20.4.2018-08:00
Tác giả Vũ Đức Sao Biển giới thiệu tập sách được xem là đúc kết cả một đời làm báo với nhiều cuộc tiếp xúc cùng các bạn trẻ ngày 15.4 tại TP.HCM
Ơi cái tuổi trăng tròn làm sao vui sống!
LAM ĐIỀN
NVTPHCM- Nhan đề sách như tiếng kêu, cất lên vừa kịp lúc, nhất là khi dư luận đang băn khoăn không chỉ với cái kết cục không vui của em nữ sinh Song Toàn sau khi lên tiếng trước “cô giáo không giảng bài”, mà còn với hai em học sinh tại TP.HCM vừa tự tử.
Buổi ra mắt tập sách Ơi cái tuổi trăng tròn của nhà báo, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển tại Đường sách TP.HCM sáng 15-4 được đông đảo bạn trẻ và phụ huynh tham dự, như dịp để cùng thảo luận về câu hỏi: Chúng ta đang làm gì cho em, cháu chúng ta – những bạn trẻ độ tuổi trăng tròn?
Tác giả Vũ Đức Sao Biển chia sẻ về câu chuyện của em nữ sinh Song Toàn: “Chúng ta thấy đó là bài học về tiếng nói trung thực, tiếng nói ngay thẳng của một nữ sinh mà cả người lớn cũng cần học tập”.
Còn trường hợp học sinh vì chịu áp lực mà phải tự tử, nhà báo Vũ Đức Sao Biển cho rằng nhiều khi chính người lớn tạo ra sự lo lắng ở con trẻ, và “mong sao các em làm được cái điều giản dị cụ Nguyễn Hiến Lê từng nói trong một nhan đề sách: Quẳng gánh lo đi mà vui sống”.
Chia sẻ sâu hơn về điều này, ông tâm sự: “Tôi mong mỏi các bậc phụ huynh coi các em là bạn nhỏ của mình. Nếu ta thể hiện được tấm lòng của người bạn với người bạn, các em sẽ không cô đơn, không cảm thấy cô độc”.
“Tôi dùng chữ từ tốn chứ không phải tử tế hay lịch sự. Sự từ tốn là cần thiết để mỗi người tự cân nhắc từng hành động khi dùng mạng xã hội”- tác giả Vũ Đức Sao Biển nói về bài viết “Hãy ứng xử từ tốn trên mạng” trong tập sách.
Trước câu hỏi của một số bạn trẻ rằng giữa tuổi trăng tròn của thế hệ tác giả nay đã vào tuổi 70, với thế hệ các bạn tuổi trăng tròn hôm nay liệu có thể “gặp nhau”, ông nhận định tuy các em hôm nay rành rẽ công nghệ và một số kỹ năng trong đời sống hiện đại “nhưng thế hệ nào cũng có tình yêu thương. Hồi xưa, thầy Tăng Kim Lân vì thấy nhà tôi nghèo mà tặng cho tôi chiếc áo sơmi cũ, tôi quý và nhớ thầy suốt đời. Tình yêu đó của thầy truyền qua tôi. Khi làm thầy giáo, tôi tâm niệm mình phải yêu thương học trò mình hết mực”.
Cùng chia sẻ với buổi giao lưu của tác giả Vũ Đức Sao Biển còn có thầy giáo trẻ Trần Trinh Tường. Anh dẫn lại quan niệm của người Nhật khi dạy con trẻ những lớp học đầu đời thường tập trung vào ba trụ cột: đạo đức, nghị lực và trí tuệ. Trong ba trụ cột đó có cả việc rèn nhân cách, học thể thao võ thuật và phải học vài môn nghệ thuật để trau dồi khả năng cảm thụ cái đẹp.
Đồng thời, thầy giáo Trần Trinh Tường cũng bày tỏ mỗi phụ huynh, mỗi thầy giáo, mỗi lãnh đạo ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm 100% về việc dạy dỗ con em mình.
Ai cũng thấy tuổi trăng tròn là quãng đời rất đẹp, vậy làm sao để những áp lực cuộc sống của người lớn không lấy đi quãng đời rất đẹp đó của các em? Với thầy giáo Tường, anh cho rằng cha mẹ nên dành thời gian cho con, thầy cô nên dành thời gian cho học trò thay vì phán xét, bởi ở đâu có phán xét, ở đó thiếu sự thấu hiểu.
Những lời khuyên sẽ có tác dụng khi được xuất phát từ niềm yêu thương và thấu hiểu, chứ không phải chỉ kỳ vọng tác động từ những lời phán xét của người lớn.
Ơi cái tuổi trăng tròn gồm 20 bài viết về các góc cạnh của bạn trẻ trong độ tuổi 15-18 thường gặp phải. Tác giả Vũ Đức Sao Biển đã gom góp kinh nghiệm của một đời làm báo, viết văn, dạy học để đúc kết thành quyển sách với quan niệm: “Mỗi tuổi trăng tròn là một thế giới. Hãy làm cho thế giới đó thật tươi đẹp”.
Có thể tìm thấy ở đây nhiều lời khuyên hữu ích: học như thế nào, tuổi dậy thì có những gì đáng kể, chống xâm hại tình dục, đừng vô cảm trước cuộc sống…
>> XEM TIẾP THẾ GIỚI SÁCH…