Trần Thế Tuyển
(Vanchuongphuongnam.vn) – Thuở nhỏ, từ nhà tôi ra đền Bảo Ninh – nơi thờ Quốc công tiết chế Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn ( Đức Thánh Trần ) phải đi dọc con đường, được gọi là mốc. Thời ấy, mốc là trục lộ chính của xã dẫn từ đường trải đá liên xã, qua chợ Hàng, kéo tận ra cánh đồng mà người quê gọi là trùng năm, trùng bảy…
Tác giả Trần Thế Tuyển
Tôi thích nhất là mỗi khi mùa thu đến. Đó cũng là dịp giỗ Đức Thánh Trần:
“Dù ai buôn gần, bán xa,
Hai mươi tháng tám giỗ Cha thì về”.
Mùa thu đến, chuẩn bị cho ngày giỗ Cha, bác tôi – người thủ từ ngôi đền nổi tiếng này lại lôi cờ suý, phông màn… ra giặt giũ, phơi phong. Bác bảo, ngày lễ trọng đại phải chuẩn bị chu đáo kẻo Người quở trách.
Những lúc ấy, tôi cùng anh Cương, anh Quyết – con của bác cứ tha thẩn chơi trong khuôn viên đền – nơi có sân gạch cũ kỹ, rêu phong. Mẹ tôi bảo, con tuổi Thìn. Thìn là rồng nên thích nước. Quả đúng như vậy, bên cạnh đền Bảo Ninh có dòng sông và trong khuôn viên có hồ nhỏ. Tôi thích ra ngắm mặt hồ lặng sóng. Trên bờ thì hoa cúc vàng. Dưới mặt hồ in màu trời ong ong, lăn tăn sóng, bóng cờ truyền thống với chữ Trần viết kiểu Hán đại tự tung bay, khiến lòng tôi tràn dâng cảm xúc.
Bác tôi là một thủ từ kiêm luôn thầy cúng. Những lúc bác vào vai chủ từ, tôi thấy ông nhanh nhẹn, dứt khoát như một người chỉ huy. Ông đôn đốc, chỉ bảo chỗ này, nhắc nhở, hướng dẫn chỗ kia, sao cho việc chuẩn bị lễ thật chu đáo. Mỗi khi ông ngồi “ghế” thầy cúng, tôi như gặp một vị thiền sư giàu trải nghiệm. Trong ngôi đền được xây kiểu trần cung, cùng với tiếng chuông chùa, giọng trầm ấm đầy ma mỵ của bác tôi cuốn hút mọi người. Những lúc ấy tôi cũng bị xoáy vào dòng chảy ấy. Tôi như thấy các bậc tiền nhân sống lại. Tiếng ngựa hú, tiếng trống chèo, dìu dặt trong điệu hát văn “đặc sản” của quê hương khiến tôi mơ màng, tưởng như khó thoát khỏi thế giới tâm linh huyền bí .
Tan lễ cúng, bác chia lộc cho chúng tôi. Nào oản (xôi trắng giã cối) nào bỏng (thóc nếp mới rang nở bung), nào trái muỗng (soài) và cả bát cháo hoa thơm mùi nếp mới. Bác dặn, mấy đứa nhớ đấy, mai kia lớn lên có đi đâu thì nhớ 20 tháng tám (âm lịch) mà về…
Nghe lời dặn, lớn lên, đất nước có chiến tranh, anh em chúng tôi lần lượt tòng quân ra trận. Anh Cương lớn nhất, nhập ngũ trước. Được vài năm, Tết Mậu Thân (1968) tôi đang học cấp 3 thì nghe tin anh hy sinh. Nhận tin dữ, tôi bỏ học chạy ra đền. Bầu trời thu ong ong. Từ xa tôi đã nghe tiếng chuông cúng rơi từng giọt. Tôi vào đền đã thấy bác tôi ngồi đó. Sừng sững như pho tượng. Như không hề biết tôi đến, giọng trầm đục của bác vẫn vang lên đều đều. Bác khấn, đọc kinh hay tự nói với mình. “Nam mô a di đà phật. Con xin gửi cháu Phạm Cương. Mong ngài che chở, dạy bảo… Cháu là nghĩa sỹ xin được hầu dưới bóng của ngài…”
Hết lễ, bác cởi bộ bái phục rồi lẳng lặng ra phía bờ hồ – nơi có lá cờ đại tự đang bay phần phật. Tôi như chiếc bóng theo sát ông. Chưa bao giờ tôi thấy bầu trời thu ong ong đến thế. Gió heo may thoang thoảng trôi về. Hoa cúc vàng và mặt hồ như tấm gương lăn tăn soi bầu trời huyền bí. “Cháu biết tin rồi phải không ? Ráng học cho thành tài để như anh giữ gìn đất nước”. Tiếng bác tôi như vang lên trong tiềm thức.
Lớn lên, đến lượt mình, tôi thực hiện lời bác dặn. Học hết cấp 3 thay vì vào đại học, tôi tình nguyện nhập ngũ. Trước ngày lên đường, tôi đến thắp nhang bái biệt và cầu nguyện những điều may mắn tại đền thờ Đức Thánh Trần. Bác tôi không còn nữa. Sau khi anh họ tôi – con trai đầu lòng của bác hy sinh, bác tiễn người con thứ hai vào bộ đội rồi đột ngột ra đi. Không còn sự hiện diện của bác, nhưng tôi vẫn nghe đâu đây giọng trầm ấm của ông vang lên trong ngôi đền cổ xây hình vòm cung. Tôi thấy bầu trời thu ong ong màu huyền bí và lá cờ đại tự như bàn tay vẫy vẫy. ..
Thấm thoát đã nửa thế kỷ, mùa thu vừa rồi, tôi trở về thăm ngôi đền thờ vị anh hùng dân tộc gắn với tuổi thơ dạt dào kỷ niệm. Đền Bảo Ninh nay khác trước . Đến bây giờ tôi mới có dịp hiểu thêm về ngôi đền nổi tiếng này.
“…Đền Bảo Ninh gồm 6 tòa với 30 gian lớn, nhỏ, trong đó khu vực thờ tự chính có 15 gian được thiết kế theo kiểu tiền chữ nhất, hậu chữ công. Tòa chữ nhất nằm ở vị trí trung tâm đối diện với hệ thống cửa ra vào và cột đồng trụ; công trình gồm 5 gian có chiều dài 12m, rộng 7,8m với bộ mái phẳng, lợp ngói nam. Trên nóc mái xây đại bờ, hai bên hồi có hệ thống bờ bảng và cột đồng trụ mang đậm phong cách nghệ thuật của thời Nguyễn. Chính giữa chân mái phía trước xây một bức trương theo kiểu chồng diêm, mái cong. Các đầu đao, kìm nóc được thể hiện bằng họa tiết lá lật cách điệu. Hai bên của bức trương đắp đôi rồng thời Nguyễn với thân hình uốn lượn mềm mại. Bên trong tòa chữ nhất thiết kế các vì kèo theo kiểu uốn vành mai, được đặt trên hệ thống cột trụ hình vuông xây bằng gạch. Mặc dù kích thước các cột trụ khá lớn nhưng do trang trí các đường chỉ nổi, ống tơ cả bốn mặt nên đã tạo được vẻ mềm mại , thanh thoát…”
Ngôi đền được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia (1998); bởi nơi đây là một trong những địa chỉ đỏ thời chống Pháp của Đảng bộ huyện Hải Hậu.
Với chủ trương xã hội hoá, gần đây có nhiều nhà tài trợ đã đầu tư hàng tỷ đồng tu bổ, bảo dưỡng đền. Một nhà tài trợ trẻ, đầu tư làm con đường xi măng hàng trăm mét từ đường trục chính của xã dẫn vào đền. Vị thủ từ mới cho biết, đền Bảo Ninh đã trở thành điểm du lịch tâm linh thu hút khách thập phương. Có người nói, về thăm quê lúa Hải Hậu mà không đến Cầu ngói (Chợ Lương), không đến đền Bảo Ninh (Hải Phương) thì coi như chưa về vùng chân sóng giàu truyền thống cách mạng và văn hoá này (?!) .
Theo thói quen, tôi lại tha thẩn dạo quanh ngôi đền cổ. Bầu trời thu vẫn ong ong, mặt hồ vẫn như tấm gương phẳng lặng in bóng kỳ đại tự. Tôi vẫn như nghe tiếng chuông nhỏ từng giọt và giọng trầm đục của bác tôi vang lên trong thâm phòng hình mái vòm cong cổ kính.
Trần Thế Tuyển