Phận người – Truyện ngắn Trần Quang Lộc

802

(Vanchuongphuongnam.vn) – Dọn dẹp xong việc nhà, được bà giáo Thuận cho phép đến thăm cô em họ làng bên cạnh, Thùy trang điểm nhẹ, khoác chiếc áo ngoài rồi đẩy cánh cửa gian nhà ngang bước ra sân.

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Làng quê mờ ảo dưới ánh trăng lưỡi liềm treo lơ lửng tận cuối trời xa. Mới hơn bảy giờ tối mà đường thôn ngõ xóm vắng teo không một bóng người đi lại, không một tiếng chó sủa, không tiếng lá khua xào xạc, không một tiếng vạc kêu đêm, không một ánh đèn leo lét hắt ra từ ngôi nhà nào đó! Lũ côn trùng ra rả khúc nhạc đồng quê nhiều cung bậc, giàu âm sắc, lúc nhặt, lúc khoan, lúc lại rơi tỏm vào sự im lặng sâu thẳm! Cảnh đêm lung linh tĩnh lặng của một miền quê khiến người ta có cảm giác như đang lạc vào cõi hỗn mang của thời nguyên thủy!

Rời khỏi sân nhà, đi hết một đoạn đường làng hai bên là những bụi cây rậm rì mang nhiều hình thù kì quái, rồi lần dò từng bước trên cây cầu khỉ bắt chênh vênh qua dòng kênh đang mùa nước cạn. Đến đầu cầu bên kia, Thùy men theo bờ ruộng lép nhép sương đêm tiến về một bãi tha ma thoắt ẩn, thoắt hiện dưới ánh trăng mờ. Bước chân vội vã, hấp tấp của Thùy đôi lúc lạc khỏi bờ ruộng khiến chị mất thăng bằng, lảo đảo! Nhưng không sao, đang mùa hạn hán nên đồng khô nứt nẻ. Cái bóng đen ấy bước thoăn thoắt tiến lên phía trước như người mộng du, như kẻ bị quỷ ám. Người yếu bóng vía không may gặp chị trong lúc này chắc sẽ ngất xỉu vì nhầm tưởng hồn ma, bóng quế từ cõi âm hiện lên vào đêm trăng non đi lang thang giữa cánh đồng hoang, nơi từng là bãi chiến trường khốc liệt thời chống giặc. Đã bao nhiêu lần băng qua lối đi này? Thùy không nhớ, nhưng chị nhớ như in, rằng hằng năm, cứ vào tháng này, ngày này, giờ này – nhằm vào đêm hôm trước ngày giỗ bố chồng – chị rẽ sương đêm băng qua cánh đồng không mông quạnh để đến điểm hẹn, đó là một khu nghĩa trang, nơi có nhiều mẫu chuyện ma quái rùng rợn, được dân làng thêu dệt lúc nông nhàn.

Qua khỏi cánh đồng, Thùy tiếp tục đi vào thế giới cõi âm dày đặc những mộ chí to nhỏ, mới cũ, lung linh, thực ảo dưới ánh trăng non. Một con cú mèo bỗng vỗ cánh bay vút lên từ ngôi mộ cổ, cất tiếng rúc rờn rợn rồi biến mất trong bóng đêm hun hút khiến chị giật nẩy mình. Chị sợ? Không! Đó chỉ là phản xạ tự nhiên, vì chị đã từng đến đây nhiều lần cũng vào cái thời khắc này.

Giữa thế giới đầy bí ẩn của người đã chết, Thùy bỗng thấy nao lòng và tự nghĩ, mới vài ba năm mà nghĩa trang làng đã kín chỗ. Đời người ai cũng đến lúc phải ra đi về thế giới bên kia, một thế giới mà các nhà truyền đạo thường rao giảng, đó là cõi thiên đường bình yên, không bạo lực, không mưu toan tính toán! Nàng chép miệng thở dài…

Đang ngẫm ngợi, bỗng một bóng đen cao lớn phóng ra từ ngôi mộ còn rất mới, ôm riết lấy thân thể tròn lẵn của Thùy, nói qua hơi thở dồn dập ngay bên tai chị:

– Thùy! Anh chờ em từ lúc trời còn chạng vạng!

Lòng chị cũng lâng lâng niềm xúc cảm, giọng chị đứt quãng:

– Em… em rất nhớ anh…!

Không kiềm chế niềm khát khao nhục cảm dồn nén, bóng đen vội bế thốc lấy chị đem đến đặt lên một tấm ni lông đã trải sẵn bên cạnh ngôi mộ còn tươi rói. Những trận mưa hôn dồn dập dội lên môi, lên má, lên cổ, lên ngực của nhau, những bàn tay cuống cuồng, vồ vập… Rồi dưới ánh trăng nhạt nhòa thoang thoảng hương đồng cỏ nội, hai thân hình trần trụi, săn chắc cuốn chặt lấy nhau vật vã, đắm đuối trong miền hoan lạc…

Sau cuộc truy hoan cuồng nhiệt, Thùy mệt lả người. Nàng trở mình, gối đầu lên hai bàn tay, ngửa mặt nhìn bầu trời thưa thớt những vì sao, nói giọng chán chường:

– Mình cứ mãi tiếp tục gặp nhau như thế này sao anh?

Giọng Tâm  nhẹ như sương đêm:

– Biết làm sao hơn hả em! Giá như ngày trước em chịu lấy anh thì chúng mình đâu đến nỗi này!

Thùy im lặng một lát rồi nói như tự an ủi lấy chính mình:

– Mà suy cho cùng, cứ như thế này vẫn tốt hơn. Biết đâu lấy nhau rồi trong quá trình chung sống sẽ nảy sinh những bất đồng dẫn đến ái ân nguội lạnh, rồi chán nhau, rồi mang đến cho nhau nỗi khổ đau. Bằng giọng chua xót – Cũng như em với Thảo bây giờ!

Tâm an ủi:

– Quan hệ vụng trộm như thế này anh lại càng thương em, càng không muốn rời xa em, mặc dù đôi lúc cũng cảm thấy có lỗi với chú Thảo!

Giọng Thùy thật buồn:

– Thảo cố chấp nên em mới ra nông nỗi này… Thùy thở dài chua xót – Dù sao thì em cũng chỉ là đứa con gái đang xuân! Nếu được làm lại từ đầu anh nhỉ?

*

Thi hỏng đại học, Thùy định ở nhà vừa phụ giúp mẹ cải tạo lại mấy sào rau chạy chợ, vừa tự ôn bài chuẩn bị kỳ thi năm sau thì gặp Ngôn, chị họ của Thùy lấy chồng Sài Gòn về thăm quê. Thấy Thùy suốt ngày tất bật chuyện rau quả mà thu nhập chẳng được bao nhiêu, Ngôn đề nghị bà Hương Trà – mẹ Thùy – cho Thùy vào Sài Gòn, ban ngày học nghề đan len, tối đến lò luyện thi. Nếu lại hỏng đại học, Ngôn hứa sẽ cho ít vốn về mở cửa hiệu riêng. Ở quê, nghề thêu đan rất hiếm, sản phẩm nghề này thị trường nước ngoài đang có nhu cầu. Thấy cô cháu chồng có ý tốt, với lại đây là dịp giúp con gái bà tiếp cận lối sống văn minh hiện đại. Biết đâu sau này Thùy cũng lấy chồng giàu trên thành phố như Ngôn. Nghĩ vậy nên mẹ con Thùy bằng lòng ngay.

Vào thành phố ở nhà Ngôn học việc chưa được tháng, Thùy mới thấy rõ bộ mặt thật của người chị họ! Ngôn lợi dụng sức lao động của Thùy chứ không có ý tốt như nàng đã hứa. Ban ngày, Thùy tất bật lo hai bữa ăn cho gần 20 con người đang học việc. Chiều sẫm, tắm rửa cho mấy đứa bé, hoặc mang hàng đi giao tại các shop. Buổi tối, dọn rửa chén bát, lau chùi nhà cửa trước khi đi ngủ! Thi thoảng mới được Ngôn cho đứng máy đan. Công việc hằng ngày của Thùy gần như được lập trình sẵn.

Ngao ngán nhất là những dịp lễ tết, chồng Ngôn lôi kéo bạn bè đến nhà ăn nhậu hát hò đến tận khuya. Khi đã có hơi men, bọn họ gây sự nhau, thậm chí còn đánh đấm nhau, có lần suýt xảy ra án mạng. Tàn cuộc nhậu, Thùy phải lo thu dọn bãi chiến trường tanh ói mùi thức ăn nôn mửa, mùi bia rượu, mùi thuốc lá, mùi mồ hôi khăm khẳm! Một vài tên thấy Thùy xinh xắn dễ thương buông lời tán tỉnh bằng những câu tục tĩu nghe mà tức  lộn gan! Những lúc lòng tự ái bị tổn thương, Thùy phản ứng kịch liệt. Chị Ngôn đã không an ủi, chia sẻ mà còn nói giọng bà trùm: Con gái phải ăn nói dịu dàng, mềm mỏng. Tính cách dữ dằn của mày sau này khó lấy chồng đấy! Hụt hẫng, chới với giữa lối sống hỗn tạp và đầy bất trắc, Thùy chỉ còn biết chạy vào phòng riêng úp mặt lên gối khóc rưng rức!

Tuy giận, nhưng đôi lúc cũng thấy tội cho người chị họ! Một cô gái quê, nghèo, có chút nhan sắc nhưng ham giàu. Tưởng lấy chồng thành phố đời chị sẽ thăng hoa, sẽ được ngẩng cao đầu nhìn bạn cùng lứa! Nhưng nào ngờ thời thanh xuân của chị là chuỗi ngày lầm lũi, chịu đựng như osin trong một gia đình vô đạo đức! Chồng chị Ngôn là tên biến thái! Ngoài thời gian ở công ty, anh ta thường lao vào những cuộc chơi bời trác táng với đám bạn mất nết. Về nhà, anh ta dành phần lớn thời gian la cà dưới xưởng đan, chủ yếu là nhìn trộm những bộ ngực phổng phao căn đầy sức sống của mấy nhỏ học việc thích mốt thời trang khiêu khích. Môi trường sống không lành mạnh đã gặm nhấm dần cái bản chất lương thiện của con người và thay vào đó là tính ích kỷ, thậm chí đến tàn nhẫn. Thùy không trách chị mà tự thấy thấm thía sự cô đơn, lạc lỏng giữa những con người vô tâm, vô cảm! Một lời chia sẻ, một câu an ủi cho đỡ tủi thân nếu có cũng chỉ trong mơ!

Thùy định bỏ nghề thêu đan về quê. Nhưng nghĩ lại, ra về trong lúc này Ngôn sẽ phải gồng lưng gánh vác tất cả mọi việc trong gia đình nhà chồng! Sức người chứ đâu phải sức máy!? Tội chị quá! Suy đi tính lại, Thùy nấn ná ở thêm thời gian nữa, biết đâu chị Ngôn sẽ thay đổi cách cư xử, dù sao cũng là chị em chú bác ruột chứ đâu phải người dưng nước lã!

Như một cơ duyên xui khiến, Thùy và Tâm gặp nhau bởi cơn mưa trái mùa bất chợt đổ ập xuống thành phố.

Xế chiều hôm đó, bầu trời đang trong vắt như pha lê, bỗng dưng những đám mây đen kịt từ hướng Tây bắc ùn ùn kéo đến mang theo làn gió căn mọng hơi nước. Nền trời thi thoảng bị xé toạt bởi những tia chớp hình rễ cây kèm theo là tiếng sấm ầm ì vang vọng. Trời tối dần, khí hậu dịu mát. Đó là hiện tượng của thế giới tự nhiên báo hiệu một trận mưa trái mùa đang đến…

Thùy khẩn trương giao nốt số hàng còn laị cho các chủ sạp rồi đạp xe ra về kịp tránh cơn mưa.

Lúc đi ngang qua khu công viên, mưa bắt đầu nặng hạt. Mặt đường nhựa còn hâm hấp nóng hắt lên một mùi kheng khét. Người tham gia giao thông vội tìm nơi trú ẩn. Thùy dựng xe bên lề đường, chạy ùa vào mái hiên của ngôi nhà gần nhất. Lúc này, trên hành lang đã đông người vào trú mưa. Thùy đến sau nên phải đứng ngoài cùng. Thùy định lấn sâu vào trong tránh những giọt mưa thi thoảng hắt xiêng vào mái hiên, nhưng nàng rất ái ngại bởi chung quanh toàn là đàn ông. Bỗng một giọng nam lên tiếng:

– Chị nhích sâu vào trong, kẻo ướt hết!

Câu nói của người thanh niên tốt bụng khiến Thùy bạo dạn chen sâu vào bên trong. Được chỗ đứng an toàn, Thùy rũ nước mưa trên vạt áo, xoay sang người thanh niên nói lời cảm ơn… Chàng thanh niên ngạc nhiên hỏi:

– Chị người Bình Định?

– Dạ, tôi dân An Nhơn. Anh cũng là người Bình Định? Nghe giọng nói là biết người cùng quê.

– An Nhơn là quê nậu của tui đó chị!

Thùy mừng rỡ, giọng phấn khích:

– Từ ngày ra thành phố, nay mới gặp người đồng hương đấy anh!

Trên hành lang ngôi nhà cao tầng, bằng âm lượng vừa đủ nghe, hai người đồng hương tình cờ gặp nhau nói đủ thứ chuyện trên trời dưới biển: về thời tiết, về những người xa quê đang chật vật trong cuộc mưu sinh, về tính vô cảm của một số người thành phố… Và cũng qua cuộc gặp tình cờ này, Thùy mới biết anh tên Trần Minh Tâm, vừa tốt nghiệp trung cấp xây dựng, đang trong giai đoạn thử việc…

Mãi say chuyện nên không biết mưa tạnh từ lúc nào. Thùy giật mình bảo:

– Về thôi anh, muộn rồi!

Nói xong, Thùy vội bước xuống mấy bậc tam cấp đến chỗ để xe. Tâm lặng lẽ theo sau, rụt rè hỏi:

– Thùy, Thùy có thể… cho mình xin số điện thoại?

Nếu là người khác, Thùy sẽ viện một ngàn lẻ một lý do để từ chối, nhưng với Tâm, một người cùng quê, tính tình hiền lành. Nàng đắn đo một lúc rồi đọc số cho Tâm ghi.

Về đến nhà, đường phố đã lên đèn, Thùy giúp chị dọn cơm cho những người học việc. Cơm nước, dọn dẹp nhà cửa xong, Thùy vào phòng riêng. Sau trận mưa chiều, không khí Sài Gòn dịu lại đôi chút. Nàng định lên giường ngủ sớm. Thùy chợt tỏ ra hối tiếc: Mình tệ thật, sao hồi chiều không hỏi địa chỉ của Tâm để khi cần còn có dịp gặp lại. Sài Gòn đất rộng người đông biết đâu mà tìm!? Rồi nàng lại mỉm cười, tự trách: Mình thật ngớ ngẩn, hồi chiều đã đọc số điện thoại cho anh ta ghi rồi. Cần gì anh ấy liên lạc. Lo gì!

Thùy tắt đèn, lên giường. Nàng mỉm cười nghĩ về cuộc gặp tình cờ của hai người đồng hương giữa thành phố nổi tiếng lắm người nhiều ma này…

Từ đó, Thùy và Tâm thỉnh thoảng gặp nhau và chia sẻ cho nhau những vui buồn, được mất trong cuộc mưu sinh gian nan vất vả trên xứ người.

Viễn khách tha hương ngộ cố tri! Tình đồng hương giữa hai người xa quê mỗi ngày một thân thiết, rồi bỗng rẽ sang một khúc ngoặc lúc nào Thùy không biết. Chỉ biết, vài ngày không gặp Tâm, nàng thấy buồn. Đêm, không nhận được tin nhắn của Tâm, nàng thấy lòng mình trống vắng…

Một hôm, chị Ngôn hỏi cộc lốc:

– Có bồ hả?

– Dạ, đâu có chị!

– Dạo này tao thấy mày thường đi về muộn nè. Tối nằm nhắn tin đến tận khuya nè. Thi thoảng còn thậm thụt nghe điện thoại nữa chứ!?

Thùy dựng chuyện đối phó:

– À, con nhỏ bạn cùng lớp thời phổ thông. Nó đang học khoa kiến trúc trong này. Bạn bè liên lạc với nhau cho đỡ buồn mà chị.

Ngôn đe:

– Bọn con trai thành phố đểu lắm, rủi gặp phải cái thằng họ Bùi, họ Sở là toi đời đấy! Thím sẽ trách tao không quan tâm!

Nếu chị Ngôn thật lòng coi mình như đứa em họ, Thùy sẽ đem chuyện tình cảm riêng tư ra chia sẻ. Đàng này…!

Tình cảm hai chị em họ vốn đã không mặn mòi gì bỗng trở nên rất căng thẳng! Nguyên do là Ngôn tình cờ phát hiện ra chồng mình đang ngầm để ý và rất quan tâm đến cô em vợ trẻ trung xinh đẹp!

Vậy là không còn lý do gì để tồn tại trong ngôi nhà của người chị họ vô tâm, một ông anh rể xấu tính. Thùy lặng lẽ rời thành phố…

Trở về với đồng quê yên bình, với không khí trong lành tươi mát, với những kỷ niệm thời tuổi thơ, Thùy thấy tâm hồn thanh thản và yêu hơn cuộc sống.

Ngoài việc ôn thi, chăm sóc vườn rau bỏ mối cho các con buôn, thỉ thoảng Thùy đưa mẹ đi lễ chùa, đi thăm bà con ở xa, hoặc cùng các bạn tổ chức những chuyến dã ngoại. Chủ nhật nào nhà Thùy cũng có bạn bè đến chơi, nói cười rôm rả!

Đôi lúc Thùy cũng nhớ Ngôn. Tội chị quá! Âu cũng là số phận của một kiếp người!

Một hôm, Thùy đang chuẩn bị bữa cơm chiều, bà Hương Trà từ nhà trên hồ hởi đi xuống, bảo:

– Cậu Thảo con bà giáo Thuận đến thăm.

Thùy hỏi:

– Thảo nào vậy mẹ. Có phải Dạ Thảo anh trai của Hoài Anh không?

– Chứ còn Thảo nào nữa! Thôi, để đấy cho mẹ. Con lên tiếp khách đi.

Trong lúc bà Hương Trà lấy nước đổ thêm vào ấm bắt lên bếp ga, Thùy hồi hộp cầm chiếc lượt thưa đứng trước gương chải lại mái tóc!

Dạ Thảo, học hơn Thùy 5 lớp, là anh ruột của Hoài Anh, bạn cùng lớp với Thùy. Hồi còn học cấp I, cấp II, mỗi lần bắt gặp Thùy đến nhà chơi với em gái, Thảo trêu: Cái Bống là cái bống bang! Những lúc như vậy, Thùy vừa sợ, vừa buồn cười, tìm cách lảng tránh. Năm Thùy vào lớp 10 phổ thông thì Dạ Thảo đang theo học năm thứ hai khoa báo chí trong thành phố. Thảo đẹp trai, học giỏi lại con nhà gia giáo nên được nhiều nữ sinh cùng trường đeo bám. Tại sao hôm nay bổng dưng Thảo lại đến thăm cái Bống quê mùa này? Nàng lấy bình tĩnh đi lên phòng khách. Thấy Thảo đang chú mục vào tấm ảnh nàng chụp chung với các nhỏ bạn cùng lớp năm cuối cấp III được phóng to treo trên vách.

– Chào anh! Thùy lí nhí nói.

Thảo từ từ quay lại nhìn Thùy với một nụ cười thật tươi làm Thùy càng thêm bối rối. Thảo nói:

– Nghe bác Hương bảo Cái Bồng… a xin lỗi, bảo em ở Sài gòn vừa về, anh đến thăm.

Thùy nhỏ nhẻ:

– Cảm ơn anh!

– Khi nào em vô lại Sài gòn?

– Em không vào nữa anh. Nhà chỉ có hai mẹ con…

– Vậy là tốt. Mỗi lần đến thăm, thấy bác lủi thủi một mình, tội lắm!

Cuộc gặp đầu tiên hai người cũng chỉ xoay quanh đề tài tết nhứt vừa qua, về vai trò của báo chí trong đời sống xã hội…

Thảo ra về, Thùy thấy người nhẹ hẩng. Lần đầu tiên trực tiếp gặp Thảo, Thùy đã bị cuốn hút ngay bởi vẻ đẹp đầy nam tính và cách ăn nói hóm hỉnh của anh, do vậy, suốt cuộc nói chuyện, nàng không được tự chủ cho lắm!

Từ đó, Dạ Thảo thường lui tới thăm mẹ con Thùy. Không ít lần anh thuê taxi đưa hai gia đình cùng đi lễ chùa, hoặc tổ chức những cuộc dã ngoại nhân dịp lễ tết. Bà Giáo Thuận với bà Hương Trà là bạn thân với nhau hồi còn là nữ sinh Trung học nên hai gia đình thường hay đi lại với nhau. Qua nhiều lần tiếp xúc, Thùy không còn tự ty mặc cảm về về gia thế, về tuổi tác. Khoảng cách giữa Thùy – Thảo ngày càng rút ngắn và nàng nhận ra, anh ta tuy có lối sống mẫu mực, đôi lúc tỏ vẻ kiêu căn, nhưng cũng dễ gần, dễ chia sẻ. Thấy Thảo thường đến nhà Thùy, bạn bè khen nàng tốt phúc được một nhà báo đẹp trai, con nhà nền nếp quan tâm. Thùy thật thà bảo, là bạn thân với Hoài Anh nên anh ấy xem mình như em gái. Chỉ có vậy thôi!

Một hôm, nhân chuyến hành hương chùa Mẫu sơn. Trong khi bà Thuận và bà Hương Trà đang nói chuyện với các sư cô trong phòng khách, Thảo và Thùy ngồi trên bãi cỏ giữa lưng chừng đồi nhìn xuống làng quê yên bình trong nắng chiều ấm áp nói về mặt tích cực, tiêu cực của mạng xã hội, lối sống xa hoa của các chân dài… Bỗng dưng, Thảo khẽ nắm lấy bàn tay của Thùy, khẽ gọi:

– Thùy!

Thùy xoay người lại trố mắt nhìn Thảo rồi rút tay về, Thảo vội giữ lại, thầm thì:

– Thùy, anh yêu em!

Thấy Thùy cứ giương đôi mắt to tròn ngơ ngác nhìn mình, chàng siết nhẹ bàn tay của Thùy, khẽ lập lại câu nói:

– Thùy ơi! Anh yêu em!

Sau câu nói của Thảo, Thùy ngẫm nghĩ một thoáng rồi chợt phá lên cười:

– À, em hiểu ra rồi. Nghe nói anh vừa làm báo, vừa viết văn. Chắc là anh đang viết một cái truyện hay một tập tiểu thuyết về đề tài tình yêu nên đang cần tư liệu!?

Giọng Thảo thành khẩn:

– Anh nói thật lòng mà! Nếu em đồng ý chúng ta kết hôn!

Quá bất ngờ bởi lời tỏ tình đột ngột của Thảo, Thùy quay mặt nhìn xuống dòng suối dưới chân đồi lấp loáng ánh hoàng hôn như để che giấu niềm xúc cảm đang cuộn dâng. Một lúc sau, nàng lên tiếng:

– Anh Thảo! Với em, chuyện tình yêu là rất hệ trọng cả đời người, em xin anh đừng lấy nó ra làm trò đùa mà tội em. Anh con nhà gia giáo, có địa vị trong xã hội, chung quanh anh có nhiều cô gái trẻ đẹp theo đuổi. Còn em, dưới mắt anh em chỉ là cái Bống quê mùa, học hành dang dở!

Thảo thở dài, chùng giọng:

– Không biết anh phải nói như thế nào để em tin. Nhưng thực lòng em là mẫu người mà anh yêu. Đặc biệt, cái duyên ngầm của em bỗng cuốn hút lấy anh ngay trong lần gặp đầu tiên sau ngày em đi Sài gòn về. Thùy, nếu em bằng lòng chúng ta sẽ tổ chức ngay đám cưới! Như để tăng thêm độ tin cậy cho người mình yêu, giọng Thảo nghiêm túc – Hôm nay là ngày giỗ tổ đình chùa Mẫu Sơn, anh xin thề, những gì anh vừa nói với em đều xuất phát từ trái tim…

Thực ra, Thảo đã ngầm để ý đến Thùy từ hồi còn đang theo học phổ thông. Sau này lên bậc đại học, Thảo không có dịp gặp lại Thùy. Bẵng đi một thời gian dài, tình cờ gặp Thùy sau hôm nàng ở Sài gòn về, Thảo giật mình nhận ra, Cái Bống ngày xưa bây giờ đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp! Vẻ đẹp hồn nhiên tinh khôi kết hợp với nét duyên ngầm hiếm có đã cuốn hút chàng nhà báo hào hoa đôi lúc cũng tỏ ra kiêu căn và tự phụ! Ngoài ra, bà Giáo Thuận cũng động viên Thảo nên lấy vợ, cô dâu tương lai mà bà đã để ý từ lâu không ai khác là Thùy, con của người bạn thân hồi còn là nữ sinh trung học.

Chuyện tình của Thùy và Thảo không cần phải viết ra đây, chỉ biết sau đó không lâu, đám cưới của họ được tổ chức trọng thể tại một nhà hàng sang trọng trên thị trấn. Trong ngày cưới, họ hàng, bạn bè đến chúc phúc. Ai cũng khen cặp vợ chồng xứng đôi phải lứa! Sui gia môn đăng hộ đối.

Nhưng chuyện đời dâu bể! Cuộc tình của Thảo và Thùy ào ạt đến rồi lặng lẽ ra đi như sóng biển xô bờ!

Đêm động phòng, Thảo ngồi bó gối trong phòng khách, mắt đăm đăm nhìn bóng đêm hun hút bên ngoài ô cửa và ngẫm ngợi về cuộc đời đôi lúc đem đến điều bất ngờ ngoài dự kiến. Trước đây, chàng đinh ninh rằng, Thùy là gái chân quê, hồn nhiên trong trẻo như giọt sương sớm. Nhưng nào ngờ… mình chỉ là kẻ đến sau!! Tội nghiệp Thùy! Nàng còn quá trẻ và rất ngây thơ trên tình trường nên chưa thể nhận ra ngay nguyên nhân khiến cho Thảo có thái độ bất thường. Khi đã hiểu ra, nàng chỉ còn biết ôm mặt, nước mắt rưng rưng!

Lòng tự ái bị tổn thương, từ đó, cứ đôi ba ngày, có khi cả tuần Thảo mới về nhà một lần, lần nào cũng về rất khuya rồi lăn ra giường ngủ mê như cố quên người vợ trẻ đang nằm bên cạnh trăn trở, day dứt, nhạt nhòa nước mắt! Một hôm, Thảo đưa cho nàng một tờ đơn ly hôn và đề nghị nàng ký vào càng sớm càng tốt.

Bản chất ích kỷ, hẹp hòi và cố chấp của Thảo được bọc trong lớp vỏ trí thức, hào hoa và lịch lãm! Biết vậy thì đã muộn, Thùy vẫn hy vọng một lúc nào đó, Thảo sẽ tha thứ sự dại dột của mình trong quá khứ, cùng nhau xây lại mái ấm gia đình.

Nhưng số phận của Thùy được định đoạt bởi cái quyết định của Tổng biên tập Báo cử Thảo ra nước ngoài tu nghiệp thời hạn 5 năm. Linh tính mách bảo, đây là cơ hội giúp Thảo dứt tình! Thế là hết! Thời gian sắp đến là chuỗi ngày sống trong cô đơn, vô vọng! Hôm Thùy và bà Giáo Thuận đưa Thảo ra sân bay trở về, Thùy như người mất hồn, toàn thân lạnh ngắt. Vừa bước xuống taxi, Thùy lảo đảo đi vào buồng gieo mình xuống giường khóc nức! Bà Giáo Thuận hoàn toàn không hay biết tý gì về chuyện riêng tư thầm kín của đôi vợ chồng mới cưới nên động viên, an ủi nàng dâu theo cách hiểu của bà:

– Các con lấy nhau mới mấy tháng mà phải xa nhau ngần ấy năm lòng mẹ cũng xót xa lắm! Nhưng hãy vì tương lai, con không nên suy nghĩ nhiều sẽ tổn hại đến sức khỏe. Thời gian 5 năm rồi cũng qua nhanh thôi con à!

Mặc dù được mẹ chồng và các em quan tâm chăm sóc, sẻ chia, nhưng cô con dâu ngày càng xanh xao héo úa như cây bị dứt rễ, bà Giáo xót xa, khuyên:

– Hay là con về bên đó với chị ít hôm cho khuây khỏa. Bên này đã có thằng Tuấn dạy gần nhà. Hoài Anh tuy học trên thành phố nhưng tuần nào nó cũng về.

Từ đó, Thùy cứ đi về gữa hai quê: quê mẹ và quê chồng.

Ngày giỗ chồng có nàng dâu mới, Bà Giáo Thuận vui vẻ và tận tình chỉ bảo con dâu cách gói bánh ít lá gai; cách chế biến một vài thực đơn cho một mâm cỗ; truyền lại những kiến thức cơ bản của người nội trợ…

Việc chuẩn bị cho ngày giỗ đã xong, Thùy xin phép bà Thuận sang làng bên cạnh thăm cô em họ.

Rời khỏi sân nhà đã chạng vạng. Trên con đường quê ngoằn ngoèo, Thùy thong thả rảo bước đi về một xóm nhỏ nằm dọc theo triền đê đầu làng. Đến một ngã tư, bổng có tiếng ai đó gọi tên mình. Thùy quay lại, từ phía ủy ban xã, Tâm đang hối hả đạp xe về phía mình. Chưa kịp dừng xe, Tâm mừng rỡ gọi khẽ:

– Thùy!

Từ hôm đám cưới, tuy đã gặp Tâm vài lần qua làn sóng di động, nhưng đây là lần đầu gặp trực tiếp nên Thùy không khỏi bối rối. Nàng trả lời ngập ngừng:

-Em… em đi thăm người em họ. Lấy lại bình tĩnh, Thùy hỏi – Anh về lúc nào? Chừng nào vô lại?

Tâm bảo:

– Anh về hồi sáng. Tối mai phải vào lại.

Thùy hỏi:

– Mai anh có về dự ngày giỗ ba chồng em?

Tâm cười nhẹ:

– Mới về làm dâu nên em không biết chứ năm nào anh cũng có mặt ngày giỗ chú!.

– Vậy mà em tưởng…!.

Nói xong Thùy định quay đi, Tâm ngăn lại:

– Thùy, hãy đợi đã. Anh có chuyện này muốn nói với em.

– Có quan trọng không anh?

– Rất quan trọng!

– Vậy anh nói đi.

Tâm hạ giọng:

– Mình vào trong kia đi em. Đứng ở đây lỡ ai trông thấy thì phiền lắm!

Thùy ái ngại nhìn khu nghĩa trang phía bên kia đường trong chiều nhập nhoạng:

– Thôi anh, để lúc khác. Giờ sắp tối rồi!

– Anh xin em, mai dự ngày giỗ chú xong là anh vào lại Sài gòn rồi!

Thấy Tâm có vẻ khổ sở, Thùy không nỡ từ chối. Nàng theo Tâm đi sâu vào bên trong khu nghĩa trang. Tâm chọn một bãi cỏ bằng phẳng rồi kéo Thùy ngồi xuống bên cạnh. Thùy ngồi bó gối, nhìn vầng trăng lưỡi liềm treo lơ lửng trên nền trời xa. Tâm đặt nhẹ bàn tay lên bờ vai của Thùy, giọng chàng thật ấm:

– Từ ngày dự đám cưới em đến nay đã gần giáp năm, lúc nào anh cũng nhớ em. Nhớ những chiều bên em trong thành phố! Hôm nghe tin vợ chồng em có nguy cơ đổ vỡ, anh muốn chia sẻ cùng em nhưng rất tiếc em không bắt máy!

Thùy lạnh lùng nói:

– Hãy quên quá khứ đi anh, giờ thì mỗi người một số phận, gợi lại kỷ niệm cũ có ích gì!

Tâm thành khẩn:

– Thùy ơi! Anh là người có lỗi. Chính anh đã gây ra sự đau khổ cho em thì anh phải có phần trách nhiệm. Tâm trầm giọng – Hãy đi cùng anh đến một nơi nào đó thật xa, anh hứa sẽ mang đến cho em một cuộc sống hạnh phúc?!

Thùy quay sang nhìn Tâm, nói dứt khoát:

– Anh Tâm, mặc dù Thảo đã không còn quan tâm đến em, nhưng em vẫn là con dâu của nhà họ Trần. Nếu coi đây là một sự trừng phạt về lỗi lầm của em trong quá khứ, em không oán trách. Anh về đi và đừng, đừng day dứt những gì đã xảy ra cho em! Lỗi cũng tại em!

Thùy định đứng lên rời khỏi khu nghĩa trang. Tâm nắm bàn tay nàng giữ lại:

– Thùy, nghe anh nói hết đã. Em hãy quên những ý nghĩ lãng mạn ấy đi và nhìn thẳng vào thực tế. Em còn trẻ, rất trẻ, tương lai đang chờ em phía trước.

Thùy ôm mặt, giọng thổn thức:

– Tương lai gì nữa anh! Còn gì nữa mà nói đến tương lai!

Tâm âu yếm xoa nhẹ bàn tay lên vai Thùy rồi kéo nàng lại gần hơn:

– Thôi em, đừng buồn, âu cũng là số phận. Giọng Tâm như những giọt mật rót vào tai người tình: – Dù phải đi cùng trời cuối đất anh cũng không tìm đâu ra một người con gái như em. Thùy ơi! Anh rất yêu em. Anh không thể sống thiếu em. Anh sẽ chờ em dù cho phaỉ chờ suốt cả cuộc đời này!

Sau câu nói sặc mùi cải lương, Tâm từ từ khép chặt vòng tay rồi cuối xuống hôn vào cái cổ cao, trắng ngần đầy gợi cảm của Thùy. Những cọng ria mép lởm chởm xác nhẹ lên làn da mịn khiến Thùy co rúm người, một cảm giác vừa lạ, vừa quen lan tỏa khiến toàn thân nàng nóng bừng, Nàng từ từ ngã đầu vào vai Tâm. Những kỷ niệm êm đềm của những tháng ngày ngắn ngủi trên thành phố bỗng ùa về những khát khao nhục cảm! Thùy cố kiềm nén sự ham muốn đang dâng lên cuồn cuộn. Nhưng kiềm chế để làm gì?! Nàng đã dành cho Thảo tất cả nhưng chàng đã vô tâm phủ nhận! Thùy thở dài buông xuôi rồi vòng tay ra sau lưng Tâm từ từ riết chàng thật chặt…

Thùy bỗng ngồi bật dậy chỉnh lại áo quần, quấn vội mái tóc. Nàng định đứng lên rời khỏi khu nghĩa trang, Tâm ngăn lại bảo:

– Về lại đường cũ xa lắm. Anh sẽ đưa em đi đường tắt gần hơn.

Dưới ánh trăng non bàng bạc, Tâm đưa Thùy rời khỏi khu nghĩa trang rồi băng qua cánh đồng khô hạn. Qua phía bên kia chiếc cầu khỉ vắt ngang con kênh thủy lợi, Tâm kéo Thùy vào lòng, thì thào:

– Hằng năm, cứ vào tháng này, ngày này, giờ này anh sẽ chờ em…

Thùy không trả lời, nàng vội đẩy Tâm ra rồi lặng lẽ rẽ sương đêm đi vào xóm vắng…

*

Càng về khuya, khu nghĩa trang càng âm u đến rợn người. Trăng cuối tuần đã lặn từ lâu, sao trời mỗi lúc một thưa dần, lũ côn trùng cũng đang say giấc. Bỗng một cơn gió heo may thổi nhẹ khiến mi mắt Thùy cứng đờ rồi díp lại, đưa chị vào giấc mơ. Trong mơ, Thùy thấy mình và Tâm cứ cuốn quýt lấy nhau đắm chìm trong cuộc ái ân bất tận… Đang chìm đắm trong tột đỉnh của cuộc truy hoan thì giọng Tâm rất buồn khe khẽ bên tai như từ cõi xa nào đó:

– Dậy đi em, trời sắp sáng rồi!

Thùy tỉnh giấc ngồi bật dậy, nét mặt còn lộ vẻ tiếc nuối. Lúc này, trời còn lờ mờ tối, tiếng gà gáy xao xác từ phía bên kia cánh đồng vọng lại. Nàng vội quơ lấy sợi vải buộc lại mái tóc, cài lại mấy cái cúc áo rồi đứng lên nói với Tâm đang nằm bên cạnh:

– Em đi đây! Anh cũng nên về sớm.

Về đến nhà mẹ chồng trời còn chưa sáng rõ. Bà Giáo Thuận đang ngồi trên chiếc tràng kỷ cắt đặt công việc cho từng người… Nghe tiếng Thùy, Bà Thuận nói vọng xuống:

– Thùy về rồi hả con?

Thùy chưa kịp trả lời, bà Giáo Thuận lại bảo:

– Con với Hoài Anh vào tủ chè lấy toàn bộ chén đĩa đem ra giếng rửa sạch rổi úp vào sóng bát cho ráo nước.

Thùy và cô em chồng bưng hai rổ đĩa chén to đùng, nặng trịch ra giếng, xách nước đổ vào thau nhựa rào rào. Hai chị em vừa làm việc vừa bàn tán sôi nổi về những vụ việc vừa mới xảy ra trong ngành Giáo dục đang dậy sóng trên các trang mạng xã hội. Trong gian bếp, tiếng gà vịt bị cắt tiết kêu quang quác, tiếng chày quết chả thùm thụp, tiếng than củi nổ lép bép trong các bếp lửa hồng, tiếng dao thớt khua bầm bập, tiếng cười nói râm rang… Gian nhà trên đèn đã bật sáng trưng. Tuấn với hai cậu em họ đang chưng bày bánh, trái, hoa tươi, trà rượu trên các bàn thờ. Mùi nhang trầm lan tỏa trong làn sương sớm thơm phưng phức. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày giỗ kỵ, họ hàng ở chung quanh, thêm mấy người hàng xóm đến phụ giúp bà Giáo, không khí trong nhà vì thế mà trở nên rộn ràng nhộn nhịp khác hẳn ngày thường.

Giữa trưa, các mâm cỗ được dọn ra trên nhà ngang. Bà con nội ngoại, khách khứa tùy theo vai vế, tuổi tác mà mời ngồi vào vị trí thích hợp. Riêng Thùy lộ vẻ bất an, thi thoảng nàng đưa mắt ngóng nhìn ra đầu ngỏ…

Nhìn đám cháu con có mặt trong ngày giỗ chồng, bà Giáo Thuận nói với mấy người bạn:

– Mặc dù rất bận rộn trong cuộc mưu sinh, nhưng đến ngày giỗ kỵ, tết nhứt, con cháu giòng họ về đông đủ tôi mừng lắm các bác ạ. Bà Thuận chiêu thêm ngụm nước – Thằng Thảo nhà tôi vừa được Bộ thông tin truyền thông đề cử làm phóng viên thường trú tại Canada nên ngày giỗ năm nay chưa về được. Giọng bà bỗng chùng xuống – Năm nay chỉ thiếu thằng Tâm. Tội nghiệp! Nó ra đi lúc còn quá trẻ!

Đang loay hoay thu dọn ly tách ngổn ngang trên bộ phản gõ, nghe mẹ nói đến Tâm, Thùy vội lên tiếng:

– Anh Tâm đi đâu vậy mẹ?

Bà Thuận quay lại phía cô con dâu trưởng, ngạc nhiên hỏi:

– Con không biết Tâm mất rồi à? Tâm mất thiếu 4 ngày nữa là giáp năm? Bà Thuận giải thích thêm – đêm trước ngày giỗ bố chồng con năm ngoái, Tâm nó ra đồng canh nước ruộng bị cảm lạnh. Bốn ngày sau mới phát bệnh rồi đột ngột qua đời!

Sau câu nói của bà mẹ chồng, Thùy nghĩ thầm, chắc là mẹ nói đến anh Tâm nào đó chứ anh Minh Tâm mình mới vừa chia tay kia mà! Rồi nàng lại tự hỏi: Trong cánh họ Trần ngoài anh Minh Tâm ra đâu còn anh Tâm nào nữa?

Những câu hỏi chưa có đáp án mỗi lúc càng xoáy sâu làm đầu óc nàng thêm bối rối, không còn tập trung vào công việc của mình. Bà Thuận bảo mang thêm mấy cái ly con, Thùy lại đem lên cái phích nước! Bảo thay trà mới trong bình, chị chỉ chế thêm nước sôi!

Thấy mặt cô con dâu trưởng có nét bơ phờ, bà Giáo kêu lại nhẹ giọng:

– Chắc tối qua mầy với cô em họ nói chuyện suốt đêm nên mất ngủ? Con vào buồng nằm nghỉ cho lại sức.

Không còn việc gì để làm, Thùy cảm ơn mẹ rồi quay lưng đi vào phòng ngủ liền kề với gian nhà ngang.

Nằm trong buồng, úp mặt vào gối, những câu hỏi cứ ong ong, vặn xoáy vào đầu khiến tâm trí chị rối bời: “Tâm nào mất đã gần giáp năm? Tâm nào mình vừa gặp tối qua? Ngoài anh Tâm con bác cả Lập thì cánh họ Trần còn ai tên Tâm nữa? Nếu có sao lâu nay mình không biết?”… Trong lúc thần kinh não bộ đang căng cứng, bỗng lóe lên trong đầu một cái tên Tâm khiến người nàng nhẹ hửng và tự trách mình lú lẫn. Quả thực bên họ ngoại của chồng còn có một người tên Tâm, đang sống bằng nghề làm nông tại Cà Mau. Vì đường sá xa xôi nên anh ấy ít khi về thăm quê ngoại. Hình như hôm đám cưới anh ấy có về chúc phúc, năm kia, nhân ngày giỗ ông nội chồng, anh Tâm có về nhưng lúc ấy họ hàng đông lắm nên nàng không chú ý. Đích thị bà Thuận nói về anh Tâm này rồi. Nghĩ vậy nên chị thở phào như vừa trút bỏ gánh nặng ngàn cân.

Xế trưa, khách khứa lần lược ra về. Bà Giáo Thuận gọi Thùy ra ăn cơm. Thùy vào toilet mở vòi, vốc nước lên mặt cho tươi tỉnh. Bàn ăn lúc này toàn người nhà, Thùy ngồi vào bàn chứ chị không thấy đói.

Đang ăn, bà Thuận chống đũa thở dài, mắt rươm rướm…

Biết mẹ buồn vì chuyện vợ chồng chị Thùy anh Thảo, Tuấn và Hoài Anh ngầm đưa mắt nhìn nhau chia sẻ.

Bà Thuận âu yếm nhìn con dâu, nói giọng xúc động:

– Thùy ăn cơm đi con. Hồi sáng giờ con chưa ăn gì mà! Bà thở dài – Rất tiếc ngày giỗ năm nay vắng chị Hương Trà! Hôm nào rỗi mẹ sẽ đến thăm!

Sau khi dọn dẹp xong, Thùy xin phép mẹ ra về để kịp chuyến xe bus 15 giờ 30. Bà Thuận giục Hoài Anh lấy xe máy đưa chị dâu ra bến xe.

Thùy bảo:

– Thôi mẹ, để cô ấy nghỉ, chiều còn tiếp bạn bè. Con đi bộ 10 phút là đến bến xe mà.

Nhìn cô con dâu trưởng rời khỏi sân nhà với dáng vẻ liêu xiêu, bà Giáo Thuận thấy lòng xốn xang, rưng rưng nước mắt.

Rời nhà mẹ chồng, thay vì ra bến xe, Thùy xăm xăm băng qua cánh đồng làng tiến vào bãi tha ma lần tìm vị trí mà nàng đã gặp Tâm vào tối hôm qua. Loanh quanh một lúc, chị bắt gặp tấm vải nhựa vẫn còn bên ngôi mộ mới. Thùy bước thêm vài bước nữa… Chị bỗng đứng khựng lại, mồm há hốc, toàn thân tê cứng, tim như ngừng đập. Một cảm giác rờn rợn chạy dọc sống lưng khiến đôi chân của chị khụy xuống, may mà chị kịp đưa hai bàn tay bám lấy tấm mộ bia. Tấm bia có gắn ảnh bán thân của Tâm. Dưới tấm ảnh có khắc ba chữ “TRẦN MINH TÂM” và những con số định mệnh: “Mất ngày 16 tháng 4, năm 200..”. Sau cảm giác sợ hãi, một nỗi đau đớn xót xa tràn ngập lấy tâm hồn Thùy. Tay vẫn bám chặt vào tấm mộ bia, đôi vai chị cứ run lên bần bật. Thùy muốn khóc, khóc thật nhiều để vơi bớt nỗi đau đớn đang cuồn cuộn dâng lên đến tột cùng, nhưng nàng không khóc được. Tâm đã mất, mất thật rồi, mất sau cái đêm hai người gặp nhau năm ngoái. Mặc dù Tâm đã vĩnh viễn ra đi, nhưng vì yêu chị nên hồn phách còn vương vít, vẫn thực hiện lời hứa hẹn năm nào.

Càng về chiều. khu nghĩa trang càng hoang vắng. Trong làn gió heo may, tiếng cuốc khắc khoải thê lương vọng về từ cõi xa nào đó. Thùy bùi ngùi lấy bàn tay xoa lên mặt tấm ảnh của Tâm một lượt rồi cố vịn lấy tấm bia mộ lảo đảo đứng lên, lặng lẽ rời khỏi khu nghĩa trang.

Chiều nhập nhoạng, gió từ cánh đồng xa xao xác thổi, trên con đường quê dài hun hút, một bóng người nhỏ nhắn đang lầm lũi bước đi, đi mãi về phía hoàng hôn….

T.Q.L