Nước và gió – Truyện ngắn Trần Hương Giang

663

(Vanchuongphuongnam.vn) – Mưa tầm tã suốt cả ngày hôm qua. Đêm nay nước dâng lên. Cho đến khuya gió thổi mạnh hơn và nước dâng cao rất nhanh không thể nào trở tay kịp. Chị đã quá mệt mỏi sau một ngày làm việc vất vả, tối về cứ thao thức dọn dẹp chờ bão tới. Mỗi khi bão thường kéo theo lũ quét rất nhanh và rất hung hãn. Chị lo ngại vì căn nhà ngói trệt không có một căn gác để đem thức ăn cất trên đó, cho an lòng không phải đói trong những ngày lũ.

Đành thế thôi, đến đâu hay đó. Xóm này toàn nhà trệt không ai xây lầu. Vào thời điểm kinh tế khó khăn kiếm cái ăn cái mặt đã khó, có một căn nhà đi về là vui mừng lắm rồi. Lụt sẽ đến thăm cả xóm làng không chừa một ai. Người nghèo khổ hơn chỉ kiếm ăn từng bữa sẽ thất nghiệp . Người giàu có đủ phương tiện có lầu cao dự trữ lương thực cũng an toàn hơn. Đó cũng là lý do khiến cho ai cũng cố làm giàu. Nhưng đâu phải cứ lo làm là giàu!

Hai vợ chồng chị loay hoay từ khi nước vào sân. Đâu ngờ chỉ trong thoáng chốc nước leo lên thềm rồi rất nhanh nước vào thăm nhà. Dọn đồ đưa lên tủ, trần nhà rồi hé mắt nhìn ra cửa sổ nhìn lũ đang hung hãn cuốn phăng đi hết cây cối, gà vịt và vật dụng trôi bềnh bồng theo nước. Chúng trôi thật nhanh. Chị cảm thấy sợ hãi. Nếu nước chỉ cần dâng cao lên chút nữa cả anh và chị đều bị chúng cuốn trôi nhanh như gà vịt vậy. Khi đó có biết bơi cũng không thể nào bơi kịp với dòng nước để tắp vào đâu, để níu vào đâu cho sống sót. Mỗi khi sợ quá chị hay cầu nguyện lạy trời phật thôi hãy ngưng cơn lũ.

Đến khuya nước càng lên cao. Cả hai người đã leo lên xà ngang ngồi đó níu cột nhà để giữ mình khỏi bị té. Cánh cửa chính bỗng bật tung và nước ào vào nhà, kéo đi luôn cánh cửa sau. Chợt có tiếng kêu la ơi ới ở nhà bên. Nhìn qua thấy cậu Dũng đã ngoi đầu lên khỏi mái tôn đang kêu cầu cứu. Ai cứu ai bây giờ khi thuyền cứu hộ chưa có, máy bay cũng chưa đến. Bỗng có tiếng kêu:

– Hân ơi Hân ơi. Có lên đò tui cùng đi cứu chở bà con không?.

Tiếng anh dõng dạt:

– Đi chớ sao không. Vào đây tui đi với. Nhưng mà chở họ đi đâu?

– Tới nhà lầu ông Thái.

– Tốt quá!

Anh leo lên chiếc đò nói lại với vợ:

– Em cứ ngồi yên trên đó để anh qua xem tình hình nhà ông Thái ra sao anh sẽ chở em qua. Chừ để cứu mấy cha con nhà Dũng đã.

Chị lo sợ dặn dò:

– Cẩn thận nghe anh!

Hai ông qua nhà Dũng chở hết ba cha con qua nhà ông Thái. Anh ngạc nhiên khi thấy căn nhà cầu nhỏ bé của ông đã đông kín người từ lâu rồi. Họ mang theo cả gạo, nước mắm… chất đầy một góc. Anh mừng quá, thầm cám ơn ông Thái đã giàu lòng thương yêu giúp đỡ bà con trong cơn hoạn nạn này. Hai người quay về kêu la inh ỏi :

– Ai muốn di tản qua nhà ông Thái?

Tiếng gọi ơi ới, nhà nào cũng gọi. Vậy là hai người chở họ lần lượt đến nhà ông Thái mà anh quên mất là vợ mình cứ phải ngồi một chỗ trên đôn nhà rất nguy hiểm. Khi anh quay trở về nước có rút đi bớt nửa gang tay. Anh vào nhà gọi vợ thì thấy chị đã đứng ôm song cửa sổ cả người bị dầm trong nước. Chỉ vì mỏi tay quá chị đã buông tay và rơi xuống giường cạnh cửa sổ. Anh hớt hải gọi:

– Đi đi em. Lên đò anh đưa qua nhà bác Thái.

– Nhưng áo quần đâu mà mặc? Để em leo lên đó lấy bao áo quần và thùng mì theo nghe anh.

Thế là họ qua ở nhà ông Thái cùng với bà con trong xóm. Trong cảnh khổ như thế này họ bỗng thấy thương nhau hơn. Mấy bà hàng xóm hay gây gổ nhau hàng ngày bây giờ cũng tay bắt mặt mừng, ngồi bên nhau và cầu nguyện…

Gần sáng, nước rút đi chỉ còn ngấp nghé trên thềm nhà. Mọi người trở về nhà nhưng không mang theo lương thực về vì họ biết tất cả đã ướt vì lũ. Ai cũng sững sốt kêu la “Trời ơi nó trôi hết rồi bà con ơi!”; “Trời ơi có còn chi nữa mô chỉ có đống bùn!”; “Mấy con heo tui nuôi ba tháng nay cắt củm từng đồng dồn vào chúng. Chừ nó đi về đâu rồi không biết?”… Những lời than khóc khắp nơi vang trong xóm. Bỗng dưng chị ngồi xuống chiếc giường còn ướt tanh mùi bùn và khóc nức nở… Cũng may chưa nghe ai chết. Mọi người vẫn an toàn nhờ có nhà lầu bác Thái.

Hai hôm sau mới nghe tiếng kêu của người của Ủy ban phường:

-Bà con về phường nhận gạo mì nhé!

Sau khi dọn nhà tạm sạch bùn, chị và mấy người hàng xóm kéo nhau về phường “đi xin”… Đúng là “đi xin” chỉ sau một trận lụt. Còn gì mà không đi xin đi nhận. Gạo ướt hết rồi đang ửng mủi hôi. Củi lửa cũng ướt nhèm. Lò sô cũng chìm trong nước. Chẳng còn gì để nhúm lên một chút lửa. Đói sẽ đến bao giờ ?

Họ vừa nhận xong mì tôm thì bóc ra ăn ngay trước sân Phường. Đói cả ngày hôm qua rồi. Chỉ cần ăn thôi. Nhìn họ ăn vội vã và nhìn nắm mì trên tay mình chị lại khóc. Sao mà chị không cầm lòng mình được trước cảnh này. Chị nhớ ngày hôm qua khi còn lội qua lại trong căn nhà chị đã nghe tiếng máy bay trực thăng liệng qua liệng lại trên bầu trời. Hóa ra là thế họ đã chở thức ăn thả xuống Ủy ban phường. Gạo vẫn còn khô nguyên hạt, mì giòn tan, có cả nước mắm và bột ngọt. Đến một lúc chỉ thấy được từng đó thôi mà chị đã thấy ấm lòng. Nhìn chung quanh ai cũng nhai ngồm ngoàm những miếng mì mà chị cười trong nước mắt.

Ngơ ngơ ngác ngác trong căn nhà dơ bẩn chị cứ trông mãi ra đường chờ một cái gì đó. Ừ chờ đứa con trai đang học ĐH tại Sài Gòn, chờ một lời thăm hỏi của con, chờ một lời của bà con ai đó, chờ họ cho thêm lương thực… Chờ những gì chị và mọi người đang khao khát. Nhưng điện bị cắt toàn bộ. Có điện thoại cũng không hoạt động được. Ở đây chờ. Trong đó đợi. Lửa bùng trong ruột. Chờ cái gì khi các lối đi đều bị ngăn chia bởi hậu quả sau cơn lũ? Rồi nghe tiếng anh cán bộ phường kêu: “Về phường nhận áo quần bà con ơi”! Chị sợt nhớ ra bao áo quần bên nhà ông Thái. May mà mang theo nên còn được vài bộ, còn tất cả đã trôi hết rồi.

Chị cùng hàng xóm đi nhận áo quần. Ôi những cái áo quần kích cỡ khác nhau cũ có mới có. Chưa bao giờ chị nghĩ ra có một lúc mình lại đi xin áo quần xin đồ cũ. Chị thấy áo quần đẹp cũng nhiều nhưng hình như đồ viện trợ nên họ không mặc vừa. Nhưng có còn hơn không. Mỗi người được ba cái. Nghẹn ngào khi mình nhận được cái áo khoác ngủ rộng thùng thình của một nơi xa nào đó đã từng viện trợ cho Việt Nam rồi chị bật cười. Bà Dung hàng xóm nói: “Kệ lúc ni có áo quần mặc là mừng rồi”!

Họ kéo nhau về rôm rả chuyện đường xá đã thông hẳn chưa. Có cây cầu nào con đường nào bị hư thủng chưa đi được. Trong tỉnh thôi mà còn bị ngăn cách từ nơi này qua nơi khác. Rồi nghe đâu trên Bãng Lãng người chết bị trôi xác cũng nhiều, nhà thì bị cuốn phăng đi hết… khủng khiếp thật. Từ khi chị được sinh ra và lớn lên có khi nào chị thấy lũ lụt hung bạo như thế đâu!

Vài ngày sau khi điện được nối lại chị nhận điện thoại liên tục, người gọi sớm nhất là con. Nó khóc òa khi biết cha mẹ còn sống. Mấy ngày qua nó cứ lo nghĩ viễn vông đủ thứ. Rồi bà con ở xa gọi về thăm hỏi. Rồi ai cũng nói muốn gởi hàng về viện trợ nhưng xe chưa thể vào Huế. Chỉ có máy bay chở hàng viện trợ nhanh của các nước khác trên thế giới. Nghe vậy ai cũng mừng.Có thể có ăn có mặt trong những ngày sắp tới. Dù không nhiều cũng đủ lấp liếm qua ngày cho vơi bớt khổ đau…

Rồi mọi người chung nhau hàn gắn từ vật chất đền tinh thần. Đường sá được khởi công tu sửa. Nhà nhà kiếm việc làm cho qua cơn hoạn nạn.Họ mất hết gần như trắng tay nhưng vẫn cố gắng làm lại từ đầu. Miễn là con người còn sống còn sức khỏe. Bàn tay rắn chắc sẽ làm nên tất cả để bù đắp những gì đã mất mát.

Nửa tháng sau báo chí đưa tin thành phố Huế đang khôi phục lại sau trận lũ lịch sử năm 1999, trận lũ lớn nhất từ khi có trận lũ năm Thìn 1952!

T.H.G