05.4.2018-07:30
Cố Thủ tướng Phan Văn Khải
Phan Văn Khải – di sản và những điều dang dở
NGUYỄN QUANG ĐỒNG
Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS)
NVTPHCM- Kinh tế thị trường ở Việt Nam vẫn còn dang dở. Những gì mà cố Thủ tướng Phan Văn Khải gầy dựng và để lại vẫn mới chỉ là điều kiện cần. Cải cách và đi sâu vào kinh tế thị trường – nền tảng cho thịnh vượng và phát triển – vẫn là công việc đầy chông gai phía trước.
Di sản chính sách
Bằng chứng trước nhất là hệ thống pháp luật và các thiết chế kinh tế thị trường của Việt Nam – được gây dựng từng bước trong suốt thập niên 1990 – có công đầu của Chính phủ mà ông Khải nắm vai trò lãnh đạo. Với mọi hệ thống kinh tế thị trường, luật về công ty, luật về giao kết hợp đồng, luật cạnh tranh, luật phá sản, và luật về tài sản là những viên gạch nền tảng nhất, từ đó tạo dựng khuôn khổ pháp lý cho thị trường hoạt động. Các luật cụ thể như doanh nghiệp, đất đai, dân sự, hình sự, cạnh tranh, thương mại, phá sản, sở hữu trí tuệ… trên thực tế đều đã được chuẩn bị bởi Chính phủ của ông.
Di sản lớn thứ hai của ông Khải, đó là Chính phủ của ông đã hoàn tất cơ bản tiến trình đàm phán đưa Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Cần nhấn mạnh lại rằng, tham gia WTO không chỉ là mở cửa thị trường, để Việt Nam trọn vẹn tham gia vào sân chơi toàn cầu. Cái “được” thường được nói của WTO là hạ thấp thuế khóa để doanh nghiệp Việt Nam tìm đường ra thế giới làm ăn. Nhưng song song với đó, một cái được nữa, không đo đếm được bằng tiền, là cải cách hệ thống pháp lý để Việt Nam hòa mình vào chuẩn mực thế giới. Bởi để vào WTO, luật chơi trong nước – tức hệ thống pháp lý quốc gia – cũng phải điều chỉnh để phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
“Gia sản” ông Khải để lại, vì thế không hữu hình, không nhìn thấy được như người tiền nhiệm, như “đường dây 500 KV Bắc – Nam” chẳng hạn, mà là những giá trị vô hình không thấy được, cũng khó lượng hóa bằng tiền nhưng lại cực kỳ quan trọng. Đó là tiến trình hiện đại hóa hệ thống thể chế và pháp luật về kinh tế thị trường ở Việt Nam.
Và những điều dang dở
Trước lúc rời nhiệm sở, hai trong số những “tài sản” lớn nhất mà ông Phan Văn Khải để lại cho Thủ tướng kế nhiệm là một hệ thống kinh tế thị trường đã cơ bản định hình và tiến trình đàm phán để gia nhập WTO đã cơ bản hoàn tất. Nhưng “định hình” chưa có nghĩa là hoàn chỉnh. Trên hai phương diện vừa nhắc, những công việc kế tiếp để xây dựng một hệ thống hoàn chỉnh và đi vào chiều sâu của kinh tế thị trường vẫn cần phải tiếp tục.
Vào WTO mới giúp hạ “barrie” – rào cản thương mại quốc tế; nhưng để doanh nghiệp trong nước có nội lực, đủ mạnh để cạnh tranh ở sân nhà lẫn sân chơi quốc tế, phá nốt những “rào cản bên trong biên giới” (thuật ngữ chuyên môn giới kinh tế gọi là barriers behind borders) – quan trọng không kém. Trong những “rào cản” đó, giấy phép con và điều kiện kinh doanh là thứ nhức nhối nhất. Bởi giấy phép con tạo ra vô số những hệ lụy: tạo phân biệt đối xử và ngăn cản doanh nghiệp nhỏ và vừa gia nhập thị trường và cạnh tranh lành mạnh; tạo ra nhũng nhiễu, tham nhũng của bộ máy công quyền và tăng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp. Dưới thời ông Khải, chống giấy phép con là ưu tiên cao và được làm rốt ráo, nhưng rồi Chính phủ kế nhiệm lại lơ là, để giấy phép bùng phát và khiến môi trường kinh doanh xấu đi.
Trên phương diện thứ hai, hoàn chỉnh các thiết chế kinh tế thị trường – công việc mà Chính phủ ông Khải còn chưa hoàn thành, cũng đã không được tiếp tục theo lộ trình nhanh chóng. Đơn cử hai trong số những việc quan trọng nhất: hình thành cơ quan cạnh tranh quốc gia và các cơ quan điều tiết thị trường (regulatory agency). Cạnh tranh là nguyên tắc cốt lõi của mọi nền kinh tế thị trường. Một cơ quan cạnh tranh quốc gia mạnh để xử lý các vi phạm cạnh tranh là yếu tố quan trọng để thúc đẩy doanh nghiệp có thể làm ăn và cạnh tranh công bằng, minh bạch. Nhưng Chính phủ ông Khải lẫn người tiền nhiệm và kể cả Chính phủ hiện nay vẫn đang “bỏ quên” thiết chế tối quan trọng này. Trên các thị trường cụ thể (industry), các cơ quan điều tiết thị trường độc lập – thiết chế kỹ thuật giúp tạo dựng luật chơi, xử lý các tranh chấp và xung đột của thị trường – vẫn hoàn toàn vắng bóng. Những điều này, vừa tạo thêm “đất”, đồng thời càng làm trầm trọng thêm tình trạng các “đại gia”, doanh nghiệp thân hữu lũng đoạn chính sách và thị trường như trong suốt một thập niên gần đây.
Tài sản của ông Khải để lại, dù tạo ra điều kiện “cần”, nhưng “điều kiện đủ” mà Chính phủ kế nhiệm cần tiếp tục đã chưa được thực thi trọn vẹn.
TBKTSG
>> XEM TƯ LIỆU THAM KHẢO KHÁC…