Phan Thị Vàng Anh và nỗi buồn đến sớm

535

Vương Trí Nhàn

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà văn Phan Thị Vàng Anh sinh ngày 18 tháng 8 năm 1968 tại Hà Nội, còn có bút danh là Thảo Hảo; là con gái của nhà thơ Chế Lan Viên và nhà văn Vũ Thị Thường. Bà tốt nghiệp Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh năm 1993, hiện sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1996. Năm 2005, bà được bầu làm Ủy viên ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 7.


Nhà văn Phan Thị Vàng Anh.

Khuôn mặt đăm chiêu của tuổi trẻ hôm nay, qua các sáng tác của Phan Thị Vàng Anh

Xuyên là một cô gái đầy mâu thuẫn, “ngông nghênh mà lại sợ dư luận; ăn nói ác độc kiêu căng mà lại rất tự ti”. Điều khốn khổ là con người “thích đấy rồi lại chán đấy” ấy bỗng nhiên lại đi yêu! Yêu cho vui thôi, ai cũng nghĩ thế và chắc cô cũng nghĩ thế. Nhưng đến một lúc nào đó, thì hóa ra, với cô, sống cũng chỉ là sống cho vui. Một liều thuốc ngủ chắc chắn trong một phòng khách sạn cửa khóa chắc chắn đã là mhững nét vẽ cuối cùng hoàn chỉnh cái chân dung của một con người trẻ tuổi nơi cô, cái lứa tuổi mà theo Phan Thị Vàng Anh, ít ai biết rằng “người ta điên đến mức nào, cần có bạn bè để an ủi bao nhiêu, người ta lại thích trả thù nữa chứ” (Khi người ta trẻ, bản in 1995, tr.57).

Bằng một cách có lẽ là không tình cờ chút nào, Phan Thị Vàng Anh đã chọn cho thiên truyện chúng tôi vừa tóm tắt cái tên Khi người ta trẻ. Và sự thách thức của tác giả được đẩy lên một mức nữa, khi nó được chọn làm tên chung của cả tập. Từ nay trở đi, nó không chỉ liên quan đến sự lựa chọn nhân vật, mà còn cho thấy một cách hiểu về nghệ thuật. Nói cho to tát một chút, thì nó giống như một tuyên ngôn: Muốn chứng minh sự có mặt của mình trong văn chương, mỗi người phải có cách hình dung của mình về đời sống. Mỗi nhà văn phải là một điểm nhìn, một cách quan sát, một chỗ đứng mà chỉ riêng người đó có.

Cuộc sống tẻ nhạt

Nhìn dưới góc độ ấy, sắc thái thấy rõ nhất của cuộc sống được miêu tả trong tác phẩm của Phan Thị Vàng Anh là sự tẻ nhạt. Cuộc đời nói chung giống như một thứ “trò ấm ớ” (Khi người ta trẻ, tr.45). Nó vốn nhàm chán, như một buổi lễ cúng đình nham nhở, lại càng nhàm chán khó tiêu hơn, bởi ngay những người già, hay đi lễ, cũng không biết ăn vận, cư xử thế nào là sai thế nào là đúng (Hội chợ, các trang 46, 49). Không sao có nổi những biến động lớn, cuộc sống ở đây dề dà, vơ vẩn và nhiều khi ngả sang kỳ quặc, dị hợm. Như những bữa cơm tẻ ngắt (Hội chợ, tr.20). Như cái hòn non bộ tạp nham, cọc cạch (Hội chợ, tr.82). Như một chuyến pích- ních ngớ ngẩn không đâu vào đâu (Cuộc ngoạn du ngắn ngủi). Như cái miền đất “mới đến mà đã thấy buồn” (Đất đỏ, in trong Khi người ta trẻ, tr.100) nhất là nó giống như những mối tình ba vạ, hoặc trai gái lệch tuổi và chẳng hiểu gì nhau, vừa yêu vừa tự hỏi “chuyện này sẽ kéo dài đến khi nào” (Hội chợ, tr. 92) hoặc những cô con gái yêu những gã con trai đã có vợ rồi, yêu trong khi chưa biết làm gì, yêu để mà càng tuyệt vọng trong cuộc tìm kiếm tình yêu chân chính (truyện Sau những hẹn hò in trong Hội chợ).

Cả đến thiên nhiên trong Phan Thị Vàng Anh cũng không bình thtfờng, mưa là “mưa trái mùa”, còn trăng là “trăng trước rằm lạnh lẽo và cô độc giữa trời cao không mây” (Hội chợ, các tr. 95 và 64). Một điều có thể gọi là nét độc đáo quán xuyến trong hai tập sách đầu của Phan Thị Vàng Anh, là truyện thường ngắn gọn. Mỗi truyện chỉ thu gọn trong dăm ba trang, truyện dài nhất có đủ cả những bể dâu thay đổi, cũng chỉ kéo đến hơn chục trang. Tại sao? Có lẽ là bởi tác giả không sao tìm được hào hứng để kể mọi chuyện cho mùi mẫn sôi nổi hơn. Hình nhtf với những “trò ấm ớ” này, thì chỉ cần cái hình thức cũng lụn vụn ấm ớ như thế, đã đủ rồi chăng? Người ta phân vân tự hỏi. Chỉ có điều chắc, do biết quá nhiều, nên mặc dù chỉ xem tất cả như những trò đùa nhạt nhẽo, song tác giả soi vào đâu cũng ra cái để viết, nhìn đâu cũng thấy truyện, và luôn luôn hứa hẹn cung đốn cho chúng ta những cuộc vui nho nhỏ.

Tuổi trẻ bất hạnh

Trở lại với nhân vật Xuyên trong thiên truyện mang tên Khi người ta trẻ. Thật ra, loại nhân vật dám có phản ứng dứt khoát như thế trong Phan Thị Vàng Anh là một cái gì ngoại lệ. Phổ biến hơn, đám người trẻ tuổi trong Phan Thị Vàng Anh là loại sống nặng nề, cam chịu. Làm, họ thẫn thờ buông xuôi. Nói, họ nhát gừng, vớ vẩn, vậy mà sau mỗi lần buộc phải mở miệng, họ thường xuyên nhận ra mình nói dối như mọi người, rồi lại buồn bã nghĩ rằng lẽ ra, mình không nên nói, bởi, nhìn xem, có ai hiểu đúng mình đâu! Lần về tới tận bản chất con người, thật ra đâu có phải họ thuộc loại vô cảm, như chính họ tự nhận. Hãy xem như ở thiên truyện Mưa rơi. Đây là cảm tưởng cô gái, khi đèo người mẹ ở buổi họp tổ hưu trở về: “Tôi chở mẹ qua những ruộng rau muống ếch nhái đã bắt đầu kêu ì uỗm, đi qua những hàng tre bị mưa quật ngã, thấy sao lạ thế này, sao như chở một em bé từ vườn trẻ về thế này cũng mong manh và cần thông cảm” (Hội chợ, tr. 102). Ấy thế nhưng giữa bà mẹ và con gái vẫn là cả một trời vô lý cách biệt. Bà mẹ không sao diễn tả nổi những gì mà mình đã trải trong chiến tranh. Còn người con gái thì vẫn cái nhìn xoáy sâu vào mọi chuyện (khiến bà mẹ phải kêu lên là cô ác độc), và những ám ảnh về hạnh phúc không sao giải tỏa nổi. Tóm lại trước mắt chúng ta là những con người có cuộc sống tinh thần đa dạng, tầng nọ lớp kia chồng chéo, mà không phải chỉ có cái sắc thái nhờ nhờ xam xám, cái nét mặt cau cau như bên ngoài ai cũng thấy. Chính loại nhân vật này đã tạo nên cái giọng điệu riêng của văn xuôi Phan Thị Vàng Anh – đó là cái giọng tự kiềm chế, nói nửa câu lấp lửng mà đôi lúc như là bi đát, nghẹn ngào.

Hai sự khác biệt

Đã nhiều lần các thế hệ trước than phiền một cách chính đáng về lớp trẻ lớn lên sau chiến tranh. Họ thực dụng. Họ ích kỷ. So với cha anh, họ có cảm giác sâu sắc hơn về tự do. Chết một nỗi, cái cảm giác tự do đó, thiếu một cơ sở văn hóa làm nền tảng, nên trong đời sống hàng ngày, nhiều khi họ đi tới nhẫn tâm (dù đôi khi không cố ý) và sẵn sàng tranh cướp chỗ của người khác để sống.

Từ những trang viết của Phan Thị Vàng Anh, người ta bắt gặp một lớp trẻ có diện mạo khác, mà nét căn bản là một đời sống tinh thần sâu sắc, tinh tế, được ánh sáng của văn hóa hướng dẫn. Họ là hình ảnh đảo ngược của lớp trẻ thực dụng trên kia vừa nói. Song đây cũng không phải là lớp trẻ bồng bột, non nớt, như người ta quen nghĩ vì thế mà nhiều người cứ thấy lo lo về họ. Có điều, nếu có dịp nhìn rộng ra một chút thôi, người ta sẽ thấy ở nhiều nước trên thế giới, thanh niên thời nay đều chung một tình cảnh như vậy. Không giống cha anh, nhưng các nhân vật của Phan Thị Vàng Anh, lại giống cái thời đại mà họ đang sống, và đây là lý do chính mà người ta phải thông cảm và bàn bạc với họ, hơn là xét đoán và chê trách họ.

Thêm một nụ cười cho cuộc chơi

Đọc Phan Thị Vàng Anh, nhà phê bình Huỳnh Như Phương đã sớm nhật xét rằng cái thế giới được miêu tả trong Khi người ta trẻ có phần giống với một cái sân chơi, ở đó, các nhân vật chơi đủ thứ, từ những trò “ấm ớ” “vớ va vớ vẩn” cho đến những trò “điên rồ”, “ngông cuồng” nhất. Sự liên tưởng có cái lý của nó. Sau những mệt mỏi trước việc đời, điều duy nhất làm cho các nhân vật của Phan Thị Vàng Anh có một chút nghị lực tiếp tục sống là trở về với ý niệm rằng mình đang tham gia một cuộc chơi. Trong một thiên truyện buồn bã như Sau những hẹn hò, nhân vật cô gái xưng “tôi” nghĩ về người yêu hờ của mình “nhờ có vợ, anh mới trở thành một trò chơi lạ đối với tôi, không ràng buộc, không ai được hy vọng”. Có điều “chữ chơi kia cũng có dăm bảy đường”. Trong Hoài cổ, cũng như trong Kịch câm, cảm giác trò chơi đồng nghĩa với nhận thức về một kiếp sống cay đắng, khốn khổ mà người ta buộc phải sống. Nếu ở những Xe đêm, Quà kỷ niệm, Hội chợ người ta gặp những cuộc chơi gượng gạo, buồn tẻ, thì tới Đất đỏ, trước mắt ta lại là cuộc chơi tàn bạo của tạo hóa, trong đó, những gì sinh động tài hoa thì mất, những gì ngơ ngẩn vô hồn thì còn. Bấy nhiêu những trường hợp lẻ tẻ kết cả lại, gợi nên nét thần thái riêng trong các trò chơi mà Phan Thị Vàng Anh miêu tả.

Tuy nhiên có một điều kiện để trò chơi thành công, đó là một chút ngớ ngẩn, khả năng dễ bị lừa và trước tiên như là biết đánh lừa mình, khả năng sống khá lâu với các ảo ảnh để rồi tìm ra sức sống, nghị lực, săn đuổi các ảo ảnh, và từ đấy mang lại ý nghĩa cho cuộc đời… thì các nhân vật của Phan Thị Vàng Anh lại thiếu. Không chỉ tác giả (như Huỳnh Như Phương nhận xét) mà hầu như tất cả các nhân vật của Phan Thị Vàng Anh đều quá tỉnh. Luôn luôn, họ biết mình đang chơi, nên không sao có được sự hết mình vì cuộc chơi. Nét mặt họ cau có đăm chiêu, tâm lý họ khi ngổn ngang khổ sở, khi trống trải bơ vơ, bởi luôn luôn bị ám ảnh là hình như mọi chuyện hỏng hết rồi, không sao cứu vãn nổi! Không, tình thế không bi đát đến như vậy – mặc dù biết mỗi cây bút đều có cái tạng riêng, mỗi nhà văn phải đi đến cùng trên con đtfờng đã chọn, song người ta vẫn không thể đồng ý với Phan Thị Vàng Anh hoàn toàn và muốn ngòi bút ấy tìm lại vẻ hồn nhiên tươi tắn như nó có. Chính tác giả đã hai lần tạo ra ngoại lệ trong truyện của mình. Vốn ghét cay ghét đắng sự già nua, song trong đoạn kết Hội chợ, nhà văn này đã ngả sang cái giọng rất bình thản, rất biết điều, thậm chí như là hơi cổ điển nữa, khi để cho nhân vật Thảo nghĩ lại về mối tình bơ vơ của mình. “Và Thảo mở những cái thư cũ ra xem, vẫn thấy ngọt ngào, vẫn thấy vui, chỉ thấy rằng hóa ra mình đang hồn nhiên thực hiện cái thiên chức của phụ nữ là chờ đợi” (Hội chợ, tr.11). Và hào hứng hơn cả là truyện Thương, ở đó, một người con gái tự nhiên nhẹ nhõm đi qua cuộc sống bình thường của một gia đình mà khiến cho cả mấy thế hệ trong gia đình cùng xao động. Tuy già hơn nhiều nhân vật choai choai khác thường xuất hiện trong truyện của Phan Thị Vàng Anh, song Thương lại có cái trẻ trung riêng, một thứ trẻ trung tự nhiên, khiến cho người ta không khỏi ước ao giá bên cạnh loại nhân vật thất thường, đỏng đảnh mà thực ra già nẫu ra, như Xuyên, loại nhân vật như Thương này đi về thường xuyên hơn, thì biết đâu, dưới ngòi bút Phan Thị Vàng Anh, người ta chả đọc ra những thiên truyện có sắc thái cận nhân tình hơn, mà cũng là gần với đời sống hơn nữa.

V.T.N