Võ Văn Trường
(Vanchuongphuongnam.vn) – Bao nhiêu năm lưu lạc nước ngoài, người nhạc sĩ tên tuổi một thời kiêu bạc tài hoa Phạm Duy đã quyết định về định cư hẳn ở Việt Nam để sống những ngày tháng cuối đời. Theo ông “Cuộc đời tôi thật ra chả lúc nào yên ổn như bây giờ, khi tôi trở về sống trên quê hương sau 30 năm hoà bình và thống nhất…”.
Bìa tập sách Phạm Duy nhớ do NXB Trẻ ấn hành
Với tôi điều muốn nói là khi gấp lại trang cuối cùng tập bút ký “Phạm Duy nhớ” do NXB Trẻ ấn hành thì điều mông lung trong mỗi con người như được đánh thức, những câu chuyện đời, chuyện tình, chuyện về bè bạn của tác giả cứ lôi cuốn nhau như một dòng miên man trong cõi nhớ. Phải chăng đoạn cuối của mỗi đời người đó chính là kỷ niệm. Đặc biệt kỷ niệm đó là của một con người chính bản thân tự nhận “Từ khi sinh ra và trưởng thành, hoàn cảnh chung của đất nước thường xuyên biến động, thời cuộc đẩy đưa tôi thành một kẻ giang hồ nay đây mai đó. Đi khắp nơi trong nước, đi khắp nơi trên địa cầu, từ khi còn là tóc xanh môi đỏ cho tới khi đã là tóc bạc răng long…”.
Những câu chuyện Phạm Duy kể lại bắt đầu từ những ngày thơ bé học ở trường mẫu giáo Hàng Thùng và trường tiểu học Nguyễn Du, tức trường Hàng Vôi – Hà Nội rồi đến trường Thăng Long, trường Kỹ nghệ thực hành… những ngày sống ở Móng Cái, Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Phòng, Nam Định, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Việt Bắc, khu Ba, khu Bốn. Nhiều nhất vẫn là những câu chuyện về những người bạn để lại biết bao kỷ niệm và gắn bó một phần đời sáng tạo nghệ thuật của ông như Văn Cao, Lê Thương, Trần Văn Khê, Quang Dũng, Hữu Loan, Phạm Thiên Thư, Hoàng Cầm, Đặng Thế Phong, Lưu Trọng Lư… rồi chuyện về những người bạn tên tuổi không mấy người biết đến nhưng với Phạm Duy vẫn mãi hoài niệm về một thời thơ ấu sáng trong. Ngay từ lúc lên 10 tuổi đến 15, 16 tuổi… rồi trưởng thành, gặp nhau trong kháng chiến, mất đi vì đạn bom loạn lạc. Người bạn đầu tiên mà Phạm Duy nhắc đến đó là Phạm Viết: “Mỗi buổi sáng đi học, hai anh em gặp nhau, chia cho nhau từng miếng xôi hay miếng bánh mì chấm dấm”. Và cũng chính nhờ Phạm Viết tác giả đã “Sống những ngày thơ ngoan ngoãn không lẻ loi lủi thủi một mình lầm lỳ như một đứa bé con út mồ côi cha là tôi”.
Khi học ở trường Thăng Long Phạm Duy nhớ các thầy như Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Tuyên, Phan Anh, Khuất Duy Tiến. Về bạn lúc này Phạm Duy thân nhất là Nguyễn Hiến. Hai người chia tay khi tiếng súng kháng chiến nổ ra (19/12/1946). Trong thời gian xa đất nước ông vẫn thường nhớ đến người bạn hiền lành dễ thương. Có lúc Đài truyền hình Hoa Kỳ chiếu bộ phim dài VietNam ATelevision History ông đang xem ở California bỗng giật mình vì thấy có hình ảnh anh bạn Nguyễn Hiến đi bỏ phiếu. Về Sài Gòn Phạm Duy mong gặp lại người bạn này nhưng rồi vẫn bặt vô âm tín.
Theo dòng hồi ức, trong thời gian 6 tháng ở Móng Cái, Phạm Duy tự coi mình như một con chim sổ lồng sống làm việc tự lập hoàn toàn tại nhà ông Đỗ Tử Côn – thư ký nhà máy điện ở đây. Theo lời kể, ông Côn là một tay ăn chơi khủng khiếp và là bạn Nguyễn Tuân thời trai trẻ. Trước đây ông cũng là nhà văn, nhà báo nhưng không nổi danh. Ngoài chuyện giảng văn ông còn bày cho Phạm Duy kỹ càng lối sống, hành lạc, đi hút thuốc phiện, đi chim gái… Không lâm ly nhưng chân chất mà lãng mạn là câu chuyện tình của Phạm Duy với một người tình công nhân khoẻ mạnh tâm hồn lẫn thể xác, ngoài mặt thì vẻ nhu mì nhưng khi yêu nhau thì nàng là hoả diệm sơn. Ngoài người tình công nhân Phạm Duy có thêm một mối tình câm với cô con gái ông chủ người Tầu. Gọi là tình câm vì ông không giỏi tiếng Tầu. Sau giấc mộng đi Pháp không thành Phạm Duy đăng ký học trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội. Ông xem thời gian này là thừa giấy vẽ voi. Vào đây ông khởi sự học về cái đẹp, trước hết học cái đẹp trên thân thể con người là vẽ tranh loã thể. Bước vào phòng vẽ ông rất ngượng với người mẫu đôi vai tròn trịa, với bụng lẳn vú căng thản nhiên cởi quần áo trước lũ học trò được xếp vào hạng thứ ba sau sau quỷ và ma. Bạn học có Bùi Xuân Phái, Mai Văn Hiến, Phan Kế An… học trước ông vài năm có Tạ Tỵ, Phạm Văn Đôn, Trần Văn Lắm, Nguyễn Thị Kim… mùa thu 1941 Phạm Duy xấp xỉ 20 tuổi. Ông tâm sự “Bàn tay công nhân được làm quen với búa với xẻng nay đã được dùng để cầm bút pha màu. Anh thanh niên được đày ra biên giới hẻo lánh xa xôi khi trở về thành đô ấm cúng thì có thêm biết bao là bạn…”.
Thời gian rời Móng Cái về Hưng Yên ông sống với tuần phủ Lê Đình Trân để bắt đầu một chặng đường mới với nhiều mẫu chuyện hấp dẫn mới. Con người lãng mạn đào hoa chứng kiến nhiều chuyện khôi hài về xã hội. Thời gian này trên văn đàn Huy Cận cho ra mắt tập thơ “Lửa Thiêng”. Từ yêu thích những bài thơ mà Phạm Duy đã tập tành phổ nhạc. Hai mươi năm sau ông đã thành công với thơ Huy Cận khi phổ bài Ngậm Ngùi. Trớc đó là bài Cô Hái mơ của Nguyễn Bính. Chưa được bao lâu, cuộc sống đưa đẩy ông những tháng ngày gắn với đồng ruộng đồi nương tại Bắc Giang. Tại đây, ông có mối tình với con gái cựu Chánh tổng và một cô gái quê đã lấy chồng làng bên nhưng hằng ngày vẫn trở về ấp cắt cỏ. Hình ảnh đẹp đẽ còn đọng mãi đến bây giờ khi ở tuổi ngoài 80 ông đã đặt bút để viết những dòng:“Tôi vẫn nhớ mãi bóng dáng nâu non của người gánh cỏ đi về phía chân trời tím thẫm. Đi quanh co mãi mãi như không muốn biến ngay vào bóng tối…”.
Với những người bạn văn nghệ sĩ mà ông có dịp quen biết, Phạm Duy dùng nhiều trang viết về Văn Cao. Với bản “cung đàn xa” Phạm Duy đã nhìn nhận chỉ cần với 12 chữ gót hài khai hoa, mắt huyền lưu xuân, dáng hồng thơm hương Văn Cao đã đưa nhạc tình 1943-1944 vượt khỏi khuôn khổ sáo mòn. Những lời ca đẹp như trái tim ngọc đá. Một quảng đời để lại nhiều dấu ấn với Phạm Duy khi tên tuổi của ông bắt đầu nhiều người biết đến, nhất là lúc ông theo gánh hát Đức Huy làm chuyến hành phương Nam qua nhiều tỉnh thành với biết bao kỷ niệm lưu lại trong tâm trí ông về những mối tình những người bạn, những nét nhạc cất lên bay bổng khi cảm hứng thăng hoa. Đến Đà Nẵng và Hội An ông gặp được hai con người đến bây giờ còn nhớ là nhạc sĩ lai Tàu La Hối và thú vị nhất là ông gặp chàng thi sĩ mà ông yêu quý từ lâu là Lưu Trọng Lư và Lưu Trọng Lư đã đề tặng thơ cho Phạm Duy và tặng luôn một tình nhân người Tàu lai. Nàng có thân hình kiều diễm, có đôi mắt màu hạt dẻ. Để trả ơn mối tình giữa đường phiêu lãng ông đã lần lược phổ nhạc các bài thơ của Lưu Trọng Lư như Tiếng Thu, Vầng thơ sầu rụng, Thú đau thương và bài Còn chi nữa (sau này mạn phép đổi tên là Hoa rụng ven sông).
Theo dòng hồi ức của mình, trong tập sách Phạm Duy cũng đã kể những ngày hoạt động văn hoá văn nghệ vùng chiến khu ông làm việc dưới sự chỉ đạo của tướng Nguyễn Sơn – Một trong 18 vị tướng còn sống sót sau cuộc vạn lý trường chinh. Ông phục Nguyễn Sơn vì vị tướng này là người yêu văn nghệ và có kiến thức về văn nghệ. Còn khi nghe Nguyễn Sơn kể chuyện lúc còn ở Hồng quân Trung Quốc thì cứ tưởng đang đọc tiểu thuyết cận đại của nước Tần. Với nhạc sĩ Lê Thương Phạm Duy tự nhận mình học trò và với GS Trần Văn Khê thì ông xem là người bạn chung tình lâu nhất. Cũng như GS Trần Văn Khê đến tuổi thật già Phạm Duy mới quyết định về hẳn quê hương để sống trước lúc ông đi xa.
V.V.T