Hoàng Chương có bài họa nguyên vận:

Lửa khóa mây then bốn vách trời,

Về đâu mộng cũng chẳng đành nơi.

Vần chưa ý gửi vào thơ được,

Mà đã dâu toan hóa biển rồi.

Ngọn gió nghe chừng xoay mãi hướng,

Vầng trăng ai nỡ xẻ làm đôi?

Tin thu lạnh lắm… rồng ao cạn,

Há chỉ phòng thu lệ nến rơi!

 

Khi Vũ Hoàng Chương vào Nam vẫn luôn thư từ qua lại với nữ sĩ và có gửi tặng bà một tấm gấm rất sang trọng đài các mà Ngân Giang đã phải gạt nước mắt bán đi lấy tiền chi dùng trong lúc khó khăn nhất. Nữ sĩ tâm sự với nhà văn Hoàng Quốc Hải: “…Ý anh ấy gởi cho tôi mười mét gấm, là để tôi may áo. Mà lại là gấm màu nâu nữa. Tôi hiểu là Vũ Quân khuyên tôi hãy dẹp bỏ lòng trần, trở về với Phật. Tôi không thể làm theo ý anh được. Bởi lẽ gạo ăn hàng ngày còn thiếu, sao có thể mặc gấm? Con cái còn trông cậy cả ở nơi mình, làm sao mà rảnh rang miền tục lụy? Thế là tôi đành phải bán mười mét gấm đó, mua được năm yến gạo, và còn đủ tiền may một bộ quần áo thường. Nói ra điều này, tôi thấy tủi cho mình, và cũng tội cho vong linh của Vũ Quân lắm!”.

Nữ sĩ Ngân Giang gặp nhiều trắc trở trong đời sống riêng tư mà phần nhiều do thơ mang đến như một tai ách khó giải thích. Trong bài Xuân chiến địa nổi tiếng trước cách mạng được báo Cứu quốc in lại năm 1946 cũng là bài thơ có số phận khá bi hài. Khi ấy chồng Ngân Giang là một trí thức, công chức cao cấp nên Ngân Giang một hôm rất bất ngờ và bất bình khi buổi ấy anh chồng đi làm về đã xé tan bài thơ bà vừa chép sau khi đọc xong và mắng “Không đứng đắn! Gái có chồng rồi mà còn “Em mơ trai”… “Em ấm lòng”. (Chả là trong bài Xuân chiến địa có những câu: Em cũng mơ người trai đất Việt; Em cũng ấm lòng khi nhạc ngựa…). Nữ sĩ chưa hết bàng hoàng thì đồng chí Trần Huy Liệu, khi ấy là Bộ trưởng Bộ Thông tin trong Chính phủ lâm thời bước vào. Dường như cảm nhận được điều gì đó đặc biệt đã lượm những mảnh giấy bị xé chắp lại. Đọc xong bài thơ rất hay, đồng chí Trần Huy Liệu nhìn hai vợ chồng cười lớn và nói: Bài thơ hay thế này sao lại xé bỏ đi? Rồi ông Bộ trưởng bỏ bài thơ vào túi. Mấy hôm sau bài thơ được in nguyên văn trên báo Cứu quốc. Ngân Giang biết được sự liên tài của những người bạn đồng chí cũng là để cảnh báo anh chồng vừa ghen tuông vừa chắp nhặt và đương nhiên sau đó sẽ dẫn đến một cuộc chia tay. Sau này ngẫm lại, nhiều lần nữ sĩ phải thốt lên: Những oan nghiệt trong đời giáng xuống không hiểu tại sao toàn bắt nguồn từ cái nghiệp văn chương.

Cũng liên quan đến thơ Ngân Giang, bài Trưng Nữ vương nổi tiếng nhất của nữ sĩ gắn với cái chết ngay trên bục giảng trường Đại học Văn khoa Sài Gòn của thi sĩ Đông Hồ khi đang giảng Trưng Nữ vương. Đến đoạn: Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa/ Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi/ Chàng ơi điện ngọc bơ vơ quá/ Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi Mới đến câu thứ ba, do quá xúc động, thi sĩ đột quỵ trên bục giảng. Mọi người xúm vào đưa đi cấp cứu những đã không kịp nữa. Khi biết việc này, nữ sĩ Ngân Giang tỏ ra rất ngẫm ngợi. Không ít người từng nói Ngân Giang phải chịu trách nhiệm nghệ thuật về cái chết của Đông Hồ. Nữ sĩ mỗi khi nhắc đến Đông Hồ và Mộng Tuyết đều dành cho cố nhân những tình cảm tốt đẹp nhất. Lớp văn nghệ sĩ thời ấy có thể khó khăn về vật chất nhưng nhân cách của họ vô cùng cao trọng khiến lớp hậu sinh hôm nay phải kính phục.

Sinh thời nhà văn Nguyễn Tuân rất quí trọng Ngân Giang. Khi bà bán nước ở bãi Nghĩa Dũng, trong căn nhà nhỏ đơn sơ ở bờ sông, Nguyễn Tuân rất hay đến thăm nữ sĩ. Khi ông đến, thường bước thẳng vào phòng văn, không chào hỏi ai, tiến luôn tới đỉnh trầm mở lắp ra rắc trầm vào đó miệng đọc những vần thơ mà Nguyễn Tuân ưa thích: Khơi đỉnh trầm lên! Kìa thái giám!/ Cho hương tỏa quyện điệu tỳ bà/ Nối thêm bạch lạp chờ thiên tử/ Vườn Ngự trăng về ngả bóng hoa… Rồi với một điệu bộ nghiêm trang tao nhã, Nguyễn Tuân quay sang bên vách tường gỡ cây đàn tam thập lục nhuốm màu năm tháng kính cẩn trao vào tay nữ sĩ vừa đọc: Thái giám cúi dâng đàn trước kỷ/ Rắc thêm trầm ngát xuống lư vàng/ Lung linh bạch lạp soi nhan sắc/ Mười ngón tay ngà nhấn phím loan… Một buổi tao ngộ văn chương cầm kỳ thi họa của những tao nhân mặc khách thường được bắt đầu như thế trong ngôi nhà nhỏ bé tồi tàn ở bên sông đã cho thấy đời sống tinh thần luôn là tối quan trọng với giai nhân tài tử thời ấy.

Các bạn văn của nữ sĩ hôm nay, thảy đều khâm phục một Ngân Giang tài sắc vẹn toàn, trước sau như một, sống vô cùng nhân hậu với gia đình, với bằng hữu văn chương. Nhà văn Hoàng Quốc Hải, một người chuyên viết tiểu thuyết lịch sử, khi nghe tin chúng tôi quay những thước phim về cuộc đời và thơ ca của Ngân Giang đã không quản xa xôi, đi xe ôm từ Yên Tử về với người chị tri kỷ của mình. Sinh thời, nữ sĩ Ngân Giang rất yêu mến cậu em Hoàng Quốc Hải và luôn hy vọng cậu em sẽ làm được một cái gì đấy cho văn chương, cho lịch sử. Hôm ấy, Hoàng Quốc Hải ngồi im lặng rất lâu trước bức ảnh người chị tóc trắng, áo dài trắng tuyệt đẹp đã chu du cõi Phật. Tôi dường như thấy được những giọt nước mắt của nhà văn dành cho người chị tri kỷ của mình.

Thi phẩm của nữ sĩ Ngân Giang trải tám mươi năm sáng tác có thể nói là rất đồ sộ. Khởi từ sáu tuổi đã viết câu thơ đầu tiên, đến chín tuổi đã có bài Vịnh Kiều nổi tiếng, mười sáu tuổi in tập thơ Giọt lệ xuân được văn giới và báo giới trước cách mạng hết sức ngợi khen, mặc nhiên coi nữ sĩ là bậc thần đồng. Thời ấy, nữ sĩ Ngân Giang thường xuyên xuất hiện trên các báo, tạp chí Phụ nữ thời đàm, Tri tân, Tiểu thuyết thứ Bảy… với nhiều bút danh: Thục Oanh, Nàng Lém, Chị Mến, Nàng Không Tên, Lữ Vân. Từng vào Sài Gòn sống bằng nghề viết văn, viết báo. Giới văn bút Sài Gòn luôn đề cao và trân trọng Ngân Giang. Năm 1944, tập thơ nổi tiếng nhất của nữ sĩ gây xôn xao dư luận, đó chính là Tiếng vọng sông Ngân, và tiếp đó, trong kháng chiến với những: Xuân chiến địa, Trưng Nữ vương, Tiễn con ra trận… để từ ấy, nữ sĩ được giới văn chương gọi là Nữ hoàng Đường thi Việt Nam, đó là một phần thưởng vô giá đối với người cầm bút.

Khi làm phim về nữ sĩ, chúng tôi đến phỏng vấn giáo sư Vũ Khiêu về tài năng cũng như đức độ của Ngân Giang, đã nhận được ở ông những lời giản dị và sâu sắc về một tài thơ truân chuyên đầy cá tính, một nhân cách theo ông là không dễ thấy ở đời. Ông cho biết trong những ngày khó khăn nhất, Ngân Giang vẫn luôn luôn lạc quan, tin vào thơ ca, tin vào cách mạng và đặc biệt tin tưởng vào tài đức của cụ Hồ. Hiếm có một người nào như Ngân Giang, càng khó khăn về vật chất, càng tin tưởng vào những gì mình đã lựa chọn.

Nữ sĩ Ngân Giang có cuộc đời riêng cực kỳ truân chuyên, vất vả. Và, cũng ít ai ngờ được người con gái tài sắc nhường ấy đã tự nguyện trải đời mình theo tất cả các cuộc chiến tranh cách mạng chỉ với một mục đích duy nhất là làm thơ và đánh giặc. Cuộc đời làm thơ, cuộc đời cách mạng của nữ sĩ là một tấm gương tiêu biểu của kẻ sĩ trước họa xâm lăng. Tấm lòng của nữ sĩ Ngân Giang khó nói hết thành lời nhưng qua thơ của nữ sĩ, chúng ta đã phần nào hiểu được tấm lòng ấy.

Nữ sĩ Ngân Giang là thành viên tham gia sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957), một Ngân Giang – chiến sĩ – hội viên cứu quốc thành Hoàng Diệu (1946) và trước đó nữa, nữ sĩ Ngân Giang của giới văn chương tiền chiến, nổi danh đồng thời với Đông Hồ, Mộng Tuyết, Hằng Phương, Vũ Hoàng Chương, Vân Đài, Quách Tấn, Đoàn Phú Tứ… Thời gian nước chảy chân cầu, dù ngược dòng ghềnh thác hay êm thuận trôi xuôi thì những gì mà Ngân Giang đã làm với thơ ca, với cách mạng và với gia đình, đều rất đáng trân trọng. Chị Tường Vân, con gái nữ sĩ Ngân Giang cho biết có những đêm, mẹ lặng lẽ đốt hương trầm thầm gọi tên những người bạn thơ tài danh một thuở nhưng biết bao binh biến, đắng cay, thua thiệt giáng xuống đầu họ và mơ ước ở chốn vô cùng những tài danh ấy sẽ vẫn quần tụ bên nhau, bên thơ ca mà bộc lộ tâm can chí hướng của mình. Những năm cuối đời, nữ sĩ rất ít nói. Những gì cần nói, bà đã bộc lộ ra thơ ca. Bà vẫn dạy các con ở đời phải biết im lặng. Bản thân bà cũng luôn im lặng trước những biến động khôn cùng mà dâng mật cho đời. Mà tiêu biểu là những câu thơ trong Trưng Nữ vương:

Thù hận đôi lần chau khóe hạnh

Một trời loáng thoáng bóng sao rơi.

Dồn sương vó ngựa xa non thẳm

Gạt gió chim bằng vượt dặm khơi.

Ngang dọc non sông đường kiếm mã

Huy hoàng cung điện nếp cân đai.

Cuộc đời thường của nữ sĩ Ngân Giang đã từng là đề tài cho văn giới và báo giới, trong đó có không ít chi tiết nhuốm màu huyền thoại. Tình riêng nhiều trắc trở, nhưng ở nữ sĩ, tình yêu Tổ quốc và tình yêu con người hiếm có ai đạt được như vậy. Nhìn vào khối lượng thơ ca của nữ sĩ Ngân Giang. Nhìn vào cuộc đời cách mạng gian nan của người chiến sĩ tự vệ thành Ngân Giang, những người cầm bút đều thốt lên từ đáy lòng! Thật là thán phục! Tất cả, tất thảy những bài viết về nữ sĩ Ngân Giang đều xuyên suốt một tinh thần ấy.

Nữ sĩ Ngân Giang tên thật là Đỗ Thị Quế, quê gốc ở thôn Hướng Dương xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây cũ. Nơi làng mạc, cánh đồng ấy không nhiều màu mỡ nhưng dày dặn văn hóa, phong tục, chuông khánh, đình chùa. Và xa kia là dòng Đà Giang ghềnh thác, cao kia là núi Tản Viên Sơn đá xanh mây trắng. Quê hương gói một tâm hồn riêng biệt Ngân Giang, biểu hiện và hiển hiện thành khí phách thơ Ngân Giang. Hôm nay, tiết cuối thu, nhân dân nơi quê hương lặng lẽ đến với người con yêu quý của mình, theo một cách riêng của những người dân xứ Đoài mây trắng. Bên mộ nữ sĩ Ngân Giang, trời xanh như xanh hơn, đất thắm như thắm hơn, và dường như hương hoa cũng thơm hơn, dắt dìu, bảng lảng. Nữ sĩ ở đây, như đang mỉm cười, như đang trò chuyện, rì rầm, từ trong lòng đất ấm với họ hàng, làng mạc, quê hương. Bên nấm mộ mẹ, anh Nguyễn Thức, con trai nhà thơ Ngân Giang không cầm được dòng nước mắt. Mẹ đã cho anh tất thảy niềm tin và lẽ sống ở đời, đã dạy anh biết chắt chiu những gì nhỏ bé nhất để lớn lên và làm người, làm thơ và yêu cuộc sống cần lao của chính mình. Tấm lòng của mẹ đến khi những người con hiểu ra thì mẹ đã ở rất xa, đã ở một cõi khác. Các con của nữ sĩ Ngân Giang đều thừa hưởng đức tính biết yêu thương và chia sẻ, nền nếp gia phong truyền thống của gia đình.

 Nữ sĩ Ngân Giang, từ Tướng phủ thơ từng treo giải nhất – Non Hồng sống mãi một dòng Ngân, chiến sĩ Ngân Giang, từ Đây cả tấm lòng dâng chiến sĩ – Quên tình riêng nhé, nhớ giang san đã thuỷ chung một cuộc đời dâng trọn cho thơ ca và cách mạng. Và, cũng chính thơ ca và cách mạng đã tô thắm cuộc đời nữ sĩ Ngân Giang.

P.V.K