Phận người trong truyện Sơn Trần

645

Khuê Việt Trường

(Vanchuongphuongnam.vn) –  Bên kia cũng là núi là tập truyện ngắn thứ hai của Sơn Trần, do NXB Hội Nhà Văn xuất bản năm 2021, sau tập truyện ngắn “Bụi bay vào mắt” xuất bản năm 2018. Đó là 16 câu chuyện về phận người, như tác giả nói: “Mỗi truyện ngắn là một số phận, mỗi số phận là tấm gương phản chiếu chân thật nhất những hệ lụy mà phụ nữ gánh chịu… Bên kia biển là núi là sự thất vọng tràn trề, buông bỏ hay vượt thoát, tìm con đường sống?”. Những câu hỏi Sơn Trần đặt ra, và 16 nhát cắt từ cái nhìn tinh tế của anh, khiến cho người đọc khi đọc xong những phận đời là mẹ, là chị, là em… ấy, dường như đã bắt gặp quanh mình không xa lắm đâu, cuộc đời.

Tập truyện ngắn Bên kia cũng là núi của tác giả Sơn Trần

Sơn Trần tên thật là Trần Đức Sơn, giáo viên Trường THPT số 2 Mộ Đức, hội viên Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi. Sinh và và lớn lên ở miền đất có núi Ấn, sông trà, có con cá bống sông Trà và món ăn rất độc đáo là con Don, Sơn Trần mang tính cách của một nhà giáo, quan sát tinh tế và đưa vào văn, như thể để giữ lại từng mảnh cắt trong cuộc đời, bởi nó vốn vậy và bởi nó muốn thoát ra. Đa phần những truyện ngắn của anh đã công bố trên các báo và được độc giả đón nhận.

 “Bên kia cũng là núi” truyện ngắn làm chủ đề cho toàn tập truyện kể về cô gái tên Lụa: “Lụa lấy chồng xã bên, cách nhau một dãy núi cao. Người ta tạo một con đường mòn gập ghềnh đầy đá nhọn nối giữa hai sườn núi. Chồng chị là anh Vinh khỏe mạnh, cao ráo, quân nhân công tác xa. Thỉnh thoảng anh mới về thăm nhà. Có khi vài ba tháng hai vợ chồng mới ngủ chung”. Cái chi tiết “Lâu lâu hai vợ chồng mới ngủ chung” đan xen trong truyện khiến cho ta ngờ ngợ về một tình huống nào đó sẽ xảy ra như tưởng tượng. Chỉ là cô xảy thai, mà xảy thai là một bi kịch đối với người con gái quê. Cái buồn kéo chậm, rất chậm trong truyện: “Đến bụi duối, chỗ rẽ lên nhà, Lụa dừng lại kéo góc khăn chống nắng lau vội nước mắt. Con chó già lưng đã rụng mấy chòm lông, uể oải ngồi dậy, dúi mõm vào chân Lụa. Lụa đứng yên chứ không cúi xuống vuốt đầu nó như mọi lần”.

“Tiếng chó sủa Trăng”, ngay cái tựa đã khiến cho người đọc hình dung ra một chuyện gì đó ở quê. Là tầm gà gáy, con chó nhà cô Miền sủa “Cô Miền ngoài 30, sống với mẹ già bị mù trong căn nhà tạm bợ cất ở bìa làng”. Họ nghèo, và nuôi con Su là con chó bị bỏ rơi ở chợ. Con Su chứng kiến cô Miền khát tình cùng một người, rồi cô phát hiện ra mình không phải con bà Miền. Một đêm trăng con Su không sửa nửa… như một bi kịch đã kết thúc.

Truyện của Sơn Trần dường như không có hoan ca. Nó là những nhát cắt, hay nói chính xác hơn, anh giống như một người ghi chép lại những rã rời của phận người. Đọc và nghe như có một điều gì đó rất thật quanh đây mà đôi khi ta không nhìn thấy hay không muốn thấy. “Có đêm, dì lén ra sau chái bếp, trút bỏ áo quần, múc từng gáo nước, xối lên đầu… Dì đưa tay bấu chặt vùng nhạy cảm ấy mà miết mà xoa đều đầy hả hê và cuồng nhiệt” – Đó là chuyện một trong ba người phụ nữ: “Tôi từng qua bến sông ấy vài lần và được nghe câu chuyện về ba người phụ nữ” (Bến đời nông sâu). Lạ cho anh, hình như trong truyện anh có rất nhiều phụ nữ cô đơn.

“Bên kia cũng là núi” với bút pháp rất riêng, là một dấu ấn rất lạ trong chốn văn chương.

K.V.T