Nụ tình – Truyện ngắn của Nguyễn Thanh

541

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Từ thời cổ đại, dù ở không gian nào, khi loài người còn sinh hoạt hoang sơ trong hang động tăm tối ở núi rừng, thực thể tình yêu hay còn gọi là ái tình (love/ amour) đã đưa họ đến dần với nhau và sống quây quần thành tập thể gia đình có tổ chức. Đề tựa cho tiểu thuyết lãng mạn Bonjour Tristesse  (Buồn ơi, xin chào) của nữ văn sĩ nổi tiếng Pháp Francoise Sagan (1935-2004), nhà văn đồng hương Roger Vailland  (1907-1965) đã nói: “Ái tình là những gì xảy ra giữa hai người yêu nhau” (*).

Ảnh minh họa.

Có triết gia cho rằng con người đầu tiên lúc ban sơ còn là đứa trẻ mới vừa lọt lòng mẹ vốn bé nhỏ, trần trụi, nên tự bẩm sinh đã mang mặc cảm lạnh lẽ cô đơn, luôn kiếm tìm một điểm tựa ấm áp vững chắc trong tình cảm lẫn cuộc đời. Những sinh vật khác ngoài con người như chim chóc, muông thú cũng chịu một hoàn cảnh dường như  cũng mang một cảm nhận tất yếu gần như định mệnh cùng chung với nhân loại.

Không phân tích chi ly theo khía cạnh sinh lý như nhà khoa học, theo bách khoa từ điển, nụ hôn (kiss/ baiser) hay nụ tình- biểu hiện trước tiên của tình yêu – được hiểu là sự tiếp xúc bằng đôi môi với người hay vật nhằm thể hiện tình cảm (love/ amour), sự ưa thích (affection), hay lòng kính trọng (respect).

Trên lĩnh vực văn chương, đã có không ít văn nhân thi sĩ mượn nụ hôn để mô tả biểu hiện của tình cảm giữa hai đối tác thường là khác phái này.

Nụ tình chỉ ngan ngát nở hoa trong một thời tiết nhạy cảm của hoàn cảnh không gian và môi tâm sinh lý thích hợp giữa những đối tác trong cuộc.

Trong khi nhà thơ Nguyễn Bính (1918-1966) đã xót xa mô tả nụ hoa tình ái như miễn cưỡng nở ra giữa mùa ly biệt để kết thúc cho một mối tình tan vỡ: “Cầm tay anh khẽ nói/ Khóc lóc mà làm chi/ Hôn nhau một lần cuối/ Em về đi, anh đi” (Hôn nhau lần cuối).

Ông hoàng thơ tình Xuân Diệu (1916-1985) lại ca ngợi vô cùng thi vị hình tượng sóng biếc và nụ hôn triền miên bất tận để nói lên tình cảm ngan ngát vô bờ của những kẻ đang yêu: “Anh xin làm sóng biếc/ Hôn mãi cát vàng em/ Hôn thật khẽ, thật êm/ Hôn êm đềm mãi mãi/ Đã hôn rồi, hôn lại/ Cho đến mãi muôn đời/ Đến tan cả đất trời/ Anh mới thôi dào dạt/… Để những khi bọt tung trắng xóa/ Và gió về bay tỏa nơi nơi/ Như hôn mãi ngàn năm không thỏa/ Bởi yêu bờ lắm lắm em ơi!” (Biển). Không tương đồng với nhà thơ chân quê chỉ dứt khoát sử dụng mỗi một từ hôn trong bài thơ Hôn nhau lần cuối, tác giả Thơ thơ và Gửi hương cho gió đã sâu sắc sử dụng tu từ điệp ngữ đến những 6 lần chữ hôn để tô đậm cường độ đậm đặc tiền miên của tình cảm yêu đương.

Nhà thơ nổi tiếng Chim Trắng (1938-2011) trong thời chống Mỹ ở Nam bộ, sau ngày đất nước thống nhất, khi ngậm ngùi nhắc đến bạn bè đồng chí từng vào sinh ra tử trong chiến đấu. Nhưng nhà thơ lại tỏ ra bình tĩnh hơn trong cảm xúc ái tình, bởi lẽ tác giả chưa từng xung kích vào trận địa yêu đương: “Đã bốn mươi năm xa mùa gió chướng/ Các bạn giờ trôi dạt những nơi đâu/ Vĩnh biệt làng quê không kịp nói lời từ biệt/ Chưa yêu ai nên chẳng biết nụ hôn đầu” (Vườn cũ).

Nhưng có lẽ vô cùng chua xót, không tránh khỏi ngậm ngùi tê tái khi cuộc hội ngộ lại mỉa mai mang ý nghĩa của sự ly biệt chia xa: “Gặp nhau mới lần đầu/ Sao lại là lần cuối/ Ân ái chửa tươi màu/ Xui hồn lên khắc khoải”. Và một nỗi tiếc nuối vô bờ khi nụ hôn đầu đời đã trớ trêu trở thành vết thương lòng đau đáu khôn phai: Nụ hôn đầu e ấp/ Chóng thành vết thương đau/ Em về hong kỷ niệm/ Tiếc ngày vui qua mau (Bến tình – Ngũ Lang).

Trong  thế giới yêu đương, nỗi rạo rực của thể xác và trạng thái căng thẳng của tinh thần, nụ tình là điểm tựa trung chuyển tất yêu hết cả năng lượng tình yêu của con người trước khi vụt vù bay đến đỉnh điểm sự hòa nhập thăng hoa của hai thân xác nơi thế giới nước Nhược non Bồng.

Trong khi Kinh Thánh  đạo Cơ Đốc công nhận nụ hôn của con người là nhằm  để biểu đạt tình yêu, tiến sĩ triết gia Pháp J. Paul  Sartre (1905-1980) đã có cái nhìn rất hiện sinh, đã trần trụi khẳng định rằng: “Những nụ hôn nồng cháy chẳng qua là những cơn đi ỉa tháo dạ”. Thế là bởi tại sao? Vì rằng đằng sau nụ hôn đó chỉ là những cảm giác nhất thời, không mang tính lâu dài của những chủ nhân thực hiện nó. Hoặc đó chỉ là sản phẩm của những bản năng mang đầy dục tính, giống như ta bất chợt nghe xong bài hát tầm thường của một tác giả không tên tuổi nào đó thì trong tâm hồn ta chỉ cảm thấy trống rỗng, không có cảm xúc gì sâu xa đáng lưu lại. Nó gây cho ta cái cảm giác khác hẳn với khi ta nghe xong một bản vọng cổ phương Nam qua tiếng hát mùi mẫn của ông vua vọng cổ Út Trà Ôn (1919-2001) qua sáng tác của soạn giả Viễn Châu (1924-2016) hoặc giọng ca trữ tình tê tái của danh ca Chế Linh (sinh năm 1942) trong những nhạc phẩm boléro cháy lòng của nhạc sĩ Trúc Phương (1933-1995)… Tất cả ngần ấy sự cảm thụ có thể làm tâm hồn ta phải trầm ngâm lắng đọng, kéo dài nỗi suy tư và xúc cảm nghệ thuật triền miên vượt cả thời gian.

Tóm lại, dù có được nhìn một cách dị biệt qua lăng kính thẩm định muôn cách của nhiều người, ta có thể nói nụ hôn con người hay nụ tình trước tiên được coi là biểu tượng cụ thể gần nhất của tình yêu. Cũng không có điều gì mới lạ, chính nụ hôn là một thực thể đẫm chất nhân văn – cái gạch nối của không gian tình cảm yêu đương rạo rực và sự hòa nhập xác thịt cháy bỏng đầy tính bản năng của loài người và sinh vật mà không một ai có đủ lý do để phủ nhận dưới ánh sáng mặt trời.

*L’Amour, c’est ce qui se passe entre deux personnes qui s’aiment.

N.T