Phạm Nguyên Thạch – Người mắc cạn niềm đau

730

Trần Minh Tạo

Đọc Mưa ảo – Tập thơ của Phạm Nguyên Thạch – NXB Hội Nhà Văn – 2019

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nếu cho thơ là tiếng nói của tiềm thức, của những khát khao bị chà đạp đau đớn, của sự phản kháng và cuối cùng là sự đả phá của tự do sáng tạo thì tập thơ Mưa ảo của Phạm Nguyên Thạch, xuất bản mùa xuân 2019, lại rơi vào trường hợp thứ hai. 

Mưa ảo – Tập thơ của Phạm Nguyên Thạch

Phải nhắc lại điều này một chút. Năm 1964, 16 tuổi, đang còn là cậu học sinh đệ tam (lớp 10 bây giờ) trường Phụng Sự, Long Xuyên, Phạm Nguyên Thạch, bút danh lúc ấy là Yên Uyên Sa (YUS), đã có bài thơ trên Tạp chí Văn, số 24 – chuyên đề nhà thơ Marie Noel.

Bài thơ có nhan đề Nỗi buồn. Mà quả là buồn thật. Một nỗi buồn khá thấm thía, phớt vàng cả tâm hồn cậu nhỏ. Được diễn đạt bằng một hình ảnh vừa mơ màng, vừa mênh mông, khá đẹp. Có sự gia công tu từ. Hoặc từ mạch thi cảm sôi tràn đang có mà ứng hợp “điểm rơi” liên tục vào ngay ba từ vần trắc, có âm vực thấp, bổ túc thêm độ oằn, độ trĩu, độ khoắc khoải, kiềm nén lâu ngày nơi tình thơ, ý thơ. Truyền hẳn sang người đọc: “Trên ngàn đá dựng xanh rêu/ Nai buông giọng lạc trong chiều nặng sương”.

Nhưng nỗi buồn hồi đó, về tính chất, mới chỉ là “Gió qua tóc đổ hoang đường/ Vời trông tôi xót thân mình chơ vơ/ Nói cười ra cũng ngây ngô/ Cúi đầu mòn mỏi đợi chờ kẻ xa”.

Chỉ mới là nỗi buồn-trông, buồn-xót. Buồn trông một cuộc giao ngộ, sum vầy chưa thấy gặp. Chưa thấy có. Hay có thể nói chưa thấy đến. Nỗi buồn của cậu bé chỉ vừa 16 tuổi. Sớm “Anh hoa phát tiết ra ngoài”. Đang hoài bão ấp ôm thầm kín niềm viễn vọng mũ mão áo xiêm về tương lai chốn nhộn nhịp ngựa xe. Nơi không còn, không có những ngày “Gió giũ nhào trước sau nhà không làm được cửa” (Nơi đất lấp, Tr 5), “Mưa rớt nhức chiếc thau chiếc thùng trống cá/ Miếng ăn phải bật mài con ốc vùi sông” (Nơi sóng nổi, Tr 24). Trong đó ẩn tàng lặng lẽ bao nỗi tin yêu xao xuyến sáng trong, thiện lành. Còn buồn-xót, là phần tự ngoái nhìn, rồi thương lại cái đang rỗng khuyết, thấp bé  nơi mình khi đem hiện thực lẫn ký ức riêng đối sánh cùng bao tha thể vây quanh.

Tới  Mưa Ảo, cách 56 năm. Vẫn thấy Phạm Nguyên Thạch tiếp nối  “chất”  buồn của YUS  xưa. Nhưng không còn là nỗi buồn trông, buồn đợi và buồn xót nữa.

Giờ là nỗi buồn câm nín của một người đang “Sụp đêm tóc bạc”. “Chỉ còn lấp lóa nắng trên ngọn cây gióng hướng/ Người đàn ông một mình chôn chân bên đám lau lô xô/ Níu buổi cạn ngày/ Thoi thóp/ Chiều ép bóng người mong manh trên đất/ Đám lau trổ bóng người/ Giũ bóng hoài không hết nỗi già nua/ Ngầm báo sẽ có cuộc đi nơi khác” (Sụp đêm, tr 80).

Nhưng đâu chỉ là nỗi buồn câm nín đó không thôi khi nhận ra đang “Sụp đêm tóc bạc”. Đang lặng lẽ, ngơ ngác ngồi xếp hàng nơi thềm ga cuối  cuộc nhân sinh, chờ đợi ngày “Người đàn ông hóa tôi mất bóng mình trên đất”, là lúc định mệnh đưa lên một chuyến “đi nơi khác”, làm “Bầu bạn với đám lau” (Sụp đêm, tr 80).

Nơi Mưa ảo, còn có nỗi buồn của vỡ tan. Tập trung bên trong là một đích điểm thẩm mỹ vỡ tan. Vỡ tan từ một sụp đổ đầm đìa “Mắt mũi ướt ròng” (Vật vã cơn hè, Tr 79) trước bao khát vọng, tin yêu của thưở  còn “Cúi đầu ngóng đợi kẻ xa”. Ngóng đợi một tương giao hòa hợp giữa đó và đây, kia và nọ đầy hoa thơm và mật ngọt, đầy “Những sắc màu tràn ngập tình yêu” (Sau Tết, Tr 51).

Vỡ tan. Nên cái “chân-mỹ” nhất nơi viễn vọng, tin yêu ngày nào của YUS giờ  đã và đang hiện ra, mang tới nơi tri nhận, cảm thức của Phạm Nguyên Thạch không phải, không còn là một “tiếng chim ríu rít” (Mùa trống, Tr. 29 ). Một “Cánh bướm chớp sắc màu” (Trong vườn hồ điệp-Tr 63). Một “Mùa hoa trái” (Vẫn biết, Tr 30). Hay một “Bờ vai hạnh phúc” (Mùa trống, Tr 29).

Chỉ còn là những “Chập chùng lưỡi lam giá cả” (Mua hoa, Tr 49), “Ngổn ngang xác dập” (Nguội tàn, Tr 55), “Rác rưới ngập mắt mình/ Những bao bọc ngọt ngào phế thải” (Vật vã hè,Tr 78). Đều đầy “trơn tuột độ nghiêng” (Mưa núi cũ, Tr 76). Cả trong hoạn lộ, đã đành. Ngay trong tình yêu đương trai gái, một tương quan nhân loại mang tính bổ túc điển hình cho mọi tương quan thì cũng vậy. Cũng “Lặng lẽ kiệt dần” (Chắp vá, Tr 53). Cũng “Đổ bể”. Cũng “Mốc thếch”. Cũng “Rẽ bước trước ngả ba”. Và cuối cùng cũng lại là “Ơ thờ thiên hạ qua đường” (Ước ao, Tr 67). Toàn những mong manh, mỏng giòn, chóng vỡ và nguội lạnh. Toàn những “đầu gió vô tâm” (Nguội tàn, Tr 55), “Bể dâu” nhân thế (Nguội tàn, Tr 55), “Trăng sao bùa chú hạnh phúc ảo lung linh (Có thể, Tr 38).

Vỡ tan. Vì dù Phạm Nguyên Thạch từng “Tấp nập yêu thương tặng cho hào phóng” (Vườn lão, Tr 83), từng cố tin yêu níu kéo niềm mong, cố “Bấm lật móng chân trụ trên dốc xuống” (Ước ao, Tr 67) nhưng vẫn “trợt”. Mà còn “Trợt dài” (Trợt, Tr 65). “Trợt” trên đường đời. “Trợt nơi hoạn lộ”. “Trợt” trong yêu đương. “Trợt” vào cõi “Lạnh lẽo trong thờ ơ thất sủng” (Sau Tết, Tr 51). “Trợt” vào  nơi đầy “Góc gai tua tủa nỗi niềm” (Trở lại Tân Huề, Tr 57). Tất cả đều làm “Rướm máu những vết cào”/ Có xác diều tôi nằm/ Rã trong mộ lá” (Bất chợt quê xưa, Tr. 18).

Nên dễ  hiểu thêm, vì sao, xuyên suốt Mưa ảo, luôn vừa ứ nghẹn chất trầm tư ưu lự, vừa tràn đổ tung tóe ngổn ngang, bề bộn, vật vã đầm đìa những lời, những câu, những tâm tình đầy xót xa, bi thán, đớn đau, mặn đắng, chát chua pha lẫn cả niềm sững sờ và hối tiếc. Hối tiếc đến độ phải “Quơ roi quất vào dại ngu” (Rất nhiều lần, Tr59) của một thời “Mông muội gió trăng” (Cõi khác, Tr 41) có “Cơn mơ thật thà” trong đó.

May mà “dại ngu”, “mông muội”, “thật thà” này chỉ mới làm cho PNT “trợt”, chứ chưa té ngả. Giữa nỗi bàng hoàng, sờ sững, Phạm Nguyên Thạch sực “tỉnh tuồng”. Tỉnh tuồng “trợt” ra khỏi bao “Bóng râm mộng mơ” xưa cũ (Trong vườn Hồ điệp,Tr 63). “Trợt” ra khỏi những trong trẻo tin yêu “Tràn ngập những phủ dụ yêu ma” (Rất nhiều lần, Tr 59). Lại còn “trợt” ra khỏi luôn cái khuôn thẩm mỹ thơ ca mũm mĩm tròn đầy cân đối âm dương cũ kỹ, êm êm ngay hàng thẳng lối theo mực thước vô hồn ngang dọc trong từng bài thơ nơi tập thơ. Là vì đã giao nhịp sóng đôi  được cái đà vỡ tan, sụp đỗ, ngổn ngang, tung tóe, xô lệch đang phơi trải chồng chất khắp lòng, sau khi vẫn còn giữ lại, cùng nâng cấp được cái thi pháp “động từ mạnh” đặc sắc có từ thời YUS  thành những câu có độ nén rất cao, như: “Gió tru dài”, “Gió quật chuối mòn đá núi” (Từ quê làng biên giới, Tr 20), hay “Tôi uống đêm”, “Tôi ngửa cổ nuốt mình” (Uống rượu một mình, Tr70), khiến người đọc dễ bàng hoàng ngơ ngẩn, đắm chìm, hòa tan hồn mình vào cái lấp lánh bất tận của một không gian nghĩa là vừa đang ẩn mình rực rỡ nơi thi ảnh đầy nét tinh khôi mới mẽ vừa bừng lên một luồng khoái cảm sáng ngời mà người đời ưa gọi là “Đẹp như thơ”.

Nhưng tỉnh tuồng mà vật vã. “Vật vã kéo mình ra khỏi niềm tin vừa chết” (Rất nhiều lần, Tr.59). Chấm dứt những tháng ngày “Tôi thấy tôi mắc cạn trong chiếc tổ ong không còn mật” (Rất nhiều lần, Tr.59). Làm cho bao “Bóng râm mơ mộng” của YUS xưa, Phạm Nguyên Thạch nay, chỉ còn là thứ “Sóng chạy túa vòng số không trùng điệp” (Vật vã cơn hè, Tr 78), “Chiếc mâm vây tròn số không”, “Có cây nến nhìn tôi lăn nước mắt” (Mừng thọ, Tr 52). Vì từng làm “Cả tin tôi sụp lút chân” (Trở lại Tân Huề, Tr. 57), “Vô công bao bắt bao dại khờ/ Quăng chài nơi đất lở sông trôi nước mắt em lấp lánh” (Tìm bóng, Tr 62).

Rồi muộn màng, Phạm Nguyên Thạch “Hồi xứ” (Tr 86). “Cuối mùa, cuối sức nặng gậy quay về”. “Lủi thủi quay về nơi trú ngụ buổi đầu” (Trợt, Tr 66). Quay về trong tâm thế “Vốc cũ càng hôn cho sặc sụa” ( Vật vã cơn hè, Tr 79). Quay về sau một chuyến du hành vào viễn vọng, được dẫn dắc bởi một niềm-tin-nỗi-tưởng theo kiểu “tưởng-vậy-nên-tin”.

Một cuộc quay về sau bao năm “Làm con dế lạc giữa bồn hoa trước nhà nức nở đói cỏ non”. Một cuộc quay về với “Cây xoài cây mận” (Hồi xứ, Tr 86), “Cái lu để góc nhà tưởng trống/ Cá lớn rọng đầy” (Bên mương, Tr16). Một cuộc quay về với “Bóng tre bóng trúc/ Bạn bè vui trải chiếu, tách trà con”, “Nhìn nhau cười ngất” (Giật mình, Tr 85).

Một cuộc quay về với những gì từng dứt áo rời đi. Ở đó, lắm phận người thay nhau “Ngồi trên gai nhọn cuộc đời/ Gió giũ nhàu trước sau nhà không làm được cửa” (Nơi đất lấp- Tr 5), đêm về “Quật quăng gió thổi/ Trái rớt lạnh khuya/ Đạp nỗi chết chìm/ Nước vẫn ào giấc ngủ” (Mùa lụt-Tr 10), “Ba má tôi ngồi trên miếng đất khi khô khi trầm thủy/ Lượm trái dừa trôi trồng gia sản buổi ra riêng/ Treo cái lọp cái lờ không dính vào điều ước/ Dính phận người không thể vượt ra hom” (Nơi đất lấp, Tr 5), nhưng lại có con “Sáo đậu véo von” trên lưng trâu luôn cọ ngứa cặp sừng đen mốc thơm bùn, nằm nhai  nhai bình minh nồng nàn mùi cỏ với chiếc mũi đen bóng, tự tại thung dung phe phẩy đuôi phủi nhặng đuổi ruồi. Không phải làm những “Con trâu giả đứng vô hồn bên góc tường vôi trắng” (Hình như, Tr 9) mãi không thể cất lên được tiếng nghé ngọ của tự ngã, của làng quê.

Nhưng vẫn lại bắt gặp nơi đây nỗi buồn. Một nỗi buồn thương. Thương vùng quê cũ, có ngôi nhà tinh thần xưa, đang bị “đào móng”, đổ móng, tiến tới chôn vùi, phủ lấp (Nơi đất lấp, Tr 5). Đè lên trên sẽ là những kiến trúc duy lý lạnh lùng sắt thép bê-tông “cống rãnh phố phường”, ép nghẹt cái bây giờ và lúc này của cuộc hiện tồn. Đẩy dần “Chỗ chạy diều no cao vút”  (Hồi xứ, Tr 86) ngày nào luôn thênh thang cả một cánh đồng lồng lộng gió bao dung, bất nhị  thành “Nghĩa địa lô nhô” an táng dần những mảnh cội nguồn tâm linh đang bị âm thầm cắt vụn, đổ khuôn vào những chiếc hộp duy niệm vô vị, cằn khô, xa lạ, không có hơi thở  nhân sinh, hơi ấm tình người. Khiến đất đang “Rút mình” (Hồi xứ, Tr 86). “Cây xoài cây mận” đang “Rút mình. Những “Nhìn nhau cười ngất”, “Bạn bè vui chiếu trải, tách trà con” cũng  đang “Rút mình”. Thậm chí đang dần biến mất. Chỉ còn lại những “Leng đất trộn thịt da cây mục”, “Những chùm rễ đen màu ký ức” (Nơi đất lấp, Tr 5) có nỗi “Sững sờ” lẫn “Thẫn thờ sợi khói vắt hư không”, nén “Nhang cháy vào tôi cong dấu hỏi” (Hồi xứ, Tr 86) trước cội nguồn, mồ mả cha ông đang “Gạch đá nhìn người lặng thinh dầu dãi” cùng những cơn mưa vỗ về, ân sủng từ đâu đó dội về, mong bôi xóa. Nhưng những cơn mưa đó giờ chỉ còn  “Như gươm phóng xuống cơn mơ” (Mưa Ảo, Tr 46). Vô nghĩa. Vô vị. Thậm chí cũng vẫn chỉ  là một “Con trâu giả đứng vô hồn bên góc tường vôi trắng”. Không làm mát được “Mùa khô khốc” nơi đáy tâm tình lẫn tâm linh. Mưa, càng làm cho lòng thêm “Khô ráo ảo” (Mưa ảo, Tr 47)

Cuối cùng, cuộc sống vẫn tiếp trôi. “Ngày cuối mùa, cuối sức nặng gậy quay về”, Phạm Nguyên Thạch “còng lưng” (Phía trước, Tr 8) quảy theo chiếc bị. Chiếc bị chứa một cõi “lòng nặng trĩu, không sao loại thải” (Phía trước, Tr 88). Chiếc bị chứa  đầy những vỡ tan, đau đớn, ăn năn và hối tiếc. Thảng thốt vừa xin, vừa tin “Quê nhà ơi muôn đời độ lượng/ Lạy người máu xương hóa đất, ơn sâu/ Lá nào cũng rụng mình xuống cội/ Rộng thứ giùm tôi bất nghĩa từ lâu” (Hồi xứ, Tr 86).

Từ cảm thức này, Phạm Nguyên Thạch bước tiếp, đi tiếp, mơ tiếp về “Phía trước”. Phía “Nơi đây mọi điều cứ như điều ước/ Bông hoa từng về không chừa ngóc ngách âm u/ Sắc màu từng về sơn phết sáng trưng những tối mù” (Phía trước, Tr 89) bằng liệu pháp “Tôi hơ tôi bằng đống un từ xác tươi thắm mùa qua”, để “Tim vẫn  nhịp đều trong tối tăm lồng ngực”, tự vỗ về  rằng “Sá gì chút cay khi khói phất”, với niềm tin “Ấm áp tôi đuổi tạt bấc đầm đìa”.

Nhưng ngẫm ra, cái “Phía trước” nơi  Mưa ảo này chẳng nằm ở đâu cả nơi cõi không gian hữu hình. Cũng chẳng nằm ở đâu cả nơi cỗ  xe thời gian vật lý đang  lặng lẽ lăn  về phía trước. Mà nằm ở không gian và thời gian tâm lý vốn không có trương độ nhưng có  một chiều trôi. Trôi  từ quá khứ về tương lai xuyên qua hiện tại và tồn tục, tiếp diễn trong hiện tại. Nên dễ hiểu trong cái “Phía trước” này có cái “Trước kia”. Cái “Trước kia” đang còn nằm nơi ký ức. Nơi hoài niệm. Nơi tràn ngập nhân bản, nhân tình. Nơi phía  đã qua, vừa qua nhưng vẫn còn rẽ mình, lắng lại đâu đó nơi đáy lòng, nơi tiềm thức. Nơi phía có “Cây xoài cây mận”. Có “Bóng tre bóng trúc”. Có “Nhìn nhau cười ngất”. Có “Bạn bè vui trải chiếu, tách trà con”. Và tất nhiên, khi phải ngự hàn cho lòng mình bằng những ngọn khói un như thế, quá rõ để thấy, nơi Mưa ảo, Phạm Nguyên Thạch vẫn chưa tìm được, chưa có được “Viên thuốc giảm đau” hữu hiệu cho lòng (Vừng ơi, Tr 73), dù cuộc đời xưa nay luôn pha chế  và rao bán khắp nơi, từ vỉa hè đến chỗ tường cao cổng kín thâm nghiêm. Đồng nghĩa, Phạm Nguyên Thạch vẫn đang còn mắc cạn. Mắc cạn một niềm đau nhân thế. Chừng như của muôn thưở. Loay hoay “bườn” qua mãi vẫn không sao thoát. Một nỗi đau  đâu chỉ của riêng anh. Kể từ khi “Rừng xưa đã khép”. Kể từ khi bàn chân  đầy bào ảnh mộng mơ “trợt” vào chỗ tỉnh tuồng.

   Sa Đéc, mùa mưa năm 2020

T.M.T