Nữ thi sĩ Lina Kostenko được xếp hạng cổ điển khi còn sống

809

Vũ Tuấn Hoàng

(Vanchuongphuongnam.vn) – Lina Kostenko là một nghệ sĩ không đánh mất đi nhân phẩm của mình trong những thời điểm khắc nghiệt, đảo điên của xã hội. Uy tín của nữ thi sĩ trong nhân dân rất lớn. Đó là điều mà những kẻ muốn bà phải im lặng, rất sợ và không dám động chạm đến, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Nữ thi sĩ Lina Kostenko

Nữ thi sĩ sinh ngày 19 tháng 3 năm 1930 tại thành phố Rzusev thuộc tỉnh Kiev. Cha mẹ đều là giáo viên. Ngay từ thơ ấu, bà đã được giáo dục trong một môi trường bao bọc bởi các giá trị đạo đức cao cả, khiếu thẩm mĩ tinh tế và các hình tượng văn học dân gian và lịch sử để noi gương. Cả cuộc đời, bà luôn lấy cha mình – Vasili Kostenko, một nhà ngôn ngữ học để noi theo (ông biết 12 ngoại ngữ bằng con đường tự học). Nhưng rồi, vào một ngày khủng khiếp, cha bà bị bắt và đưa đi biệt tích mười năm liền. Cô bé Lina nhỏ tuổi khi đó còn chưa thể hiểu nổi, thế nào là con gái của một “Kẻ thù của nhân dân”. Bà luôn luôn day dứt bởi câu hỏi: Tại sao người ta lại hành hạ, sỉ nhục một người trí thức thông minh và tốt bụng như cha bà? Xua đuổi ông ra khỏi gia đình?

Những năm sau Đại chiến thế giới II, Lina bắt đầu tham gia vào câu lạc bộ văn chương của Hội nhà văn Ukraine. Những đồng nghiệp cùng trang lứa, thậm chí cả những văn nghệ sĩ đã nổi danh vẫn nhớ đến một giai nhân, không chỉ sở hữu một vẻ đẹp quí phái mà còn là tác giả của những bài thơ tươi mát đến kinh ngạc. Bà có một cái nhìn rất độc đáo về thế giới xung quanh và khả năng tái hiện những điều nhìn thấy, nghe thấy bằng những từ hết sức tinh tế và bất ngờ. Năm 1946, những vần thơ đầu tiên của Lina được đăng báo. Bà thi vào trường sư phạm mang tên Gorky tại Kiev, nhưng rồi bỏ dở và lên Moskow học trường viết văn Gorky. Năm 1956, bà cho ra mắt tuyển tập thơ đầu tiên với tựa đề ”Tia sáng của đất”.

Vào những năm 70 của thế kỷ XX, thơ của Lina Kostenko bị kiểm duyệt gắt gao và không được xuất bản. Không chỉ tác phẩm mà ngay cả tên tuổi của nữ sĩ cũng bị loại khỏi các tờ báo hay tạp chí văn học thời đó. Lina vẫn không ngừng sáng tác. Nhưng viết ra rồi, nhà thơ đem… cất đi. Bà phải chịu đựng 15 năm trời ròng rã không được thừa nhận với tư cách là một nhà thơ hay một nhà văn. Đây là giai đoạn đau buồn và ảm đạm không chỉ trong cuộc đời bà mà cả trong lịch sử phát triển của văn học Ukraine nói chung. Nhưng bà vẫn sáng tác không mệt mỏi, không gục ngã, không nản chí. Trau chuốt từng câu từng từ trong các bài thơ của mình. Ngay từ những bài thơ đầu tiên, chất triết lý sâu sắc đã hiển hiện trong sáng tác của Kostenko. Hơn thế nữa, nữ thi sĩ là một trong số ít nhà thơ đã kiên định phá vỡ các tiêu chuẩn sáo mòn, cổ hủ trong thi ca Xô Viết.

Giai đoạn 1964-1965 là thời gian nữ thi sĩ đánh giá lại các giá trị, đặc biệt là về thế giới quan. Lina Kostenko không thuộc bất cứ tổ chức đối lập nào với chính quyền. Song, năm 1965 xảy ra hàng loạt các vụ bắt bớ và giam cầm giới trí thức Ukraine và bà cũng bị liên lụy. Năm 1977, Lina quay lại với thi ca và cho ra mắt tập thơ ”Đôi bờ của dòng sông vĩnh hằng”. Tập thơ đã chứa đựng trong nó cả cuộc đời một cá nhân riêng lẻ được nhân lên, làm phong phú lên bởi ký ức và kinh nghiệm lịch sử. Tập thơ như một dòng sông cuồn cuộn cuốn vào lòng mình cả điều riêng tư của thân phận con người cả cái tổng quát của nhân loại. Lina Kostenko là một nghệ sĩ không đánh mất đi nhân phẩm của mình trong những thời điểm khắc nghiệt, đảo điên của xã hội. Uy tín của nữ thi sĩ trong nhân dân rất lớn. Đó là điều mà những kẻ muốn bà phải im lặng, rất sợ và không dám động chạm đến, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Tiếp theo là tiểu thuyết lịch sử bằng thơ ”Marusia Churai” (tên của một ca sĩ kiêm thi sĩ sống tại tỉnh Poltava) trở thành một hiện tượng trong đời sống văn học của Ukraine và Liên Xô cũ và được trao giải thưởng nhà nước mang tên thi hào Taras Shevchenko.

Lina Kostenko có hai đời chồng và hai con, một gái một trai.

 

 Chùm thơ của Lina Kostenko

 Vũ Tuấn Hoàng tuyển chọn và dịch từ tiếng Ukraine

Cuộc đời xoay chuyển, phù du
Thời gian phi mã cho dù ghìm cương.
Lâu rồi vắng bóng Nữ Vương*
Bề tôi như sống sau cơn Hồng triều.
Tương lai mờ ảo cô liêu
Thiên nhiên diện bộ xiêm yêu nhiều màu
Điều duy nhất vững bền lâu
Thời gian sải cánh biết đâu bến bờ.
Con người hữu hạn, vật vờ
Trong vòng sinh tử biết chờ đợi ai?
Lập công, sáng tạo, miệt mài
Trời xanh trông xuống hoa cài dương gian
Rừng cây xanh biếc, bạt ngàn
Ngôn từ uyển diệu, không tàn không khô.
Cuộc đời xoay chuyển, khó ngờ
Viết sao ứng nghiệm giữa thơ và đời.
Sợ chi lời lẽ khó chơi
Sợ chi thuốc đắng của người tiên tri
Sợ chi sự thật xù xì
Sợ chi đau khổ so bì nước sông.
Có sợ chỉ sợ vấp nông
Mò trong tăm tối mênh mông hồn người.

*Nữ vương Mаркиз Помпадур – Nữ thần bảo hộ nghệ thuật

Thiếu nữ mười bảy thật may
Lung linh năm tháng, mây bay không về
Nỗi buồn nào có đáng chê
Đời là như vậy, dầm dề khóc than
Ngày qua tháng lại miên man
Nỗi buồn sớm nở, người tràn sức xuân
Phải đâu giọt lệ gian truân
Anh đào rực rỡ nhỏ tuần sương mai
Nỗi đau hiện hữu sơ khai
Mối tình một phía, chàng trai hững hờ
Thủy chung son sắt đợi chờ
Quyết không chia sẻ một bờ vai yêu.
Nỗi buồn đâu đáng phiền nhiều
Trăng rằm tuổi đẹp, phiêu diêu cuộc đời!

Sức mạnh của ngôn từ 

Lặng im – khủng khiếp ngôn từ
Lặng im – đỉnh núi mây mù âm thanh
Bất ngờ khoảng lặng công thành
Đuổi theo con chữ trốn nhanh khó tìm
Dường như chúng đã nằm im
Trong tay ai đó, mò kim phí hoài.
Chúng đau khổ, chúng mệt nhoài
Chúng là khởi xướng, chúng là vĩ thanh
Tỷ người sống dưới trời xanh
Hằng hà con chữ vòng quanh địa cầu
Với ai, bỡ ngỡ lần đầu
Phát âm từng chữ từng câu thành lời
Mọi sự đã cũ quá rồi
Hồng nhan phận bạc hay người xấu xa
Cỏ cây đường xá cũng là
Chuyện muôn năm cũ xem ra dễ nhàm
Hồn thơ luôn mới ngập tràn
Nhành hoa bất tử cài ngang lưng trời.

Thời gian chải bạc tóc em
Mưa mù bao phủ lên trên cuộc đời
Với anh, em vẫn tuyệt vời
Cho dù ai đó có lời gièm pha
Cho dù ai đó chê là
Tính em bướng bỉnh đâm ra cục cằn
Cho dù ai đó học hằn
Em là phù thủy, rắn vằn hổ mang
Xin thưa một tiếng giữa làng
Em đây khờ dại lại chan tình người
Không vỏ bọc, chẳng xu thời
Thực hành lý luận chơi vơi giữa đời
Trào lộng vốn máu trong người
Nỗi đau cả đất lẫn trời bao la
Cái ác sinh từ đâu ra
Họa vô đơn chí trên da thịt người
Tâm hồn rộng mở vui tươi
Vết thương rỉ máu, tiếng cười nhẹ bâng
Cuộc đời cũng tựa bãi chông
Cầu xin chí ít cũng mong được là
Thế gian bạn khắp gần xa
Trước là thanh lịch sau ta thân tình
Giá như quyền trượng ở mình
Hang cùng ngõ hẻm rập rình biển treo:
“Cuộc đời sướng ít khổ nhiều
Nối vòng tay lớn, thêm yêu con người!”

Đôi mắt biết nói đượm buồn
Những lời có cánh phải luôn cúi đầu
Tình thâm lặng lẽ không màu
Khúc im lặng trước khởi đầu bão giông.
Anh là giấc mộng mênh mông
Hay phù sa lắng đáy lòng mộng mơ
Hay trò ma thuật nghi ngờ
Hay con mắt độc, lập lờ mưu mô
Cầu vồng rực kết đôi bờ
Cũng là vực thẳm chia tờ giao duyên.
“Anh yêu”, đâu gọi thường xuyên
Hãy gìn giữ chúng trong miền nhớ thương
Hai số phận, hai con đường
Tay trong tay nắm, bốn phương cuộc đời.