Phan Cát Cẩn – Câu chuyện cung đình – 1

1682

12.6.2017-09:30

>> Thư viện Phan Cát Cẩn

 

Câu chuyện cung đình

Kỳ 1

 

TRUYỆN KÝ CỦA PHAN CÁT CẨN

 

Chương một:

 

BỨC HỌA TRUYỀN THẦN

 

NVTPHCM- Trên cầu Trung đạo một chiếc kiệu rồng trang hoàng lộng lẫy chưa có người ngồi do bốn người phu khiêng ra, đặt xuống rồi khoanh tay trước ngực, nhìn về phía sân điện Thái Hòa. Tất cả cười nói râm ran, vui vẻ, bỗng im lặng nhìn lại phía sau. Hoàng Thái Hậu Từ Cung được hai thị nữ đỡ bên hông bước nhẹ tới chiếc kiệu. Theo sau là tám vị đại thần văn võ, dừng lại thành hai tốp đứng hai bên kiệu. Hoàng Thái Hậu đã ngồi vào ghế chạm rồng trên kiệu, hai thị nữ cầm quạt lông phẩy nhẹ.

 

Đi ngược chiều đoàn cờ quạt, tàn lọng từ Ngọ môn trở vào, Thượng thư Nguyễn Hữu dừng trước kiệu, cúi khom lưng thật thấp tâu trình: Muôn tâu Đức Hoàng Thái Hậu, hết thảy đã đầy đủ… Vẻ mặt bà Từ Cung rạng lên vẻ vui tươi và đáp: Rứa, khởi hành được hỉ? Dạ… phụng mệnh Đức bà. Thượng thư Nguyễn Hữu thận trọng nhìn lại phía sau. Đội lính Hoàng cung gươm dáo cắp nách đã xếp hàng ngay ngắn, sẵn sàng phòng vệ. Ông nhảy lên chỗ cao, đưa tay lên chặt nhẹ xuống như một hiệu lệnh. Những tràng pháo dài treo từ ngọn cây sào trong tay thị vệ được đốt ngay. Tiếng pháo nổ liên hồi. Hồi trống khởi hành rung động. Nhạc cung đình cất lên trong tiếng kèn đồng âm vang cao vút. Đoàn người chuyển động bước qua cửa Ngọ môn tiến ra đường lớn thành một hàng dài, giữ nguyên đội hình. Cờ quạt, tàn lọng đi trước, kiệu rồng, đại thần, cung nữ đi giữa, đội lính Hoàng cung ôm dáo trước ngực đi sau hộ vệ, tiến về làng quê thuộc huyện Phong Điền.

 

Đó là buổi sáng mùa Thu năm 1932, chuyến vi hành thật trang trọng tưng bừng của bà Hoàng Thái Hậu Từ Cung. Tại tư dinh đại thần nguyễn Đình Tấn đang nhộn nhịp, gấp rút sửa soạn, trang hoàng để đón mừng khách quí mà xưa nay ở vùng quê này chưa từng có. Trong ngôi nhà cổ năm gian lợp ngói, bàn thờ tổ tiên, bàn ghế, tủ chè, ấm chén đang được lau chùi sạch sẽ. Ngoài sân rộng, lát gạch vuông đã dựng khung cao phủ vải xanh. Những bộ bàn ghế kê sát vào nhau. Một dãy bàn đặt một chậu hoa. Ba bề sân rộng được đặt từng hàng cây cảnh.

 

Một cái xe bò kéo dừng ngoài cổng, lão Ngoạn quản gia dẫn vội đám gia nhân trai gái bước ra vác vào sân từng bó chiếu hoa rồi rải nối tiếp nhau từ bậc thềm nhà ra tận cổng. Nghe tiếng nhạc cung đình vọng tới, lão Ngoạn và đám gia nhân ùa ra cổng nhìn phía đường lớn, đã thấy cờ lọng, kiệu rồng…. Lão Ngoạn quay vào, đưa tù và lên miệng rúc một hồi dài báo hiệu. Lập tức, mọi người lau mặt, vuốt tóc, cài khuy áo, sửa soạn đón khách Hoàng cung. Lão Ngoạn nép mình bên bóng cây, tụt bỏ bộ đồ quần áo nhàu cũ, mặc một bộ đồ tây màu cứt ngựa, chụp vội chiếc mũ nồi vào cái đầu trọc tếu. Trai tráng đang cởi trần vội mặc áo. Mấy chị vội cuốn tóc lên đầu thành vòng tròn cho gọn ghẽ. Một bà nạ dòng cho con bú vội đẩy con ra, kéo yếm che ngực kín. Đám trẻ không quần bị lão Ngoạn xua nhanh đứng khuất ra ở phía sau nhà. Đoàn khách Hoàng cung tiến vào cổng, Lão Ngoạn hô to. Triều đình vạn tuế. Hết thảy gia nhân trẻ, già, trai, gái đều quỳ mọp xuống, mặt úp sát đất, không ai dám nhìn lên.

 

Thượng thư Nguyễn Hữu đưa tay cho tốp cờ quạt, tàn lọng dừng lại. Kiệu rồng đi trước đặt giữa sân. Hai nàng cung nữ đỡ nhẹ Hoàng Thái Hậu Từ Cung bước xuống, phẩy nhẹ quạt lông rồi dìu bà vào trong nhà, ngồi trên chiếc ghế bành được trang hoàng đẹp nhất. Nguyễn Hữu bước vào theo đứng phía sau Hoàng Thái Hậu. Chỉ đến lúc ấy đại thần Nguyễn Đình Tấn, bà Kim Loan vợ ông, cô con gái Hồng Yến, cậu con nuôi Vũ Thanh Ngọc đang cúi rạp xuống đất mới ngẩng lên, giữ nguyên thế quỳ hướng tới Đức Từ Cung cất tiếng. Kính lạy Hoàng Thái Hậu. Kính chúc Hoàng Thái Hậu an khang, trường thọ. Ngoài sân lão Ngoạn ngồi xổm trên đất, phùng mồm thổi mạnh cái đụn rơm cho lửa lòe lên, châm đóm đốt dây pháo dài treo sẵn dưới vòm cây. Tiếng pháo nổ kéo dài, khói tỏa mù mịt.

 

Trong nhà khi tiếng pháo đã ngừng hẳn Đức Từ Cung lên tiếng. Mời ông, bà ngồi ghế vô. Nguyễn Đình Tấn thưa: Bẩm bà cho hạ thần giữ tròn chữ lễ. Bà Từ Cung. Chữ lễ thì cứ giữ. Còn bữa ni, ta chỉ đến thăm gia quyến, chớ mô buổi lâm trào. Vâng lời ta đi. Thuở xưa, mụ già cũng là kẻ nhà quê. Nguyễn Hữu: Đức Hoàng Thái Hậu đã cho phép vậy ông bà cứ tự nhiên.  Ông Nguyễn Đình Tấn và bà vợ đành phải ngồi xuống hai cái ghế thấp. Hồng Yến, Vũ Thanh Ngọc vẫn đứng sau cha mẹ. Nguyễn Hữu nhấc ghế ngồi sau lưng bà Từ Cung. Bà Từ Cung: Rứa là được. Chừ ta nhai miếng trầu cho ấm. Ông bà Tấn bối rối ngơ ngác nhìn nhau. Nhưng hai cung nữ đứng ngoài khung cửa đã nghe tiếng Hoàng Thái Hậu. Thúy Hoa bước vào quỳ xuống nâng cao ngang trán cái hộp hình tròn sơn son màu mận chín. Bà Từ Cung đỡ cái hộp trầu đặt xuống bàn, mở ra, nhặt lấy một miếng cau, một miếng trầu đã têm cánh phượng, bàn tay trái khum khum che miệng, tay phải đưa trầu cau kẹp vào răng, mím môi lại nhai chậm ngon lành. Thúy Hoa đi giật lùi ra thềm. Thúy Hương nâng trên tay chiếc bình nhỏ hình quả đào bằng đồng sáng loáng bước vào, quỳ trước mặt bà Từ Cung. Đó là chiếc bình đựng bã trầu. Ba Từ Cung đỡ lấy, rất ý tứ đặt chiếc bình xuống nền nhà cạnh ghế ngồi. Thúy Hương đi giật lùi ra ngoài khung cửa. Miếng trầu khiến bà Từ Cung phấn chấn. Hướng về ông bà Tấn, bà Từ Cung hỏi: Ông bà sanh được mấy cô, cậu hỉ?

 

Nguyễn Đình Tấn đứng lên, sửa lại nếp áo dài nhăn, khoanh tay trước ngực. Bẩm Đức bà, đội ơn Đức bà hạ cố, vợ chồng hạ thần hiếm muộn chỉ sinh được một mình “nữ tử”, tên cháu là Hồng Yến. Hồng Yến đứng dậy. Con tạ ơn Đức bà. Ngắm dung nhan Hồng Yến khá lâu, bà Từ Cung vui vẻ. Được nớ, danh sắc vẹn cả đôi. Cháu đi học chớ? Hồng Yến thưa. Dạ bẩm Đức Bà, cháu đang theo lớp mở đầu trung học. Bà Từ Cung nhìn về phía cậu con trai, rứa còn cháu ni? Nguyễn Đình Tấn thưa, bẩm Đức Bà cháu là con nuôi tên gọi  Vũ Thanh Ngọc. Thanh Ngọc đứng dậy. Cháu tạ ơn Đức Hoàng Thái Hậu. Bà Từ Cung: trông dễ coi, khôi ngô tuấn tú, nhưng răng lại là con nuôi? Nguyễn Đình Tấn, bẩm Đức Bà, hạ thần xin kể đầu đuôi. Bà Từ Cung. Quan Tả đô Ngự sử cứ kể ta nghe. Ông Nguyễn Đình Tấn: Ông Vũ Thanh Trung là bạn đồng môn của kẻ hạ thần từ ngày còn nhỏ. Đến tuổi trưởng thành, ông Vũ Thanh Trung đã theo cụ Phan Đình Phùng đánh giặc. Năm 1893 tướng Cao Thắng bị tử vong trong trận đánh đồn Nỏ Nghệ An. Ba năm sau cụ Phan lâm bệnh nặng qua đời trên núi Quạt. Nghĩa quân tan rã. Ông Vũ Thanh Trung về quê cày ruộng. Nguyễn Thân hận thù tàn ác đã sai lính đào mộ cụ Phan đổ dầu vào đốt thành tro trộn cùng thuốc nổ nhồi vào nòng súng thần công mà bắn xuống sông La. Nên ông Trung thương cảm mà ở một mình không lấy vợ.

 

Bà Từ Cung: Thiệt là một người đáng quý! Bẩm Đức bà, mãi về sau bạn bè khuyên nhủ ông Trung mới lấy một cô gái trẻ sanh được cháu ni được ba năm thì ông Trung ốm mất. Thương chồng, thương con người vợ trẻ không tái giá. Hai vợ chồng kẻ hạ thần phải hết lòng khuyên nhủ, xin cháu về nuôi để mẹ cháu an lòng bước đi bước nữa. Bà Từ Cung: để cứu thoát cuộc đời người mẹ trẻ, ông bà đã nuôi cháu nhỏ từ lúc còn thơ? Dạ, vâng vợ chồng hạ thần thương cháu như đứa con trai. Bà Từ Cung. Thiệt là trung nghĩa. Ta có lời ban khen ông bà và hai cháu. Chừ ta về cung. Bà Từ Cung đứng dậy, Thúy Hoa nâng tay đưa bà ra kiệu rồng. Thúy Hương ôm hộp trầu cau và xách bình bã trầu bước ra theo. Lão Ngoạn sửa lại chiếu hoa, cho ngay ngắn rồi đốt tràng pháo thứ hai. Trong tiếng pháo, tiếng nhạc cung đình, đoàn khách Triều đình chuyển động ra cổng rồi ra đường lớn. Ông bà Nguyễn Đình Tấn, hương lý địa phương, gia tộc, dân làng còn tiễn chân theo ra ngoài cổng . Hết thảy đều cung kính vái theo chiếc kiệu rồng….

 

Vào một sáng sớm thu, viên Đội trưởng Thị Vệ canh gác cổng thành, đầu đội nón dấu, áo quần nịt, vung cao dùi gỗ nện vào mặt trống to bằng mặt cái nia sẩy gạo, treo trên giá gỗ đặt ở bên phải sân rộng của điện Thái Hòa. Tiếng trống báo hiệu một ngày mới hệ trọng, đó là hiệu lệnh cho mở bốn cổng thành: Ngọ môn, Chương đức, Hiển nhơn, Hòa bình được mở. Ngay phút ấy trước cửa Ngọ môn đã có hàng trăm người hầu hết lớn tuổi, đủ các thành phần, tầng lớp xứ Huế đọc hai bản cáo thị nội dung viết bằng chữ Hán và Quốc Ngữ như sau: CÁO THỊ. Phụng mệnh Đức Hoàng Thái Hậu, ngự tiền văn phòng Nam triều kính báo các quan thượng hạ và thần dân được biết: Sau nhiều năm du học tại trường Condorcet Pháp quốc Hoàng Đế Bảo Đại sẽ hồi loan vào dịp tết trung thu sắp tới để kiến tạo An Nam Quốc cường thịnh. Kính báo. Huế đầu tháng Bảy năm 1932. Đổng lý Ngự Tiền Văn Phòng Nam triều. Nguyễn Hữu.

 

Mọi người chen chân vào đọc cáo thị. Rứa là nước Nam sắp có Vua rồi, ngài đi miết ngai vàng bỏ trống. Có mô mần vua ở bên  Tây. Ngài về mang đầy bụng chữ Tây! Có người nói từ năm 1922 vua Khải Định đã cử ông Lê Nhữ Lâm sang Pháp để dạy ông Vĩnh Thụy chữ Hán và chữ Quốc ngữ, nên vua biết cả chữ Tây lẫn chữ Ta…Cũng từ ngày ấy tại vườn cây nhà ông quan đại thần Nguyễn Đình Tấn có một Họa sĩ truyền thần đeo kính trắng tóc búi sau gáy. Dưới tán cây là tiểu thư Hồng Yến ngồi im trên ghế thấp hướng về gã Họa sĩ để hắn nắn nót tẩy xóa truyền thần bức chân dung. Trên giá vẽ chân dung tiểu thư Hồng Yến được vẽ bằng mực tàu đen nhánh rõ nét, rất giống nhan sắc thật của nàng. Vũ Thanh Ngọc đứng dưới hàng hiên nhìn xa xăm…Hồng Yến nhí nhảnh bước lại gần. Thanh Ngọc lẳng lặng bước vào nhà. Hồng Yến nhìn theo linh cảm thấy điều gì … lờ mờ của sự chia xa. Hồng Yến vào nhà gặp lão Ngoạn đang ngồi uống nước lão hỏi: bức họa xong, ngươi coi chưa? Hồng yến dạ, coi rồi. Lão Ngoạn nói cái ” họa” sắp đổ xuống đời mi đấy!

 

Mấy ngày nay vì bận việc triều chính Ông Nguyễn Đình Tấn chưa có dịp hỏi việc nhà. Cũng hôm ấy lão Ngoạn xin phân giải là bà Hoàng Thái Hậu Từ Cung cho họa sĩ đến họa chân dung cháu Hồng Yến nói là để ngó cho vui. Cụ có tin không? Được để ta sẽ gặp Hoàng Thái Hậu hỏi rõ nguyên do ” Bức Họa truyền thần”. Từ ngày Hồng Yến ngồi cho gã họa sĩ truyền thần, Vũ Thanh Ngọc luôn lảng tránh gặp Hồng Yến. Hồng Yến cũng không còn nhí nhảnh như ngày xưa. Phải chăng hai thiếu niên mới lớn chớm nở yêu thương ? Tại phòng khách của bà Thái Hậu Từ Cung. Tả Đô Ngự Sử và Đổng Lý Văn Phòng Nguyễn Hữu đã ngồi bên bàn, Thúy Hương bưng khay trà. Thúy Hoa nâng nhẹ hông đưa bà Từ Cung ra, ngồi yên trên ghế rồi lui. Bà Từ Cung nhấc từng tách trà đặt trước mặt hai vị đại thần. Bữa ni, mụ già vui lắm phô chuyện Hoàng gia với ông Tả Đô Ngự Sử, còn ông Đổng lý thì biết rồi. Quay mặt về Nguyễn Đình Tấn bà Từ Cung nói: từ bữa tới thăm ông, bà và cháu Yến, gia quyến ông có vui không? Bẩm Đức bà hạ cố đến thăm cả nhà hạ thần thực lòng cảm động và ghi ơn Đức Hoàng Thái Hậu. Được như rứa ta có lời khen. Đa tạ Đức bà. Chắc ông bà và cháu Yến đang suy nghĩ về bức truyền thần? Ông cứ nói ta nghe hỉ. Bẩm Đức Bà, được phép của Đức bà kẻ hạ thần xin kính tâu. Kể từ bữa ông danh họa vẽ xong ” Bức Họa chân dung” cháu Hồng Yến , bằng hữu, gia tộc xa gần đến thăm đều phán đoán. Có thể là Hoàng Đế Bảo Đại muốn đền ơn một quan Pháp trước khi hồi loan nên cần bức họa cháu Yến khẩn cấp gửi sang Parsi? Trời đất mụ già ni hiểu rồi. Bà Từ Cung gọi Thúy Hương, dâng cho ta bức truyền thần Hồng Yến. Thúy Hương bưng trước ngực bức truyền thần ra. Bà Từ Cung đặt lên bàn. Nớ, hai ông, bức hình ta vẫ giữ, gửi sang Pháp mần chi? Ta mô phải Đức Gia Long thuở trước kiếm người đẹp gả cho viên quan Tây Sa Nhô? Lạy Đức bà hạ thần cạn nghĩ. Chừ thì ta thưa thật với ông Tả Đô Ngự Sử: Hoàng Đế Bảo Đại ngài sắp hồi loan. Ngài cần nạp phi, an bề gia thất để lo toan việc nước. Nhiều vị đại thần dâng ta lời khuyên. Cháu Hồng Yến của ông bà “đẹp người, đẹp nết”. Ta liền về thăm, coi ngó cháu Yến rồi, thì quả thiệt ta ưng ý. Tạ ơn Đức Bà. Vì như rứa ta mới nhờ ông Đổng Lý chọn danh họa họa hình cháu Yến. Mai mốt Hoàng Đế hồi loan, Ngài coi hình hẳn ngài ưng ý theo kén chọn của ta. Ý như rứa không biết ông Tả Đô Ngự Sử có bằng lòng ý của ta? Bẩm Đức bà, được Đức bà rủ lòng thương như vậy thì cháu Hồng Yến và cả gia tộc kẻ hạ thần thật có phước! Ta rất mừng ý ông hợp ý ta. Rứa là sau khi Hoàng Đế về ta nhủ Ngài xong, đích thân ta phải xuống dưới quê thưa chuyện với ông bà cho phải đạo, chớ không phải làm vua muốn nạp phi ai thì chỉ cần ban lệnh là xong! Bẩm Đức Bà thật chu đáo…

 

Con tàu DARTAGNAN rẽ sóng về phía Ô Cấp Vũng Tàu. trong căn phòng sang trọng Nguyễn Hữu Thị Lan sau tấm màn mỏng thay bộ đồ Tây mặc quần áo Việt Nam. Út Muội cô gái nhỏ theo hầu đang cài nút áo dài màu lụa bạch giúp Thị Lan, rồi chải mái tóc dài buộc lại bằng chiếc nơ xanh nhạt. Sau khi học và thi xong phần hai tú tài tại trường couvent des Diseaux bên Pháp . Nguyễn Hữu Thị Lan về cùng trên chuyến tàu này. Khuôn mặt xinh đẹp rạng rỡ vui tươi. Có tiếng gõ cửa nhẹ, Thị Lan bước ra mở cửa, lễ phép cúi chào khách đến, Út Muội chào khách rồi bước ra boong tàu ngắm biển. Người khách Pháp Charles 50 tuổi thông thạo tiếng Việt vì đã nhận chức Khâm sứ Trung Kỳ từ thời vua Khải Định, được nhà vua và bà Từ Cung quý trọng nên đã cho Vĩnh Thụy làm con nuôi Khâm sứ Charles từ lúc nhỏ đưa sang Pháp học lúc 9 tuổi. Người cùng đi vào phòng chính là Vĩnh Thụy ( Bảo Đại) dáng điệu thư sinh. Giờ đây Vĩnh Thụy đã có bằng tú tài 2 tại lycec CONDOREET chuyên ngành khoa học – chính trị và đã trở thành vua Bảo Đại từ ngày 8/1/1925, hồi loan lần này đích thân Charles đưa Bảo Đại về nước. Buổi xã giao định mệnh đó trên tàu Dartagnan…

 

Khi đó tại nhà Ông Nguyễn Đình Tấn bà cung phi Phước An đang dạy Hồng Yến về những điều: Công, dung, ngôn, hạnh, ngâm thơ, gảy đàn thập lục. Còn Vũ Thanh Ngọc xin về thăm mẹ và chú dượng tận ngoài Vinh. Bảo Đại về Huế được vài ngày.

 

Tại cung Diên Thọ bà Từ Cung nói với Bảo Đại. Bây chừ Ả hỏi con coi ngó thật kỹ tấm hình con nhỏ Hồng Yến rồi chứ? Cô gái đẹp không son phấn, không trang điểm. Lạy Phật Tổ phù hộ, con mắt của Ả ưng, con cũng ưng chứ? Rứa là thuận rồi, con đã gặp ông Nguyễn Đình Tấn rồi chứ? Thưa mệ con mấy lần tiếp chuyện ông. Đó là một vị quan thanh liêm. Con đã biết rứa thì quá thuận rồi. Chừ con có ưng để Ả thu xếp, chọn ngày lành tháng tốt cử hành buổi lễ tiến cung con nhỏ Hồng Yến cho con? Thưa mệ vậy con nạp phi có sớm quá không? Không sớm chi mô! Bà Mẫu Hậu Vân Anh đã chọn cô Mai Thị Vàng con gái ông Mai Khắc Đôn mần vợ vua Duy Tân khi ngài vừa 16 tuổi, nay con đã 20 tuổi nạp phi là quá đẹp rồi. Con phải nghe lời Ả chớ! Dạ, con còn phải trình với ông bà Khâm sứ Charles. Thưa mệ, con còn điều do dự ngày xưa vua Hán chọn nàng Chiêu Quân cống Hồ ( Phiên) Mao Diên Thọ được lệnh vẽ truyền thần nàng Chiêu Quân dâng vua Hồ xem trước, vì không có tiền đút lót Mao Diên Thọ thâm hiểm bèn điểm một nốt ruồi trên má và đề bốn chữ ” Thương phu trích lệ” . Vua Phiên coi hình Chiêu Quân thấy có nốt ruồi sát chồng, bèn nổi giận đem quân đánh nước Hán! Ngẫm cổ suy kim con có điều do dự? Không có chuyện đó chính Mệ đã đến tận nhà ông bà Tấn coi mặt con Hồng Yến rồi, nó còn đẹp hơn cả ” Bức họa truyền thần”…

 

(Còn nữa)

 

 

>> XEM TIỂU THUYẾT – HỒI KÝ CỦA TÁC GIẢ KHÁC