Ở nhà – Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Hiền

805

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi từ khi còn rất nhỏ đã thích hầu hết các loại sách, báo. Cổ tích và truyện tranh là hai loại truyện gần gũi nhất với thiếu nhi mà tôi cũng rất thích. Nhà tôi sưu tầm rất nhiều loại sách, báo thích hợp với mọi lứa tuổi và ba tôi giành riêng cho con gái một  giá sách nhỏ theo sở thích của tôi. Ngày nào sau giờ học tôi đều ôm một quyển sách. Cái giá sách là người bạn thân thiết của tôi hàng ngày.  

Tác giả Nguyễn Thị Thu Hiền

Mọi người coi tôi là người ở nhà bắt đầu từ cái ngày cuối cùng ở cơ quan sau 10 năm tôi lặng lẽ làm việc, phấn đấu, cống hiến cho công ty. Cầm tờ quyết định chấm dứt hợp đồng lao động vì công ty phá sản, lòng những rưng rưng muốn khóc. Nước mắt chảy không phải vì hối tiếc hay khúc mắc gì mà vì nổi lo cơm áo gạo tiền. Khóc vì phải xa cái nơi đã để lại bao kỷ niệm buồn vui. Khóc bởi từ nay thôi hết những nếp sống công việc, đi lại, sinh hoạt, nói năng, giao tiếp, háo hức đến ngày nhận lương. Lòng sao ngổn ngang hụt hẩng, bâng khuâng…Vậy là từ nay tôi trở thành người thất nghiệp, trở về nơi “xó bếp”. Về đến nhà, chồng tôi động viên vợ: “ Trong khi chờ đợi công việc mới, em trông nhà trông con để anh có thời gian mà nhận thêm việc thì sẽ có thêm tiền, em cứ nghĩ ngơi, muốn đi đâu thì đi, muốn học thêm môn gì thì cứ học, cứ thỏa mái vui vẻ cho nhẹ người. Chuyện đâu còn có đó, còn chuyện kiếm tiền anh thu xếp được ”.

Nghe chồng nói, tôi rất xúc động và tự an ủi mình: “ Mình ở nhà cứ coi như làm công việc trong “xó bếp”. Mọi chi tiêu anh ấy lo, mình sẽ tiết kiệm và cắt giảm bớt một số khoản chi không cần thiết. Với lại mình còn khoảng tiền lương thất nghiệp trong thời gian sáu tháng. Như vậy thì sẽ không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống gia đình, coi như tạm yên tâm, mình sẽ cố gắng tìm một công việc mới”.

Lâu lắm rồi, tôi mới dậy sớm xuống bếp nấu món điểm tâm cho cả nhà. Một lúc sau thấy chồng con ào xuống. Vừa đi các con tôi vừa hít thở và khen ầm lên: “ Thích quá! Mẹ nội trợ có khác. Thơm mùi thức ăn từ sáng tinh mơ. Từ nay cả nhà mình khỏi phải lo đói bụng nữa rồi ”. Khi tôi đem bữa điểm tâm cho chồng, chồng tôi nói rất âu yếm: “ Tiền lương anh để trên mặt tủ. Em thích mua gì thì mua. Anh không tiếc tiền, chỉ mong em vui vẻ là được ”.

Tôi nói nhỏ: “ Ở nhà làm nội trợ cùng lắm là ra chợ mua thức ăn. Có gì cần đâu mà phải mua ”. Nhưng thật ra tôi thừa biết tiền lương của chồng làm sao nuôi nổi cả gia đình nếu không biết tiết kiệm, giỏi tính toán.

Tôi không thích công việc trong “xó bếp” nhưng thời buổi khủng hoảng kinh tế,  tìm kiếm một công việc mới phù hợp trong thời buổi hiện tại thật không dễ dàng gì. Tâm trạng tôi không nguôi nhớ nơi làm việc cũ mặc dù ở đó tôi chỉ là một nhân viên bình thường. Tôi nhớ những buổi sáng bước vào cổng cơ quan, tiếng người hỏi nhau đủ chuyện ríu ra ríu rít. Tôi nhớ những khi cơ quan có ai đó ốm đau, mọi người rối rít rủ nhau đi thăm nom. Nhớ những lần có người được tăng lương là cả nhóm kéo nhau đi khao. Thật không ngờ cũng có ngày niềm vui “ xó bếp” đến với tôi lúc nào tôi cũng không hay. Và điều thật không ngờ tới là khoảng tiền chi phí cho cả gia đình những tháng tôi ở nhà lại chỉ bằng 2/3 những tháng tôi còn đi làm. Có lẽ nhờ tôi biết tiết kiệm, sắp xếp lại chi tiêu, lên kế hoạch cắt giảm những khoản chi không cần thiết.Thay vì trước đây cuối tuần cả gia đình đi ăn nhà hàng thì bây giờ tôi lại tổ chức buổi tiệc đầm ấm tại nhà. Buổi điểm tâm thì tôi dậy sớm để nấu cho cả nhà chứ không ra ngoài ăn như trước đây. Tôi dọn dẹp lại đồ đạt và phát hiện ra nhiều vật dụng, áo quần, giày dép…chưa dùng tới, có cái còn cả niêm chưa khui, vậy là tận dụng dùng đỡ phải mua mới, đỡ tốn tiền.Tôi còn trồng rau sạch trên sân thượng dư ăn cho cả nhà, lại đảm bảo sức khỏe. Rau dư nhiều, tôi lại lên mạng tìm hiểu học hỏi cách chế biến nhiều món ăn với rau mới lạ, bổ dưỡng. Ba cha con ngày càng ghiền món ăn tôi nấu. Hạnh phúc nhất là ngày nào tôi cũng được đón  con gái đi học về, sau lời chào bao giờ cũng hỏi thăm “Tối nay nhà mình ăn gì vậy mẹ?”. Sự háo hức của hai cha con khi được ăn món mẹ nấu làm tôi quên hết cả mỏi mệt. Chồng tôi rất thương vợ và hiểu tâm lý của vợ nên công việc nơi “xó bếp” cũng không đến nổi áp lực như tôi vẫn thường nghĩ trước đây …

Tôi từ khi còn rất nhỏ đã thích hầu hết các loại sách, báo. Cổ tích và truyện tranh là hai loại truyện gần gũi nhất với thiếu nhi mà tôi cũng rất thích. Nhà tôi sưu tầm rất nhiều loại sách, báo thích hợp với mọi lứa tuổi và ba tôi giành riêng cho con gái một  giá sách nhỏ theo sở thích của tôi. Ngày nào sau giờ học tôi đều ôm một quyển sách. Cái giá sách là người bạn thân thiết của tôi hàng ngày.

Một hôm, khi được hỏi nghề nghiệp muốn làm trong tương lai,  tôi mơ ước trở thành nhà văn, nhà báo. Và, càng ngày tôi càng mong muốn thực hiện giấc mơ đó. Tôi đem chuyện này kể với mọi người với mong muốn chia sẻ mà thôi. Không ngờ mọi người làm cho tôi bị sốc thật sự với những lời lẽ như sau: “ Tưởng làm nghề gì, ai đời lại ước mơ làm cái nghề viết lách vớ vẩn đó mà thu nhập thì chẳng là bao. Không nghe người đời có một câu nói vui là: “ Đài nói láo, báo nói thêm” à. Nuôi con ăn học vất vả trăm bề, lớn lên phải làm một cái nghề gì cho thật to tát, hoành tráng, thực tế một chút như bác sỹ, kỹ sư chẳng hạn. Còn ước mơ làm cái nghề viết lách vớ vẩn đó là cấm tiệt…”. Vì sức ép từ cuộc sống tôi đã từ bỏ ước mơ để thi vào đại học kinh tế. Để rồi sau 10 năm tốt nghiệp đại học tôi chỉ là một nhân viên quèn và bây giờ lại thất nghiệp.

Có thể  mọi người không ủng hộ ước mơ trở thành nhà văn của tôi vì ước mơ đó không có giá trị gì với họ. Nhưng, với tôi thì khác. Đó trước hết là tâm huyết của tôi, sau là cách nhìn của tôi về cuộc sống. Tôi hiểu được mình đang nghĩ gì, cảm nhận thế nào về thế giới xung quanh. Quan trọng hơn nữa là việc: ai cũng có ước mơ nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được ước mơ của mình. Tôi thì đang ngày đêm mong ước được thực hiện điều đó, thực hiện ước mơ trở thành nhà văn đó là điều đáng được khích lệ, tự hào. Nghề nghiệp có giá trị riêng của mỗi người và những việc mà tôi sẽ làm được trong tương lai cũng mang giá trị riêng của nó. Có thể nghề đó vô nghĩa với người này nhưng lại là nghề vô giá đối với người khác. Đâu đó vẫn có người đang ngày đêm thực hiện ước mơ của mình mặc dù trong con mắt người khác nó trở nên phù phiếm. Vậy thì không cớ gì tôi lại không thực hiện ước mơ cháy bỏng của mình. Tôi tỏ rõ sự quyết tâm và kiên định với ước mơ của mình. Cố gắng lên và đừng bao giờ lùi bước…

Thất nghiệp tôi có thời gian để thực hiện đam mê của mình,  thấm thoát trôi qua, tôi trở thành một người viết lách được nhiều người khen ngợi. Tôi có thể ngồi viết cả ngày không biết chán mà không hề để ý đến mọi việc diễn ra xung quanh. Nhiều hôm sắp lả đi vì đói mới khiến tôi dứt ra khỏi việc viết lách.Tiền tôi kiếm được chẳng thấm gì so với niềm đam mê trong tôi. Tiền không phải là mối quan tâm lớn nhất mà là bài viết của tôi được nhiều độc giả quan tâm yêu mến. Nhiều khi tôi khắc họa chân dung một nhân vật với nhiều thói hư tật xấu và biết bao nhiêu chuyện khó tính, lẩm cẩm buồn cười. Vậy là mọi người  vừa đọc vừa cười tủm tỉm, rúc rích, khúc khích, thậm chí có người cười nghiêng ngã, lại còn bảo không ngờ chuyện thường ngày  lên báo lại hóm hỉnh, hài hước, buồn cười, sâu cay đến thế. Nhưng cũng có nhiều người ngồi trầm ngâm nghĩ ngợi, có tật giật mình: “ Hình như nó đang viết về mình thì phải, còn bị nó bêu xấu hết cỡ mới buồn chứ. Nó bới móc thói hư tật xấu của mình ra châm chọc, giễu cợt làm trò cười cho thiên hạ. Uổng là mình đối xử tốt với nó, cứ tưởng rằng nó hài lòng về mình, thế mà không ngờ…Cũng may là nó còn khôn ngoan khi không nêu tên đích thân mình ra chứ không mình từ mặt luôn đứa bạn đáng ghét…”. Nhiều người sợ hãi trước ngòi bút của tôi, toàn bộ cuộc đời của họ đã bị ngòi bút của tôi bôi đen cho dù tôi không hề viết gì đến tên tuổi của họ. Nhiều người không dám tâm sự với tôi trừ khi tôi chủ động, họ sợ làm bạn với một người chuyên viết lách như tôi. Bằng ngòi bút của mình, tôi nã đạn vào những vấn đề tiêu cực của xã hội, nhưng tôi nhận thấy rằng: Viết về điều tốt, mặt tích cực thì dễ nhưng viết về những vấn đề tiêu cực thì không dễ chút nào. Nhiều khi bị mọi người hiểu lầm khiến tôi rơi vào tâm trạng chán nản, mệt mỏi chỉ muốn bỏ nghề. Nhưng điều đó cũng chưa khủng khiếp bằng việc mọi người xung quanh cứ xem tôi là người thất nghiệp, ở nhà chồng nuôi. Vì mang tiếng là “ Ở nhà” nên tôi phải quán xuyến tất cả việc nội trợ cho dù có hôm thức đến 2h sáng để viết bài. Nhiều việc trước kia chồng đảm nhiệm nhưng bây giờ anh giao phó hết cho vợ không thèm động tay động chân. Nhiều thói quen chia sẻ việc nhà trước đây của chồng thì bây giờ anh không còn duy trì nữa. Tôi vô tình rơi vào bế tắc, cảm thấy hoang mang về chính bản thân mình. Nhưng bằng sự nổ lực của bản thân, tôi đã chứng minh được cho mọi người thấy tôi có khả năng trong công việc và hoàn toàn sống được bằng chính sức lao động của mình.…

Thu Hiền