Ơi mùa hoa ban! – Bút ký của Nguyễn Huy Bang

52

(Vanchuongphuongnam.vn) – Chiếc máy bay VJ 299 từ Tân Sơn Nhất (sau 2 giờ 5 phút) bay qua không phận 3 nước.

 

(Cam-pu-chia, Thái Lan, Lào) đáp xuống  Sân bay Điện Biên lúc 11 giờ trưa. Giờ này, nắng chan hòa, nhiệt độ 27 độ. Tôi vội cởi chiếc áo ấm khoác ngoài. Nhìn hành khách xung quanh: ai cũng “thủ” áo ấm như tôi. (Buổi tối hôm trước, nghe TV báo thời tiết: phía Bắc trở rét, nhiệt độ 13-19 độ. Thế là con gái tôi nhét vào vali của ba: áo len, quần len, mũ len, khăn quàng len và sáng ra, bắt tôi khoác lên người một chiếc áo  chống rét khá dày.)

    Mặt trước sân bay chào đón quý khách bằng những khẩu hiệu và cờ hoa rực rỡ của NĂM DU LỊCH ĐIỆN BIÊN và KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ.

    Sân bay cách thành phố Điện Biên 4km.  Trên đường vào thành phố Điện Biên, dọc hai bên đường, hoa ban màu trắng và màu tím nở rộ, theo gió, cành lá đung đưa, cánh hoa vẫy nhè nhẹ như vui mừng chào đón chúng tôi.

Điện Biên bắt đầu vào LỄ HỘI HOA BAN.

    Cũng đã trưa, nên xe đưa chúng tôi vào nhà hàng DÂN TỘC QUÁN. Bữa ăn nhiều món ăn đặc sản dân tộc rất ngon, đặc biệt là món xôi nếp cẩm và rượu táo mèo, lại được cụng ly với các cô gái Thái Đen duyên dáng nên rượu càng thêm ngon.

     Cũng dễ nhận ra các cô gái Thái Đen với Thái Trắng. Một lầm tưởng phổ biến về tên gọi Thái Trắng và Thái Đen bắt nguồn từ màu da. Tuy nhiên, trên thực tế màu da của họ không có sự khác biệt. Điểm phân biệt rõ nhất chính là qua trang phục. Nhìn chung, trang phục của người Thái Đen cầu kỳ và nhiều họa tiết hơn người Thái Trắng. Phụ nữ Thái Trắng mặc áo có cổ hình chữ V. Phụ nữ Thái Đen, cổ áo thường tròn, đứng, đặc biệt là đội khăn có trang trí công phu hơn gọi là KHĂN PIÊU.

     Một đặc điểm rất dễ phân biệt phụ nữ Thái Trắng và Thái Đen là ở mái tóc. Phụ nữ Thái Đen có chồng thường búi tóc trên đỉnh đầu. Nếu búi tóc cân đối thẳng đỉnh đầu là người chồng còn sống. Nếu búi tóc lệch sang trái là người chồng đã mất. Nếu búi tóc lệch sang phải là người phụ nữ đã đi bước nữa. Ngoài búi tóc của chính mình, nhiều khi búi tóc còn được độn thêm to hơn, cao hơn là biểu hiện gia đình rất hòa thuận, hạnh phúc: bởi mẹ chồng thương quý con dâu, đã cắt bớt tóc của mình tặng cho con dâu để độn thêm vào cho búi tóc to hơn, cao hơn.

     Tại nhà hàng QUÁN DÂN TỘC, tôi và anh bạn đồng môn, đồng nghiệp VŨ QUÝ được chính cô chủ quán mời ăn một món rất “ đặc biệt”, đó là món bọ xít và dế mèn chiên giòn. Lần đầu ăn món này, nên thoạt tiên cũng thấy ơn ớn. Nhưng được cô chủ quán khuyến khích nhiệt tình, tôi cũng đành liều. Nhưng khi ăn thì món bọ xít không có mùi hăng hắc khó chịu mà rất thơm và bùi, còn món dế mèn thì béo ngầy ngậy.

      Cảm nhận đầu tiên của tôi là thành phố Điện Biên thay đổi nhiều, to đẹp hơn nhiều so với lần tôi đến Điện Biên cách đây vừa tròn 20 năm ( vào tháng 5 năm 2004), khi tôi đến đây nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ngày ấy, hẩm chỉ huy của tướng Đờ-cát còn nằm ở ngoài cánh đồng, đường đất, cỏ lau mọc um tùm ven lối vào hầm. Bây giờ hầm Đờ -cát nằm ở trong lòng thành phố.

     Tôi chợt nhớ chuyện về tướng Đờ -cát trong ngày mùng 7 tháng 5 năm 1954:

    Trước khi bị bắt, De Castries đã có cuộc nói chuyện cuối cùng bằng điện thoại với chỉ huy của mình ở Hà Nội, khẳng định “Chúng tôi sẽ không hàng”. Cogny đã nói những lời cuối cùng với cấp dưới của mình: “Tướng quân! Tất cả những gì ông đã làm được đều rất tốt, không được hàng, không được để bị bắt sống, ông phải tự sát. Cả nước Pháp sẽ ghi nhớ công lao của ông…”. Ở đầu dây bên này, De Castries dập gót giày đứng nghiêm hứa với Cogny bằng một giọng cảm động rằng ông ta sẽ tử thủ đến cùng. Tuy nhiên ngay sau đó, trong cuộc nói chuyện với vợ mình, bằng một giọng xúc động, De Castries đã hứa là sẽ trở về nguyên lành. Bằng thái độ của một quân binh thực thụ, De Castries đã hứa sẽ tử thủ đến cùng; nhưng bằng bản năng con người ham sống sợ chết, De Castries cùng Bộ chỉ huy của mình đã đầu hàng trước họng súng của Việt Minh. Và cái kế hoạch “mở đường máu” trốn sang Thượng Lào đã được bàn tính trước đó đã mãi mãi không bao giờ thực hiện được.

Ở Điện Biên, tôi được tiếp xúc, giao lưu với nhiều người quê gốc Thái Bình. Việc nhiều người dân Thái Bình sinh sống ở Điện Biên là có nguyên cơ của nó:

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Trung đoàn 176 – Sư đoàn 316 đã chuyển về miền xuôi nhận nhiệm vụ mới. Ngày 10-3-1958 tại huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây, Bác Hồ về thăm và giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316. Bác chỉ rõ: “Hiện nay quân đội ta có hai nhiệm vụ chính. Một là xây dựng quân đội hùng mạnh, sẵn sàng chiến đấu. Hai là tăng gia sản xuất …Bác thay mặt Trung ương cử đơn vị các chú lên Điện Biên làm nhiệm vụ, các chú có đồng ý không?…Bác tin các chú có truyền thống đoàn kết, kỷ luật chiến thắng ở Điện Biên Phủ. Sắp tới các chú xây dựng quyết tâm mới, trở lại Điện Biên vượt mọi khó khăn, xây dựng đất Điện Biên giàu đẹp cho đất nước”.

Ngay sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp huấn thị, giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 176 trở lại Điện Biên xây dựng nông trường sản xuất.

Ngày 18–3-1958, Trung đoàn 176 đã chính thức rời khỏi Sơn Tây, hành quân lên Điện Biên. Ngày 11-4-1958, Trung đoàn 176 đã có mặt tại Điện Biên và bắt tay vào việc xây dựng doanh trại, đồng thời tập trung phát hoang để kịp sản xuất vụ mùa và chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho việc thành lập Nông trường quân đội.

Ngày 08 -5 -1958, Nông trường quân đội Điện Biên được thành lập gồm 1.954 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 176. Nông trường quân đội Điện Biên có nhiệm vụ vừa huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, vừa phá, gỡ bom mìn, khai hoang cải tạo đồng ruộng để phát triển sản xuất, đồng thời hướng dẫn đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, ổn định đời sống.

Nhiều cán bộ, chiến sỹ của Nông trường quân đội Điện Biên đã kết duyên với những cô gái Thái Đen và Thái Trắng, sinh cơ lập nghiệp tại nơi đây. Trong số đó có rất nhiều người quê ở Thái Bình. “Đất lành chim đậu”, người dân ở Thái Bình cũng theo nhau lên xây dựng vùng kinh tế mới ở Điện Biên.

Và từ đó xuất hiện câu ca: “ Thái Đen, Thái Trắng, Thái Bình/ Ba Thái đồng tình xây dựng Điện Biên”

     Đoàn DU LỊCH CAO NIÊN chúng tôi đến Điện Biên vào đúng Ngày Quốc Tế Phụ Nữ mùng 8 tháng 3. Ở đây, tại các bản, người dân tổ chức tiệc lễ to hơn các làng quê dưới đồng bằng. Tại bản Mễn, người dân tụ tập ăn tiệc ở Nhà Văn Hóa rất đông. Chúng tôi ăn tối ở nhà hàng đối diện với Nhà Văn Hóa. Cũng các món ăn đặc sản dân tộc nơi đây rất ngon do chính các thiếu nữ Thái Đen của bản Mễn nấu. Rượu bằng cơm nếp nương ủ men lá, trong vắt, rất thơm, rất êm. Rượu càng ngon hơn, càng nồng đượm hơn khi các cô gái Thái duyên dáng thay nhau đến từng bàn tiệc chuốc rượu giao lưu.

    Xong tiệc, còn có cuộc giao lưu văn nghệ: các thành viên trong đoàn cùng hát ca và nhảy sạp, múa các điệu múa dân tộc cùng với các cô gái Thái.

    Quả là cuộc vui hiếm có!

    Khi đoàn chúng tôi ra xe để trở về khách sạn, thì người dân ở Nhà Văn Hóa bản Mễn ra chào mời, níu kéo  vào cùng ca hát, nhảy múa. Tôi để ý thấy hầu hết là phụ nữ, còn cánh nam giới tham gia rất ít. Nghe tôi thắc mắc điều này thì được một thiếu nữ Thái giải thích: Mấy ông, mấy anh uống rượu say nên về cả rồi, chỉ còn lại một số ít chưa say nên còn ở lại. Thì ra là thế: thứ nhất, tửu lượng của cánh mày râu thua tửu lượng của phái đẹp; thứ hai, các cô gái chuốc rượu thì uống từ từ, còn các anh, các ông thì cứ trăm phần trăm chén đầy, nên chóng say, đành chân nam đá chân chiêu về trước.

    Trong buổi nhảy, một cô gái Thái Đen dáng rất chuẩn, khá xinh xắn, cầm chai rượu rót vào ly và lần lượt đi đến mời người nhảy, Có thêm men rượu nên nhảy càng sung, càng bốc. VUI QUÁ LÀ VUI!

     Tạm biệt Điện Biên, trong lòng mỗi người vẫn lưu lại những dư âm của Điện Biên hào hùng năm xưa, và Điện Biên tươi đẹp của hôm nay, lưu luyến những tình cảm hồn nhiên, chân chất của người dân mến khách, hòa đồng!

    Những cây hoa ban hai bên đường theo gió đung đưa cành lá, những cánh hoa ban màu trắng, màu tím nhè nhẹ vẫy chào tạm biệt!

    Lòng tôi thầm reo: ƠI MÙA HOA BAN!

N.H.B