Phận má hồng – Chùm truyện ngắn của Trần Bảo Định

852

Phận má hồng

“Trời xanh quen thói má hồng
đánh ghen”
 (Truyện Kiều)

1.

Đêm Thuận Hóa, trời đầy sao và giá buốt!

Đã hai đêm ròng, Chúa Hiền(1) không thể chợp mắt vì bức mật thư của người cô ở Vương quốc Chân Lạp gửi hỏa tốc xin viện binh cứu đất nước chồng. Chúa Hiền đắn đo suy nghĩ: Ta đang trong thế giằng co mãnh liệt với quân Chúa Trịnh ở mạn Lam Giang, Tuần Lễ và Nghi Xuân(2). Nếu, rút một phần binh mã vào đất Chân Lạp lúc nầy, khác chi ta tạo thế ‘’Lưỡng đầu thọ địch’’ hoàn toàn có lợi cho quân Trịnh. Bằng không, công nữ Ngọc Vạn và bao người Việt lưu dân sẽ bị chúng tàn sát?

Sống thời chinh chiến, Chúa Hiền hiểu cái lẽ thường tình: ‘’Lấy súng gươm làm bầu bạn, lấy vó ngựa sa trường làm niềm vui’’ giữ gìn biên cương, mở mang bờ cõi. Sương khuya mờ phương Nam. Nơi đó, từng phút giây người thân và đồng bào của Chúa đang ngóng chờ và hy vọng đoàn quân cứu mạng đến từ quê nhà!

Chúa ngập ngừng và nhớ lại:

Ngày trước, có lẽ Sãi Vương(3) theo dấu người xưa, gả con để củng cố giao hảo, giữ phiên giậu biên thùy, như Trần Nhân Tông gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân hoặc giả ở Trung Hoa, nhà Đường đưa công chúa Văn Thành sang làm dâu xứ Tây Tạng. Thời nhà Hán, nàng Vương Chiêu Quân đi cống Hồ nên Sãi Vương nuốt lệ rứt núm ruột mình giao cho người nơi đất khách.

Vì đất nước, vì miếng cơm manh áo cho dân lành, công nữ Ngọc Vạn vâng lời cha lặng lẽ bước xuống thuyền hoa… Và, công nữ Ngọc Vạn làm được điều mà bao đấng nam nhi chắc gì làm được. Đó là, vua Chey Chetta 2 xác lập và cho phép người Việt được tự do đến đất Chân Lạp khẩn hoang, xây dựng làng xóm ở Mỗi-xuy Bà Rịa.

Nghĩ đến đó, chúa Hiền thấy mình có trọng trách đối với dân, đối với công nữ Ngọc Vạn, chúa chẳng thể vì sự an nguy riêng mình mà làm ngơ. Việc cứu binh như cứu lửa!

Trên điếm canh vọng đài, tiếng kẻng buông từng tiếng theo tiếng vạc kêu sương bay về trời rựng sáng!

2.

Nhận mật lệnh chúa Hiền, ba ngàn tinh binh đồn trú tại Phú Yên – Khánh Hòa dưới quyền chỉ huy Nguyễn Phúc Yến(4) hành quân thần tốc vào đất Chân Lạp. Nặc Ong Chân đem quân thủy bộ ngăn chặn quân Nguyễn ở Mỗi-xuy Bà Rịa. Một trận thư hùng đã xảy ra, Nặc Ong Chân(5) bị giết và đám tàn binh Chân Lạp tan rã, quy hàng. Đất nước Chân Lạp thoát khỏi thời kỳ đen tối, dân Việt và công nữ Ngọc Vạn được bình an.

*
Sau tám năm mặn nồng ân ái, bà sinh cho vua Chey Chetta 2 một hoàng tử và một công chúa(6) mang hai dòng máu Việt – Chân Lạp cực kỳ thông minh và khôi ngô. Tưởng rằng hạnh phúc đang mỉm cười chẳng những cho riêng mình, mà còn cho thần dân Việt ngày đêm đổ mồ hôi, sôi nước mắt trên đường cày luống đất vỡ hoang; nào ngờ nửa chừng bà đứt gánh: Vua Chey Chetta 2 băng hà – Chồng chết! Và rồi, người vợ trẻ với hai đứa con nhỏ dại, côi cút sống giữa hoàng cung hừng hực lửa tranh ngôi thay chủ. Bà định đưa con về quê ngoại theo tập quán người Việt: “Tiến về nội, thối về ngoại’’ nhưng, bà không thể cưỡng lại tập tục và qui định của triều đình Chân Lạp. Vả lại, nếu bà chỉ lo riêng mình thì ai lo cho những người Việt lưu dân trên đất khách? Muôn dân là hệ trọng. Cha bà đã nhắc nhớ bà lúc chia tay và bà cũng thấy điều đó là hệ trọng. Đi lấy chồng không vì hạnh phúc riêng bà mà vì, muôn dân đi mở đất!

Bà hiểu rằng, khi bước xuống thuyền hoa về quê chồng xứ Chân Lạp là bà chấp nhận làm chất keo kết dính tình nghĩa Việt – Chân, là bà có bổn phận góp phần cùng chồng đẩy lùi thế lực Xiêm La xâm lấn giang sơn gấm vóc nhà chồng(7). Nhưng, con tạo lá lay trêu cợt tấm chơn tình của bà, gây nỗi thống khổ đứt ruột xé lòng!

Hai đứa con yêu dấu của bà không thể sống dưới những nhát gươm bạo lực, tranh quyền cắt lìa huyết thống. Bà khóc chồng rồi lại khóc con, khóc cho sông núi quê chồng chìm trong máu, báo hiệu sự suy tàn!

Nhiều đêm trăng hoàng cung nhả từng sợi tơ lòng buộc ràng tâm hồn cô quạnh của bà, như nhắc nhớ bà ở lại để che chở và truyền lửa tin vào trái tim người Việt. Vắng bà, họ tránh sao khỏi xao động và khó khăn với người bản địa?

Tóc bà muối sương trên một đất nước đầy biến động!

3.

Xót thương bà, dân Việt không muốn bà gửi nắm xương tàn nơi quê người. Bà thì nghĩ khác, đây là quê chồng chớ đâu là quê người. Đã theo chồng, người vợ tự mình cắt đường quay lại.

Mơ ước và trông đợi bà vượt đường thiên lý quay về cố hương đã trở thành truyền thuyết trong dân gian, rằng: Bà trở lại đất Việt, sống trong vùng cai quản của Nặc Ong Nộn nơi gò Cây Mai. Sau đó, bà đi tu và dựng chùa Gia Lào trên núi Chứa Chan, xứ Đồng Nai (?!). Có người còn bảo: Mộ bà chôn cất ở chùa Kim Cang thuộc dòng Lâm Tế ở đất Vĩnh Cửu, Đồng Nai (?!). Thiệt hư, đời sau chưa làm sáng tỏ!

Công nữ Ngọc Vạn lá ngọc cành vàng của nhà Nguyễn, vì nghĩa lớn sẵn lòng bỏ lầu son gác tía ra đi ‘’thân gái dặm trường’’ để giúp lưu dân có đất khẩn hoang, giúp nước thêm bờ rộng cõi. Hậu thế bao nỡ quên ơn, kẻ hậu sinh bao nỡ hững hờ bạc bẽo?

——————-
(1) Nguyễn Phúc Tần (1620 – 1687).
(2) 1658 – 1660 (Theo Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim).
(3) Nguyễn Phúc Nguyên (1563 – 1635).
(4) Nguyễn Phúc Yến, Trấn thủ dinh Phú Yên – Khánh Hòa cùng Cai đội Xuân Thắng, Tham mưu Minh Lộc.
(5) Chant con thứ 3 của vua Chey Chetta 2, mẹ người Lào, vợ người Mã Lai. Chant được thế lực người Chiêm, đặc biệt người Mã Lai ủng hộ nổi loạn giết Prea Outey (phụ chính) và Ang Non 1, cướp ngôi vua xưng là Nặc Ong Chân cai trị Chân Lạp từ 1642 đến 1759.
(6) Hoàng tử Chau Ponhéa To, công chúa Néang Nhéa Ksattrey.
(7) “Vua Chân Lạp Chey Chetta2 muốn tìm một đối lực để chống lại lân bang Xiêm La nguy hiểm kia, đã xin cưới công nữ của chúa Nguyễn làm hoàng hậu, trông mong được sự ủng hộ của triều đình Thuận Hóa…’’ (Việt sử Đàng Trong, Phan Khoang).

Hỡi ai còn thương nhớ

1.

Sông Dinh mùa nầy nằm trơ đáy!

Nắng bức bối như trút nỗi buồn qua đỉnh tháp Po Rome(1) thiêu đốt đồng xa Hậu Sanh(2) hóa cát, để nuôi dưỡng sắc đỏ hoa xương rồng như máu của công nữ Ngọc Khoa (?). Trên ngọn đồi cao kia, tháp cổ hoài niệm tiếng sáo diều của lũ mục đồng(3) tiếc thương một vương triều sụp đổ, một đất nước điêu tàn, một dân tộc lầm than và dần dà tan biến!

Vua Po Rome được người Chăm hóa thần, đúc tượng đá thờ trong lòng tháp. Có biết chăng, người mà khi còn sống ông yêu tha thiết đang là nạn nhân thảm khốc của tình yêu tha thiết ấy! Tượng nàng Bia Ut(4) với tư thế chết chúi đầu xuống đất, chỉ cách ông khoảng tám cây số mà tưởng chừng xa cách nghìn trùng!(5).

*

Sãi Vương vị chúa nhà Nguyễn có tầm nhìn vượt ra khỏi đất Thuận Hóa, ông thường tư lự nhìn những cánh chim chiều bay về tổ phương Nam. Một công nữ Ngọc Vạn đã đi vào đất Chân Lạp biệt mù san giã, không qua phên giậu nước Chăm. Ngoài ngõ mạn Bắc, đất Bố Chính đang rực trời khói lửa với quân Trịnh kể từ năm Đinh Mão (1627). Trong nhà, lưu thủ đất Phú Yên câu kết với người Chăm mưu chống chúa Nguyễn(6). Mặt khác, chúa sợ Chăm liên kết thế lực khác uy hiếp phía sau biên cương… Phải đưa Champa vào sự hòa hiếu với Thuận Hóa.

Mùa xuân, mùa đẹp nhất núi sông Thuận Hóa, Sãi Vương tiễn con gái về nhà chồng xứ Chăm (1631). Po Rome vị vua chiến tướng và dũng mãnh, đủ tư cách làm chồng công nữ Ngọc Khoa và một Ngọc Khoa, đẹp người đẹp nết thừa phẩm hạnh, đức độ đội vương miện hoàng hậu.

Rừng trổ bông linh sam trắng hồng, những đụn cát chạy về biển mang sắc hoa xương rồng điểm xuyết đất trời Chăm!

2.

Năm 1651, triều đình Champa nội loạn, Po Nraop giết vua Po Rome cướp ngôi. Hoàng hậu Bia Ut bị đám loạn thần câu kết cùng hai người vợ(7) của vua Po Rome ghép tội gián điệp, bị hành hình dã man. Sau bao ngày chịu cực hình, thân thể cha mẹ đúc thành, trái tim trời ban tặng, tâm hồn do tình yêu quê hương mà có… đã bầm dập tan nát bởi những đòn thù. Chúng bắt bà quỳ, đạp đầu bà úp mặt xuống bùn sình cho đến chết!

Po Nraop lên ngôi vua cùng đám loạn thần đã “thay chữ đổi nghĩa’’, phao tin lan truyền khắp trong dân chúng Chăm, rằng: “Công nữ Ngọc Khoa là gián điệp được cài vào triều đình Chăm, đã mê hoặc khiến vua Po Rome mông muội chặt đứt sự sống cây “Kraik’’ – Thần bảo vệ đất nước và tồn tại dân tộc Chăm – để chữa bệnh cho Hoàng hậu Bia Ut, bất chấp lời can gián các pháp sư và của trung thần…’’.

Cây “Kaik’’ chết, nghĩa là đất nước Champa không tồn tại. Po Nraop nhân danh sự tồn tại đất nước, đứng lên lật đổ triều đại Po Ho cứu giang sơn và cứu lê dân (?!). Thật ra, lời xảo ngôn đó nhằm che đậy hành động cướp ngôi, thí vua và giết Hoàng hậu.

Chúng dối trá, bịa điều ‘’tầm thường phận đàn bà’’ trong bài ca Chiêm thành Ni Danak Po Rome(8) để lại sự kiện sang hướng ghen ăn tức ở, các hoàng hậu chém giết nhau lúc triều đình loạn lạc?

3.

Miệng và hai tai Hoàng hậu Bia Ut máu rỉ rả nhỏ từng giọt thấm vào lòng đất quê chồng. Bà cố gắng mở to đôi mắt ngó trâng trâng hướng quê nhà. Bầu trời trong xanh mang mây trắng trôi về cố xứ, gió biển thốc từng cơn hất tung cát vàng bay thành cơn lốc xoáy. Bà không khóc trước kẻ ác, bà dành nước mắt khóc cho chồng một đấng minh quân, khóc cho đồng bào mình và dân Chăm sao tránh khỏi họa chiến tranh. Bà lấy chồng là đổi lấy sự yên bình cho hai dân tộc. Bà ngước mặt nhìn trời, rồi tự hỏi có phải tại trời chăng?

Bia Ut ngạt thở, làn hơi mỏng hơn sương và nhẹ như lá thu rơi vào buổi hoàng hôn tịch mịch quê người. Bùn sình hòa máu trào ngược mũi miệng. Mắt bà đứng tròng, trừng trừng uất hận, bọn giết người hoảng loạn bỏ chạy… Cành vàng đã gãy, lá ngọc chia lìa!

*

Chúa Hiền bật khóc trong hoàng cung khi hay tin công nữ Ngọc Khoa chết thảm. Chúa nghiến răng và nắm chặt chuôi gươm! Những đường gân xanh nổi sọc trên vầng trán hồn hậu của ngài.

Trời Thuận Hóa se se lạnh, chúa rướm mồ hôi trong cái lạnh đất trời. Chợt chúa nghĩ:

– Kẻ nắm quyền lực mà để quyền lực tha hóa, sớm muộn sẽ dẫn đến chiến tranh.

Chúa chiêu ngụm trà sen, đầu chúa thôi nóng bừng và tâm trí tĩnh tọa.

– Ta vội chi kéo binh mã trả thù cho Po Rome và Công nữ Ngọc Khoa. Ngày một ngày hai rồi thì kẻ thù cũng dấy binh và nộp mạng.

Chúa Hiền nở nụ cười hiền đúng chất minh quân!

Hai năm sau (1653), Po Nraop động binh và tiến hành phát động chiến tranh xâm lược Đại Việt. Đại quân Chăm dưới sự chỉ huy trực tiếp của Po Nraop phối hợp dẫn đường của một số Chăm nô đã tấn công dữ dội vào dinh lũy Phú Yên.

Chúa Hiền bày binh bố trận thiên la địa vọng nơi cương vực. Đánh một trận, đoàn quân Chăm tan rã bờ Nam sông Ba và Po Nraop bị bắt trên đường chạy trốn về đèo Cả.

Bỏ vào rọ, Po Nraop bị dìm chết ngạt dưới nước như thể rửa sạch vết nhơ nghịch tặc soán đoạt ngôi vua Po Rome hơn là trả thù cho công nữ Ngọc Khoa. Bởi, nếu trả thù cho công nữ thì có lẽ chúa Hiền đã đem quân vào đất Chăm hỏi tội Po Nraop ngay sau khi nhận được tin Bia Ut bị giết thảm.

Chúa Hiền không có cái nông nổi và tầm thường của kẻ phàm phu!

4.

Thời thuộc về thời gian! Thời gian không có quá khứ, vị lai thì ai dám chắc màu thời gian đen hay trắng? Máu xương trộn lẫn vào mồ hôi, nước mắt người Việt xây dựng nên giang sơn gấm vóc nầy… Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của những người phụ nữ Việt và những người phụ nữ ấy, trở thành những bậc anh thư làm rạng rỡ đất nước.

Hỡi ai, còn thương nhớ?

………………………………….
(1) Vua Champa từ 1627 đến 1651.
(2) Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
(3) Po Rome xuất thân mục đồng (còn gọi vua mục đồng).
(4) Công nữ Ngọc Khoa.
(5) Theo GS Nghiêm Thẩm, đến năm 1960 bức tượng còn tọa lạc ở cánh đồng Hamu Binh, Phan Rang
(6) 1629, phó tướng Nguyễn Hữu Vinh (chồng của công nữ Ngọc Liên) đem quân vào Phú Yên dẹp loạn.
(7) Ngoài Hoàng hậu Ngọc Khoa, vua Po Rome có 2 Hoàng hậu trước: Bà Po Bia Sancan (Chăm), bà Sucih (Khmer).
(8) “…vua Po Rome có ba vợ: Hai người giống da sậm và một người Việt Nam, cả ba người đều ghen nhau, cãi vã ồn ào trong cung điện nhà vua”.

Mùa hoa xứ sở

1.

Quê tôi không phải là xứ sở của các loài hoa nhưng cũng chẳng phải xứ sở không có hoa. Mẹ thường dặn:

– Có hoa, tất có ong bướm!

Ngày đó, tôi ngây thơ đến độ không hiểu ong bướm là gì? Định bụng để hôm nào mẹ vui tôi hỏi mẹ. Rồi, cuộc sống hối hả và thời cuộc đổi thay nhanh, tôi quên bẵng. Tới khi học Truyện Kiều năm lớp đệ tứ Trung học đệ nhất cấp, thầy dạy Việt văn ngâm: “Êm đềm trướng rủ màn che/ Tường đông ong bướm đi về mặc ai’’ tôi mới hiểu trong cái hiểu lơ mơ của tuổi trăng tròn. Mấy chị bạn học lớp trên, thường to nhỏ với nhau lúc giờ ra chơi.

– Cô dạy Vạn vật bảo: “Hoa mõm chó, hoa sao nhái, hoa cúc họa mi, hoa vân anh và hoa mãn đình hồng quyến rủ ong bướm vào nhà…’’. Cô còn nói: “Ong bướm và hoa sinh ra là để dành cho nhau!’’

Mấy chị bấm tay nhau cười khúc khích, còn tôi má ửng hồng vì thắc mắc:

– Chả lẽ, giống đực và giống cái sinh ra là để dành cho nhau?

*
Thi xong Trung học đệ nhất cấp lần một, tôi về quê thăm ngoại ở Cái Bè. Vườn nhà ngoại trồng cây ăn trái và xen lẫn những loài hoa thôn dã sắc màu không kém phần sặc sỡ. Nhiều buổi sáng, tôi trốn ngoại lẻn ra sau vườn rình coi ong bướm chập chờn ve vãn những cánh hoa. Hình như ngoài hương hoa, còn có một cái gì đó hơn hương hoa khiến ong bướm không thể rời hoa?

Về sau, tôi mới biết ngoại biết tôi thường rình coi ong bướm ôm ấp hoa, nhưng ngoại giả lơ trong sự cảm thông của người từng trải qua tuổi chớm lớn. Một hôm bà cháu ngồi lau lá chuối chuẩn bị gói bánh ít, ngoại nói:

– Xứ sở ngoại hồi nào tới giờ gọi hoa là huê, là bông.

– Sao gọi vậy, ngoại?

– Hoa là tên cúng cơm của bà vợ vua Minh Mạng, kỵ húy!

Tôi chợt suy nghĩ: Đúng là thiên tử, là cha thiên hạ!

Ngoại vô tình cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi.

– Nếu bông có hương không có mật thì bông đó, dẫu chờ đến nhụy rữa cánh tàn, ong bướm chẳng màng ngó tới.

Rồi ngoại nói tiếp:

– Bướm từ sâu bởi sâu hóa bướm. Ong dùng nọc độc của mình chích vào sâu để loại tình địch ra khỏi cuộc chơi. Vua lo an nguy xã tắc vì xã tắc thuộc dòng tộc của mình. Vua nói: Xã tắc thứ chi, nhưng lê dân thử chạm vào cái thứ chi đó, sẽ biết đá biết vàng do bàn tay của vua.

Ngoại ngó ngoài ngõ, nói bâng khuâng:

– Bông dại gì cho mật theo cái kiểu hào sảng của người Nam Bộ “tình cho không biếu không’’ đối với ong bướm. Đó là, trả công ong bướm giúp bông thụ phấn, thụ tinh tạo điều kiện giữ gìn sản sinh nòi giống!

Tôi ngớ người. Tiếng gà trưa gáy buồn qua xóm nhỏ!

2.

Đêm trằn trọc, tôi nhớ hoài lời ngoại:

– Thời ngoại “Tường đông ong bướm đi về mặc ai’’ thì được, thời con thì không! Ngoại dù có muốn cũng chẳng thể buộc thời con quay về thời ngoại. Suy thịnh hay thăng trầm, lẽ quy luật tự nhiên trong trời đất. Một ngày kia, rồi con sẽ già như ngoại bây giờ…

Tôi ngắt một đóa hoa, không ngắt “một cành hoa thạch thảo’’. Mây mùa hè bay bãng lãng giữa bầu trời xanh thẳm, đâu nhất thiết hoa nào đều có cuống hoa. Nhưng hoa không thể thiếu đế hoa với những hình dáng lồi, lõm, phẳng chẳng giống nhau. Lá đài và cánh hoa hợp thành bao hoa. Suy cho cùng, nó chẳng khác chi người bởi nhị hoa tạo nên giao tử đực và nhụy chính là nơi tạo thành giao tử cái. Mật hoa, món quà dành tặng cho ong bướm.

Ngoại nói:

– Cành bông lưỡng tính khi nó có cái có đực. Nếu chỉ có một trong hai, nó thuộc về đơn tính.

– Vậy, cái nào hơn ngoại?

– Hẳn nhiên là lưỡng tính. Bông lưỡng tính tự nó làm mới nó, tự nó cho đời hương thơm, mật ngọt và màu sắc rực rỡ đất trời. Trái lại, đơn tính một mình một chợ mau cằn cỗi, dễ thoái hóa loài bông.

Nói xong, ngoại cười.

*

Ngoài gió, nước, côn trùng giúp hoa thụ phấn thì, ong bướm có một vai trò cực kỳ quan trọng. Trời đất tạo hoa có hương có mật có ý cả chớ chẳng chơi. Ong bướm hút mật, đồng thời đưa hạt phấn (nhị) là bộ phận sinh ra giao tử đực đến giao tử cái (nhụy). Khi hạt phấn rơi vào đầu nhụy, hoa rung nhè nhẹ và lắc mạnh không vì gió mà vì giao tử đực đã tạo sự bí hiểm thần kỳ vào nơi tận cùng của giao tử cái. Nhị và nhụy thăng hoa, thiên hạ gọi thụ tinh. Và, rất tự nhiên nhị tan chảy vào nhụy. Vì vậy, người đời thường nói: “Hương tàn nhụy rữa’’ chớ chẳng ai nói: ‘’Rữa nhị tàn hương’’!

3.

Hoa vắng bướm ong, không gian tự nó vô hồn với thời gian và trong cõi trần thế nầy, niềm tin sẽ không tồn tại. Hoa hé nhụy chờ ong bướm mang nhị về, có khi chờ đến tàn hoa. Sợ tàn hoa, trời đất cho hoa thầm lặng đi vào nẻo đơn tính. Một mình và chỉ một mình, nhị và nhụy chín cùng một lúc, hạt phấn rơi từ nhị xuống nhụy cùng một hoa trong tư thế bao phấn nằm ngang với núm hoặc nhích cao hơn núm nhụy. Sự đơn điệu sẽ làm suy yếu di truyền nòi giống và là điều kiện, cơ hội để các nhị hoa khác hiếp đáp, xâm lấn lai tạo ra loài hoa mới.

Mấy mươi năm lên bờ xuống ruộng, khi nếm trải đủ mùi vị hương lửa không phải ba sinh mà hằng hà sa số sinh… Tôi thương hoa, không tiếc ngọc giữa những mùa hoa của xứ sở quê nhà!

Theo Tạp chí Sông Hương Online