Ông đại úy – Truyện ngắn của Võ Anh Cương

637

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đại úy Ngạn nhồi thuốc vào tẩu, tay phải ông bật cái quẹt díp pô đưa vào miệng tẩu, ông bập bập cái ống píp rồi phà ra một làn khói xanh. Ông thường dùng loại thuốc Hép vừn hép từ hơn chục năm nay, mùi thơm dịu của khói thuốc khiến ông dễ chịu.

Sáng nay ông mặc bộ trây di màu đen, đầu ông đội mũ bê rê màu đen, chân ông mang bốt đờ sô cũng màu đen. Tay ông cầm kính đen, ông chưa đeo lên mắt vì ông còn đi đi lại lại trong phòng khách, không biết ông nghĩ gì mà mặt ông cau có. Hàm râu kẽm với những sợi râu được cắt tỉa cẩn thận thỉnh thoảng động đậy, có lẽ đây là thói quen của ông đại úy! Một người lính từ ngoài đi vào phòng khách đến trước mặt ông đại úy chụm chân đánh cốp một tiếng, tay anh ta đưa lên vành mũ nhà binh:

– Trình đại úy xe đã chuẩn bị xong!

Ông đại úy nhìn người lính:

– Anh báo cho ông trung đội trưởng nghĩa quân và hai người lính mang máy truyền tin PRC 25 đi theo tôi.

Hạ lệnh xong ông đại úy quay người đi ra khỏi nhà. Đại úy Đoàn Sĩ Ngạn là sĩ quan biệt phái từ tiểu khu về làm Phường trưởng phường Tân Lạc. Phường Tân Lạc là một vùng ven nửa quê nửa tỉnh, những xóm nhà xa nhất của phường nằm sát chân núi, có trời mới biết hàng đêm chuyện gì xảy ra ở trong đó. Hồi hôm ông cho toán nhân dân tự vệ đi kích ở hướng Trại gà, theo tin tình báo ông thu thập được đêm nay du kích sẽ về nhà bà Tám Lạc. Vậy mà cả đêm hướng đó im ắng đến khó hiểu. Ngược lại nửa đêm xóm Di cư lại “ăn” một quả đạn pháo làm một căn nhà gỗ sập một góc, may mắn đó là một căn nhà bỏ không. Nguyên căn nhà này của tay bí thơ phường bộ Tân Lạc đảng Dân chủ kiêm toán trưởng nhân dân tự vệ. Bề ngoài là vậy còn bên trong có trời mới biết hắn làm cái gì và làm cho những ai. Chỉ có điều hình như đối phương nắm không rõ tình hình, tay Yên đã âm thầm cho vợ con bỏ căn nhà gỗ về nhà mẹ vợ hắn tháng trước, đêm đêm y bật ngọn đèn điện vàng vọt làm như gia đình y vẫn sinh hoạt bình thường. 10 giờ đêm qua y dẫn toán nhân dân tự vệ đi kích, y rải 15 thằng “cô hồn các đảng” trang bị 10 khẩu cạc bin M2 và 5 khẩu M 16 dọc theo một con đường mòn, con đường y cho rằng quân du kích muốn về nhà bà Tám Lạc phải đi qua để lấy gạo, thuốc tây và nhu yếu phẩm. Con đường mờ mờ dưới ánh trăng non im lặng đến khó hiểu, một tiếng động cũng không có nói gì đến tiếng chân người? 1 giờ sáng y rút quân, ngang qua nhà bà Tư bánh mì thuận tay y cho quân ghé vô chuồng gà nhà bà Tư “mượn tạm” 3 con gà mái dầu. Về tới cái bốt đóng quân y sai thằng Tròn làm mồi, thầy trò nhậu tới 5 giờ sáng. Lúc 1 giờ rưỡi y nghe một tiếng nổ lớn hướng nhà y nhưng y không để tâm, thời buổi này không có tiếng nổ hàng đêm mới là chuyện lạ!
Lúc đại úy Ngạn chạy chiếc xe Jeep lùn A2 đến, Yên với cặp mắt đỏ kè đứng bên căn nhà đổ nát. Đại úy Ngạn bước xuống xe y đứng nghiêm giơ tay lên vành mũ chào:

– Trình đại úy đêm qua Vi Xi pháo kích vô xóm di cư, tổn thất bên ta bằng không!

Đại úy Ngạn hất hàm:

– Đối phương sử dụng loại vũ khí gì?

Tay toán trưởng lúc này mới bỏ tay xuống, y trả lời:

– Theo tường trình của bà Năm đậu hủ, trên giông nhà bà có dấu vết bánh xe, chắc đối phương kéo 105 ly pháo kích vào khu này! Y bắt chước ông đại úy dùng từ “đối phương” thay cho từ Vi Xi mà y vẫn dùng lâu nay.

Ông đại úy nhìn dấu vết vụ bắn, với con mắt nhà nghề của ông, cùng lắm chỉ là một quả B40 chớ làm gì tới pháo 105 ly? Nhưng ông đại úy vẫn leo lên đồi sau nhà bà bán đậu hủ để coi dấu bánh xe. Quả nhiên trên mặt đất còn hằn dấu bánh xe nhưng vết hằn coi bộ cạn nhách, ông đại úy nhếch bộ râu kẽm cười gằn:

– Anh nhận định đúng, tôi sẽ tường trình về tiểu khu trận pháo kích này!

Ông đại úy đi một vòng quanh nhà bà bán đậu hủ, ông nhìn thật kỹ đống củi dẻ cau sau chái bếp. Ông lên xe về ngay sau câu nói đó, chiếc Jeep lùn chồm lên một mô đất quay ngược chạy về ủy ban hành chánh phường Tân Lạc, bỏ lại sau lưng tên trưởng toán nhân dân tự vệ còn chưa giả rượu đứng ngẩn ngơ nhìn xuống căn nhà gỗ bị sụp một góc nhà. Buổi trưa Đài phát thanh thị xã phát một bản tin “đêm qua Việt Cộng kéo pháo 105 ly vào vùng phụ cận khu Di cư thuộc phường Tân Lạc và pháo kích làm cháy 10 căn nhà, chết 10 con heo và 5 con bò. Không có thương vong trong trận pháo kích của Cộng quân….”. Sau bản tin đó là hàng loạt người bị bắt. Ông Hai Nhị nhà sát chân núi bị dẫn giải ra đồn cảnh sát, tay ông ôm một cái chiếu đơn, một cái mền mỏng và hai bộ quần áo. Coi bộ ông quá quen với việc được “mời” lên làm việc với nhà chức trách nên gương mặt ông không có chút lo lắng nào. “Nó đánh riết sẽ mỏi, nhốt riết cũng phải thả, lần nào về tôi cũng phải uống 50 thang thuốc mới lại người”, ông thường trả lời người hỏi thăm ông như vậy. Ở cái phường Tân Lạc này ai mà không biết ông có 2 thằng con theo Việt Cộng?

Tình hình chiến trường trên cả nước nóng bỏng thì ở phường Tân Lạc cũng nóng theo. Sau vụ “pháo kích” một tháng nhà đại úy Đoàn Sĩ Ngạn cũng bị “ăn” một trái B40, ngôi biệt thự kiểu Pháp bị bắn sập một bên chái hất văng những miếng ngói màu đỏ chót có dòng chữ Fabriqué au Bordeaux – France đi xa hơn chục mét! Đứng còn xa hơn miếng ngói văng, gương mặt đại úy Ngạn sáng hôm đó còn xám hơn cả miếng gan heo chợ chiều. May mà ông không chết, vợ con ông cũng được Chúa che chở, đại úy Ngạn vừa làm dấu thánh giá vừa lẩm bẩm điều gì đó như tiếng cầu kinh. Ông xin tiểu khu một chuyến công xa, huy động trung đội nghĩa quân khuân vác hết vật dụng trong nhà chất đầy chiếc GMC rồi chở xuống đường Phan Đình Phùng, nơi nhà vợ ông đang ở. Từ đó người ta ít thấy đại úy Ngạn râu kẽm ngông nghênh trên chiếc Jeep lùn phía sau có một bình xăng dự trữ, một cái xẻng cạnh chiếc cần ăng ten như chiếc đuôi con chó…chạy nhong nhong quanh những con đường đất đỏ của phường Tân Lạc.

Ngày 2 tháng 4 đại úy Ngạn chở vợ và 2 con trên chiếc xe Jeep lùn di tản. Lần này chính tay ông cầm lái, ông thay bộ trây di vải kaki ông thường mặc bằng một bộ đồ dân sự. Duy chiếc kính đen vẫn ngự trị trên đôi mắt của ông, một đôi mắt mệt mỏi vì lo sợ! Đến Phan Rang, sau khi tránh được cảnh cướp bóc, bắn giết của đám tàn quân trong lúc hỗn quân hỗn quan, ông đưa gia đình về lại nơi ông đã ra đi rồi ra trình diện chính quyền cách mạng. Ông được lệnh chuẩn bị 20 ngày lương thực để đi học tập cải tạo. Nhưng phải đến 10 năm sau ông mới về đoàn tụ với gia đình. Ông về đúng lúc tập đoàn sản xuất nông nghiệp rả đám, cha mẹ ông cho ông một miếng đất trên đồi để làm kế sinh nhai. Ông Ngạn đi quanh làng xóm một vòng, tới nhà người quen nào ông cũng ghé thăm và nói lời xin lỗi. Hàng xóm cười xòa, ai có gút mắc với ông trước đây nói vài lời đay nghiến rồi cũng thôi coi như chuyện cũ. Ông Hai Nhị còn khuyên ông Ngạn:

– Giờ chú đã học tập cải tạo, tội cũng đã trả rồi thì ráng làm người tốt, nghe!

Chỉ đơn giản vậy thôi mà khiến ông Ngạn bùi ngùi muốn khóc! Ông về nhà nghiền ngẫm mấy ngày rồi bắt đầu làm một giàn trồng su su. Ông kiếm được chục cây sắt Mỹ làm trụ trồng những chỗ xung yếu, phần trụ còn lại là những nhánh cây ông có thể chặt. Ông Ngạn tỉ mẩn gỡ từng cái gai để lấy kẽm đan giàn su su, bàn tay ông đầy vết cắt. Một tháng, hai tháng…giàn su su hình thành, những ngọn su mập mạp bò trên những sợi kẽm gai bắt đầu cho trái. Ông Ngạn bán những trái su su ông trồng cho những người buôn, ông đâu biết những trái su su đó được bán cho bộ đội, chúng được vận chuyển đến những vùng đất xa xôi nơi tiếng súng còn đì đùng nổ.

Năm 1990 ông Ngạn đăng ký đi Mỹ theo diện HO, ông chia tay hàng xóm bằng một lời hứa sẽ trở về thăm. Hàng xóm nghĩ rằng ông Ngạn chỉ nói theo phép lịch sự chớ nước Mỹ xa xôi làm sao mà về? Vậy mà 15 năm sau ông Ngạn về thăm nhà thiệt, ông về chơi với vợ, hai đứa con không về theo vợ chồng ông. Ngay sáng hôm sau khi về lại ngôi nhà cũ, ông ra đồn Công an đăng ký tạm trú, đến đây câu chuyện mới bắt đầu….

Tiếp ông Ngạn là người công an khu vực, anh cán bộ trẻ đang hướng dẫn cho ông Ngạn khai bản đăng ký thì người trưởng Công an phường bước vào. Mắt ông Hương nhướng lên khi nhìn thấy ông Ngạn:

– Anh Ngạn mới về à?

Ông Ngạn ngước nhìn người cán bộ công an vừa gọi tên ông, ông ngạc nhiên:

– Dạ tôi mới về hôm qua, xin thứ lỗi ông là….?

Người cán bộ công an cười:

– Bộ tui lạ lắm sao anh Ngạn?

Ông Ngạn lẩm bẩm trong miệng “tôi nhớ rồi, tôi nhớ rồi…”.

…Làm vườn trồng su su không hết thời gian, ông Ngạn mon men xuống khu chợ trời thăm người bạn vốn cũng là sĩ quan học cùng khóa với ông. Ông Tài bán chợ trời, ai bán gì ông cũng mua, ai mua gì ông cũng bán nếu ông có. Ông Tài bày cho ông Ngạn đi thu mua tăng phô bóng đèn nê ông đôi một thước hai của Mỹ mang xuống Nha Trang bán, dưới đó người ta cần, bao nhiêu cũng thu. Đang còn thời gian quản chế, ông Ngạn không hy vọng gì người ta sẽ cấp thông hành cho ông đi Nha Trang nhưng ông vẫn đi lên đồn Công an. Vậy mà người cán bộ công an khu vực lại giúp cho ông có giấy thông hành, nhờ vậy mà ông có được đồng vô đồng ra trong mấy năm khó khăn đó….

Ông Ngạn lôi một chai rượu Chivas 21 năm ra đặt trên bàn, cạnh đống hồ sơ của anh công an khu vực:

– Tôi có mang về chai rượu xin biếu mấy ông uống lấy thảo!

Ông Hương nghiêm mặt:

– Xin anh cất cho, chúng tôi không được phép nhận bất cứ quà cáp gì khi đang làm nhiệm vụ!

Ông Ngạn nhìn xuống bàn tay mình rồi nhìn qua chai rượu:

– Nói thiệt với các ông khi chờ máy bay ở phi trường Đài Bắc tôi mới mua chai rượu này mang về biếu các ông gọi là lời cám ơn đồn Công an đã giúp đỡ tôi rất nhiều từ ngày tôi ra trại đến khi tôi được đi định cư ở Mỹ chớ không có ý tứ gì để làm ảnh hưởng đến các ông, mong các ông nhận cho!

Suy nghĩ một chút ông Hương nói:

– Anh đã nói vậy chúng tôi mà không nhận thì mất lòng anh. Thôi thì thế này, tôi nhận chai rượu này với tư cách là bà con của anh, chiều nay sau giờ làm việc tôi mời anh đến nhà tôi lai rai với anh em trong cơ quan nói chuyện đời….nhà tôi mới đi Nha Trang về có mang mấy con mực một nắng. Anh Ngạn, bà con cũng phải biết nhà của nhau chớ anh?

Quả ông Ngạn và ông Hương có bà con với nhau, cả hai cùng sinh ra từ phường Tân Lạc nhưng từ nhỏ ông Ngạn đã không qua lại với nhà ông cậu bởi ông theo cha mẹ sống xa nhà từ nhỏ. Đến khi lớn ông đăng lính, cha mẹ ông về lại phường Tân Lạc, rồi ma đưa lối quỷ dẫn đường ông lại bị biệt phái về làm Phường trưởng phường Tân Lạc. Ông biết ông Hương là bà con với mình nhưng không dám nhận bởi mặc cảm tự ti khiến ông không thể. Nay nghe ông Hương nói vậy ông cũng thấy nhẹ lòng.

Tiệc rượu đơn giản được tổ chức dưới giàn hoa giấy cho mát. Hai con mực một nắng nướng với chút tương ớt trên chiếc dĩa trắng coi bắt mắt. Rượu được hai vòng mấy anh công an trẻ tìm cớ rút lui nhường cho ông Hương và ông Ngạn nói chuyện. Tuần rượu thứ ba ông Hương hỏi ông Ngạn về cuộc sống ở Mỹ. Ông Ngạn mím môi:

– Qua Mỹ tôi làm đủ nghề để kiếm sống, việc gì cũng nhận miễn là lương thiện để lo cho hai thằng con ăn học. Được cái là khi lên đại học tụi nó tự vay tiền nhà băng sau này ra trường trả lại. Vợ chồng tôi cùng đi làm nên dư chút đỉnh nay về thăm lại quê hương. Hiện giờ tôi làm tạp vụ cho một ngôi trường tương tự như trường trung học phổ thông bên nhà!

Tuần rượu thứ năm chuyện xưa phường Tân Lạc được xới lên. Ông Hương hỏi:

– Lúc anh làm Phường trưởng anh nhớ vụ tụi tôi bắn nhà tên Yên chớ?

Ông Ngạn gật:

– Làm sao tôi quên được, nhìn là tôi biết chỉ một phát B40 chớ chẳng phải 105, 106 gì. Mấy anh nghi binh hay lắm, tôi hỏi khí không phải dấu bánh xe trên giông nhà bà đậu hủ có phải là dấu dép cao su không?

Ông Hương hỏi lại:

– Anh đoán vậy à, sao đài phát thanh của mấy anh lại nói là pháo 105 ly?

Ông Ngạn nhún vai:

– Tôi phải báo vậy thôi chớ không thể khác, anh hiểu không? Mà nè tôi hỏi khí không phải, lúc đó các anh rút không kịp phải không?

Ông Hương hỏi lại:

– Sao anh biết?

– Thì nhìn chỗ đống củi dẻ cau chất lộn xộn tôi biết các anh còn dưới hầm nhà bà Năm, cái thằng Yên không để ý nên tôi cũng lơ luôn. Thú thiệt tôi không biết có phải là anh dưới đó không nhưng tôi nghe mẹ tôi nói nhà cậu Hai có người con theo phía bên kia!

Tuần rượu thứ bảy, ông Hương hỏi ông Ngạn:

– Hỏi thiệt anh, hôm nhà anh bị bắn anh có sợ không?

– Sao lại không, tôi sợ nói xin lỗi anh, vãi đái trong quần!

Ông Hương:

– Anh biết ai bắn phát B40 đó không?

Ông Ngạn lắc đầu, ông Hương chỉ tay vào ngực mình “là tôi bắn!”. Ba chữ đó còn to hơn tiếng đạn B40 đêm hôm đó, ông Ngạn đặt ly rượu xưống bàn, tay ông run run làm đổ mấy giọt rượu ra bàn.

– Tôi biết phòng anh trên lầu chỗ có cái cửa sổ nhỏ, tôi bắn cũng không tệ nhưng tôi cố tình nhắm phía sau hè. Tôi biết nhà cô Ba chỉ có một người con trai….

Đến ly thứ tám cả hai không nhắc lại chuyện xưa nữa, họ nói chuyện đời đúng như lời mời của ông Hương lúc trên đồn. Ông Hương tò mò cuộc sống ở Mỹ, ông Ngạn nói với người bà con:

– Ở đâu cũng phải làm ăn cả thôi, tại Mỹ từ năm 1865 đến nay không có chiến tranh nên nó xây dựng đất nước đàng hoàng, còn mình thì vừa ra khỏi cuộc chiến tranh chống Mỹ lại tiếp theo cuộc chiến tranh biên giới, thời gian để xây dựng chẳng có bao nhiêu….

Ly thứ mười ông Ngạn nói:

– Bây giờ tôi có một cái nhà trị giá hai trăm ngàn đô trả góp sắp xong, hai thằng nhỏ có công việc đàng hoàng. Thằng đầu học máy tính, công ty nó định cử nó về Việt Nam mở một văn phòng đại diện, có lẽ tháng sau cháu sẽ về. Còn thằng em theo ngành luật, nó làm ở Tòa thượng thẩm bang Florida….

Ly thứ mười lăm ông Hương nói:

– Cháu về cùng phải, nhà nước đang kêu gọi trí thức về làm việc mà, mà nè tôi hỏi điều gì anh tâm đắc nhất khi qua Mỹ?

Trầm ngâm một chút ông Ngạn trả lời:

– Anh hỏi khó tôi, khi qua tới Mỹ vợ chồng tôi hai bàn tay trắng làm việc cật lực mới có chút thành công….mà nói vậy cũng chưa đúng tôi có mang theo bốn chữ làm vốn ban đầu….

Ông Hương ngạc nhiên:

– Là bốn chữ gì?

– Bốn chữ “cần, kiệm, liêm, chính” tôi răm rắp tuân theo nên mới có ngày nay!

Ông Hương kêu lên:

– Bốn chữ đó của bác Hồ dạy thanh niên mà?

Ông Ngạn xác nhận:

– Đúng vậy, tôi được học trong trại cải tạo và áp dụng từ lúc ra trại tới giờ chưa thất bại bao giờ….

Ly thứ hai mươi, ông Hương thay cách xưng hô:

– Cậu có định về lại quê hương không?

Ông Ngạn trịnh trọng:

– Thưa anh có chớ, em sẽ làm chừng mười năm nữa rồi về lại Việt Nam dưỡng già!

Mười năm sau, tháng 5 hàng phượng tím đường Nguyễn Văn Cừ, con đường mới mở ven công viên Ánh Sáng lác đác nở hoa như chào đón hai ngươi cao tuổi đang đi trên một chiếc tắc xi, người đàn ông thò hẳn đầu ra ngoài cửa xe như để hít thở thứ không khí trong lành phả vào buồng phổi.

V.A.C