Nước mắt Trường Sơn – Ký ức về một thời hoa lửa

541

                                                                                               Nguyễn Phương Hà

Đọc Trường ca Nước mắt Trường Sơn của Hữu Chỉnh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trường ca Nước mắt Trường Sơn (Nxb Văn học – 2018) là một thành tựu nghệ thuật của nhà thơ Hữu Chỉnh, tác phẩm đã được tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật Chư Yang Sin lần thứ III (2020). Tập trường ca gồm 8 chương với 1372 câu thơ được viết bằng thể tự do, trừ chương VI được viết bằng lục bát. Có thể thấy, Hữu Chỉnh đã ấp ủ và sáng tác tác phẩm trong một thời gian dài, bởi chất liệu đời sống đã nhuốm màu thời gian, những chiêm nghiệm, suy tư, khái quát đã hòa vào mạch cảm xúc và câu chữ. Viết về đề tài chiến tranh cách mạng nên cảm hứng sử thi là tất yếu nhưng do có độ lùi về thời gian sau chiến tranh nên tác giả không chỉ thể hiện những chiến dịch, chiến công mà chủ yếu nhấn mạnh những đau thương, mất mát trong chiến tranh, những cống hiến, hy sinh của thế hệ trước, qua đó nhắn gửi thế hệ trẻ ngày nay về lẽ sống, về sự dâng hiến cho Tổ Quốc, cho cuộc đời.

Nhà thơ Hữu Chỉnh

Chương I: Đi dọc tuổi thơ là hồi ức về quê hương, về người mẹ và cuộc sinh thành, về tuổi thơ của nhân vật trữ tình, cho đến lúc giã biệt mẹ quê hương để vào chiến trường đánh Mỹ. Tác giả đã đã đồng nhất hình ảnh người mẹ sinh thành và người mẹ Tổ Quốc trong nghèo khó, đớn đau đã sinh ra bao thế hệ anh hùng:

“Sự sinh thành nào chẳng trải qua đau đớn

Như mẹ ta tái tạo giống Tiên Rồng.

Cảm ơn mẹ hoài thai lớp chúng con

Thời giặc giã nắng mưa sấp ngửa”

Hình ảnh người mẹ gắn liền với những hình ảnh quê hương – một vùng đồng bằng chiêm trũng Bắc Bộ thời thực dân phong kiến với “Tên những xứ đồng nhức nhối thịt da”, “Tên những con người đong đầy khó nhọc” và cuộc mưu sinh vất vả, cay cực, đầy rủi may:

“Nắng đồng chiêm xiên khoai đội lửa

Lưng cõng nắng trời, bụng áp nước hun

Cây mạ non được cắm xuống bùn

Là chấp nhận mưa chan, gió giật”

Nhân vật trữ tình được sinh ra trong hoàn cảnh ấy, cũng như bao thế hệ người Việt Nam sinh thành trong gian lao vất vả như một thử thách đầu tiên trong cuộc đời. Tác giả đã có một so sánh khá độc đáo để làm nổi bật những nét riêng của sự sinh thành:

“ Chúa Giê – su sinh ra còn được đặt trong máng cỏ

Ta nằm trên cỏ triền đê lộng gió sông Hồng

Mẹ sinh ta sau buổi làm đồng

Chấp chới cánh cò chở nắng chiều về tổ”

Kỷ niệm tuổi thơ ùa về với bao hình ảnh thân thương cùng bạn bè với những trò chơi con trẻ: “đánh khăng, đánh đáo”, “Bắt chuột đồng, cua, ốc nướng rạ đồng chiêm”, “Trải lá chuối bán hàng lá mít, lá tre” và ước mơ “Có ông Bụt giúp cho tập đọc / Và bà Tiên làm toán thì hay” để được thoả mái đuổi chuồn chuồn, bắt bướm vàng hay mải mê theo tiếng ve sầu dưới tán phượng với đủ trò nghịch ngợm: “Áo quần hôi cả phân chim/ Tối đến rủ nhau đi rình/ Những anh chị lớn hơn tình tự”, rồi phải ăn đòn và “Hôm sau lại thế”. Quê hương với những nét văn hoá châu thổ sông Hồng hiện lên thật sinh động, từ “oẳn Phật”, “đền Thánh”, “miếu Bà”, “cổng đình”, “cái vạc ăn đêm”, “trái thị cô Tấm”, “ông Bụt, bà Tiên”, “Thị Mầu ngả nghiêng” đến hương lúa thơm nồng, hương cau ngan ngát, một ánh trăng đêm rằm hát hội, áng cỏ xanh trên triền đê gió mát và mùi oi nồng của bùn đất lẫn mồ hôi.

Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ (1964), Đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, chiến tranh lan rộng ra cả nước, trong hoàn cảnh “Bom đạn đang rạch mặt cánh đồng/ Rạch mặt quê hương, rạch mặt những dòng sông” thì tuổi đến trường của nhân vật trữ tình cũng có nhiều thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh:

“Trường sơ tán

Quần áo một màu xanh

Mũ rơm trên đầu như quê hương che chở

Ông, cha chặt những cây tre to nhất vườn

Để lớp học có trần

Và hầm chữ A chắc chắn”

Rồi “Lớp học vơi dần/ Bùi ngùi tiễn bạn tòng quân”, những lớp trai trẻ đã gửi lại tuổi thơ với những trò chơi con trẻ, những trang vở học trò chưa viết hết trang sau, “Gửi quê hương những lời tình tự/ Còn ngổn ngang trong ý niệm chưa thành” để nối tiếp nhau đi thẳng ra chiến trường đánh Mỹ.

Chương II: Dòng sông ngược là hành trình của nhân vật trữ tình từ giã quê hương và người thân, vượt Trường Sơn vào chiến trường Tây Nguyên. Khi kẻ thù tàn bạo đến xâm lăng, gây nhiều tội ác, nhân vật trữ tình cũng như cả thế hệ trẻ nối tiếp truyền thống, tự nguyện lên đường chiến đấu như một lẽ tự nhiên:

“Con xin cúi đầu lạy đất tổ Phong Châu

Núi Nghĩa Lĩnh đêm nay trầm mặc

Thánh Gióng lên ba đã đòi ngựa sắt

Con mười tám rồi, xin Tổ trao gươm”

Tất cả vì độc lập tự do, vì lẽ phải sáng ngời, vì lương tâm của nhân loại, “Những đứa con của sông Lô, sông Thao, sông Luộc/ Hoà cùng sông Hồng, sông Mã, sông Lam…/ Ngọn lửa tim soi hai tiếng: MIỀN NAM”. Với “Chiếc gậy từ bờ tre quê hương”, người chiến sĩ hành quân qua Quảng Bình nóng bỏng, vào Vĩnh Linh lũy thép anh hùng, qua nhiều địa danh trên nước bạn Lào: Khăm Muộn, Sa – ra – van, Sa – va – na – khét, Ta ven Oọc, Săng Sây, Sê Pôn, Nậm Bạc. Khó khó khăn gian khổ, bom đạn ngút trời, “Và những cơn sốt rét/ Thử sức bạn bè”, người lính vẫn kiên định lý tưởng và luôn thể hiện một tâm hồn trẻ trung, yêu đời:

Lãng mạn quá và cũng vô tư quá

Dưới nắng lửa rừng Lào vẫn ngắm phong lan

Ngắm dòng bướm chảy dài trên suối cạn

Tai lắng nghe nhịp trường ca ve ran”

Cuộc chiến tranh thật ác liệt, tàn khốc và cái chết luôn rình rập: “Có thể trận đánh ngày mai/ Không về nữa/ Một quầng chớp lửa/ Cắt ngang…” nhưng người chiến sĩ sẵn sàng chấp nhận, vì hiểu rằng: “Giá của Độc lập, Tự do phải đo bằng máu”. Nhà thơ đã bao lần thấm thía nỗi đau khi đồng đội ngã xuống:

“Bỗng tiếng súng rộ lên

Ta lật nhào

Tránh đòn biệt kích.

Quầng lửa đạn thù rạch đêm tĩnh mịch

Thêm đồng đội

Nằm lại với rừng”

Có thể thấy, tác giả đã không né tránh khi viết về những gian khổ hy sinh của người lính trong chiến tranh trên những chặng đường hành quân chiến đấu bằng những hình ảnh có ý nghĩa khái quát: “Qua đất Kon Tum/ Ngọc Linh quấn mây trắng như vành khăn tang”, “Gia Lai/ Tím tái chiều P’lây Me/ Âm u gió ngàn/ Bâng khuâng hương hồn đồng đội”. Tất cả đều góp phần làm nên một cuộc hành quân máu lửa của cả thế hệ, cả dân tộc, “Xuyên đỉnh Trường Sơn/ Làm dòng sông ngược” để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Chương III: Thức đợi mặt trời và chương IV:  Miền đất giấu lửa là những cảm nhận sâu sắc của nhân vật trữ tình về mảnh đất, con người và lịch sử, văn hóa Đắk Lắk. Trước hết là hình ảnh: “Chư Yang Sin/ Như dàn chiêng úp”, đến các địa danh: cánh Đông, cánh Tây, cánh Nam, cánh Bắc, đường 14, đường 21, những mật danh: H5, H6, H9, H10, hồ Lắk, thác H linh, Bản Đôn, Ea H’ Leo, núi Hoa, Phượng Hoàng, thác Mây, thác Khói, thác Trinh Nữ,  Buôn Trấp,vv… Những địa danh không đơn thuần là không gian địa lý mà còn gắn với những con người, những cuộc đời, làm nên nét độc đáo của một vùng văn hoá đặc sắc, như nhà thơ đã viết “Bởi một ngọn núi, cánh rừng giấu một sử thi/ Mỗi suối sông ẩn một câu chuyện cổ”:

“Có Đam San đi tìm Nữ thần mặt trời

Có chàng Lắk tìm nước cho buôn làng

Để con lươn đào nên hồ Lắk

Có chuyện tình dệt nên sông Tóc

Nước mắt chảy thành thác H Linh”

Tác giả đã chọn lọc những hình ảnh rất tiêu biểu để gợi lên những nét lịch sử, văn hoá của đồng bào các dân tộc Đắk Lắk một cách sinh động và gợi cảm:

“Bầu vú mẹ căng tròn trên cầu thang trước cửa

Mẫu hệ quần tụ cộng đồng”

“Ghế K’ Pan cong dáng thuyền hồ Lắk

Chở lời chiêng đi chín núi, mười đèo

Kông – tua thành tiếng nhạc reo

B’ Rố đêm trăng hò hẹn

Đêm rượu cần mắt nhìn lúng liếng

Ché túc, ché tang nghiêng ngả môi say”, vv…

Mỗi chi tiết trong đời sống, sinh hoạt của người dân nơi đây đều được nhà thơ cảm nhận dưới góc nhìn văn hoá, thể hiện sự gắn bó, hoà quyện giữa con người với đại ngàn hùng vĩ và nên thơ: “Hoa văn trên áo, trên yêng có cánh chim bay/ Có màu đỏ bazan, có màu xanh của núi” và bếp lửa nhà sàn chưa bao giờ ngủ, “Vì ngày mai, ngày mai”, vì người Tây Nguyên “Thức đợi mặt trời”. Đây là vùng đất vô cùng phong phú với những hình ảnh sinh động về thiên nhiên và đời sống: Đàn voi “Rùng rùng đất chuyển”, “Tán Kơ – nia ôm trùm mặt đất”, “Tiếng chiêng giao hòa mặt đất”, “Chếnh choáng rượu cần say”, nhiều tập tục, nghi lễ độc đáo của người Ê Đê như cúng Giàng làm lễ đặt tên, lễ cúng bến nước, cúng bỏ mả, cúng Giàng xin gieo hạt, vv…

Miền đất giấu lửa tập trung làm nổi bật lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân các dân tộc Đắk Lắk qua các thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Tác giả đã gợi lại lịch sử vùng đất mang tên một nhân vật lịch sử bắt đầu từ chàng trai Ê Đê có tên Y Rít kết hôn với con gái tù trưởng dòng họ M’ Lô, sinh ra Y Thuột và “Y Rít thành A ma Thuột” – một buôn giàu mạnh và nổi tiếng trong vùng:

“Phía Nam, người M’ Nông quý trọng

Phía Bắc, người Ba Na mến yêu

Người Lào phía Tây mang voi

Người Chăm phía Đông mang rìu

Người Kinh nhiều muối tìm đến”

Nhưng rồi, quân Pháp đến xâm chiếm vùng đất này, gây nhiều tội ác: “Lửa thiêu nhà sàn/ tro bay đen trời/ …Ché túc vỡ tan / Chiêng khấc dúm dó/ Bến nước ông bà màu đỏ/ Giàng ơi!”. Người dân Tây Nguyên đã anh dũng đứng lên, đi theo người anh hùng Nơ Trang Lơng đánh giặc Pháp mấy chục năm trời. Sự nghiệp không thành nhưng phẩm chất anh hùng, ý chí kiên cường, bất khuất của người anh hùng và nhân dân vẫn còn sống mãi qua nhiều thế hệ, sống mãi với lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Trong những năm Pháp thuộc, người dân Tây Nguyên phải chịu nhiều cay đắng, khổ nhục, bị áp bức dã man, phải đi xâu, đi lính, đi phu cho bọn thực dân. Hết Pháp rồi đến Mỹ, bọn xâm lăng thay nhau chiếm đóng mảnh đất này, buôn làng loang máu đỏ, rừng núi chất chứa căm hờn:

“Đất giấu lửa hát bằng tiếng lửa

Lửa thét gào vần vũ bão dông

Krông Ana, Krông Knô – sông vợ sông chồng

Nước mắt trời chảy thành sông nước trong

Nước mắt người chảy thành sông nước đục”

Đế quốc Mỹ với sức mạnh của một bộ máy chiến tranh khổng lồ, vũ khí hiện đại và đội quân hàng ngàn lính Mỹ và tay sai trải khắp các địa bàn xung yếu, gây cho quân dân ta  nhiều gan khó, hy sinh:

“Kẻ thù nham hiểm

Sư đoàn 23 được mệnh danh:

Bình Nam, phạt Bắc, trấn Cao nguyên

Có nghĩa là chất chồng nợ máu

Sẵn máy bay, tăng, pháo…

Truy đuổi ta tới cùng”

Chiến trường Đắk Lăk lại càng khó khăn thiếu thốn vì địa hình rừng núi hiểm trở, thiếu vũ khí, lương thực, thiếu muối nhưng cán bộ, chiến sĩ cách mạng vẫn kiên cường bám trụ, lập căn cứ kháng chiến:

“Hang đá Đắk Tua, căn cứ Krông Bông

Nhấp nhóa lửa dầu chai soi bản đồ tác chiến”

Từ trong đau thương, người dân các dân tộc Đắk Lắk đã nghe theo Đảng và Bác Hồ, anh dũng tham gia chiến đấu chống giặc với đủ loại vũ khí thô sơ của núi rừng. Tác giã đã xúc động trước những tấm gương hy sinh bình dị mà anh dũng của quần chúng cách mạng: “Có em bị địch bắt dẫn đường/ Đã đưa chúng vào bãi mìn/ Rồi kêu du kích: Bắn đi, đừng ngại, các chú ơi!”; “Từ suối Đắk Tua tiếng thét vang trời/ Khi Y Ơn sa vào tay biệt kích/… Gốc Kơ – nia vết đạn máu oà”; “Người trước ngã, người sau xốc tới/ Bế xác con đến gốc cà phê đặt vội/ Má Hai lại cầm cờ xông lên”. Đó là hình ảnh người giao liên băng qua vòng vây của kẻ thù, giữ liên lạc giữa căn cứ và nội thị Buôn Ma Thuột, nối với Lâm Đồng, Bình Phước: “Cho mìn hẹn giờ phanh thây Mỹ, nguỵ”. Những đơn vị bộ đội anh hùng như Trung đoàn độc lập 25, Tiểu đoàn bộ binh 301, Tiểu đoàn đặc công 401, dù “quân số chưa bao giờ đủ”, “sốt rét vàng da”, mổ vết thương “không đủ thuốc gây mê”, “khoai sắn thay cơm”, “lá bứa, lá giang chua đuổi cơn tác nghẹn” vẫn chiến đấu dũng cảm, mưu trí, giáng cho kẻ thù những đòn đích đáng, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của cả dân tộc.

Chương V: Vỗ lửa Trường Sơn trở về với những ký ức hào hùng khi quân dân ta “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” (Tố Hữu) và những nẻo đường ấy đổ về Tây Nguyên, đổ về Buôn Ma Thuột vào tháng ba năm 1975. Có thể nói, Trường Sơn, đường mòn Hồ Chí Minh, đường dây 559 là một huyền thoại của cuộc chiến tranh nhân dân có một không hai trong lịch sử nhân loại. Ở đó, tất cả những khó khăn, gian khổ, hy sinh được dồn nén, sự ác liệt, tàn khốc của chiến tranh cũng cô đặc và phẩm chất anh hùng của quân dân ta toả sáng rực rỡ. Hàng nghìn cây số đường rừng được mở ra dưới mưa bom bão đạn, biết bao những đèo dốc cheo leo, hiểm trở, những núi cao, sông sâu, những ngầm, những suối, thấm bao máu và mồ hôi của bộ đội, thanh niên xung phong và đồng bào các địa phương trên những cung đường:

“Những ngầm, những đèo phải vượt

Cô đặc máu, mồ hôi

Đường lên cổng trời

Dấu tay nối nhau

Vịn vào cây nhẵn bóng gương soi”

Không thể kể hết những vất vả, gian lao mà người lính Trường Sơn đã phải vượt qua trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt khi giặc Mỹ dùng cả B.52 và chất độc hoá học để huỷ diệt núi rừng, huỷ diệt con đường chiến lược nối hậu phương với chiến trường miền Nam. Chỉ những địa danh cũng đã gợi lên được những hiểm nguy và quyết liệt ấy:

“Đồi Thịt Băm, hang Tám Cô, sông Máu

Thác Lửa, thác Chông, thác Chồng, thác Dấu

Rừng Le, rừng Khộp, dốc Cọp, dốc Voi”

Những hy sinh, mất mát không thể đong đếm được: “Có đợt nghìn chuyến xe đi/ Còn trăm rưỡi trở về đất Bắc”, nhưng vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, quân dân ta vẫn tiến lên phía trước, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy để giành chiến thắng. Trường Sơn chính là nơi hội tụ của muôn triệu tấm lòng yêu nước, nơi toả sáng của những phẩm chất anh hùng, nơi gặp gỡ của những người đồng đồng chí, đồng hương, không phải cùng quê mà cùng chiến trường: “Đồng hương Trường Sơn”. Từ Trường Sơn, những sư đoàn quân ta “Như năm ngón tay chụp xuống Tây Nguyên”, mở đầu chiến dịch mùa xuân: “Sư đoàn 3, Quân khu 5/ Cắt đường 19”, “Sư đoàn 968 điều động từ Lào về để nghi binh”, “Sư 320 …/ Quả đấm thép chặn đường 14”, “Sư đoàn 10 phải diệt nhanh Đức Lập? Để kịp về phía Đông Ban Mê”, “Sư đoàn 316 …/ Ém quân phía Tây sông Sê – rê – pôk”. Tất cả sức mạnh bủa vây, dồn về trận quyết chiến: Giải phóng Buôn Ma Thuột, ngày 10 tháng 3 năm 1975. Đòn tấn công chiến lược bất ngờ và mãnh liệt như vũ bão vào huyệt hiểm làm cho quân thù choáng váng, khiếp sợ và tan rã nhanh chóng:

“Lê Trung Tường tư lệnh sư 23 bạt vía

Phạm Văn Phú tư lệnh vùng 2 kinh hồn

Đại tướng Cao Văn Viên thất kinh

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hoảng hốt”

Quân địch, kẻ bị tiêu diệt, kẻ vị bắt sống hoặc tháo chạy hỗn loạn, quân ta chặn đường, truy kích, tiêu diệt nhiều sinh lực đich, đánh tan những đợt phản công của chúng, giải phóng cả vùng Tây Nguyên, mở đầu mùa xuân đại thắng.

Tác giả đã gợi lại khí thế chiến đấu và chiến thắng của quân dân ta với niềm vui, tự hào, rạo rực phấn chấn, cảm hứng đó đã gặp gỡ Nguyễn Trãi khi viết Bình Ngô đại cáo năm trăm năm trước với “hào khí xung thiên”, đến cả sông núi cũng cũng hoá mình reo vang niềm vui chiến thắng:

“Ngọc Linh choàng voan mây trắng

 Chư Yang Sin cười chớp mi xanh

Hoa sóng reo mừng Sê San

Thác nhảy hoà ca Sê – rê – Pôk”

Chiến công nào cũng trả giá bằng máu và nước mắt, bằng những gian khổ hy sinh của đồng chí, đồng bào ta, trong niềm vui chiến thắng, tác giả không khỏi bùi ngùi tưởng niệm:

“Những đồng bào, đồng chí bám rừng

Không kịp dự lễ mừng chiến thắng

Trời bớt xanh và mây bớt trắng

Cứ nhạt nhoà trong nước mắt cay cay”

Chương VI: Lời ru bi đông là khúc tưởng niệm những người chiến sĩ đã ngã xuống trên đường Trường Sơn cũng như trên khắp các chiến trường trong hai cuộc kháng chiến giải phóng đất nước mấy chục năm trời. Tác giả đã tìm được một hình ảnh có tính chất biểu tượng cho cuộc đời chiến đấu, hy sinh của người chiến sĩ, đó là chiếc bi đông. Chiếc bi đông đựng nước uống gắn liền với cuộc đời người lính, đi qua bao dặm đường, bao chiến trường ác liệt, góp phần làm nên những chiến công. Người lính ngã xuống trên chiến trường, thân xác hoá thành cát bụi, linh hồn về cõi hư vô, chỉ còn lại chiếc bi đông chung thuỷ:

“Xương khô trên võng rừng già

Thuỷ chung cùng bạn vẫn là bi đông”

“Xe tăng quần nát thân người

Bi đông hoà đất không rời bạn yêu

Ăn nhầm lá độc, hồn xiêu

Bi đông tê tái bao điều thương đau

Lũ rừng đổ ập suối sâu

Bi đông ôm bạn tấp đầu ngọn cây”

Chiếc bi đông – một vật dụng “tròn tròn tròn” vô tri vô giác đã trở thành hoá thân của linh lồn, của sự sống, trở về trong vòng tay yêu thương và lời ru đắng ngọt của mẹ:

“À ơi cái ngủ ơi à…

Mẹ ru, ru đứa con xa chưa về

Bi đông ôm ấp cận kề

Tưởng đâu con trẻ gối mê đêm trường”

Cái hay của chương VI chính là ý nghĩa nghĩa biểu tượng đặc sắc của những hình tượng thơ: Nếu hình tượng bi đông tượng trưng cho hàng chục vạn chiến sĩ đã hy sinh thì hình tượng lời ru của mẹ cũng chính là lời của quê hương, lời ru của đất nước giành cho những người con ưu tú của mình đã hiến dâng xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tác giả đã láy đi láy lại điệp khúc “À ơi cái ngủ ơi à…” ở đầu các đoạn thơ để tạo một âm điệu tiếng ru trầm trầm (không phải tiếng ru trầm bổng thông thường) đầy yêu thương và xót xa như nuốt cả nỗi đau vào lòng. Thể thơ lục bát truyền thống giàu nhịp điệu rất phù hợp với việc thể hiện nội dung cảm hứng của niệm khúc ấy. Theo tôi, đây là phần thành công nhất của tác giả trong bản trường ca này.

Chương II: Văn bia tưởng niệm thể hiện ý tưởng nghệ thuật của tác giả là khái quát những ý nghĩa lịch sử cách mạng của dân tộc Việt Nam cũng như của vùng đất Đắk Lắk nói riêng trong cuộc trường chinh giải phóng đất nước đau thương và oanh liệt ở thế kỷ XX. Đó là lịch sử được viết bằng máu, mồ hôi, nước mắt của nhiều thế hệ người Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Vì là “Văn bia tưởng niệm” nên tác giả đã viết những câu thơ kết cấu song song như những vế đối khá chuẩn. Đây cũng là nét độc đáo của chương thơ này:

“Chủ tịch Hồ Chí Minh khơi nguồn sức mạnh

Đảng Cộng sản Việt Nam nhen lửa đấu tranh”

“Súng nổ đồn điền Ca Đa, sấm chuyển mùa thu Cách mạng

Cờ đỏ tung bay Lạc Giao, triều dâng sức mạnh nhân dân”

“Ba mươi năm một cuộc trường chinh:

Gian khó, đắng cay, có ngại chi lưng trần, khố vải

Nửa thế kỷ mấy đời đế quốc:

Tù ngục, súng gươm vẫn vẹn tròn nghĩa Đảng, tình dân”, vv…

Chương III: Viết cho con là tâm tư, tình cảm, ý nguyện của người cha nhắn gửi với con, cũng là lời nhắn gửi của cả thế hệ cách mạng đi trước đối với thế hệ trẻ ngày nay. Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhân dân ta tiến hành công cuộc đổi mới đã 30 năm, đất nước ta đã và đang thay da đổi thịt từng ngày, trưởng thành trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đời sống của nhân dân ta ngày càng được cải thiện, đi tới ấm no, hạnh phúc. Một bộ phận trong giới trẻ ngày nay ít quan tâm đến quá khứ đau thương và lịch sử hào hùng của dân tộc, không cảm nhận được những gian khổ, hy sinh mà thế hệ cha ông đã trải qua, không thấu hiểu được giá trị của đất nước Độc lập và Tự do. Chính vì vậy, nhà thơ đã gợi lại những tư liệu lịch sử đất nước qua các thời kỳ, những hình ảnh tiêu biểu của văn hoá dân tộc, những phẩm chất tốt đẹp và đạo lý truyền thống của người Việt Nam. Tất cả tạo nên một thông điệp trí tuệ và tình cảm gửi đến thế hệ trẻ: Hãy sống thật đẹp, hãy cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước để xứng đáng với thế hệ đi trước, xứng đáng với lịch sử vinh quang và hào hùng, xứng đáng với truyền thống văn hoá, đạo lý nhân văn của dân tộc Việt Nam.

Về phương diện nghệ thuật, tác phẩm đã đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của thể loại trường ca, “một thể loại trữ tình – tự sự, hoành tráng, cho phép kết hợp những chấn động lớn, những cảm xúc trầm sâu và những quan niệm về lịch sử”*. Tác giả đã xây dựng được nhân vật trữ tình với diễn biến cảm xúc sinh động trước hiện thực đời sống và những sự kiện lịch sử. Chương I, II, VI có nhiều đoạn thơ, câu thơ hay, thể hiện cảm xúc trữ tình sâu lắng và sức liên tưởng phong phú, đặc biệt chương VI có những sáng tạo hình ảnh độc đáo, vừa cụ thể sinh động lại vừa có ý nghĩa tượng trưng, khái quát cao. Sự sắp xếp các chương là hợp lý nhưng mạch thơ theo diễn biến của nhân vật trữ tình lại bị ngắt quãng, đến những chương sau (IV, V, VI, VII), cái tôi trữ tình như bị chìm đi, bị lấn át bởi những sự kiện. Chương VII, VIII, vì tác giả quá chú trọng đến yêu cầu tư tưởng và mục đích giáo huấn nên chất lượng thơ giảm sút hẳn so với các chương trước, có những câu thuần tuý là khẩu hiệu bắt thành vần, chất thơ giàu tính chính luận nhưng có những câu thơ khô khan, thiếu cảm xúc và sức sống.

Tóm lại, trường ca Nước mắt Trường Sơn của Hữu Chỉnh là ký ức sinh động về một thời cách mạng, một vùng cách mạng, ký ức về một thời hoa lửa không thể nào quên trong cuộc trường chinh vĩ đại vì Độc lập, Tự do của dân tộc ta. Tuy còn những hạn chế khó tránh khỏi nhưng tác phẩm vẫn có những giá trị khá độc đáo về nội dung tư tưởng và nghệ thuật, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với thế hệ trẻ ngày nay.

N.P.H

* Từ điển văn học – Bộ mới, NXB Thế giới, 2004, tr 1867