Đan Thanh
(Vanchuongphuongnam.vn) – Paul Cézanne (1839-1909) là họa sĩ Pháp, sinh tại Aix-en-Provence. Cũng như các họa sĩ thuộc khuynh hướng ấn tượng, Cézanne vẽ ngoài trời nhưng cố gắng thể hiện thị quan để xây dựng tác phẩm. Chân dung, cảnh vật: Les Joueurs de cartes (Những người chơi bài); tĩnh vật, phong cảnh của vùng Sainte Victoire; những người tắm là đề tài chính. Ảnh hưởng của họa sĩ tạo thành cái vốn hình thành xu hướng nghệ thuật của thế kỷ 20 (dã thú, lập thể, trừu tượng).
Danh họa Paul Cézanne (1839-1909).
Cézanne không biết nhiều về đất nước xa lạ như các bạn họa sĩ Pháp cùng thế hệ với chàng. Manet từng đến Tây Ban Nha; Dégas tới Nouvelle-Orleans; Renoir, Algérie và Sicile; Pissaro, Anh; Monet, Hà Lan, Ý, Thụy Điển và Anh; và Gauguin đến các nước nhiệt đới. Mặc dù có phương tiện đi lại, Cézanne không bao giờ đến nước Bỉ để ngắm những bức tranh vẽ trên bố của Rubens mà chàng rất ngưỡng mộ. Và cũng không tham quan nước Ý dù chàng vô cùng mến mộ những họa sĩ tài danh Vénitien. Ngoài một vài vùng phụ cận Paris, Cézanne thực hiện ít chuyến đi chữa bệnh tại Vichy hoặc để làm vui lòng người vợ thân yêu muốn nghỉ hè bên bờ hồ Annecy, tự nơi đó chàng đã viết thư cho một bạn thân đồng hương ở Provence: “Nơi đây không là đất nước tôi, dù vậy, nó vẫn đẹp – Nhưng ai được sinh ra nơi đó là hỏng rồi, không có gì phải nói thêm với bạn nữa”.
Họa sĩ Cézanne yêu tha thiết quê hương của chàng, đó là vùng đất Provence nhất là cánh đồng ở đây ít ra cũng đã gắn bó máu thịt với chàng nhiều kỷ niệm quí giá của tuổi thanh xuân hoa mộng chứa chan mơ ước lớn lao và hy vọng cao cả. Bởi vì chàng đã tìm được từ nơi ấy sự hài hòa về màu sắc luôn luôn khích lệ chàng thể hiện những cảm giác và diễn tả được ra ngoài những cảm xúc lắng đọng, sắc màu… Tuy nhiên, Cézanne không chỉ đặc biệt thích Provence, mặc dù nơi đó đã coi chàng như một con người kỳ quặc. Và chàng đã đau khổ nhiều vì sự khinh bỉ của người đồng hương vốn đã coi chàng như một kẻ dở hơi chỉ vì Cézanne cứ bám riết vào nghề vẽ: “Với tôi, còn phải làm gì trong hoàn cảnh của mình”. Cézanne cay đắng viết cho bạn trẻ Joachim Gasquet của mình vào năm 1986.
Trong khi bạn bè của chàng đã tìm được một góc nào đó định vị cho cuộc sống của mình: Pissaro đến ở tại Eragny, Monet đến Giverny, Renoir, Midi, Zola, Médan thì Cézanne vẫn trung thành trụ lại tại quê hương mình. Bởi vì Cézanne tìm thấy ở đây thứ ánh sáng diệu kỳ có thể xoa dịu nỗi đau của chàng còn hơn là cứ mãi thay đổi những nơi trú ngụ.
Ngay từ buổi đầu của tuổi thanh xuân, Cézanne đã thử vẽ trên bố phong cảnh vùng Provence khi có cơ hội. Thỉnh thoảng, chàng cũng lỉnh kỉnh mang giá vẽ đến bên cạnh “Vòng cung” (Arc) hoặc đến dưới những bóng cây dẻ to lớn trong khu đất rộng tổ phụ Jas de Bouffan. Chàng bắt đầu làm việc có hệ thống theo bản tính tự nhiên. Năm 1866, từ Provence, chàng viết cho Zola: “Bạn hãy coi, tất cả bức tranh tôi sáng tác bên trong xưởng vẽ không bao giờ có giá trị bằng những sáng tác ngoài trời. Bên ngoài, tôi nhìn mọi vật tuyệt đẹp, và điều thiết yếu là tôi chỉ làm việc ngoài trời… Tôi nghĩ, tất cả tranh của các họa sĩ bậc thầy ngày trước đều sáng tác ngoài trời chứ không phải làm theo trí nhớ”.
Tranh phong cảnh của họa sĩ Cézanne.
Trong một thư khác cũng viết vào năm 1866 cho Pissaro, Cézanne trả lời cho bạn thân và đồng nghiệp: “Các bạn hoàn toàn có lý khi nói về màu xám, chỉ có màu đó là ngự trị trong thiên nhiên, nhưng đó là một màu cứng nhắc đáng sợ ta cần phải chinh phục được nó. Phong cảnh thì rất đẹp ở đây vì có nhiều dáng vẻ ”. Như vậy, Cézanne đã tìm được ở tuổi hai mươi bảy “sự tiếp xúc với tự nhiên” này mà về sau chàng tuyên bố là rất cần cho sự phát triển nghệ thuật và chàng đã tìm được nó trong xứ Aix của chàng. Trong cùng lúc đó ở miền Bắc, Monet và các bạn chàng bắt đầu tiến triển chủ nghĩa ấn tượng (impressionnisme). Trong bức tranh lớn vẽ trên bố “la Tranchée”, Cézanne chỉ rõ qua ánh chói của màu tô chiếu rực rỡ mà chỉ thoáng nhìn từ bên kia bức tường Jas de Bouffan, đã chiếu dội vào mắt chàng. Nó cũng không chống lại sức mạnh của cảm giác, cũng không tác dụng làm tăng giảm sắc độ màu lam của bầu trời cả những mảng bóng tối của mặt đất râm bóng cây. Cây cọ sung sức của nghệ sĩ tung hoành chấm phá tài tình phong cảnh miền Nam nước Pháp.
Sau chiến tranh 1870, có một thời gian làm việc bên cạnh Pissaro tại Pontoise và Auvers, chàng đã nhìn lại quê hương mình bằng nhãn quan mới. Cézanne bị chinh phục bởi một bức họa sáng láng hơn và cũng khác biệt hơn. Chàng đã thay thế hạn chế trong những tác phẩm đầu tiên bằng sự học tập kiên trì từ thiên nhiên. Do vậy, Cézanne tìm được trong phong cảnh vùng phụ cận Paris cái màu xám thần kỳ, tổng hợp nhiều màu và bằng một kỹ thuật tinh tế, chàng đã tìm được cách làm cho nó phong phú. Cézanne am hiểu rằng màu gốc thì không tồn tại, và những vật phản chiếu nhau, không khí cũng can thiệp vào mắt người và đồ vật.
Trở lại miền Nam, chàng nhận thấy không khí ở Jas de Bouffon thuận lợi cho sự làm việc. Nơi đây, trong cảnh lặng yên và cô độc, chàng lại miệt mài sáng tác. Với vốn kinh nghiệm phong phú, nhìn xa hiểu rộng và giàu tính năng kỹ thuật, chàng khám phá thêm Provence và sắp xếp lại kế hoạch hòa sắc theo cách nhìn mới. Chàng tách rời khuynh hướng ấn tượng để dựa vào một sự xây dựng chắc chắn hơn gần như là kiến trúc.
Đối với Cézanne, đề tài không thiếu. Cánh đồng vùng đất Provence lấp lánh một nhan sắc tinh khôi, chỉ từ một góc thiên nhiên chàng đặt chân tới thôi cũng chắc chắn sẽ tìm được bối cảnh vĩ đại, màu sắc rực rỡ, cảnh vật ngoạn mục hữu tình. Từ một ngọn đồi, chàng thấy trải rộng ra trước mắt mình một thung lũng mênh mông trải dài tới dãy núi Saint Victoire hùng vĩ căng rộng ra với đường nét sắc bén, từ đó những hình khối như chứa đựng bao nhiêu là chi tiết sẵn sàng “Làm lại theo tự nhiên như Poussin”. Ở miền Bắc, Cézanne chẳng tìm được không gian vung trũng như vậy, mắt chàng có thể bao quát toàn cảnh như trong lúc ở đây trải rộng ra trước mắt chàng một phong cảnh, lấp lánh ánh sáng và hài hòa màu sắc. Đó là những lý do khiến nghệ sĩ nỗ lực thâm nhập vào vấn đề của không gian và màu sắc, điều cho phép chàng luôn chung thủy với thiên nhiên khi tìm những biểu hiện thỏa đáng cho cảm giác của mình. “Tôi đạt cho được phong cảnh chỉ bằng sắc màu”. Chàng giải thích như thế lúc cuối đời.
Xa Provence một ít thời gian, Cézannne tự nguyện làm việc trong thành phố nhỏ Gardanne, chăm chỉ theo dõi một sườn đồi viền quanh nhà thờ có gác chuông chênh vênh tựa như một ngọn tháp. Xa hơn chút nữa, tại l’Estaque, chàng đến tận vùng biển Địa Trung Hải. Từ khi còn thơ ấu, chàng đã sống nơi ấy có khi hàng tuần, hàng tháng hoặc cả năm. Chàng say sưa ngắm không bao giờ chán phong cảnh huy hoàng, bãi biển Marseille có núi đồi vây quanh, những gác chuông ngoi lên trời cao giữa mái nhà chen chút và ống khói cao nghệu chọc thẳng lên trời xanh không một gợn mây, những cây thông biêng biếc trên lưng đồi và nước sông màu ngọc bích, phản chiếu hình ảnh những đảo lởm chởm đá giải mờ đến chân trời. Trong một thư viết cho Pissaro, Cézanne đã mô tả phong cảnh ấy: “Nó đẹp như một bưu ảnh. Những mái ngói đỏ au cắt sắt nét trên mặt nước biển màu lam. Ánh mặt trời ở đây đối với tôi như sợ rằng mọi vật làm mất đi hình ảnh với màu trắng, màu đen còn có cả màu lam, đỏ, tím, nâu”.
Tuy nhiên bắt đầu từ năm 1885, Cézanne không thường quay lại Estaque nữa vì nền công nghiệp phát triển đã làm cản trở chàng. Bấy giờ chàng làm việc nhiều ở Jas de Bouffon và các vùng phụ cận Provence để vẽ những mái nhà cheo leo sau những hàng cây, những con lộ khúc khuỷu, những hàng thông cành lá cong khoèo hay những túp lều nứt nẻ tồi tàn. Năm 1899, chàng đành phải ngậm ngùi bán đi phần đất tổ phụ để lại, đến làm việc cật lực tại Bibemus và Château Noir giữa núi đồi bao quanh cây rừng và đá núi hoang vu. Đây là con đường vào Château Noir mà chàng vẽ trong Route tournante (Con lộ quanh co), giữa vùng đất đỏ xa xa từ đó ngoi lên bức tường uy nghi màu xám của Sainte Victoire.
Vào năm 1901, năm năm trước khi từ giã cõi đời, Cézanne quyết định tự làm một xưởng vẽ lớn trên một khu đất xa Provence một ít. Chàng tiếp tục sống tại thành phố, nhưng thường từ 5 giờ sáng chàng đến làm việc tại xưởng vẽ trong vườn, khi vẽ chân dung, khi vẽ tĩnh vật, khi vẽ trên một tấm tranh lớn những phụ nữ tắm hoặc vẽ những bãi bờ hai bên một con sông nhỏ tại Arc mà nơi đó chàng đã trải qua được những giờ khắc không còn lo lắng về tuổi tác của mình. Những buổi xế chiều, chàng lên trên đồi Lauves, phía sau xưởng vẽ đến tận chỗ thấy rõ những thung lũng sầm uất cây rừng trước Sainte Victoire, nơi đây xuất hiện lên một phong cảnh mới: Con dốc xinh xắn từ bên này đỗ đứng sang bên kia. Bằng những nhát cọ mạnh mẽ tài hoa, và những vệt rộng đậm màu, Cézanne tái hiện lại phong cảnh nơi đây với một phong cách bậc thầy nói lên cung cách biến thiên vô tận về tương quan sắc màu. Một quan niệm táo bạo, tiếp thu từ cuộc sống dai dẳng tìm tòi mà các thế hệ sau này rút ra được những đúc kết kinh nghiệm quí giá trong lãnh vực hội họa.
Cho đến hôm nay, cánh đồng Provence vẫn còn in đậm dấu ấn kỷ niệm của họa sĩ Cézanne. Trên mỗi con đường, sau mỗi khúc quanh, trước mỗi cội thông hay mỏm đá, chúng ta vẫn còn phát hiện được những phong cảnh mà chàng vẽ. Đó là từ sức mạnh của một thiên tài, là mối cộng sinh giữa họa sĩ và đất nước quê hương của chàng quanh quẩn nơi vùng đất Provence và Sainte Victoire miền Nam nước Pháp.
Đ.T
Sách tham khảo
- Beaux-Arts, sous la direction de Marcel Brion (Édition Clartés).
- Sommets des Beaux – Arts-R.Harteel et B.D.Swanenburg (Flammarion).
- L’Art au XXe siècle – Larousse, Paris, 1967.
- Histoire de la peinture – Louis Hourticq (Presses Universitaires).
- Concise history of Modern painting – Herbert Read, F.A.Pracger.
- Modern American Painting and Sculpture – Dell Publishing New York.
- Mordenism-Iskousstvo, Moskva, 1973.
- The pocket history of American painting-James Thomas Flexner.
- Dictionnaire Larousse-Paris, 1996.
- L’Art moderne – Joseph Émile Muller (Livre de poche), Paris, 1963.