Phẩm chất anh hùng

820

  Nguyễn Trọng Hoạt

(Vanchuongphuongnam.vn) – Có những người chưa được phong tặng anh hùng nhưng trong suy nghĩ của nhiều người, họ xứng đáng với danh hiệu cao quý đó. Hai vị tướng sau đây là những người như thế.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu – nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thăm và tặng hoa Trung tướng Phạm Minh Tâm (Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp)

Trung tướng Phạm Minh Tâm quê phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn tỉnh Quảng Nam là người từng vào sinh ra tử trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ đất nước. Ông là Trung đoàn trưởng 27 (Trung đoàn Triệu Hải) rồi Sư đoàn trưởng 325, từng chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị suốt mùa hè năm 1972 và tham gia giải phóng Huế – Đà Nẵng xuân 1975. Năm 1979, khi đang là sư đoàn trưởng kiêm chính ủy sư đoàn 968 công tác ở Lào thì ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân đoàn 14 rồi Phó tư lệnh – Tham mưu trưởng Quân khu I, trực tiếp tham gia chỉ huy bảo vệ biên giới phía Bắc. Là tướng nhưng ông luôn đi sát mặt trận, chỉ huy và động viên quân dân, được cán bộ chiến sỹ và cả chuyên gia Liên Xô rất khâm phục. Trước khi về hưu, ông là Phó chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng.

Ông đặc biệt có tình thương yêu chiến sĩ bao la. Một chuyện xúc động là khi ông đi thị sát mặt trận Lạng Sơn năm 1979, có người nông dân đã chạy tới ôm chầm lấy ông mà khóc, thì ra đó là người chiến sĩ của ông ở mặt trận Quảng Trị ngày trước, anh ta vui mừng khi tình cờ gặp lại thủ trưởng cũ. Lúc đến thăm nhà người cựu chiến binh dân tộc Nùng ấy, ông xót xa thấy cảnh quá nghèo nên liền cởi quân phục tặng luôn. Hai thuộc cấp đi cùng ông cũng làm điều tương tự để rồi họ cùng mặc đồ lót về đơn vị… Ông về hưu đã lâu nhưng nhiều đồng đội ở mọi miền vẫn thường tìm đến Đà Nẵng thăm ông.

Có nhà văn đề nghị ông kể để viết hồi ký nhưng bị từ chối, với lý do, đã hồi ký thì phải nói về cái tôi, trong khi ông không thích thế. Những người biết ông trong chiến tranh đều bảo ông xứng đáng được phong anh hùng nhưng vị tướng này chắc không nghĩ vậy, bằng chứng là chẳng bao giờ nghe ông nói về chiến công của mình, kể cả với con cháu. Là bạn của các con ông, người viết bài này nhiều lần được hầu chuyện, lại được ông coi như con cháu trong nhà nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ nghe ông kể thành tích chiến đấu của mình.

Giờ đây, khi ông đang trải những ngày cuối cùng trên giường bệnh thì những đồng đội cũ của ông ở Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) đang làm hồ sơ đề nghị cấp trên phong tặng ông anh hùng LLVTND và họ mong ông sớm được nhận danh hiệu cao quý này.

Thiếu tướng Châu Khải Địch (Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp)

Một vị tướng khác, cũng có chuyện tương tự. Ông là Thiếu tướng Châu Khải Địch quê xã Tịnh Trà huyện Sơn Tịnh tỉnh Quảng Ngãi, nguyên là thành viên đội du kích Ba Tơ, đã làm nên cuộc khởi nghĩa Ba Tơ nổi tiếng ở Trung Trung bộ trước cách mạng Tháng Tám 1945. Trong suốt hai cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, ông lặn lộn khắp các chiến trường, trong đó có nhiều năm ở binh chủng Đặc công, nơi ông từng là Phó tư lệnh binh chủng. Sau năm 1975, ông là Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đăk Lăk, tỉnh Nghĩa Bình rồi Phó tư lệnh Quân khu 5.

Ngày ông được phong tướng, người thân không dám chúc mừng vì thấy ông buồn lặng lẽ, cứ thức suốt đêm. Nghe con gặng hỏi, ông thổ lộ rằng, trong giờ phút đáng ra rất vui thì ông lại buồn khi nhớ thương những đồng đội đã ngã xuống trước ngày hòa bình. Theo lời ông, trong số họ có nhiều người tài giỏi và nhiều công trạng lắm.

Gần 20 năm sau ngày ông về hưu, Quân khu 5 lập hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng ông danh hiệu anh hùng LLVTND. Những cán bộ làm công tác chính sách nhiều lần gặp gỡ, đề nghị ông kể lại những thành tích trong chiến tranh nhưng đều bị từ chối, với lý do còn nhiều người xứng đáng hơn. Thấy họ phải đi lại nhiều lần để năn nỉ, ông đồng ý lập hồ sơ đề nghị phong anh hùng với điều kiện: trước hết nên tặng danh hiệu cao quý này cho một số đồng đội mà ông cho là rất xứng đáng, còn ông thì để sau. Thế là, thay vì kể về thành tích của mình, ông kể thành tích những đồng đội đã hy sinh. Vì lẽ đó, cho đến khi ông qua đời (năm 2017) hồ sơ đề nghị phong anh hùng cho ông chưa thể hoàn thành.

Hai vị tướng ấy có thể được phong anh hùng, cũng có thể không. Nhưng trong suy nghĩ của nhiều người họ đã là những người anh hùng.

N.T.H