“Bố ơi! Con đau…”. Cố gạt đi hình ảnh đứa con nhỏ nằm bất động trên giường điều trị của bệnh viện, Hạnh gò mình bên bàn phím. Những câu thơ không đủ độ chín âm thầm bung ra, nhảy nhót trên màn hình. Hạnh viết rồi lại xóa, rồi lại vắt óc cho ra đời những con chữ mới. Chiều nay, anh phải giao bài thơ này đứng tên ông sếp in trong số báo đặc biệt. Tiền viết thuê Hạnh đã nhận để mua thuốc cho con, không lí do gì bài thơ không được đăng, chất lượng nghệ thuật của bài thơ phải xứng tầm với vị thế của ông sếp ấy và số tiền người ta trả cho anh.
Một cơn gió lạnh ùa tới, Hạnh thoáng rùng mình vội nhỏm dậy định khép ô cửa sổ. Trời hưng hửng nắng, cây mận khẳng khiu trong vườn nhà hàng xóm đã bật lên những chồi lộc non biếc nõn và mấy bông hoa trắng muốt. Đôi chim chích bông ríu rít vờn nhau cất tiếng hót thánh thót. Hạnh nén tiếng thở dài. Tiết trời đẹp quá, giá lúc này cậu con trai nhỏ ở nhà, nhất định anh dẫn thằng bé cho nó tung tăng tới khu miếu thờ thành hoàng làng. Ở đó, bên cạnh mấy cây cổ thụ, còn một số cây ăn trái sắp vào mùa đơm hoa khoe sắc. Nhiều năm nay chim chóc đua nhau về làm tổ, tiếng hót trong trẻo của chúng làm bất cứ ai đang u uẩn mệt mỏi cũng cảm thấy nhẹ nhõm thư thái. Từ nhà anh tới miếu chỉ cần nhẩn nha bước một đoạn ngắn trên con đường rải sỏi. Nghe nói miếu thờ một vị tướng có công đánh giặc cứu nước. Khi đất nước thái bình, ông xin vua về đây khai khẩn ruộng hoang lập ấp. Nhiều người lính cùng ông xông pha trận mạc cũng về quần tụ thành làng an cư lạc nghiệp. Những lần đưa con tới miếu, nghe Hạnh kể lại chuyện xưa, mắt con anh sáng lên. Có lần cậu bé ngây thơ hỏi: “Bố ơi! Bây giờ làng lên phố rồi, tên làng cũng không còn nữa, liệu người ta có phá miếu thờ thành hoàng làng không hả bố?”. Hạnh lúng túng nhìn những ngôi nhà cao tầng san sát mọc gần đó, chậm rãi: “Không đâu con ạ! Làng lên phố nhưng hồn làng vẫn còn. Bố nghĩ không kẻ nào dám phá bỏ ngôi miếu này”. Hạnh nói với con như vậy nhưng thực tình cũng như nói với mình. Là người ở đây nhiều năm, Hạnh biết ngôi miếu đã bị xâm lấn nhiều đất lắm. Ngày anh còn bé quanh ngôi miếu là cả một vườn cây rộng, lũ trẻ bọn anh tha hồ kéo nhau tới chơi trận giả, đánh đáo và trăm thứ trò trẻ con khác. Mấy năm nay mượn cớ đầu tư dự án này nọ, người ta thu hẹp dần diện tích khu miếu. Tuy nhiên, nơi đây vẫn là chốn linh thiêng, nhiều người thường lui tới hương khói. Hạnh cũng hay đi dạo và ngồi bên miếu tìm cho mình những tứ thơ mới. Dường như những câu thơ anh ưng ý nhất đã ra đời từ bên thềm ngôi miếu này.
“Bố ơi! Con đau…” Tiếng rên đau đớn của cậu con trai mơ hồ vọng tới kéo anh về thực tại. Hạnh vội vã ngồi vào ghế, máy tính nhấp nháy sáng, những con chữ tràn lên màn hình. Hạnh cắn chặt môi, mặc nước mắt lăn thành dòng mặn chát.
***
Gục mặt bên cậu con trai nhỏ, Hạnh ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Trong mơ, anh gặp một nàng tiên áo trắng. Buổi sớm, Hạnh đang mê mải dõi theo cánh bướm rập rờn bên miếu thờ thành hoàng làng cổ xưa, cố tìm một ý thơ nồng nã về mùa xuân thì nàng tiên hiện ra mỏng manh như sương khói: “Người đời các anh thật lạ. Thơ là mối tơ duyên, là tâm hồn con người. Vậy mà kẻ lắm tiền nhiều của có thể mua bán, đổi chác cầu danh. Người làm thơ cũng đang tâm mang thơ đem bán, có phũ phàng quá không?”. Hạnh sững sờ chết lặng trước tiên nữ. Hồi lâu anh lấy hết can đảm ấp úng: “Với tôi thơ là đứa con tinh thần. Nhưng đứa con mà vợ chồng tôi dứt ruột đẻ ra đang bệnh nặng. Tôi cần tiền, cần thật nhiều tiền. Nếu xương thịt tôi bán được tôi cũng dành để cứu con tôi”. Chưa nói hết câu, nước mắt Hạnh đã ứa ra, hai mắt nhòa đi trong làn sương trắng. Anh dụi mắt, nàng tiên đã biến mất tự khi nào, nơi vạt váy nàng buông chùng chỉ còn lại thảm cỏ non xanh mướt mát.
Không hẳn Hạnh là người yếu đuối, đa cảm mau nước mắt. Mấy chục năm qua anh không hề rơi nước mắt. Hồi còn nhỏ cùng lũ bạn trốn học ra sông bơi bị mẹ lôi về đánh, anh cũng cắn răng chịu đựng. Nhưng Hạnh đã không thể kiềm chế được lòng mình khi móc ra những đồng tiền cuối cùng mua thuốc cho con điều trị bệnh.
Người xưa nói: “Họa vô đơn chí”. Với Hạnh, cái “họa” ấy dìm anh xuống tận cùng của sự đau khổ, bắt anh phải lặn ngụp ngoi ngóp giữa dòng đời kiếm từng đồng bạc lẻ để giành giật sự sống cho đứa con nhỏ dại.
Hai năm trước, Hạnh vẫn còn là một chàng kĩ sư năng nổ trong một công ty lớn và một gia đình yên ấm. Với trình độ tương đương chuyên gia lão luyện trong ngành cơ khí, Hạnh luôn là người không thể thiếu trong khâu quản lý kỹ thuật công nghệ của công ty. Vốn yêu văn chương, ngoài giờ làm việc, anh say mê làm thơ. Nhiều năm nay anh trở thành người có tiếng trên văn đàn với những bài thơ sâu sắc, tinh tế như chắt từ gan ruột. Những tưởng cuộc đời sẽ mãi như dòng sông bình thản trôi, nhưng không ai học được chữ ngờ. Từ khi thực hiện cổ phần hóa, sản xuất kinh doanh của công ty ngày càng èo uột và lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Hạnh và công nhân phải nghỉ việc không lương vì giá thành sản phẩm cao, không thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Là người tâm huyết với công ty, Hạnh không khỏi nhói lòng trước thực trạng u ám của doanh nghiệp và cuộc sống cùng cực của những người thợ. Những ngày ấy, Hạnh không viết một câu thơ nào, anh không muốn những câu thơ của mình mặn cả giọt nước mắt chảy trong từng con chữ.
Giữa lúc Hạnh đang chật vật làm đủ mọi việc để kiếm sống, cô vợ cuỗm toàn bộ số tiền vợ chồng dành dụm trốn theo người tình. Căn nhà cũng bị ả đem thế chấp ngân hàng. Hạnh chỉ biết tự trách mình quá nhu nhược khi để vợ mù quáng chạy theo tiếng gọi của đồng tiền. Vợ Hạnh là kế toán cho một công ty tư nhân, thu nhập cũng khá. Không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, ả lao vào hụi họ và tham gia đường dây kinh doanh đa cấp. Đôi lần Hạnh góp ý, cô vợ xưng xỉa: “Cứ như anh thì đói rã họng. Việc làm ăn mặc xác tôi”. Cũng bởi các chuyến công du khi túi tiền rủng rỉnh, cô vợ cặp kè với một gã giang hồ, khi việc làm ăn đổ bể, cả hai đánh bài chuồn.
Bươn chải khi nhà máy đóng cửa, anh không nề hà mọi việc nặng nhọc, tằn tiệm chăm lo cho con. Sự đời thật éo le, đùng một cái con anh đổ bệnh. Sau một tháng theo dõi, điều trị với đủ loại xét nghiệm, anh chết lặng khi bác sĩ thông báo con anh bị căn bệnh hiểm nghèo. Hạnh phải bám vào thành ghế để khỏi đổ sụp xuống khi nghe tin. “Anh yên tâm. Chúng tôi sẽ điều trị cho cháu lành bệnh. Tuy nhiên căn bệnh đó phải điều trị dài ngày”. Bác sĩ ân cần động viên khi thấy anh có biểu hiện suy sụp tinh thần quá mức. Thông cảm với điều kiện của Hạnh, nhiều người thân trong gia đình và đồng nghiệp, mỗi người một chút gom góp giúp đỡ anh. Tuy nhiên, số tiền đó cũng chỉ đủ cho anh trang trải một phần. Thật may, để Hạnh có thời gian chăm sóc con tại bệnh viện, một người bạn xin cho anh chân trông xe tại nhà hàng. Không phải tất tả ngược xuôi như trước, nhưng khi nhà hàng đóng cửa, Hạnh vẫn vòng xe tới khu chợ nông sản đầu mối khuân vác cho các chủ hàng miễn có thêm chút tiền.
Hằng đêm, cởi chiếc áo đẫm mồ hôi vắt ra ghế, anh cặm cụi sáng tác thơ gửi đăng báo. Nhuận bút dù ít ỏi, mỗi bài thơ cũng đỡ cho anh phải chắt bóp phần nào khi đi chợ. Nhiều người bất ngờ khi gặp Hạnh ở bãi trông giữ xe và tỏ ra thông cảm khi biết điều kiện hiện tại của anh. Tối ấy, sau tiệc rượu gì đó với rất đông quan chức, một vị sếp sang trọng bước tới tỏ vẻ thân mật: “Cậu làm cho tôi mấy bài thơ về tinh thần yêu nước. Tôi trả gấp mười lần nhuận bút khi báo đăng… Nếu cậu đồng ý, tôi xin gửi tiền ứng trước”. Thơ của vị sếp này ra sao anh đã biết. Có lần trong một cuộc họp, không câu nệ cao thấp, vị sếp bước xuống ngồi bên cạnh trò chuyện và đưa anh xem mấy bài thơ mới làm về cải cách thủ tục hành chính. Chỉ đọc lướt qua, Hạnh đã phải cố giấu nụ cười chua chát. Những dòng chữ này nếu gọi là thơ, chắc tất cả các nhà thơ đều nên buông bút. Cũng may vị sếp chỉ là cán bộ tầm trung, nếu cán bộ cấp trên nữa gửi bài, tờ báo lá cải nào đó lấy lòng cho đăng, lại thêm mấy tay bồi bút “lăng xê” thì quả là thảm họa. Nhưng dẫu sao một vị quan chức yêu thi ca cũng là điều đáng quý. Hạnh không bất ngờ và phải cân nhắc, bởi gần đây, anh đã nhiều lần cười ra nước mắt trước các trò háo danh của người có tiền, các màn xì-căng-đan của một số diễn viên người mẫu… Thơ là sản phẩm sáng tạo của sức lao động, khi sức lao động đã trở thành hàng hóa thì việc mua bán sản phẩm nó tạo ra cũng chẳng phải chuyện gì to tát.
Từ vụ làm ăn đơn lẻ ấy, chả rõ nguồn cơn do đâu, một số ông cùng cánh với vị sếp kia cũng gặp gỡ Hạnh mua những bài thơ mới. Với kinh nghiệm từ lần bán thơ đầu tiên, Hạnh tỏ ra bất cần, phát giá bán cao gấp nhiều lần ông sếp trước. Họ đã đứng tên bài thơ của anh thì chả dại gì để những con chữ chịu số phận rẻ rúng…
Ông giời dường như thương xót cho số phận của bố con anh và không phụ người lao tâm khổ tứ. Hạnh không rõ đến giờ mình đã làm và bán bao nhiêu bài thơ. Hầu hết các bài thơ của anh đều cháy bỏng tình yêu quê hương đất nước, về làng quê. Những câu thơ đau đáu niềm tin yêu và khát vọng của biết bao thân phận con người nhỏ nhoi giữa dòng đời gập ghềnh sương nắng. Lúc ở nhà, chiếc máy tính cũ cùng anh miệt mài, khi trông xe chỉ cây bút và mấy tờ giấy nhàu nát kê lên chiếc ghế gỗ sứt sẹo, Hạnh làm thơ như lên đồng. Những câu thơ tràn đầy tình yêu thương từ nỗi đau quặn thắt… Mỗi bài thơ là những liệu trình chữa bệnh cho con.
Không phải ngẫu nhiên mà thơ Hạnh còn được khắc lên bia đá. Mấy tháng trước, huyện tổ chức trùng tu đài Tổ quốc ghi công và nhà tưởng niệm liệt sỹ, không rõ qua ai giới thiệu, một vị giám đốc doanh nghiệp đặt anh viết bài thơ theo chủ ý. Nhìn bài thơ của mình khắc trên tấm bia mang tên vị giám đốc doanh nghiệp cung tiến, Hạnh chỉ biết lắc đầu quay đi, cố giấu cái nhếch miệng rầu rĩ.
– Bố ơi! Tiếng gọi thảng thốt của cậu con trai làm Hạnh bừng tỉnh. Nhìn đứa con trong căn phòng bệnh viện trắng toát, không biết do thời tiết hay điều gì đó Hạnh chợt thấy lạnh gai người:
– Con đau lắm phải không con?
Đưa bàn tay nhỏ gầy guộc cầm bàn tay bố, cậu con trai khẽ nhoẻn cười:
– Không bố ạ! Con đỡ nhiều rồi. Bố mệt lắm ạ?
Hạnh biết con chưa đỡ nhưng chắc thương bố nên nói vậy, anh vuốt ve mái đầu con lâu nay đã rụng gần hết tóc do xạ trị, âu yếm cho con bớt lo:
– Không! Tại đêm qua mấy chú đến chơi khuya quá, bố ngủ ít nên thấy con nằm nghỉ, bố cũng thiếp đi một lát.
Như chợt nhớ, cậu con trai cầm tấm thiếp đặt bên mé giường đưa cho bố:
– Ban sáng, có một chú tìm gặp bố, chắc có việc gì cần gấp. Chú ấy để lại số điện thoại và nói lúc nào bố gọi cho chú ấy.
Hạnh cầm tấm thiếp, nhìn tên và chức danh anh không khỏi ngỡ ngàng. Một người lạ hoắc với chức danh “thư kí” cần gặp, chắc có chuyện gì đó. Tại sao họ biết con mình đang điều trị ở đây? Hàng loạt sự việc lướt qua nhưng Hạnh không thể lí giải…
Dù nhiều ngày nay chưa hề nhắp ngụm rựơu bia nào, cơ thể Hạnh vẫn chếch choáng như người có hơi men, anh rụt rè gõ cửa phòng bác sĩ điều trị. Thấy anh, bà bác sĩ mừng rỡ:
– Mời anh vào! Cháu bé sức khỏe tiến triển tốt, chúng tôi sẽ làm tất cả để điều trị cho cháu một cách hiệu quả nhất. Tôi cũng đã nói chuyện cụ thể với người đại diện cơ quan anh.
– Cơ quan tôi? – Hạnh sửng sốt, bởi cơ quan anh đang trong tình trạng phá sản, ai hơi sức đâu lo tới người kĩ sư quèn? Ngay lão chủ nhà hàng năm thì mười họa anh mới gặp, có nói chuyện thì cũng qua quýt đôi câu, hắn còn chưa biết điều kiện hoàn cảnh anh thế nào.
– Vâng! Họ cũng xem cụ thể phác đồ điều trị và dự kiến kinh phí cho cháu. Với căn bệnh này, cháu bé cần thời gian.
– Tôi nghe nói sắp tới tăng viện phí đúng không ạ?
– Chắc chắn rồi. Chúng tôi cũng tăng thêm chút ít theo lộ trình…!
***
Chợt nhớ hôm nay là ngày rằm, Hạnh mua chút hương hoa đến thắp nhang miếu thờ thành hoàng làng. Trước đây tuy không đến miếu hương khói thường xuyên như vợ, nhưng mỗi khi cần giải tỏa ức chế và tìm cho mình khoảng không gian thanh tịnh, anh vẫn đến nơi này. Hạnh cho rằng hương khói tưởng nhớ người xưa chỉ là phong tục tập quán, điều quan trọng nhất người ta cần là cái tâm. Tâm đã không thanh sạch hương khói vái lạy cầu xin cũng phỏng ích gì. Từ ngày vợ bỏ đi, dù không thay đổi quan niệm, nhưng thi thoảng anh vẫn đến dâng hương hoa, bởi anh cho rằng nén hương viếng người xưa chính là làm ấm lòng hơn người đang sống. Cũng như tết đến xuân về làm cơm kính lễ gia tiên, chỉ con cháu thụ lộc chứ cụ nào về ăn… Thông tin tăng viện phí làm Hạnh châm nhang nhưng lòng dạ rối bời. Người ta tăng viện phí theo lộ trình, nhưng túi tiền của anh chả theo lộ trình nào, đôi khi còn teo tóp vì vô vàn lí do… Anh chỉ cầu cho con lành bệnh, với mọi khả năng anh phải kiếm ra tiền để cứu con. Tuy nhiên để có đủ số tiền cần thiết, Hạnh cũng chưa biết phải làm thế nào…
Mở cửa vào nhà, nhớ tấm danh thiếp con đưa ngoài viện, Hạnh cầm điện thoại băn khoăn định bấm máy thì chiếc xe con đỗ xịch bên sân, người thanh niên bước ra niềm nở :
– Xin lỗi anh có phải Trần Hạnh?
– Vâng! Anh là…?
– Em là người trong tấm danh thiếp đưa cho cháu. May quá gặp anh.
Chưa kịp châm nước pha trà, người khách đã vồn vã:
– Thế này anh ạ! Sếp em cần ra mắt một tập thơ. Sếp em chọn thơ anh. Anh lo cho em khoảng một trăm bài trong tuần này. Kinh phí anh em mình thống nhất, hoặc là toàn bộ chi phí điều trị cho cháu bé em sẽ lo.
Hạnh ngớ người, không hiểu tại sao trên đời lại có sự lạ như vậy. Vị sếp mà người thư ký đặt vấn đề chính là người đã mua thơ anh cho các số báo kỷ niệm và luôn được in ở vị trí trang trọng, giờ ông ấy lại muốn ra hẳn tập thơ. Không muốn hỏi nguyên do, anh chần chừ giây lát và quả quyết:
– Một trăm bài…? Tôi chỉ còn vài chục bài chưa đăng báo, anh cần ngay cũng hơi gấp quá. Thơ cho sếp phải những bài có chất lượng.
– Không sao. Em biết anh in thơ một số bài lấy tên thật là Trần Hạnh, nhiều bài anh dùng bút danh Minh Hạnh. Số bài ghi bút danh em có xem qua, cũng rất hay. Anh để cho em thơ và cả bút danh để in sách. Bút danh ấy sẽ là của sếp em.
Bấy lâu vẫn tự nhận mình là người viết còn vô danh tiểu tốt và chịu mặc cảm nghèo hèn, Hạnh không ngờ anh lại được được người ta tìm hiểu kỹ và những đứa con tinh thần của anh lại có ngày như thế.
***
Thấm thoắt đã năm năm ngày con Hạnh lành bệnh. Công ty của anh cũng đã phục hồi sản xuất. Ngoài giờ làm việc, Hạnh hết lòng chăm sóc con và dành khoảng thời gian còn lại cho những bài thơ nồng nàn tình yêu thương.
Chiều muộn, hai bố con vừa vo gạo bắc nồi nấu cơm lên bếp, vị sếp mua thơ anh in sách cùng hai người đàn ông ăn vận lịch sự bước vào. Khác hẳn vài lần gặp gỡ trước đây, vị sếp mặt lạnh tanh, chìa tay bắt hờ hững và nói rành rọt:
– May quá có cả anh và cháu ở nhà. Tôi đã có quyết định nghỉ chế độ. Vì vậy cũng không còn gì phải giữ ý. Vợ tôi không có khả năng sinh nở, cô vợ anh đã giúp tôi sinh cháu bé này. Cô ấy mang thai khi chuẩn bị làm đám cưới với anh. Khi cháu bị bệnh, tôi đã làm hết sức có thể để anh có tiền chăm sóc cháu. Và hôm nay là dịp để chúng ta gặp nhau trao đổi…
Hạnh lạnh gai người, mắt nảy hoa cà hoa cải, đôi chân bủn rủn như muốn khụy xuống:
– Không…! Không thể như vậy…!
Vị sếp rút túi tờ giấy nhỏ đóng dấu công chứng:
– Đây là giấy xác nhận ADN tôi đã cho giám định.
Ngoài sân nắng đã tắt. Mái nhà nào phía xa đã xanh màu khói bếp. Ở khu dân cư ngoại ô này, chỉ còn vài nóc nhà đun củi nên khói cũng nhàn nhạt lễnh loãng rồi tan vào trời. Hạnh chợt thấy trong làn khói bếp ấy có cả bóng mình và những câu thơ lơ lửng bay lên…!
Theo Phan Thái/ Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên