“Nước mắt một thời” trong dòng văn học cải cách ruộng đất

2844

Vũ Thị Thu Trang

(Vanchuongphuongnam.vn) – Độc giả khóc khi đọc Nước mắt một thời. Nhưng khóc bằng tinh thần lạc quan và tư duy cách mạng. Đó là tính nhân văn sâu sắc của tác phẩm.

Tiểu thuyết Nước mắt một thời

Cải cách ruộng đất chính thức bắt đầu ngày 25/12/1953 và kết thúc vào ngày 30/7/1956 với rất nhiều vinh quang và cay đắng, nhiều thắng lợi và thất bại khó thể quên. Thời kì đổi mới đã đem lại nguồn sinh khí mới cho kinh tế, xã hội và văn hóa nước nhà. Văn học được cởi trói. Các nhà văn đã đọc lời “ai điếu” cho một thời văn học minh họa. Đáp ứng nhu cầu nhận thức, đánh giá lại những vấn đề của quá khứ, nhiều tác phẩm đã khai thác đề tài cải cách ruộng đất.

Chuyện dẫu cũ, nhưng vẫn lạ vì tinh thần trung thực của văn học. Những chuyện ấu trĩ, sai lầm, mặt trái của ruộng đất đã được văn học xem xét, lật xới ráo riết, sòng phẳng. Những nhầm lẫn, những ngộ nhận, những tổn thương được nhắc đến dù rất đau lòng. Những tác phẩm đã để lại ấn tượng trong lòng bạn đọc về đề tài này: Chuyện làng ngày ấy (Võ Văn Trực), Bến không chồng (Dương Hướng), Bước qua lời nguyền (Tạ Duy Anh), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Phiên chơ giát (Nguyễn Minh Châu)…

Nhưng những tác phẩm ấy mới chỉ chạm đến nổi đau của cải cách ruộng đất. Càng ngày, các nhà văn cho thấy thấm thía một điều, có nói lên được những mất mát, đau thương, máu chảy của một thời, thế hệ mai sau mới trong lành, khỏe mạnh để đi tới. Nếu không nói, sự tăm tối, giả dối sẽ đeo bám đời sau. Khi tự phê bình và phê bình để tìm ra bài học cho chặng đường đã đi qua thì mới có con đường đúng về hành trình sắp tới.

Ngay sau công cuộc cải cách ruộng đất diễn ra, đã có một số tác phẩm viết về đề tài này. Tuy nhiên, các tác phẩm ấy đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Phải đến những năm đổi mới, mới có thêm một số tác phẩm hay viết về đề tài mà từ trước đến bấy giờ, văn học lun né tránh. Một trong số những tác phẩm ấy phải kể đến cuốn tiểu thuyết Nước mắt một thời của Nguyễn Khoa Đăng được Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2009. Không khí văn học lại một lần nữa được khuấy động về đề tài này. Người ta đã gọi Nguyễn Khoa Đăng “xứng đáng là một nhà văn anh hùng, khi cầm bút ghi lại những năm tháng đau thương mà sôi động của đất nước”.

Với bản lĩnh và khí phách của nhà văn xác định vai trò thư ký thời đại, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng đã dũng cảm ghi lại cái thời đầy bùn, máu nước mắt của dân tộc. Vượt khỏi giá trị văn chương, Nước mắt một thời còn góp phần minh họa cho lí luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp qua những bài học xương máu của dân tộc. Bao nhiêu đắng cay, bao nhiêu uất nghẹn, bao nhiêu sơ hãi, bao nhiêu căm thù, đều được thể hiện trên giấy. Nhưng Nước mắt một thời không rơi vào khuy hướng bôi đen, phủ nhận lịch sử. Tình yêu và sự thủy chung, sự bao dung và lòng nhân ái đã làm cho độc giả nhìn thấy ánh sáng dưới cuối đường hầm để mà đi theo, để mà hi vọng. Độc giả khóc khi đọc Nước mắt một thời. Nhưng khóc bằng tinh thần lạc quan và tư duy cách mạng. Đó là tính nhân văn sâu sắc của tác phẩm.

Nước mắt một thời của Nguyễn Khoa Đăng xứng đáng được nghiên cứu một cách chu đáo để thấy được một thời đã qua của lịch sử được nhìn nhận dưới góc độ văn chương; để thấy sự trao đổi quan điểm sáng tác văn chương qua từng giai đoạn; để thấy được sự bức phá, lòng dũng cảm của các nhà văn khi làm trọn một cách đầy tự trọng vai trò của người “thư kí của thời đại” ; để  thấy được giá trị tính thiện trong văn học có sức mạnh cảm hóa con người.

V.T.T.T

(Trích chương mở đầu luận văn cao học của sinh viên truong ĐH Thái Nguyên – Vũ Thị Thu Trang – với đề tài “Góc nhìn trực diện về cải cách ruộng đất qua Nước mắt một thời của Nguyễn Khoa Đăng 2019)