Phải chăng nắng nhuộm màu da – Bài của Nguyễn Thị Phụng

795

Đọc Gương mặt loài Homo Sapiens – tiểu thuyết của Trần Như Luận

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tình yêu và cuộc sống luôn cân bằng trạng thái tâm lí con người. Đó là đề tài nhân sinh đa dạng và phong phú. Nhà văn Trần Như Luận chọn góc nhìn về quyền đấu tranh bảo vệ cho lẽ phải sự công bằng lại vô cùng rộng lớn, khác nào tự buộc mình vào vòng xoay đầy thử thách: nhân chủng học trong mối quan hệ giữa dân tộc Công Gô- xứ sở đa ngôn ngữ, giàu tài nguyên thuộc Bỉ trong tiểu thuyết Gương mặt loài Homo Sapiens (NXB. HNV 2022) với những diễn biến sinh hoạt thường ngày về cuộc đấu tranh chống áp bức bóc lột của đế quốc Bỉ gói gọn 368 trang. Một đất nước chịu ảnh hưởng nắng nhuộm màu da rất tự nhiên đã đành, mà người ta vẫn thường nhắc “Bao giờ đến tết Công gô” có là trăn trở.

       Gương mặt loài Homo Sapiens là tập tiểu thuyết thứ ba của bác sĩ, nhà văn Trần Như Luận. Đây cũng là tập sách thứ bảy đã ra mắt bạn đọc trong đó có cả thơ, truyện ngắn, truyện dài, cả biên khảo. Nếu như ở tiểu thuyết Thầy Gotama và 8000 đệ tử(2 tập, NXB – HNV. 2014) đề cập đến đạo và đời, tác giả từng sẻ chia “Trên thế gian này không có đạo riêng của ông Gotama,…của Niganta,… Ai vẫn còn có cái tâm phân biệt rạch ròi ra đạo này đạo nọ thì chứng tỏ chưa biết đạo là gì. Bởi vì, duy nhất, chỉ có một đạo thôi. Đó là đạo của thế gian, đạo của đất trời, đạo của nhân sinh, đạo làm người… Nói đến đạo là nói đến lòng thương yêu, tình nhân ái…” (Thầy Gotama và 8000 đệ tử). Còn cốt lõi xuyên suốt tiểu thuyết Gương mặt loài Homo Sapiens là tư tưởng nhân văn hướng đến cái đẹp cao cả, phản đối hành vi sát hại con người trái với quy luật tự nhiên có tính trường tồn bền vững.

       Gương mặt loài Homo Sapiens được giải mã đoạn văn nghe rõ từ Blaise đọc rất chuẩn ngôn ngữ Niger – Congo và cô Maria dịch ra bằng mấy câu tiếng Pháp: “Sòng phẳng mà nói, loài homo sapiens thường hay nói chẳng thật lòng và rất háu ăn. Lịch sử loài homo sapiens thực chất là lịch sử của sự lừa dối và tranh ăn. Chúng không ngại đi khắp các châu lục, tha hồ tranh mồi cả những nơi thật xa so với nơi chúng ở. Nơi nào có chút béo bở thì chúng lừa phỉnh nhau, bắn bỏ nhau, tranh nhau không dứt”. (*Homo sapiens là tên khoa học để chỉ loài người hiện đại). Điều đó đủ thuyết phục bạn đọc không bỏ lỡ cơ hội về sức hấp dẫn tiểu thuyết Trần Như Luận, và vì sao Blaise mừng phát run ôm chầm lấy Maria, toan đặt lên người cô nụ hôn thân thiết sau cảm xúc: “Chúa ơi! Tại sao con người bằng xương bằng thịt có vẻ mặt khờ khạo trước mắt anh lại tài tình siêu việt đến thế! Xin Chúa hãy giải thích thật sự bên trong bộ óc con người chứa đựng những gì!”. Vậy thì vẻ đẹp nhân cách và tâm hồn người Congo đáng được trân trọng đã mở ra trên trang sách, hay chính là tình yêu nhà văn đối với dân tộc có cùng chung số phận của một thuộc địa trước đây đã phải vươn mình đấu tranh giành quyền sống.

        Từ trong gia đình bất hòa, nhân vật Maria là người con thứ hai ở lại với mẹ tại thành phố Fort – Lamy (tại Châu Phi Xích đạo thuộc Pháp), họ gặp phải tai họa chiến tranh từ “Cuộc đụng độ giữa đội quân kháng chiến ở quê bà với thực dân Pháp”, cô bé phải sống trong cô nhi viện và sau đó được một gia đình bố mẹ nuôi quê Ai Cập chăm dưỡng. Còn người con thứ nhất Imani được bố Kazadi đưa sang Công Gô Bỉ trong hoàn cảnh đất nước bất ổn chính trị, kinh tế khó khăn cũng không được đến trường, nhưng được giáo dục kĩ càng từ bố và cha nuôi của Disanka. Imani và Disanka đã là đôi bạn từ bé đến lúc trưởng thành, thân thiết.

         Disanka đã trở thành nhân vật không thể thiếu trong Gương mặt loài Homo Sapiens lúc mở đầu chương 1, từ bối cảnh khi cô đang làm việc trong một công ty trồng cao su và khai thác mỏ do người Bỉ đứng ra cai quản. Góc độ đời tư nhân vật Disanka một phần có làm nên sự tồn tại dân tộc Công Gô bấy giờ. Nhờ thế, Trần Như Luận đã dẫn dắt người đọc, đi từ thực tại mở ra từng khía cạnh đời sống chịu sự tác động diễn biến hoàn cảnh, làm nên diện mạo nhân cách con người.

        Cái tên Disanka trìu mến yêu thương trong trái tim chàng Blaise sâu đậm, chàng trai người Pháp ấy đã từng cứu cô thoát khỏi tay ông chủ đồn điền-gã thực dân man rợ đã nhanh chóng đè chặt vào thân thể của cô. Nhưng vì sao nàng đã chối bỏ lời cầu hôn của Blaise trước ngày cưới trong thời điểm cô vừa bỏ việc, mặc dù Blaise và Imani hết lời khuyên? Chỉ bằng câu trả lời “Cô khẳng định không thể chịu đựng sự ức hiếp quá đáng của người Bỉ thêm một ngày nào nữa”. Đó phải chăng xuất phát từ bản lĩnh về lòng tự trọng của người con gái Công Gô, lòng tự tôn dân tộc. Phải chăng những trăn trở khi nàng sẻ chia trong lá thư gửi Blaise: “… đã chọn đất nước khốn khổ này để sinh ra và vùi mình vào đấy…”, và bộc bạch: “Anh biết đó, vừa qua sau vụ cháy, chỉ mấy lời đôc địa của ông Victor đã làm em mất ăn mất ngủ cả tháng… miệng đời oan nghiệt… Nhưng bên gia đình anh, liệu ba mẹ anh có chấp nhận cô dâu da đen tóc xoăn, thấp bé và xuất thân bần cùng như em… dù yêu anh vô ngần… nhưng em buộc lòng nói lời chia tay…”. Màu da- sắc tộc ấy đã trở thành niềm kiêu hãnh trong trái tim, nhận thức của dân tộc Công Gô nói chung, và của Disanka nói riêng kiên trì bảo vệ, cũng không là cục bộ.

       Từ trong đời thường, Disanka không dễ để trái tim mình xao lòng khi dịp gặp lại Blaise tâm sự về cuộc hôn nhân của anh với Imani thật chán nán và sầu não. Disanka nghe thật xót xa vẫn nhẹ nhàng gạt ra khỏi cái choàng tay: “Ôi thôi! Chàng thanh niên Paris bảnh trai, hãy coi em là bạn! Em khong muốn có lỗi với Imani đâu đó”. Danh tính chàng thanh niên Blaise Sanchez ấy là “vị cựu sĩ quan CIA phụ trách Công Gô mà giờ đây mọi người đều gọi tên thật là Billy Smith”, chân tình sẻ chia: “Tôi thật sự phẫn uất về cái chết rất đáng tiếc của người anh hùng Patrice Lumumba – Billy tâm sự. Tôi vô cùng chán ghét chiến tranh”.

       Điều gì đã thúc đẩy Disanka có mặt trong buổi diễn thuyết về tài nguyên đất nước và trách nhiệm công dân khi “Người Bỉ tận châu Âu tới đã giành quyền thống trị và khai thác lợi nhuận từ mảnh đất này quá lâu… Công Gô chỉ là một phần đất của Bỉ… Đã đến lúc chúng ta phải giành lại quyền độc lập và quyền tự định đoạt số phận của đất nước này… kêu gọi mọi người hãy cùng tôi thề sống chết với chính nghĩa ấy”. Thể như tiếp thêm sức mạnh, Disanka cùng bạn Kangelu tìm đến và làm quen Patrice Lumumba. Từ nhóm ba người đã lên đến mười lăm người tập trung hoạt động.

       Nếu như Disanka đã từng tò mò đọc được những dòng chữ viết về “Bộ tộc chúng tôi được các bộ tộc khác gọi là Blasensenla, có nghĩa là cười và nhảy…Không hề công kích hay đánh đập nhaukhi chung sống với nhóm homo sapiens xuất xứ từ phương Tây ấy là ai đều tỏ ra lịch sự thái quá, cảm ơn và xin lỗi hoài, nhưng rất nóng nảy, hung dữ và hay kình cãi…”, thì khi xuất hiện trên diễn đàn bí mật với chủ đề Người Bỉ làm gì tại Công Gô và thái độ của chúng ta , chị đã minh chứng đầy sức thuyết phục về “Mảnh đất Công Gô không phải chỉ thấm đẫm mồ hôi và nước mắt, mà đã vấy máu! Chúng ta phải làm gì đây để đất nước thoát khỏi xích xiềng nô lệ”. Điều đó đã thức tỉnh công chúng ý thức sự tồn tại cá nhân và dân tộc không thể tách rời.

       Nhưng tất cả đâu dễ gì thuận lợi cho việc đấu tranh xuống đường, họ luôn bị theo dõi bắt bớ giam cầm, thậm chí nổ súng sát hại. Sức mạnh của sự chung tay chống lại áp bức chính là tiếng nói của Patrice Lumumba, nhà cách mạng trẻ uy tín và sôi nổi nhất Công Gô có mặt trong Hội nghị Quốc tế của 28 quốc gia và thuộc địa Châu Phi đầu tháng mười hai 1958, đã hưởng ứng lời kêu gọi “…Chúng  ta ngồi đây không phải để mỉm cười thỏa hiệp với bọn ăn cướp đến từ phương xa; trái lại phải siết chặt tay nhau tuyên chiến với chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc xâm lược. Hội nghị nhân dân toàn châu Phi là nguồn cảm hứng bất tận cho bất cứ ai mơ ước về một châu Phi tự do, độc lập.” trong bài diễn văn của ngài Nkrumah – người đứng đầu chính phủ Ghana.

         Patrice Lumumba nhấn mạnh thêm: “…bởi vì chúng ta là người da đen, chúng ta thật không còn lạ gì với những trò man trá và bịp bợm của bọn thực dânThời cơ đã đến! Chúng ta sẽ lần lượt chứng minh cho thế giới loài người thấy rõ những gì người da đen sẽ làm khi chúng ta có tự do… Nhất định châu Phi sẽ viết nên lịch sử riêng của nó… vinh quang và thấm đẫm nhân phẩm, chứ không phải lịch sử của sự cắn răng chịu đựng nỗi lăng nhục triền miên… Nếu chúng ta thật sự yêu chuộng tự do, chúng ta phải hành động”. Thể như tuyên ngôn, chính nghĩa luôn ủng hộ lòng dân.

         Còn ông Po Martin, sử gia gốc Phi lại rất thản nhiên tiếp thêm về “Sức mạnh thực sự của nhân loại là không nằm trong súng đạn, hay trong lời công kích, hay tranh giành tri thức mà đó là sức mạnh của nội tại, tiềm ẩn sâu kín bên trong sự thân thiện, tình tương thân tương ái, lòng tôn trọng sự khác biệt, niềm cảm thông sâu sắc lẫn nhau…”. Tất cả được sự đồng lòng biểu dương. Còn trong sự hỗn độn cần xác định phân biệt rạch ròi với rất đông người Bỉ đến Công Gô không phải để bóc lột, cũng chẳng gây thù chuốc oán với ai như ông Van Bilsen – cố vấn tổ chức ABAKO, những nhà khoa học, những vị linh mục, bác sĩ, thầy cô giáo,… để những người cách mạng biết rõ những gì nên làm, những gì nên tránh.

         Để bảo vệ tự do và độc lập không riêng gì ở Công Gô, mà hầu hết các nước thuộc địa trên thế giới lúc bấy giờ cùng hưởng ứng đấu tranh, đã tăng thêm sức mạnh làn sóng căm phẫn dâng lên như ngọn lửa dữ dội của sự cuồng nộ không kiểm soát được, bùng lên khắp nơi trên đất nước Công Gô hỗn độn khó lường. Thủ tướng chính phủ Công Gô đã thông báo giới nghiêm và chặn ngay các hành vi bạo động, uy hiếp người châu Âu lập lại trật tự xã hội.

        Cái chết của Disanka và cùng hai phụ nữ khác khi băng qua đường bị đám đông quá khích giẫm đạp lên người. Còn ông Lumumba bị gian cầm trong 41 ngày đêm bị hành hung và bỏ đói, sau đó bị sát hại chỉ vì mối thâm thù trong bộ máy lãnh đạo của Bang Katanga. Việt Nam cũng như các nước trên thế giới vạch trần bản chất tàn ác của đế quốc Mỹ và Bỉ bấy giờ, yêu cầu Liên Hợp Quốc phải chịu trách nhiệm bảo vệ nhân quyền mỗi dân tộc trên thế giới.

       Những dữ liệu về ngày tháng năm trong Gương mặt loài Homo Sapiens đã “chính thức” lưu lại lịch sử đấu tranh của dân tộc Công Gô cho đến ngày độc lập 30.06.1960. Và nếu như ông Lumumba bình tĩnh đã không vội vàng lên kế hoạch thành lập một chính phủ mới giành lại quyền lực, chỉ vì quá tha thiết với đồng bào mình, quá nhiệt tâm với tiền đồ dân tộc như ông Po Martin sẻ chia, còn lời khuyên tối quan trọng của vị cố vấn thông tuệ ấy cứ nằm im trong ngăn kéo của cô nhân viên yểu mệnh, sự bại lộ ấy thì liệu cuộc sống của ông có duy trì. Chính điều đó đã nằm lại trong cảm thức bàng hoàng của nhà văn khi miêu tả không gian một “Bầu trời Lesopoldville vẫn phủ mây dày đặc” ngột ngạt không sao tránh khỏi.

        Nếu như âm nhạc là đời sống tinh thần chịu ảnh hưởng rõ rệt bởi tư tưởng của Po Martin ở phương Tây chương 53 trong Gương mặt loài Homo Sapiens cho con người xích lại gần nhau, yêu chuộng hòa bình oán ghét chiến tranh trên biểu ngữ giương cao: “MAKE LOVE, NOT WAR” thì sự xuất hiện của Lão Tử tái thế ở phương Đông chương 54, kết thúc tập tiểu thuyết của Trần Như Luận cũng không tránh khỏi mô – tip chung của một số nhà văn hiện đại. Phải chăng đây chính là đồng cảm hứng sáng tạo trong tác phẩm văn học đánh thức văn hóa loài người nâng lên vẻ đẹp thánh thiện, tất yếu “cũng như sự chấp nhận và tôn trọng những cái khác biệt chính là nền móng của sự sinh tồn và phát triển vậy” mà không một đấng siêu hình hay quyền lực nào ra tay ràng buộc trái tim và khối óc con người được, một khi còn tham vọng. Chỉ có thuận theo lẽ phải, lẽ tự nhiên của trời đất không riêng gì xứ sở châu Phi đầy khát vọng./.

                                                02.08.2022

N.T.P

*Những đoạn in nghiêng được trích trong tiểu thuyết Gương mặt loài Homo Sapiens.