Nữ tướng Rừng Dừa Nguyễn Thị Định

1431

(Vanchuongphuongnam.vn) – Với truyền thống yêu nước nồng nàn và tinh thần bất khuất, đấu tranh dũng cảm chống xâm lược ngoại chủng từ hơn bốn nghìn năm, dân tộc Việt Nam đã vẽ nên những trang huyết sử chói lọi đậm nét vàng son. Trong đội ngũ những anh hùng xưa nay ở đất nước ta dám hy sinh xương máu, gia đình và cả cuộc sống quý báu trên đời, đã có không ít những trang liệt nữ anh thư như: Hai Bà Trưng, bà Triệu, Bùi Thị Xuân,… Trong hai cuộc kháng chiến gian khổ trong thời chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tên tuổi nữ anh hùng Nguyễn Thị Định vẫn còn lưu lại hậu thế với những phẩm chất cao đẹp rực rỡ sáng ngời như một vầng hoa lửa.

Nữ anh hùng Nguyễn Thị Định 

Nữ anh hùng Nguyễn Thị Định (1920-1992), còn gọi Madame Nguyễn Thị Định (madame: bà) hay thân mật là chị Ba Định, có các bí danh : Bích Vân, Ba Tấn, Ba Nhất Ba Hận, là nữ tướng đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam. Là con út trong sinh ra trong một gia đình nông dân yêu nước có mười anh em tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, lớn lên chị Ba Định đã là một thiếu nữ duyên dáng xinh đẹp trong làng. Nhờ sự giác ngộ của người anh ruột là Nguyễn Văn Chẩn, năm mười sáu tuổi (1936), chị Ba sớm tham gia vào hoạt động cách mạng như phong trào Đông Dương đại hội thường ngày âm thầm đi liên lạc, rải truyền đơn. Chị Ba Định bắt đầu vận động bà con hăng hái đứng lên chống lại áp bức bóc lột của bọn cường hào ác bá ở địa phương. Nhờ hoạt động tích cực, chị được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (1938). Trong thời gian này, chị Ba Định lập gia đình với ông Nguyễn Văn Bích là Tỉnh Ủy viên, tỉnh Bến Tre. Nhưng hai năm sau, người chồng đồng chí hướng của chị bất ngờ bị giặc Pháp bắt đày đi Côn Đảo rồi hy sinh tại đó. Nhận được hung tin dữ dội về người bạn đời, chị Ba đã biến nỗi đau thương lên gấp bội lòng căm hận, gia tăng ý chí diệt thù. Gửi đứa con còn bé bỏng lại nhờ mẹ nuôi hộ, chị Ba Định thoát ly gia đình, hăng hái tham gia hoạt động cách mạng tại tỉnh nhà. Chỉ nửa năm sau, chị cũng bị giặc bắt, biệt giam tại nhà tù Bà Rá, tỉnh sông Bé (nay thuộc tỉnh Bình Phước). Ba năm trong nhà ngục kẻ thù cũng là thời gian chị ba thể hiện phẩm chất kiên cường, bất khuất của người phụ nữ yêu nước trước thủ đoạn dụ dỗ, đe dọa khảo tra của bọn thực dân và tay sai ăn theo.

Mãn hạn tù, chị Ba Định trở về Bến Tre, tìm cách liên lạc lại với tổ chức của tỉnh để tiếp tục hoạt động và sau đó tham gia Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong ngày 17 tháng 8 năm 1945 tại Bến Tre.

Cuối mùa xuân năm 1946, mới hơn hai mươi lăm tuổi xuân, nhưng nhờ có lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần hoạt động mãnh liệt, được lòng tin của cách mạng, chị Ba Định nhận làm thuyền trưởng chuyến tàu đầu tiên, dũng cảm vượt biển ra Bắc gặp Chủ tịch Hồ để báo cáo về tình hình chiến trường Nam bộ và xin chi viện vũ khí. Tháng mười một cùng năm, đoàn thuyền chở vũ khí chi viện do Chị Ba Định làm Trưởng đoàn trở về miền Nam. Từ thời điểm ấy, tên tuổi của chị Ba Định gắn liền với huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh  trên biển”.

Qua năm sau (1947), với công lao to lớn đã đạt được, Chị Ba Định được bầu vào Tỉnh Ủy Bến Tre. Từ đó, Chị Ba cùng các cán bộ cách mạng lãnh đạo ở địa phương tiếp tục tiến hành tổ chức cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân tại Bến Tre cho đến ngày quân dân ta tại Bến Tre cùng cả nước chiến thắng lẫy lừng thực dân Pháp ở mặt trận Điện Biên Phủ (tháng 7/1954) đi đến việc ký kết Hiệp định Hòa bình tại Genève.

Sau năm 1954, trong hai năm chờ ngày Tổng Tuyển cử thống nhất ba miền, chính quyền Ngô Đình Diệm (1954-1963), dưới sự tác động của Mỹ ngày càng gia tăng áp lực ‘bình định’ tại Bến Tre mà chính quyền lúc bấy giờ đã coi là một trọng điểm, một cái gai trước mắt mà chúng cần phải giải quyết. Thời gian này, Chị Ba Định là một trong những cán bộ quan trọng hàng đầu của cách mạng tại Xứ Dừa, đã cùng nhiều cán bộ lãnh đạo khác ra sức bảo vệ phong trào cách mạng, che chở nhân dân. Cuối năm 1959, chính quyền Ngô Đình Diệm cho xây khu trù mật tại Bến Tre cũng như các nơi khác thuộc vùng tạm chiếm. Tại Cần Thơ, khu trù mật Vị Thanh (hiện nay là ở ngay trung tâm tỉnh Hậu Giang) kèm theo đó là ấp chiến lược được xây dựng cặp theo hai bên bờ những con lộ đến quận, xã cách xa tỉnh, thành cũng được thực hiện trong cùng năm. Người viết bài này lúc bấy giờ có người anh đi dạy học ở Trung học Long Mỹ (thời điểm này là một quận trong đó có xã Vi Thanh, thuộc tỉnh Cần Thơ) đã mục kích sự việc tận mắt trong những lần đi thăm anh đang làm nghễ gõ đầu trẻ tại quận lẻ heo hút xa xôi này. Thật khôi hài ! Ấp chiến lược dựng lên ngày trước – với mục đích dồn dân về vùng tạm chiếm để chính quyền đương thời dễ bề xử lý ở các khu được oanh tạc tự do – thì ngày hôm sau bao nhiêu cọc sắt, kẽm gai nặc mùi chiến tranh do Mỹ cung cấp, bị nhổ, cuốn đi sạch nằm ngổn ngang như quang cảnh thê lương của một trận địa sau giờ giao tranh. Nhà lá, cột gỗ mang tính dã chiến  vừa dựng lên từng lô mấy hôm trước cũng chẳng thấy mặt mũi mống nào vào ở ! Cũng bắt đầu từ thời điểm này, Ngô Đình Diệm đặc biệt cho tiến hành thực hiện Luật số 10/59. Chính quyền thân Mỹ đương thời bắt đầu kéo lê máy chém khắp miền Nam, nhằm dập tắt phong trào cách mạng và tiêu diệt những người yêu nước, không theo chế độ cộng hòa.

Tại Bến Tre, đầu mùa xuân năm 1969, chị Nguyễn Thị Định là người khởi xướng và lãnh đạo phong trào Đồng Khởi Bến Tre . Mối hận nước thù nhà thêm tích lũy, Chị Ba đem hết cả nhiệt huyết chỉ đạo trực tiếp cuộc Đồng Khởi đợt I (17/01/1960) tại huyện Mõ Cày (Bến Tre) đem thắng lợi vẻ vang về cho cách mạng, khai hỏa mạnh mẽ cho Phong trào Đồng Khởi trong toàn tỉnh, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ. Sau khi mở màn phong trào yêu nước này, Chị Ba Định làm Bí thư tỉnh Ủy và Chủ tịch Mặt trận Giải phóng tỉnh Bến Tre. Vì thủ lĩnh là nữ giới, từ Phong trào Đồng Khởi đã xuất hiện danh xưng “Đội quân Tóc dài”. Họ tổ chức thành đội ngũ hẵn hòi, tiến hành cuộc đấu tranh trực diện với kẻ thù : rầm rộ xuống đường đi biểu tình, hăng hái đòi chấm dứt càn quét, bắn giết, dội bom pháo kích và đòi bồi thường nhân mạng. Cũng từ thời điểm này (1960), người viết bài đã trông thấy một cảnh thương tâm không tránh khỏi nao lòng. Trên đường đi Long Mỹ (Cần Thơ), ngồi trên chiếc xe đò Lưu Thông quá đát cũ kỷ, khi chạy đến ngay giữa Cầu Xáng Kinh Cùng (nay thuộc Hậu Giang), tôi bất ngờ nghe có tiếng xôn xao, lố nhố từ bên dưới cầu. Nhìn xuống bờ sông, các hành khách trên xe mới nhận ra một cảnh đi đòi mạng của bà con có con cháu bị trúng bom chết tại một ấp cách đó mấy cây số. Hóa ra, phi cơ B.52 của Mỹ đã độc ác dội bom xuống gần một trường Tiểu học vì nghi có Việt Cộng, một số học sinh chết cháy như chuột thui. Cha mẹ, thân nhân và đồng bào đưa thi thể của các em học sinh bé nhỏ bất hạnh xuống xuồng chèo, đắp lại bằng chiếu và tàu lá chuối, đội nắng chèo ra thị xã Hòa An, Kinh Cùng, biểu tình đòi mạng.

Câu nói của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh lúc sinh thời đã đánh giá chính xác tài năng và phẩm cách của Nguyễn Thị Định: “Một người phụ nữ đã chỉ huy thắng lợi cuộc Đồng Khởi ở Bến Tre thì người đó rất xứng đáng được làm tướng và ở trong Bộ Tư lệnh đánh Mỹ”. Năm năm sau (1965), chị Nguyễn Thị Định được phong quân hàm Thiếu tướng quân đội nhân dân Việt Nam, và giữ chức Phó Tổng Tư lệnh quân giải phóng miền Nam. Nhà văn Nguyên Ngọc, tác giả Rừng xà nuĐất nước đứng lên cũng nhận định : “Bà là một phụ nữ khiêm nhường mà uyên bác, gần gũi mà sang trọng, đại diện cho ‘một Việt Nam đang chiến đấu khốc liệt’, sự kiên định không gì lay chuyển nổi, lại được thể hiện chính bằng một vẻ thong dong đầy tự tin”.

Sau ngày thống nhất đất nước, chị Nguyễn Thị Định tiếp tục giữ nhiều chức vụ quan trọng: Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (1987-1992) cho đến khi qua đời. Với những cống hiến to lớn cho nhân dân và đất nước, ngày 30/08/1995, bà Nguyễn Thị Định được truy tặng danh hiệu ‘Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân’ và được nhận Giải thưởng Hòa bình Lê-nin của Liên Xô trao tặng. Sau khi chị qua đời, đền thơ bà được lập tại ấp Phong Điền, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, Bến Tre. Trong đền thờ, một tượng đồng tạc chân dung bà, chiều cao 1,75 m, năng 1.025 kg, đặt trên bệ thờ cao 1,5 m do Bộ Quốc phòng trao tặng. Ngoài ra, nhân dân Hát Môn (Hà Nội) cũng đã rước bát hương bà về thờ trong khu đền Hai Bà Trưng với niềm tự hào, ngưỡng mộ thục lòng về một nữ tướng. Tên của Nguyễn Thị Định cũng được đặt cho nhiều tuyến đường, phố và trường học tại nhiều địa phương ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước.

Nhận xét về nữ anh hùng Nguyễn Thị Định, nhiều nhà sử học, giáo sư trong nước và thế giới đã có những ý kiến tích cực về bà. Giáo sư Sử học Christine Whate của một trường Đại học Mỹ đã có ý kiến trân trọng  về Nguyễn Thị Định : “Một người phụ nữ nổi tiếng, có một vai trò quan trọng trong lịch sử thế giới, một tấm gương của người phụ nữ chân chính. Tôi rất sung sướng khi sử dụng cuốn hồi ký của bà để dạy cho sinh viên nước mình về truyền thống cách mạng Việt Nam”. Ông Trần Văn Giàu, nhà sử học cách mạng uy tín, trong lời đề tựa tập sách “Nhớ Chị Ba Định” đã viết : “Ngày xưa người dân làng quê bảo nhau rằng những người như Chị là ‘Sống làm tướng, chết làm thần”.  Thật là không còn lời ca ngợi nào đẹp đẽ, chân tình nào hơn !

Tóm lại, bên cạnh những bậc hào kiệt anh thư tên tuổi trong lịch sử tranh đấu chói rực hơn nghìn năm của dân tộc và những chị Sứ, chị Út Tịch trong huyền thoại văn chương, Nguyễn Thị Định là nữ anh hùng có thực trong hiện thực đất nước và là vị tướng lĩnh đầu tiên trong quân đội nhân dân Việt Nam. Nữ anh hùng Nguyễn Thị Định hay Chị Ba Định – Nữ tướng Rừng Dừa, với tài năng và nhân cách cao đẹp, rất xứng đáng với lời khen tặng quý giá : “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho phụ nữ Việt Nam.

Diễm Thi