Nước mắt của ông tôi…

552

Trần Danh Thùy

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ông ngoại tôi mất năm tôi 30 tuổi. Và nếu nói, về một phương diện nào đó, mỗi một con người đều có một “phần số”, thì có lẽ điều đó khá hiển hiện ở cuộc đời của ông ngoại tôi, người mà tôi biết khá rõ.

Ông ngoại tôi sinh ra, lớn lên và già đi ở Quảng Nam – Đà Nẵng. Cả đời ông đã gắn bó với quê cha đất tổ gần 40 năm ở nhà quê Quảng Nam và cũng gần 40 năm ở thành phố Đà Nẵng. Thế nhưng, đùng một cái, khi ông bắt đầu đi đứng khó khăn vì căn bệnh thấp khớp, ông thiết tha muốn vào Sài Gòn để sống với ba mẹ tôi, với anh em chúng tôi và cố nhiên là để “nằm xuống” với gia đình người con gái mà ông thương yêu nhất và cũng là người thương yêu ông nhất, đó là mẹ tôi.

Với ông ngoại tôi, tôi vẫn còn nhớ như in nhiều chuyện lắm, những chuyện mà tôi không hiểu sao tôi có thể nhớ được. Thế nhưng, hôm nay, tôi sẽ chỉ kể một trong những chuyện “nổi cộm” mà tôi có muốn quên cũng không thể nào quên được.

Đó là chuyện xảy ra ở Huế năm tôi lên 6 hay 7 tuổi gì đó. Hình như năm đó, vào dịp hè thì phải, tôi theo một người bà, người mà ba tôi gọi là thím Hậy, đi xe lửa xình xịch từ Saigon ra Huế để thăm ông bà nội tôi. Nói là thăm chứ thực ra lúc ấy tôi mà biết thăm viếng ai. Chẳng qua, từ bé, tôi đã có máu… “giang hồ vặt”, cứ trong nhà có người lớn đi đâu là tôi cứ đòi đi theo cho bằng được, dù chẳng biết đi đâu, làm gì, miễn là có đi.

Trong những ngày ở quê nội, tôi còn nhớ tôi được ông nội tôi dẫn đi thăm ông ngoại tôi, lúc ấy chắc là từ Đà Nẵng ra Huế để giúp việc cho gia đình một quan chức nào đó. Ông ngoại tôi vốn là một đầu bếp có tiếng của Đà Nẵng, người mà theo lời ba tôi kể, có một biệt tài “siêu phàm”: mỗi khi làm món beefsteak, ông thái cứ một miếng thịt bò là đúng tróc 200 gram, 10 miếng như một. Ba tôi còn kể là khi về làm rể ông ngoại tôi, ba tôi đã được ông truyền lại những “tuyệt chiêu” về bếp núc. Nhưng rất tiếc, khi đến đời tôi thì tôi đã làm chúng… “thất truyền”!

Tuy vậy, tôi vẫn còn nhớ rõ lắm những gì xảy ra vào buổi sáng hôm đó: ông nội tôi tay cầm chiếc ô màu đen rảo bước, còn thằng bé loắt choắt là tôi cứ lon ton chạy theo. Tôi không còn nhớ là cứ chạy theo ông nội tôi trên những con đường tráng nhựa như vậy bao lâu nhưng khi hai ông cháu dừng lại, chúng tôi đã đứng trong sân trước của một ngôi nhà có nuôi một bầy ngỗng trắng phau đang lạch bạch lui tới để giữ nhà. Và có lẽ, đó là thời khắc mà hình ảnh của hai người ông của tôi đã in dấu vào tâm khảm tôi và sẽ ở đó mãi mãi cho đến khi tôi không còn ký ức: tôi thấy những giọt nước mắt của ông nội tôi đã trào ra, còn đôi mắt sau cặp kiếng trắng của ông ngoại tôi như muốn ngấn lệ khi hai người bắt tay nhau.

Ngày ấy, tôi còn bé bỏng quá: tôi không hiểu nổi tại sao hai người ông của tôi lại có thể khóc được khi họ giáp mặt nhau. Và cũng phải rất nhiều năm sau, khi ký ức về buổi sáng hôm đó có dịp quay về, tôi cũng chỉ có thể đặt câu hỏi: không biết tại sao hai người đàn ông (lại là hai sui gia với nhau) lại có thể khóc khi tay bắt mặt mừng như thế.

Tôi còn nhớ hôm gia đình chúng tôi đưa ông ngoại tôi đi hỏa táng ở Thủ Đức: sau đám tang của ngoại tôi là đám tang của nhà thơ ái quốc Á Nam Trần Tuấn Khải. Theo sau đám tang ông, tôi thấy chỉ có vài người mang khăn tang. Có lẽ đó chỉ là vợ và các con ông. Trước sự “không để ý” của mọi người, lòng bùi ngùi, tôi đã đứng nghiêm kính cẩn trước linh cửu của nhà thơ chí sĩ vì tôi kính trọng và cảm phục những vần thơ yêu nước hào sảng của ông mà tôi từng có dịp đọc chẳng hạn như:

“Kìa Trưng nữ ra tay buồm lái
Phận liễu bồ xoay với cuồng phong
Giết giặc nước, trả thù chồng
Nghìn thu tiếng nữ anh hùng còn ghi…”
(Hai Chữ Nước Nhà)

Sau đó, cũng phải rất nhiều năm sau, khi một lần nữa, ký ức về tất cả những hình ảnh mà tôi vừa kể lại có dịp quay về. Và đến lúc ấy, tôi nghĩ là tôi mới có thể hiểu vì sao hai người đàn ông là ông nội và ông ngoại tôi đã khóc khi hai người bắt tay nhau: nhiều khi để hiểu những giọt nước mắt của người thân, ta phải sống có khi gần cả một đời để cảm nhận thế nào là lòng thương yêu chân thực giữa những con người mà ta yêu quý!

T.D.T